Tục cầu mưa của người Thái làng Hiềng, Bá Thước
- Làng Hiềng là quê hương lâu đời của đồng bào Thái thuộc Mường Kỷ – một vùng nổi tiếng có nhiều lúa gạo và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Xưa kia vùng đất này có tên gọi Kha Mo, xã Kỷ Luật, tổng Thiết Ống, châu Quan Hóa, phủ Quảng Hóa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bản Hiềng thuộc xã Văn Nho, huyện Bá Thước. Đến năm 1964, xã Văn Nho chia thành ba xã, làng Hiềng thuộc xã Kỳ Tân ngày nay.
Từ bao đời nay, trong sinh hoạt cộng đồng, lao động sản xuất, chống chọi với thiên nhiên cũng như trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đồng bào Thái ở làng Hiềng đã hun đúc nên những tập tục, tín ngưỡng tôn giáo mang sắc thái văn hóa riêng, tiêu biểu là các điệu Khặp như Khặp Ơi (dân ca ngoài trời), Khặp tiếp khách (trên sàn), Khặp Xoi (hát kể chuyện thơ) và nhiều trò dân gian đặc sắc: trò Phặt Cong hang (trò đám ma), vv... Trong đó, tục cầu mưa là một trong những lễ tục đặc sắc. Nó là sản phẩm văn hóa tinh thần, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa của đời sống tộc người – văn hóa lúa nước ở vùng thung lũng chân núi.
Tục cầu mưa của đồng bào Thái ở làng Hiềng gọi là trò “Ủa lúm – Ủa lang”. Trò này có từ lâu đời và được lưu truyền cho các đời sau. Không rõ vì sao lại gọi như vậy, chỉ biết rằng “Ủa lúm – Ủa lang” là câu mở đầu của bài xướng ca trong tục cầu mưa của đồng bào Thái ở Mường Kỷ (nay thuộc xã Kỳ Tân và xã Văn Nho), Mường Khoòng (xã Cổ Lũng), huyện Bá Thước.
Tục cầu mưa không diễn ra hàng năm mà chỉ khi nào hạn hán kéo dài, khi ấy dân bản lại bàn nhau đi cầu mưa.
Bấy giờ các già làng bàn với một người phụ nữ góa bụa, vừa có uy tín trong bản, vừa biết làm thầy cúng, đứng ra làm chủ trò, gọi là Ệt Mé. Đầu tiên, Ệt Mé cho người loan báo tin trước một ngày đến từng gia đình trong bản biết việc đi cầu mưa. Rồi chọn khoảng 8 – 10 người phụ nữ giúp việc. Những người này phải biết múa hát thành thục, người thì mang cái “dăng” đồ nghề của Ệt Mé, người mang cái “đớp” (bế) trên lưng, người thì gánh hai cái “dón” để đựng thóc gạo của dân bản cho. Số còn lại, theo Ệt Mé đi “Ủa lúm – Ủa lang”. Ngoài lực lượng trên, còn đông đảo nam nữ thanh niên, trẻ con trong bản đi theo.
Về cách thức đi “Ủa lúm – Ủa lang” tiến hành từ 1 đến 3 ngày, mỗi ngày một lần. Trong ngày đầu hoặc ngày thứ hai cầu được mưa thì kết thúc. Nếu sau 3 ngày, Ệt Mé “đi xin” không được mưa thì sang ngày thứ tư lập đàn cầu mưa.
Diễn biến trò “Ủa lúm – Ủa làng” như sau: Vào buổi chiều tối, khi mọi người đã đi làm đồng, làm ruộng nương về, Ệt Mé đi đầu đoàn người, tay chống gậy, đầu đội nón rách đi đến từng nhà trong bản. Đến trước mỗi nhà, Ệt Mé và đoàn người đứng dưới chân cầu thang, chủ nhà ra mở cửa chính và cửa sổ có ý chào đón. Ệt Mé xướng lời bài hát “Ủa lúm – Ủa lang” để cho cả đoàn hát theo. Hát theo nhịp đồng dao:
Ủa lúm ơi Ủa lang
Trai bản này lủng lẳng dưới chàn
Gái bản này “man tang phạ lạnh”
Trời hạn trời không mưa
Tối đến xin nước mường buôn xuống làm mạ
Xin nước mường trời xuống làm ăn...
Trong khi đám “Ủa lúm – Ủa lang” đang hát, chủ nhà đem một ít gạo (hoặc ngô, sắn...) đứng trên cầu thang hắt xuống, người giúp việc cho Ệt Mé giơ cái mẹt hứng lấy bỏ vào “dón”. Bài hát kết thúc bằng tràng vỗ tay reo hò của đoàn người đi xin mưa. Cùng lúc này, chủ nhà nâng chậu nước lã đã để sẵn ở cầu thang té nước xuống đầu đoàn người. Mọi người xô nhau chạy ra ngõ, đi sang nhà khác.
Cách thức như trên, Ệt Mé dẫn đoàn người đến từng nhà trong bản. Xong xuôi, Ệt Mé và những người giúp việc trở về nhà mang theo những thứ dân bản cho đổ dồn lại để đổi lấy lễ vật cúng trời đất thần linh. Những người khác tỏa ra các ngõ, ai về nhà nấy.
Ngày thứ hai và ngày thứ ba, Ệt Mé lại đến từng nhà “xin mưa” như lần trước mà vẫn không có mưa, thì ngày thứ tư Ệt Mé cùng dân bản lập đàn tế cầu mưa ở một nơi cạnh suối Bo, gọi là Băng Tá Mặn và Băng Khoai Khám.
Tại đàn tế, lễ vật tế trời đất và các thần linh được bày ra. Cùng lúc, ở một bãi đất gần đàn tế, dân bản chuẩn bị các trò chơi, trò diễn dân gian. Mọi việc chuẩn bị xong, Ệt Mé trong trang phục chủ lễ cùng ban lễ tiến hành khấn xin ông trời và các thần linh cho mưa xuống để dân bản lấy nước làm mùa. Nội dung bài văn tế dài 178 câu chia làm 3 phần: Mời thần linh đến ăn cơm (Mơi ngai), uống rượu (Mơi láu) và lời tiễn đưa các thần linh (Xúng mưa).
Lời mời các thần linh xơi cơm (dài 125 câu):
... Bởi vì bản tôi không có cái ăn
Bởi vì bản tôi đang kỳ hạn hán
Tôi mới xin nước trời xuống làm mạ
Tôi đến xin nước trời xuống làm mùa
Tôi có mâm có cỗ mời thần linh đến xơi
Có cơm có rượu tôi mời các ngài đến...
Lời mời các thần linh uống rượu (dài 29 câu):
Tôi có chỉnh rượu hoa đến mời các thần
Tôi có chỉnh rượu cần đến mời các đấng linh thiêng
Rượu gạo tôi thơm ngon
Rượu gạo khon thơm ngọt
Rượu nếp cái thơm bùi
Mời các ngài ngồi xa xúm lại...
Hoặc lời văn tiễn đưa các thần về (dài 24 câu):
... Tôi xin nói lời chào tiễn đưa về cửa
Tôi xin có lời chào tiễn đưa về nhà
Ai ở đâu thì về nơi đó
Nhờ các ngài giữ yên cho mường, cho bản.
Sau khi Ệt Mé kết thúc phần lễ cầu mưa, mọi người kéo nhau đến uống rượu cần, không phân biệt già trẻ gái trai, ai đến trước uống trước. Uống xong, mọi người hò dô xô đẩy nhau xuống suối tắm, té nước vào nhau, làm trò đuổi bắt thuồng luồng. Ở trên bờ, cùng với việc biểu diễn khua luống, cồng chiêng diễn ra các trò chơi dân gian như đánh trống đất, đánh cù, biểu diễn cà khoeo, đánh Ky (ToKy), cưỡi ngựa ném khăn, tó lẹ, trò chơi rồng rắn... Tiếng hò reo cổ vũ khích lệ các trò chơi, trò diễn hòa cùng âm thanh cồng chiêng, nhịp điệu khua luống huyên náo một vùng rừng núi.
Thường thì kết thúc bằng hiện tượng trời trảo mây mưa, mọi người vui mừng reo hò chạy vào một ngôi nhà sàn cùng nhau khua luống, múa hát mừng trời đổ mưa xuống. Trong đó, Ệt Mé và những người giúp việc diễn trò “Chống nhà”. Lời hát diễn trò như sau:
“Chống lấy sáu cột chôn
Chống lấy bốn cột dựng
Giữ lấy ống nước mát
Gió thổi quạt đừng rung
Gió quật ngang đừng đổ”.
Nhiều thập kỷ đã qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tục cầu mưa của đồng bào Thái ở làng Hiềng hầu như bị quên lãng. Song giá trị đích thực của nó lại luôn trỗi dậy trong tâm thức của đồng bào, nhất là những lớp người cao tuổi, như là một phần hồn của người làng Hiềng. Do vậy, tục cầu mưa của người Thái ở làng Hiềng, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước là di sản văn hóa phi vật thể rất đáng trân trọng bảo tồn và phát huy giá trị của nó, đặng góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa các dân tộc xứ Thanh nói riêng, của cả nước nói chung.