Tin Nhật - Việt
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời phỏng vấn về ODA(LĐĐT) - Vào lúc 17h30 chiều 23.2 tại Thủ đô Tokyo, sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ KHĐT Việt Nam Võ Hồng Phúc, Ngoại trưởng Nhật Bản Nakasone đã chính thức tuyên bố việc Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nối lại viện trợ ODA cho Chính phủ Việt Nam.Như vậy, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho VN vay năm 2009 lên tới con số kỷ lục là 6 tỉ USD. Nguồn vốn vay ưu đãi này trước mắt sẽ được tập trung cho 4 dự án là: Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội; Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2; Dự án thoát nước và cải tạo môi trường thành phố Hải Phòng; Dự án nâng cấp hệ thống cầu và đường trên các tuyến tỉnh lộ. Công hàm trao đổi cho 4 dự án nói trên, dự kiến sẽ được ký ngay trong tháng ba tới.
Hai bên cũng đã nhất trí về việc Chính phủ Nhật sẽ tiếp tục cử các chuyên gia đến VN nghiên cứu một số dự án lớn để chuẩn bị cho các năm tài khóa tiếp theo. Đó là dự án xây dựng cảng Lạch Huyện, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Ninh Bình - Thanh Hóa, mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài.
Trước đó, nhằm đảm bảo nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật dành cho VN được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, chính phủ hai nước đã thành lập một ban công tác hỗn hợp, do Bộ KHĐT VN và Bộ Ngoại giao Nhật Bản làm đầu mối, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn vay này tại các dự án.
Phóng viên Báo Lao Động - đang có mặt tại Tokyo, đã phỏng vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc về những vấn đề liên quan đến sự kiện này:
- Xin Bộ trưởng cho biết tác động của quyết định này đối với quan hệ hợp tác VN - Nhật Bản?- Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho VN gần 14 tỉ USD, chiếm 1/3 trong tổng số tài trợ của cộng đồng quốc tế dành cho VN. Vốn ODA của Nhật có tác dụng to lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Các công ty Nhật Bản có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận thị trường VN thông qua việc thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, như cung cấp thiết bị, vật tư. Xây dựng cơ sở hạ tầng còn mở ra khả năng đầu tư cho Nhật Bản, vì những tuyến đường đều dẫn đến các khu công nghiệp, cảng biển, tạo ra những điều kiện tốt hơn về cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện các dự án của mình...
Ví dụ như dự án Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - nhờ xây dựng hệ thống đường cao tốc, cầu vượt mà đã trở thành khu công nghiệp lớn nhất ở phía bắc - nơi tập trung đông các nhà đầu tư Nhật Bản. Quan hệ ODA là có đi có lại, vì lợi ích của cả nước nhận lẫn nước cho vay, thúc đẩy các hợp tác kinh tế khác, đưa quan hệ VN - Nhật Bản đến khả năng phát triển ngày một rộng hơn.
- Bộ trưởng có thể cho biết chi tiết về 4 dự án vừa nhận được vốn ODA Nhật Bản?- Đây là những dự án rất quan trọng: Xây dựng hệ thống tàu điện ngầm kết hợp với đường sắt nổi từ phía nam cầu Thăng Long đến đường Trần Hưng Đạo ở trung tâm Hà Nội, nhằm giải quyết vấn đề ách tắc giao thông ở thủ đô; Dự án thoát nước ở Hà Nội sẽ được triển khai tiếp ở giai đoạn 2, tăng cường khả năng thoát nước ở khu vực giữa sông Tô Lịch và sông Nhuệ, giải quyết tình trạng úng ngập ở Hà Nội.
Dự án thoát nước ở Hải Phòng không chỉ bảo đảm khả năng thoát nước, mà còn xử lý cả chất thải rắn, chất thải lỏng ở thành phố cảng. Hệ thống tỉnh lộ giữ vai trò quan trọng đối với phát triển KTXH ở một số địa phương, do vậy một số cầu và tuyến đường ở các tỉnh sẽ được ưu tiên xây dựng.
(
KCN Bắc Thăng Long, nhờ hệ thống hạ tầng xây dựng bằng vốn ODA, đã trở thành KCN lớn, nơi tập trung nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.)
- Bộ trưởng đã thông báo cho các nhà lãnh đạo Nhật Bản như thế nào về tiến trình xử lý vụ PCI tại VN và đâu là điểm mấu chốt để Chính phủ Nhật Bản nối lại ODA với VN?- PCI là một vụ án lớn mà các cơ quan điều tra của VN đang tiến hành. Từ ý kiến và các tài liệu của phía Nhật Bản, VN đã đưa ra các biện pháp xử lý rất nghiêm khắc. Chúng ta đã khởi tố vụ án ngay. Nhưng theo luật pháp VN, muốn khởi tố hoặc bắt tạm giam cá nhân thì phải có đầy đủ chứng cứ để tránh oan sai.
Theo kết quả điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã phát hiện một số sai phạm trong ban quản lý dự án. Hai ông Huỳnh Ngọc Sỹ và Lê Quả đã lấy nhà của ban quản lý dự án cho PCI thuê với mức giá quá cao cho 3 căn phòng, rồi lấy tiền thu được chia cho các cá nhân trong ban quản lý dự án, vi phạm Điều 281 Bộ luật Hình sự VN. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra - Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã quyết định bắt tạm giam hai ông này.
Theo tôi, thái độ kiên quyết của VN trong vấn đề chống tham nhũng và các hành vi vi phạm của các cá nhân VN liên quan đã khiến cho phía Nhật quyết định như vậy. Chúng ta đã thực hiện một số biện pháp tích cực chống tham nhũng trong các dự án ODA, như cùng Nhật Bản thành lập Ban công tác hỗn hợp chống tham nhũng (do Bộ KHĐT VN và Bộ Ngoại giao Nhật Bản làm đầu mối), đề ra các giải pháp cụ thể để phòng ngừa tham nhũng, cam kết duy trì hoạt động thường xuyên của ban công tác hỗn hợp này để phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, 4 dự án kể trên cũng đang ở trong giai đoạn phải thực hiện cấp bách, nên thời điểm đưa ra phù hợp với nhu cầu của cả hai phía. PCI chỉ là một vết bẩn nhỏ trên tờ giấy trắng, hai chính phủ đã hợp tác chặt chẽ để tẩy vết bẩn đó, đồng thời ngăn chặn xảy ra những vụ tương tự.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.Ông Nguyễn Phú Bình - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản: "Chính phủ Nhật luôn luôn mong muốn mối quan hệ mà hai bên đã tuyên bố là "đối tác chiến lược" sẽ được triển khai một cách cụ thể. Tôi cho rằng, việc nối lại ODA dành cho VN sẽ có tác dụng tốt đối với kinh tế VN, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, ảnh hưởng sâu sắc tới cả Nhật Bản lẫn VN. Việc này làm sống động hợp tác kinh tế Nhật - Việt, đồng thời mở ra khả năng VN có thể tranh thủ thêm nguồn hỗ trợ khác của Nhật Bản, đặc biệt là sáng kiến mới đây của Thủ tướng Taro Aso nêu ra tại Diễn đàn Davos - dành 17 tỉ USD trợ giúp các nền kinh tế Châu Á khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu".
Mạnh Cường (từ Tokyo)
Nguồn Laodong.com.vn