Bạn đang xem trang 52 / 68 trang

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 10:07 pm
Viết bởi saosori
Hi tất cả!mình cũng xin giới thiệu về gialai,mảnh đất màu mỡ nổi tiếng với rượi cần ,ai một lần đã uống sẽ không bao giờ quên.hehe
Hồ Tơ Nuêng – Một vẻ đẹp huyền bí của mảnh đất Gia lai

Nằm cách trung tâm TP. Pleiku 6km về hướng Bắc. Biển Hồ, trước đây nguyên là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, với diện tích khu vực 460 ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 250 ha và có độ sâu trung bình 15-18m. Dân trong vùng gọi Hồ là Biển và thế là có tên Biển Hồ.

Hồ mang tên Tơ Nuêng - tên một làng cổ trong huyền thoại. Chuyển kể rằng: Làng Tơ Nuêng xưa to và đẹp lắm, dân bản sống yên vui hòa thuận, bổng một hôm núi lửa ập tới lấp làng Tơ Nuêng, những người sống sót khóc thương làng minh và người thân mãi không nguôi, nước mắt chảy thành suối đổ về làng mà thành Hồ. Hồ giữ lại tên Tơ Nuêng, một kỷ niệm chung của bản làng,... ngày 16/11/1988, thắng cảnh thiên nhiên Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng: Di tích danh thắng.
Biển Hồ ngoài tác dụng trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho dân cư TP. Pleiku, nó còn tạo ra một vùng sinh thái rộng lớn. Đặc biệt là các di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại Biển Hồ đã đem lại một bộ sưu tập hiện vật phong phú, là bằng chứng chứng minh lịch sử lâu đời của mảnh đất Gia Lai tươi đẹp và huyền bí...
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các chuyên gia địa lý, các nhà khảo cổ học thì nếu được đầu tư đúng mức Biển Hồ sẽ trở thành khu du lịch tổng hợp lý tưởng, bởi đây là một trong những tài nguyên du lịch có giá trị của khu vực Bắc Tây Nguyên.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 10:24 pm
Viết bởi saosori
Tiếp theo sẽ là 1 số thác đẹp ở pleiku

Nói đến vùng đất Gia Lai, nhiều người thường nghĩ ở vùng đất thuộc cao nguyên miền Trung nắng gió ấy chỉ có Biển Hồ, thủy điện Yaly, anh hùng Núp... Song một Gia Lai mang vẻ đẹp hoang sơ với nhiều thác nước ẩn náu giữa rừng xanh vẫn còn là điều mới mẻ dành cho du khách mê cảnh đẹp đường rừng.
Thác Công Chúa

Thuộc xã la Mơ Nông huyện Chư Pah, cách TP Pleiku 50km về phía tây bắc, là một thác nước tự nhiên, tuy không cao nhưng địa hình rất đẹp.

Thác nước dàn trải bởi nhiều tầng đá thấp theo chiều xuôi xuống với những bậc lên xuống dễ dàng, nước chảy không dữ dội mà êm đềm. Với vẻ đẹp lãng mạn của mình, thác Công Chúa, đúng như tên gọi, yểu điệu thục nữ như một nàng công chúa giữa chốn rừng xanh.

Thác Phú Cường

Thác thuộc xã Dun, huyện Chư Sê, cách TP Pleiku 45km về phía tây nam. Có độ cao cột nước khoảng 45m, thác Phú Cường được biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên, thảm thực vật xanh tốt, nằm trên dòng chảy suối Ia Peet đổ ra sông Ayun về hạ nguồn xuống hồ Ayun Hạ.

Khu vực thác Phú Cường đang được ngành du lịch lập qui hoạch chi tiết phát triển du lịch.

Thác Ya Ma - Yang Yung


Cách thị trấn Kông Chro 3km, cách TP Pleiku 120km về phía đông. Đây là hai thác nước được tạo bởi khúc gấp của sông Ba đoạn ngang qua thị trấn Kông Chro. Thác Ya Ma (còn gọi là thác nhỏ) có dòng chảy êm dịu, trên nền những bậc đá nối tiếp nhau.

Đi bộ dọc chiều dòng chảy của sông khoảng 3km sẽ gặp một thác nước khác có cột nước cao hơn như được nứt ra từ giữa dòng sông, tạo thành hai vách đá dựng đứng hai bên, đó là thác Yang Yung (còn gọi là thác lớn).

Thác Ia Nhí

Thác Ia Nhí thuộc xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, cách TP Pleiku 70km về phía nam. Được tạo bởi suối Ia Lốp, tuy không có độ cao bằng thác Phú Cường song bề mặt của thác rộng, dòng chảy không dữ dội mà êm dịu. Đây là điểm du lịch sinh thái dã ngoại hấp dẫn, Công ty Dịch vụ - du lịch tỉnh đã chọn khu vực thác Ia Nhí để mở tour du lịch cưỡi voi dã ngoại trong rừng và nghỉ ngơi picnic tại thác.

Thác Lệ Kim

Thuộc địa bàn xã la Tô, là một thắng cảnh đẹp của huyện Ia Grai, cách trung tâm huyện khoảng 15km, cách TP Pleiku 35km về phía tây.

Thác được tạo thành từ suối Ia Pech, chảy vào sông Pô kô nằm ngay bên trục lộ 664 la Grai đi Đức Cơ, với cột nước cao gần 30m dội xuống một hồ nước rộng. Đứng phía dưới nhìn lên, hơi nước bay ta có cảm tưởng như những làn sương mù bao phủ.

Thác chín tầng

Thuộc địa bàn xã Ia Sao, huyện Ia Grai, đây là dòng thác rất đặt biệt, cột thác được phân cấp chín tầng, dòng nước chảy mạnh, phong cảnh hai bên bờ rất đẹp. Khách địa phương trong thành phố, đặc biệt là thanh niên thường tổ chức picnic tại thác.

Đây là một trong những điểm có nhiều lợi thế đầu tư phát triển du lịch.

Cổng trời Mang Yang


Không chỉ có thác nước đẹp, Gia Lai còn có nhiều đoạn đường đèo đẹp hùng vĩ. Người dân Gia Lai vẫn quen với tên gọi khá huyền thoại đèo Mang Yang là Cổng Trời (Mang tiếng Jrai có nghĩa là cổng-cửa, Yang tức là trời). Quãng đường đèo không dài nhưng độ dốc đứng tạo cảm giác như lên tới trời xanh. Có lẽ vì đặc điểm này mà đèo này rất thích hợp với tên gọi đó.

Nếu ai từng lên phố núi Pleiku theo quốc lộ 19 và vào hai mùa mưa nắng đặc trưng của cao nguyên này, chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước hai vẻ đẹp rất riêng, rất nên thơ của phong cảnh nơi đây. Nếu đến vào mùa nắng, bạn sẽ như lạc vào rừng cúc quì vàng rực rỡ dọc đoạn đường lên đến đỉnh trời. Và nếu là mùa mưa, bạn càng không khỏi ngỡ ngàng trước làn sóng nhấp nhô của cỏ tranh đuổi nhau trên sườn núi. Cảnh quan của Đèo Cổng Trời vừa hùng vĩ vừa nên thơ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 10:45 pm
Viết bởi saosori
hehe ,sau đây mình xin được giới thiệu 1 chút về rượu cần ,uống vào sẽ tê tê say say , hai ngày sau vẫn chưa hết say.

Rượu cần là một thứ rượu uống trực tiếp qua cần trúc. Rượu cần có từ bao giờ? Chưa có tài liệu nào khẳng định. Chỉ biết rằng rượu cần có từ lâu, nhiều dân tộc dùng rượu cần, nhưng cách làm, cách thưởng thức như thế nào, mỗi dân tộc có cách thức riêng. Dĩ nhiên cũng là thứ rượu cần ấy nhưng uống thế nào cho có bài bản lại tạo ra không khí vui vẻ đầm ấm đó là một vấn đề cần bàn đến.

Rượu cần người Thái làm khá cầu kỳ, gọi là "láu xá" men rượu làm toàn bằng những thứ lá, quả từ rừng sẵn có (gọi là men lá). Những thứ quả lá chủ yếu gồm có: "Bơ hinh ho", "khi mắc cái", củ riềng, lá trầu không, quả ớt...những thứ này được giã đều cho thật nhuyễn với gạo tấm, sau đó nắm thành từng miếng tròn dẹt như bánh rán, đem ủ với rơm, xếp từng lớp đều nhau.

Khi đã ủ kỹ từ 15 đến 20 ngày có mùi men bốc lên họ đêm phơi lên gác bếp cho khô. Khi cần dùng đem giã nhỏ rắc vào cái rượu, mỗi mẻ rượu cần từ 7 đến 9 bánh, cái rượu được làm bằng vỏ sắn củ khô gọt ra đem ngâm ở suối ba ngày ba đêm cho hết mùi bồ hóng và độc tố của sắn. Vớt lên phơi khô trộn với trấu lẫn tấm đưa lên "hông" đồ cho chính, sau đó đổ xuống mẹt hoặc lá cót để cho thật nguội đem men rắc đều từng lớp, tiếp tục ủ bằng lá chuối hoặc lá rừng (bỏ nhum, bơ cá) để rượu bốc men rồi đem bỏ vào từng chum, lấy lá chuối hoặc mảnh ni lông bịt kín (nếu để hở hơi rượu sẽ bị chua).

Khi đã ủ vào chum từ 25-30 ngày rượu có thể uống được, để càng lâu rượu càng đặc, càng ngọt. Ngoài sắn khô người ta còn làm bằng loại ngũ cốc, khác như ngô, hạt ý, dĩ củ dong riềng. Trước đây gạo hiếm nên tiết kiệm dùng vào bữa ăn, ngày nay người ta dùng gạo để làm rượu có chất lượng hơn, nhất là rượu cần được làm bằng gạo cẩm thì rất bổ và ngon.

Người Thái dùng rượu cần thường xuyên, nhất là những khi có khách quý mừng cơm mới, đám cưới lễ tết, hội hè, lễ đặt tên cho con...đều có rượu cần làm vui. Khi dùng rượu cần chỉ cần bỏ lớp vỏ bọc ngoài đổ nước sôi để nguội hoặc nước khoáng (trước đây học chỉ dùng nước lã múc ở mõ nước sạch chảy trong lòng núi dá ra) vài bình cho thật ngấm (từ 15 đến 20 phút cắm từ 6 đến 12 cần trúc được uốn cong cầu kỳ với những tua vải rực rỡ được trang trí. Bình rượu được đặt ở nơi trang trọng, rộng rãi. Họ mời uống từng đợt có gia phong nề nếp, có người già và phụ nữ. Thường vẫn ưu tiên cho khách, chủ nhà uống trước sau đó đến lượt mọi người theo thứ bậc uống cùng.

Uống rượu cần phải có một người chủ trì, người Mường gọi là chú trám còn người Thái "Nài láu". Nài láu được phép ra những điều kiện quy định cụ thể trước khi vào cuộc rượu, nếu ai vi phạm sẽ chịu phạt theo "luật". Ví dụ: uống đại trà là bao nhiêu "sừng" uống từng người hay uống từng đôi, mỗi người phải uống bao nhiêu sừng...người ta dùng sừng trâu để làm đơn vị đo lường, mỗi sừng chứa khoảng 1 lít nước. Với quan niệm con trâu là đầu cơ nghiệp nên họ dùng sừng trâu để làm vật đo lường khi uống rượu là có hàm ý tôn thờ con vật quí trong nhà.

Nai láu mời mọi người uống rượu phải có động tác trịnh trọng, ý nhị với những lời mời tình cảm, trân trọng nhất. Cũng có lối mời đơn giản, lại có lối mời thành bài bản (mười điều mời rượu cần in trong trong tạp chí văn hoá thông tin) đối với khách quý, khách sang trọng lịch lãm.

Mời rượu cần theo lối bình dân như sau:

Láu càm xà pá túng mời dơ dấc...
Khát pài túng, khói son mời nưa.
Mời một tềnh - khát một khói nhăng mời
Mời sam tếnh - khát sam khói nhăng mời...
(Mời đến mười sừng là kết thúc bằng câu:
Khát...khói so háp búa

Tạm dịch nghĩa:

Rượu cần ngon gia chủ xin kính mời...
Dưới làn dưới xin mời làn trên
Mời một sừng đã dứt - xin mời lần nữa
Mời hai sừng đã dứt - xin mời lần ba

...Kết thúc tôi xin đón cần của quí vị vậy là Nài láu hoàn thành công việc một đợt, đợt thứ hai lại tiếp diễn như thế nếu như không có quy địng khác. Những cuộc vui như vậy kéo dài khi nhạt bình rượu mới tàn cuộc vui. Họ còn tổ chức cả múa xoè vòng, múa lăm vông, đánh trống, chiêng gây không khí sôi nổi.

Với cách thức tạo ra rượu cần, thể thức uống rượu như trình bầy trên. Uống rượu cần thật là một sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng rõ nét. Khi đã vào cuộc vui rượu cần con người xích lại gần nhau, xua tan mọi nỗi u buòn thậm chí sẵn sàng tha thứ cho nhau những điều chưa vừa ý, vừa lòng. Trước đây chưa có kỹ thuật trưng cất rượu. Sau này cũng loại men ấy họ đã biết trưng cất từ rượu cần thành "rượu siêu" chất lượng tinh khiết hơn. Nhưng dẫu sao uống rượu cần vẫn là thú vui không thể thiếu được bởi nó đã đi vào cuộc sống của cộng đồng đã từ lâu, trở thành một nét bản sắc văn hoá đáng trân trọng. Nó còn là cầu nối giao lưu văn hoá, tình cảm giữa các dân tộc thậm chí đối với khách quốc tế cũng trở thành một nhu cầu giao tiếp.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 11:42 pm
Viết bởi assukiioh

Nhìn mấy cái hình bèo-nậm -lọc của Huế mà chịu không nổi dù mới ghé matsuya về. Khi nào có dịp ra Huế phải nhờ Hoàng dắt đi ăn một chuyến mới được...



Tình hình là Theo báo cáo, diệt được không ít đối thủ nhờ cái món Bèo Nậm Lọc này!!!Trong đó có anh Ngọc[grin][lol]

Đề nghị BGK cộng điểm kỹ lưỡng nghen!!![wink][grin]

cho mọi người thưởng thức lại!!!

[cool][cool][cool]

Nhớ mãi tiếng rao hàng trong đêm: bèo - nậm - lọc...
Anh Minh








Trong ký ức một thời về Huế của tôi là tiếng rao lảnh lót của các cô bán hàng trong đêm: "Ai bánh bèo, nậm, lọc... hôn". Tiếng rao tiếp nối từng chặng, vẳng đâu đó và nhỏ dần, nhỏ dần... rồi mất hút vào cuối con hẻm sâu.

Tiếng rao hàng của cô bán đã mời gọi tôi suốt những năm tháng sống ở Huế. Nếu có tiền trong túi thì chắc chắn tôi không bỏ qua. Chỉ tốn độ năm ba ngàn là một đĩa bánh đủ loại, ngon miệng...

Ngon nhờ đầu?

Nguyên liệu làm bánh lá là bột gạo pha với bột mì nhứt (bột lọc), theo tỉ lệ một chén bột gạo, một thìa canh bột mì nhứt, nhào nhuyễn với hai chén nước và một ít muối. Tôm luộc, lột bỏ vỏ, giã nhỏ rồi chấy với một ít dầu cho tơi, cho đỏ hồng. Giã hành củ vắt nước cốt rưới vào tôm. Một lò lửa nhỏ ngọn, cho bột vào xoong khuấy đều vừa chín. Dùng lá dong để gói bánh. Quệt một lớp bột mỏng lên lá dong (ngay giữa sóng lá), rắc một lớp tôm chấy làm nhân, gói lại và đem hấp cách thuỷ. Làm bánh lá phải mỏng như một chiếc lá, mảnh và dai ăn mới ngon.

Bánh lọc: có vỏ bọc ngoài làm bằng bột mì nhứt, nhào nhuyễn với nước. Nhân bằng tôm, thịt ba rọi, tao chín, thêm mắm, muối, tiêu... Bánh làm thành từng miếng ngon bằng ngón tay cái, thoa mỡ, gói lá chuối rồi hấp chân cách thuỷ.

Bánh bèo: ăn ngon là nhờ kỹ thuật pha bột, vừa dẻo, vừa dai. Trên mặt bánh rắc bột tôm chà đã luộc chín, điểm thêm một ít tốp mỡ vàng rộm và thật giòn.

Bánh ướt: tráng bằng bột gạo, thường có pha thêm một ít bột lọc để có độ dai và trong. Loại bánh này thường ăn kèm với thịt luộc cắt lát mỏng và kèm với tôm chua.

Món ăn Huế độc đáo, không chỉ do cách chế biến công phu, tinh tế mà còn bởi sự trang trí, trình bày khéo léo của từng món ăn, với đầy đủ màu sắc, thật bắt mắt. Sự tuyệt diệu của món ăn Huế nói chung là ăn ít mà ngon, mà tinh tuý. ¡n rồi mà thấy cái bụng vẫn nhẹ tênh, nhưng cái ngon, hương vị bánh vẫn còn đọng mãi trong từng kẽ răng, đầu lưỡi.



Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Năm T11 22, 2007 12:57 am
Viết bởi longtaithien
Chiếu cói Nga Sơn




Nga Sơn là một huyện nằm sát biển, về phía Bắc của tỉnh Thanh Hoá. Nghề trồng cói và dệt chiếu ở đây đã có trên 150 năm. Cho đến nay, nghề dệt chiếu vẫn là nghề thủ công - chỉ dùng sợi đay, sợi cói và cái "go" 2 người trong một ngày làm chăm chỉ cũng chỉ được 4 chiếc chiếu loại to. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học đã tạo ra giống cói mới chịu mặn, chịu chua, năng suất cao, chất lượng cói đảm bảo dai, bền, dài tới 2 m. Việc đa dạng hoá chủng loại sản phẩm cói cũng đặc biệt được coi trọng. Với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công ở đây, các sản phẩm chiếu cói, thảm cói, đồ thủ công mỹ nghệ như: làn, dép, đĩa, giỏ trang trí... bằng cói đã không chỉ làm vừa lòng khách trong tỉnh, trong nước mà khách nước ngoài cũng rất ưa chuộng.

Tuy hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cùng loại bằng chất liệu nhựa, mây, gỗ, tre song nhờ chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhạy bén với thị trường, đặc biệt là sự ưu việt về giá cả, chủng loại và công dụng mà mặt hàng cói đã chiếm lĩnh được thị trường, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng đáng kể. Ðến nay, toàn huyện đã có 3 công ty và 10 xí nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng chiếu cói và các sản phẩm từ cói (chưa kể các công ty nội, ngoại thương cấp tỉnh) toàn huyện có 35% số hộ chuyên sản xuất hàng cói, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 2 triệu lá chiếu, doanh thu năm 2000 ước đạt 30 tỷ đồng, thu hút gần 2 vạn lao động.

Người dân nơi đây còn biết tận dụng những thửa ruộng không trồng được cói để nuôi thuỷ, hải sản và đặc biệt họ còn là những hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình khi khách đến thăm quan vùng quê ngút ngàn cói mà trong tương lai không xa việc phát triển ngành nghề truyền thống chiếu cói sẽ gắn liền với việc phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Năm T11 22, 2007 12:58 am
Viết bởi longtaithien
Nghề Dệt của người Mường Thanh Hoá

Vùng thung lũng chân núi ở miền núi và trung du Thanh Hoá là địa bàn cư trú chính của người Mường. Trước kia việc giao lưu trao đổi hàng hoá rất khó khăn. Ðể giải quyết nhu cầu vải mặc và các đồ dùng bằng vải khác, đồng bào các dân tộc Mường trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, tự tạo ra nguyên liệu để dệt vải.

Trước đây, hầu như nhà nào cũng có một khung dệt vải, dẫu đơn sơ nhưng rất đỗi quen thuộc. Dệt Mường cũng như dệt của một số dân tộc khác, hầu như có chung một quy trình kỹ thuật; nhưng khác nhau ở tính mỹ thuật của mỗi sản phẩm. Nổi bật nhất của sản phẩm dệt Mường là nghệ thuật trang trí cạp váy với những hoa văn hình học và động vật, mà có nhà nghiên cứu cho rằng: Thể hiện của nghệ thuật từ văn hoá Ðông Sơn. Từ xa xưa trong xã hội Mường cổ truyền, nghề dệt đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, giữ vị trí hàng đầu trong các nghề thủ công gia đình.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Năm T11 22, 2007 1:03 am
Viết bởi longtaithien
Cái chết mở đường sống

Lê Lai là một danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi chủ xướng. Quê ông là xã Dựng Tú, huyện Thuỵ Nguyên, tỉnh Thanh Hóa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Có tài liệu nói ông là người làng Dựng Tú (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Ba người con của ông là Lê Lô, Lê Lộ, Lê Tâm và người anh cả Lê Lãn đều là tướng soái quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn. Ông được xếp vào hạng thứ 3 trong số 18 công thần dự hội thề Lũng Nhai.

Năm 1416, tại Lũng Nhai (Lam Sơn) Lê Lai cùng Lê Lợi và 17 tướng lĩnh tâm phúc thề cùng nhau sống chết chống lại giặc Minh xâm lược đang ngày đêm giày xéo quê hương, đất nước. Sau hội thề Lũng Nhai, ông được trao chức Đô Tổng quan (tước quan Nội hầu) chiến đấu dưới cờ của Lê Lợi. Nghĩa quân xây dựng miền rừng núi Lam Sơn, Thanh Hóa thành căn cứ để tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Do tương quan lực lượng nên cuộc chiến trong giai đoạn đầu chủ yếu là du kích, nhằm chống lại các cuộc vây quét của địch. Quân Minh dựa vào ưu thế binh lực, huy động những lực lượng lớn - có khi hàng chục vạn quân, để bao vây, càn quét hòng tiêu diệt cuộc khởi nghĩa vừa nhen nhóm. Trong thế trận không cân sức buổi đầu, nghĩa quân Lam Sơn đã phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ hy sinh; vượt qua nhiều thử thách hiểm nghèo. Đã bao lần nghĩa quân bị vây hãm ở núi Chí Linh (Thanh Hóa) và Khôi Huyện (Ninh Bình) rơi vào cảnh quân hao, lương cạn...

... Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần

Khi Khôi Huyện quân không một đội.

(Nguyễn Trãi - Đại cáo bình ngô)

Hoặc: … Đến như phá vòng khốn quẫn, tạo cuộc hanh thông. Chín phần tử, một phần sinh, tuy ở chốn hiểm nghèo mà còn ngất trời khí thế…”.

(Nguyễn Mọng Tuân-Phú núi Chí Linh)

Vào khoảng tháng 3 năm 1419, nghĩa quân Lam Sơn bị quân địch bao vây lần thứ hai ở núi Chí Linh. Vòng vây quân Minh ngày càng khép chặt, lương thực của nghĩa quân đã hết sạch “Hơn 10 ngày chỉ ăn củ nâu và mật ong, người, ngựa đều khốn đốn…” (Đại nam thông sử, Đế kỷ). Mọi con đường liên lạc với bên ngoài bị cắt đứt. Lực lượng cũng ngày một hao mòn.

Trong thế bị vây hãm khốn đốn nghĩa quân có nguy cơ bị tiêu diệt, Lê Lợi họp Bộ tham mưu bàn kế giải nguy. Ông nói rằng: “Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín ngày xưa để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau” (Việt sử thông giám cương mục, quyển 13, tr.8).

Thấu hiểu ý đồ chiến lược của Lê Lợi, Lê Lai đã khảng khái xin nguyện hy sinh để cứu minh chủ, giải vây cho nghĩa quân Lam Sơn. Liền sau đó, Lê Lai cải trang làm Lê Lợi, lĩnh 500 quân và hai con voi chiến, tự xưng là Chúa Lam Sơn kéo ra tập kích địch. Quân Minh tập trung lực lượng vây đánh đội nghĩa binh dũng cảm đó và bắt được Lê Lai.

Điều đáng khâm phục, ngợi ca hơn là Lê Lai không cam chịu bó tay hàng giặc mà ông đã chỉ huy đội cảm tử quân chiến đấu đến phút cuối cùng mới chịu rơi vào tay giặc. Ông bị giải về thành Đông Quan và bị xử bằng những hình phạt vô cùng tàn ác.

Tưởng rằng thủ lĩnh Lê Lợi đã bị bắt, bị giết và lực lượng khởi nghĩa đã hoàn toàn bị đánh bại, quân Minh bỏ núi Chí Linh kéo về Tây Đô (thành nhà Hồ, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn nhờ đó có cơ hội xây dựng lại lực lượng để tiếp tục hoạt động.

Trước tinh thần nghĩa liệt quên mình cứu chúa của Lê Lai, Lê Lợi đã cảm khái cầu khấn với trời đất rằng: “Lê Lai vì đại nghĩa mà xả thân, tôi thề ngày sau chẳng quên ơn ấy, nếu nuốt lời thề thì cung điện thành rừng núi. Ấn báu thành đồng, gươm thần thành đao”.

Nhớ công ơn Lê Lai, sau khi kháng chiến thành công, lên ngôi vua, Lê Lợi đã truy tặng ông là “Đệ nhất công thần”, và giao cho Nguyễn Trãi soạn thảo hai đạo: “Tiên ước thệ từ”, “Lai Công thệ từ” cất giấu trong tủ vàng để mãi mãi ghi nhớ công lao Lê Lai.

Cái chết của Lê Lai là một trong những cái chết trở thành bất tử. Cái chết đó đã mở con đường sống cho nghĩa quân Lam Sơn để làm nên những trang sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Năm T11 22, 2007 1:06 am
Viết bởi longtaithien
Sông Mã


Sông Mã trên địa phận Thanh Hóa

Sông Mã bắt nguồn từ phía Nam tỉnh Điện Biên chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La, qua lãnh thổ Lào, rồi tới tỉnh Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, sông tiếp tục giữ hướng Tây Bắc - Đông Nam chảy qua các huyện phía Bắc của tỉnh, hội lưu với sông Chu rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Hới nằm giữa huyện Hoằng Hóa và thị xã Sầm Sơn cùng hai cửa phụ là Lạch Trường và cửa Lèn.

Lưu vực của sông Mã rộng 28.400 km², phần ở Việt Nam rộng 17.600 km², cao trung bình 762 m, độ dốc trung bình 17,6%, mật độ sông suối toàn lưu vực 0,66 km/km².[1]. Lưu lượng nước trung bình năm 52,6 m³/giây.

Các phụ lưu lớn của sông Mã là sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày đều hợp lưu với sông Mã trên địa phận Thanh Hóa. Ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ như sông Lũng, sông Sơn Trà, sông Nậm Soi.

Sông Mã chủ yếu chảy giữa vùng rừng núi và trung du. Phù sa sông Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba ở Việt Nam.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Năm T11 22, 2007 1:34 am
Viết bởi vodanhkhach
cá bống bốp sông Mã

Những người lần đầu tiên ra Thanh Hoá được ăn con cá bống bốp sông Mã tần lá lốt sẽ tin rằng con cá này không thể chế biến cách nào ngon hơn. Con cá bống bốp nhỏ bằng ngón chân cái, gần giống con cá bống dừa trong Nam, nhưng thịt dai và ngọt hơn. Cá chỉ mổ bỏ ruột còn tất cả vẫn để nguyên, nấu và nêm nếm như nước xúp, trước khi ăn cho lá lốt xắt nhỏ vào và tắt lửa ngay. Lá lốt trong Nam bộ có thể tìm thấy ở mọi nơi, nó cũng được đưa vào bữa ăn nhưng chưa ai chế biến nó thành món canh ngon tuyệt như dân Thanh Hoá.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Năm T11 22, 2007 3:47 am
Viết bởi ntth
Mình có đoạn video rất đẹp về Thạch Thành- Thanh Hóa, nhưng rất tiếc là forum không post được video

Vì thế các bạn xem tạm link tại đây nhé...

http://www.thachthanh.org/forums/showthread.php?p=3440

CÒn nếu biết post video lên forum thì hãy post lại dùm mình