Bạn đang xem trang 51 / 68 trang

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 8:04 pm
Viết bởi assukiioh
Cơm Hến Xứ Huế
Hoài Thu



Những người Huế xa quê lâu ngày trở lại tìm đến những gánh cơm hến bình dân và thêm nặng lòng với quê hương, mà trong những ngày đi xa, họ từng khắc khoải, nhớ từng sợi khói lam chiều sau luỹ tre xanh, nhớ mùi vị cay nồng, ấm nóng, mang nặng tình sông nước...

Du khách đã có dịp đến xứ Huế mộng mơ, tới thăm cảnh đẹp dòng sông Hương, nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ, xuôi dòng Vĩ Dạ mà chưa thưởng thức món cơm hến thơm, cay, mộc mạc thì thật là đáng tiếc!

Cơm hến Huế, một món ăn bình dân, có ở mọi nơi trong những con hẻm, nhờ những đôi bàn tay tảo tần, khéo léo của các má, các chị làm nên.

Những chú hến được xúc từ dưới sông lên, đem ngâm nước gạo, rửa sạch, luộc cho rã vỏ, thịt hến lẫn với nước, lọc riêng làm hai vị chính của món cơm hến. Cơm hến ngon không chỉ có riêng hến, bên cạnh nó còn điểm thêm các loại rau thơm, khế chua, bạc hà (dọc mùng), bắp chuối xắt nhỏ, cùng mè (vừng), đậu phụng (lạc) giã mịn, kèm theo nước mắm, tỏi, ớt, cơm trắng để nguội... tất cả những gia vị đó hoà quyện vào nhau. Sự góp mặt của ruốc tôm sống và bì heo khô, càng làm cơm hến ngon và quyến rũ đặc biệt. Trong gánh cơm hến, lúc nào cũng phải có bếp than đỏ, nước hến luôn sôi sùng sục, có vậy mới rõ vị ngọt của hến.

Bạn ngồi bên gánh hàng rong, hoặc những quán ăn giản dị, ngắm đôi bàn tay thon thoăn thoắt của cô bán hàng, thú vị với sự chờ đợi. Nhất là những lúc tiết trời se lạnh, lất phất mưa bụi, được nếm tô cơm hến nóng hổi, bốc khói nghi ngút, thêm vào đó vị cay của ớt tê cả lưỡi, vừa ăn vừa xuýt xoa, thì còn gì bằng. Có những món ăn đặc biệt ở vùng này, vùng khác có thể làm được. Riêng cơm hến thì chỉ ở Huế mới mang đậm hương vị độc đáo của nó, vì được chế biến từ loại hến nhỏ như hạt đỗ của sông Hương.

Với bạn bè ở xa đến Huế, người ta mời nhau đi ăn cơm hến để giới thiệu cái tài làm món ăn bình dân, cái tình trong những sản vật quê nhà. Những người Huế xa quê lâu ngày trở lại cũng tìm đến những gánh cơm hến bình dân và thêm nặng lòng với quê hương, mà trong những ngày đi xa, họ từng khắc khoải, nhớ từng sợi khói lam chiều sau luỹ tre xanh, nhớ mùi vị cay nồng, ấm nóng, mang nặng tình sông nước.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 8:05 pm
Viết bởi assukiioh

còn nhiều lắm!từ từ sẽ gửi cho mọi người thưởng thức!!![wink][wink][wink]



làm ly cà fe...[cool]

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 8:35 pm
Viết bởi vodanhkhach
Người xây thành Tây Đô và mối tình cùng công chúa Nhất Chi Mai

Hồ Quí Ly, đây là một con người rất thức thời và đầy tài năng. Trong mấy thập niên cuối cùng của thế kỷ 14, nhà Trần ngày càng suy đồi, Hồ Quí Ly (1336-?), rể vua Trần Nghệ Tông, từng là khu mật đại sứ, đồng bình chương sự và phụ chính thái sư, tước đại vương. Cảm thấy mình có đầy đủ khả năng cứu vãn tình thế bằng những cải cách kinh tế, xã hội và văn hóa cho nên năm 1400 Hồ Quí Ly đã truất ngôi vua Trần đứng ra thành lập triều Hồ.
Chỉ trong mấy năm ngắn ngủi (1400-1407), vua rồi thái thượng hoàng Hồ Quí Ly đã tiến hành một loạt cải cách khá táo bạo :

- Ban hành chính sách hạn chế ruộng đất và nô tì nhằm hạn chế quyền lực tầng lớp quí tộc nhà Trần đã phát triển kinh tế điền trang quá mức cần thiết ;

- Cho đào vét lại một số cảng, kê khai lại số lượng hộ khẩu của toàn dân để tăng cường biên chế quân đội ;

- Định lại chế độ thuế khóa cho công bằng hơn ; thống nhất hệ thống đo lường, ban hành tiền giấy ;

- Lập nhà thương cho dân (quảng tế thự) và cho xây kho lúa phòng chống đói (thường bình) ;

- Mở khoa thi chọn hiền tài ;

- Chủ trương dùng chữ Nôm thay chữ Hán trong sinh hoạt hành chính, v.v.



Thành Nhà Hồ

Hồ Quý Ly có mối tình rất lạ với Công chúa Nhất Chi Mai. Tương truyền: Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo người cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ:

Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai.

Quý Ly nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó. Đến khi Quý Ly đã làm quan, một hôm hộ giá vua Trần đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua liền ra câu đối:

Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế

Các quan cùng đi lúng túng chưa kịp đối thì Quý Ly nhớ lại câu thơ trên bãi biến năm xưa, bèn đọc luôn:

Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai

Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh.

Nghe xong các quan đều phục tài Hồ Quý Ly, vua Trần càng kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai. Nàng ở trong cung tên là Quảng Hàn không ra đến ngoài. Vua hỏi Quý Ly:

- Nhà ngươi làm sao biết được trong cung tả ta có công chúa tên Nhất Chi Mai tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?
Quý Ly cứ thực tâu lại việc trước. Vua cho là chuyện lạ, duyên trời đã định bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Nhất Chi Mai sinh được 2 con trai thông minh, có tài là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương.
Mặc dù nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm nhưng những chính sách cải cách của Hồ Quý Ly cùng với công trình Thành Tây Đô đã chứng tỏ đây là một con người rất thức thời và đầy tài năng. Và ông cũng để lại giai thoại về mối duyên cùng công chúa Nhất Chi Mai cùng với câu đối mang đầy chất thơ:

Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế
Quảng Hàn cung nọ một cành mai


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 9:06 pm
Viết bởi vodanhkhach
Chè lam Phủ Quảng: Đặc sản xứ Thanh

Chè lam Phủ Quảng ăn thơm, bùi, ngọt, càng nhai càng dẻo. Thưởng thức chè lam Phủ Quảng sẽ thấy rất thú vị.

Xưa kia huyện lỵ Vĩnh Lộc, gọi là phủ Quảng Hoá, nay là thị trấn Vĩnh Lộc, cách thành nhà Hồ 3 km.

Chè lam có từ đời xưa. Vào dịp tết Nguyên Đán, nhiều gia đình làm chè lam để cúng tổ tiên và đây cũng là loại bánh ngọt mời nhau đầu xuân năm mới. Thời đó, chè lam làm bằng bột gạo nếp trộn mật mía đã thắng sánh cùng với bỏng nhuộm màu hoa lý, hoa hoè, hoa đào, thêm ít lạc rang, gừng giã nhỏ, trông đẹp mắt và hấp dẫn. Chè lam lăn tròn như bắp tay, ăn đến đâu dùng dao cắt đến đó.
Làm chè lam, trước hết phải rang gạo nếp bằng chảo to, lửa vừa phải, đều tay khoả, khi được, đổ ra nong nia cho nguội. Rang được mẻ gạo nếp nếu không phải nghề nghiệp rất dễ bị hỏng. Còn xay bột, nếu người sốt ruột, nóng tính không thể đứng xay cả ngày nên phải thuê một người mù xay. Khi xay, chày xay đụng vào con cò chỉ mươi hạt rơi xuống hai thớt như vậy bột làm bánh mới mịn.

Thắng mật vừa đủ độ, thử bằng cách cầm đũa nhúng vào chảo mật sôi lăn tăn thả vào bát nước lạnh là được.

Bột đổ vào chảo mật cùng các thứ phụ gia: lạc rang giã dập, gừng giã nhanh tay trộn đều. Trên bàn cán có khuôn gỗ rắc bột phăng. Các thứ trên xúc đổ lên bàn cán rồi nhanh tay cán đầy mặt khuôn, dùng dao cắt bánh giống như dao thái phở, đặt thước cắt thành từng bánh chè lam vuông chừng 6 cm.

Chè lam Phủ Quảng rất cứng không thể cắn được. Muốn ăn phải cầm hai tay hai bánh gõ vào nhau hoặc khẽ đập vào cạnh bàn, cạnh ghế sẽ vỡ ra từng miếng nhỏ.

Bỏ vào miệng nhai không được vì nó rất cứng, ngậm chừng một phút, bánh mềm, nhai vừa thơm, bùi, ngọt, càng nhai càng dẻo. Nhiều người thưởng thức chè lam Phủ Quảng thấy thú vị, thơm ngon hơn kẹo Nu-ga của Pháp mang sang bán ở hiệu Tân Thành Vinh ( Phố Lớn – Thị xã Thanh Hoá).

Tham quan thành nhà Hồ, trèo lên núi Đún, đến đền thờ Trần Khát Chân, lúc nghỉ thưởng thức chè lam Phủ Quảng ấm bụng, bao mệt nhọc tiêu tan.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, từng đoàn xe thồ Thanh Hoá đã vận chuyển hàng chục tấn chè lam Phủ Quảng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 9:15 pm
Viết bởi vodanhkhach
Nem chua Thanh Hóa




Nem chua Thanh Hóa giờ đây đã trở nên quen thuộc với không ít người Việt Nam và nó có cái tên gọi tắt là Nem Thanh. Cái thú thưởng thức nem thật tuyệt. Tháo dây lạt tre, tay lần giở hết lớp lá chuối rừng xanh ngắt này đến lớp lá khác, trời hanh se lạnh, háo nước, chiêu một ngụm bia, cầm quả nem bóng mịn hồng hồng quệt vào chén tương ớt cay dìu dịu, cho cả vào miệng. Cái hương vị chua, cay, thơm, ngọt, giòn của thịt... như hòa quyện vào nhau, đủ cả vị giác, khứu giác, thính giác cùng tận hưởng nét đặc trưng đó của Nem Thanh. Nem Thanh có hương vị riêng, ngoài những bí quyết gia truyền và phối liệu có lẽ một phần không kém quan trọng đó là thịt lợn nuôi ở quê Thanh, cũng như vải thiều phải ở Hải Dương, nhãn lồng phải ở Hưng Yên mới có cái vị riêng được.

Làm Nem Thanh thật không đơn giản chút nào. Từ khâu chọn thịt phải là lợn cỏ, thịt nạc mông, bắt ra khỏi chuồng là phải cho mổ ngay, khi cạo lông không được dùng nước sôi mà phải cạo sống. Cùng với thịt là bì lợn phải được làm sạch lông, cạo sạch mỡ, lạng mỏng, thái chỉ (bì lợn tạo nên độ giòn cho nem), thịt còn nóng cho vào cối giã nhuyễn thật đều tay để thịt mịn mà không vữa.

Sau đó trộn thịt với bì thái chỉ, với thính có chút hàn the và cuối cùng là viên lại từng viên rồi mới gói. Khâu gói cực kỳ quan trọng, chặt tay, kín lá để nem chín do các phản ứng hóa học diễn ra từ các phối liệu làm nem. Nem gói xong trời nóng chỉ để độ hơn ngày là dùng tốt, còn mùa lạnh ủ ấm độ hơn 2 ngày là ngon. Bóc quả nem, nhìn thấy dưới lớp da bóng mịn là màu hồng đào của thịt chín là được.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 9:15 pm
Viết bởi saosori
   Da Lat tu lau noi tieng voi nui Langbian, ho Xuan Huong, ho Than Tho, suoi Cam Ly,... thi PLEIKU cung noi tieng voi nui Ham Rong, ho To Nung, thac Yaly, thac Da... nam giua long Truong Son Hung vi.
   Theo truyen thuyet, thuo xa xua o vung dat nay ko co ten goi. Nhan ngay hoi o mot bo toc Djarai, dong bao tu hop nhau lai o nha rong de ong PhaphaiTobal lam le. Trong luc moi nguoi dang nhay mua, ca hat theo tieng cong, tieng trong , say sua ben cac che ruou thom ngon thi mot cuoc xo xac giua 2 nguoi con trai cua vi toc truong dien ra ac liet. Ho tranh gianh quyen luc de ke vi nguoi cha gia yeu. De phan giai, 2 nguoi con trai phai dung suc manh but dut duoi trau. Ket qua, nguoi con truong thang. Tu do , nguoi ta dat ten cho vung dat nay la PLEIKU.
     PLEIKU bay gio la vung dat hua cua Tay Nguyen. Mot mau xanh muot ma cua cac doi tra, ca phe, cao su, cay an trai noi tiep nhau hoa lan cung mau xanh cua nui rung bat ngan.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 9:21 pm
Viết bởi vodanhkhach
Gỏi cá nhệch Nga Sơn




Gỏi nhệch làm bằng thịt cá lát mỏng, trộn thính gạo thơm lừng. Da cá chiên vàng, cuộn cùng gỏi và các loại lá ăn kèm, tạo nên hương vị đặc sắc của vùng Nga Sơn, Thanh Hóa.

Thanh Hóa có vùng quê Nga Sơn mới có loài cá nhệch này, bởi chúng chỉ ở nơi có bãi biển phù sa. Sau cữ mưa ngâu trở đi độ hai tháng là mùa đi bắt cá nhệch. Con cá nhệch hình dáng nửa giống con lươn về độ dài nhưng bề ngang lại giống con cá trình. Cá nhệch có thân dài hàng mét, con nhỏ thì 3-4 lạng, con to nặng tới cả cân. Cá nhệch rất khỏe và hung dữ. Mình cá trơn nhẫy nên rất khó bắt bằng tay hay đánh lưới. Chỉ bắt được cá nhệch bằng hai cách là ra cửa biển đóng đáy bắt cá hoặc dùng những chiếc dĩa ba răng to và chắc khỏe để đâm cá. Những người bắt cá phải đi dọc chiều con nước, tìm đúng ổ cá, thật tinh mắt lần theo lườn con nhệch để đâm trúng lườn. Người bắt cá thường là đàn ông bởi bắt cá theo cách này ngoài việc tinh mắt, khéo tay, thì cần phải có sức khỏe và tay nghề cao mới bắt được nhệch bởi nó có sức cuộn lớn. Đâm được cá rồi mà không giữ chắc, nó sẽ vẫy vùng và trườn mất.

Từ cá nhệch có thể chế biến được nhiều món như kho, rán, nấu canh chua, om... nhưng có lẽ cá nhệch nổi tiếng hơn cả bởi món gỏi cá. Ngày xưa, gỏi cá nhệch chỉ được phổ biến trong vùng, nhưng ngày nay nó đã được phát triển rộng rãi ra cả tỉnh, nhất là những khu du lịch để khách tham quan có thể thưởng thức đặc sản của xứ Thanh.

Món gỏi không bị tanh, sau khi bắt cá về, lấy nước vôi, nước tro, lá hóp tuốt sạch chất nhờn trên da cá. Sau khi da cá được lột sạch, cá được mổ sống lưng như làm lươn để lọc xương. Thịt cá sẽ được thái lát mỏng tang sau đó trộn với thính. Thịt cá tươi cắt thành lát có mầu hồng giống thịt của cá chuối. Thính được làm từ gạo nếp rang giã nhỏ mới có mùi thơm và bùi. Khâu lột da và thái thịt cá để trộn thính cần phải làm nhanh tay, bởi khâu này quyết định món gỏi cá có thành công hay không. Xong khâu này, người ta mới đem da cá rán giòn để sau đó cuộn với gỏi. Còn xương cá đem vào cối giã nhuyễn để nấu chẻo. Món chẻo nấu om được pha chế với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, sả băm nhỏ.

Món chẻo ngon phải đặc sánh để khi tưới lên cá, nước chẻo bám đều vào thịt cá, không bị chảy nước ra tay. Chẻo ngon phải có mầu đỏ sậm, có mùi thơm của các loại gia vị hòa quyện với nhau. Sau cùng là mới đến việc pha chế nước chấm. Nước chấm gỏi được làm từ nước mắm , gừng tươi, tỏi, ớt, hạt tiêu. Có người lại chấm gỏi với mắm tôm thì càng dậy mùi. Món ăn được hoàn tất và bày ra mâm chỉ đợi người thưởng thức.

Gỏi được ăn kèm với bánh đa vừng nổi tiếng của Thanh Hóa với những loại lá đúng chất xứ Thanh: rau má, diếp cá, mùi tàu, sung muối, rau mùi, rau đinh lăng, lá sung... Có lẽ chính những thứ lá này đã tạo nên hương vị riêng, khó trộn lẫn của món gỏi cá nhệch. Mỗi người thưởng thức gỏi bằng cách riêng của mình. Người thì cuốn cá với các loại lá, người lại cuốn gỏi bằng chính da cá rán, không cuốn bằng bánh đa nem như các loại gỏi khác. Gỏi cá nhệch có mùi vị thơm ngon đặc trưng.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 9:21 pm
Viết bởi assukiioh
chào mừng Saosori!!! Sasori nên viết bài kèm ảnh của Đà Lạt và Tây Nguyên nhé!!!
Trong cái Poster về Miền Trung Tây Nguyên mình làm có mấy cái ảnh về Dà Lạt và Tây Nguyên rất đẹp, tiếc là không cho vào 1 cái Poster hết được![smile][wink]



Cơm Âm Phủ
Hoàng Hạ Miên



Từ hơn nửa thế kỷ qua, nơi một góc vắng của thành phố Huế, nơi mà ngày trước chỉ âm u ngọn đèn dầu cho đến ngày hôm nay, vẫn tồn tại một quán cơm với cái tên lạ lùng nhưng đầy hấp dẫn, kích thích sự tò mò của nhiều người trong thành phố cũng như ở cái nơi khác đến. Đó là một quán cơm không có tên nhưng được mọi người đặc cho cái tên: Quán cơm Âm Phủ.

Cơm Âm phủ tiền thân của nó là quán cơm bình dân do cô Tư Ruồi đảm trách, nằm thoai thoải bên con đường vắng, giữa mảnh đất hoang vu của thời đó.

Cô Tư Ruồi có biệt danh lạ lẫm này không phải là vô cớ. Một hôm, chàng trai xứ Huế phát hiện trên mặt cô hàng nốt ruồi duyên và khẽ thốt lên "cô Tư Ruồi" chết tên từ ấy. Và đêm đêm quán cơm Âm Phủ mở cửa đón khách. Bao nam thanh nữ tú tấp nập đến đây thưởng thức món ăn của người Âm bắt đầu về đêm. Thời đó, chỉ là món cơm thường bên nồi cháo hầm bốc khói. Cô Tư Ruồi ngồi trên chiếc đòn nhỏ, bên ngọn đèn dầu hiu hắt khói sương. Trên đầu cô treo tòng teng những nải chuối ba hương cùng những bì kẹo gừng. Quán có nét đặc biệt chỉ hoạt động vào đêm. Không gian với bốn điểm khép kín như chuyện hoang vắng đường Liêu Trại. Những đêm trăng, quán cơm Âm phủ ẩn mình bên cây bồ đề cổ thu.. Tóc cô chủ quán bay xoã trong gió, mang vẻ ma quái. Khách ngồi san sát kề nhau vừa gọi cơm vừa thấp thỏm chờ món ăn trong giây phút đêm khuya.

Qua mấy đời thay đổi, từ nơi hoang vu ngày xưa, quán cơm Âm phủ gầy dựng nên cơ ngơi, nhưng giờ đâu tuy là cơm Âm phủ nhưng quán bán từ sáng đến đêm. Không như ngày trước, ở đây vẫn duy trì cơm Âm phủ nhưng còn bán thêm các món ăn đặc sản của Huế.

Cô Tư Ruồi khi trở thành Mệ đã quy tiên nhường cho con cháu phát huy nghề cũ. Cơ sở được tân trang bề thế với đầy đủ tiện nghi. Con đường Nguyễn Thái Học ngày nay lại càng náo nức xe cô.. Khách Tây với Việt Kiều, sau khi ăn bánh khoái Thượng Tứ, vẫn không quên cơm Âm Phủ thời nào, mặc dầu món ăn lưu truyền đã qua nhiều chặng thay đổi theo khẩu vị con người.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 9:38 pm
Viết bởi assukiioh
Vị thuốc trong món ăn Huế
Nhất Lâm



Trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người phương Đông, đặc biệt là của người dân Huế, mỗi món ăn không chỉ là một miếng ngon, mà còn là một vị thuốc. Từ các loại rau sống, mắm cho đến chè đều được người Huế chế biến theo sự cân bằng âm dương của quy luật ngũ hành - ngũ khí.

Món ăn cung đình quý hiếm như "bát trân", những món "tiềm" bằng thuốc bắc, đều là biệt dược kinh điển với mong muốn giúp người quyền quý sống lâu trăm tuổi. Chỉ riêng trong bếp ăn dân gian Huế cũng cho chúng ta thấy điều này: món ăn Huế trong ba loại phổ quát hằng ngày là mắm, rau sống và chè.

Người Huế vốn được mệnh danh là "Dân ăn mắm ruốc". Đây là những thứ mắm được làm từ thủy sản tươi sống lên men, cho chất đạm cao, nhất là những amin mà ruột cơ thể hấp thụ trực tiếp để nuôi sống cơ thể. Tôm luộc chẳng hạn, cơ thể chỉ hấp thụ được 40% lượng protein; trong khi tôm chua lại tạo ra amin cho sự sống. Nước mắm càng chứa nhiều acid amin tinh chất, tăng sinh lực, dân chài và bộ đội đặc công thường uống để chống rét khi lặn xuống nước mùa đông. Huế có nước mắm nhĩ và nước mắm ruốc là món đặc sản, hạt cơm thả vào mà vẫn nổi lên, chỉ dùng để chan cơm hoặc chấm với thịt heo phay, mà không cần pha thêm gia vị khác.

Bữa ăn Huế không bao giờ thiếu đĩa rau sống, ăn kèm với thịt cá, mắm và hầu hết các thức ăn khác. Khác với hai miền bắc - nam, rau sống Huế là một phức hợp của nhiều thứ lá cây, trái cây, luôn có sẵn trong những khu nhà vườn Huế. Ngoài một ít là rau sống, còn hầu hết là cây mọc hoang. Thậm chí ở những vùng gò đồi, theo tập quán, không cần biết cây gì, hễ đọt non có mầu đỏ đều có thể làm rau sống. Rau tập tàng nấu với nấm tràm, lá tàu bay nấu canh... là những món canh đặc sản của vùng Huế.

Thực vật nhiệt đới là một nguồn dược liệu cứu người, cây nào cũng chữa được vài ba thứ bệnh cho con người. Từ điển cây thuốc Đỗ Tất Lợi có tên tất cả các vị rau sống vùng Huế, hầu hết các cây liên quan đến bộ phận tiêu hóa. Tía tô có tác dụng giải độc, sắn, chua me giải nhiệt; lá vông sát trùng (dùng bọc nem chua); lá lốt chữa tiêu chảy; lá mơ lông trị kiết; vả, chuối chát... ngăn ngừa đau bụng, rau má được Giáo sư Bửu Hội điều chế thuốc chữa bệnh lao... Tất cả đều là rau sống dùng hằng ngày của người Huế.

Hệ chè Huế sử dụng hầu hết các họ đậu, nhiều loại hạt (sen, kê, bo bo, bắp, é) nhiều loại củ (khoai mài, ném) chứa dược tính cao, có tác dụng chữa bệnh thần kinh, tim, phổi, thận hoặc các tuyến sinh dục. Nhiều món chè đặc sản Huế như chè đậu quyên, chè thanh nhiệt, đậu ván, hạt sen... vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao, vừa là những vị thuốc trị bệnh bằng cảm giác ngọt ngào.

Có thể nói rằng ở Huế, những lương y trị bệnh bằng cách cho uống thuốc, còn những bà nội trợ thì cho... ăn thuốc!

Con mắt người Huế xưa nhìn đâu cũng thấy Ngũ hành, nên sự cân bằng âm dương cần thiết cho điều hòa phủ tạng rất được coi trọng trong văn hóa ăn của Huế. Tập quán ăn ở Huế thích nghi với sự vận hành của bốn mùa, dùng gia vị thích hợp với từng món ăn để cân bằng hàn - nhiệt trong cơ thể. Thịt vịt mát nên ăn vào mùa hè (Tết Đoan Ngọ - 5-5 âm lịch), thịt gà ấm, thịt heo nóng thường dùng về mùa đông. Cá tràu, lươn vị hàn nên dùng ném để chế ngự. Vịt, hến, ốc mát nên dùng gừng để điều hòa. Cũng như thế chè kê (ấm) thì được nấu chung với đậu xanh (mát). Huế là xứ mưa nhiều nên dùng nhiều vị cay, đắng để phòng ngừa phong thấp (khí thấp) theo quy luật "Ngũ hành - Ngũ khí" Cay là cực dương, phải điều hòa bằng chua là cực âm vì thế ớt luôn kèm theo chanh. Nhiều khi chỉ là tượng trưng, nhưng món ăn Huế thích biểu hiện ý thức về dịch lý. Thí dụ món rau sống ăn với thịt phay bao giờ cũng đủ ngũ vị: cay (bạc hà), chua (khế, me), đắng (chuối chát), mặn (nước mắm), ngọt (vả), để đồng bộ với ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận). Huế có một thứ bánh thường làm sau Tết (từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch), gọi là bánh bơ mứt, nguyên liệu gồm tất cả những thứ mứt trong ngày Tết còn lại: mứt cà chua, kim quất, gừng, chanh, cam, bí các loại... Bánh có mầu đỏ, vàng, trắng rất đẹp mắt; có đủ vị cay, chua, the, ngọt rất ngon, ăn lát bánh như nếm đủ cả ý vị của ngũ hành. Đấy là hướng vào tâm linh, là biểu hiện của đạo trong cách ăn uống của con người. Du khách đến với lễ hội Festival Huế 2000 sẽ hiểu thêm về phong cách Huế qua văn hóa ẩm thực từ cung đình đến dân gian.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Tư T11 21, 2007 10:00 pm
Viết bởi phuongthe_ngoc
Nhìn mấy cái hình bèo-nậm -lọc của Huế mà chịu không nổi dù mới ghé matsuya về. Khi nào có dịp ra Huế phải nhờ Hoàng dắt đi ăn một chuyến mới được...