編集中
Vĩnh biệt Công dân danh dự Araishi MasahiroTT - “Tôi muốn mình được hỏa táng sau khi giã từ cõi đời này. Sẽ không có bia mộ gì cả, mà tro cốt của tôi sẽ được rải trên các dòng sông VN và nó sẽ nằm lại ở đất nước này - nơi mà tôi có những người bạn thân từ thời trẻ, những người bạn là phụ nữ nghèo khó khăn, bạn khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển, cùng trẻ em yêu môi trường...”.Đó là những lời trăng trối của ông Araishi Masahiro - tổng thư ký BAJ (Cầu châu Á - Nhật Bản, một tổ chức phi chính phủ) - đã vĩnh viễn ra đi vào tối mồng 4 tết (ngày 29-1-2009) tại Bệnh viện Tokyo Women’s Medical University (Nhật) vì bệnh ung thư. Ông Araishi Masahiro là người đã được cố đại tướng Mai Chí Thọ trao danh hiệu Công dân danh dự TP.HCM năm 1982 (khi ấy cố đại tướng là chủ tịch UBND TP.HCM). Và năm 2008, lãnh đạo TP Huế cũng đã trao danh hiệu Công dân danh dự TP Huế cho ông Araishi Masahiro.
Thành viên của Hội người Nhật bảo vệ lưu học sinh VN tại NhậtAraishi Masahiro ra đời trong bối cảnh nước Nhật tan hoang sau Thế chiến thứ 2 (ông sinh ngày 16-10-1945). Như bao thanh niên Nhật khác, ông lao vào học hành với mong ước tái thiết đất nước và vô cùng căm ghét chiến tranh. Là một học sinh giỏi, ông dễ dàng chiếm một ghế ở Trường ĐH Tokyo danh giá. Sau bảy năm học tập, nghiên cứu ở đây (từ 1964-1971), ông ra trường với tấm bằng thạc sĩ khoa cơ khí.
(
Phó chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Đăng Thạnh trao danh hiệu Công dân danh dự cho ông Araishi - (ảnh này đăng trên báo Tuổi Trẻ xuân Kỷ Sửu)
Trên báo Tuổi Trẻ xuân Kỷ Sửu 2009, chúng tôi có bài viết “Không thể sống khác” kể về một anh chàng “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi” tên Huỳnh Huy Tuệ đã gạt bỏ tất cả để đi làm điều phối viên cho BAJ, suốt ngày lặn lội theo trẻ em nghèo để giáo dục môi trường. Bị bạn bè gọi là “Tuệ khùng” nhưng anh vẫn cười vui bảo: ”Tôi không thể sống khác khi chứng kiến những người Nhật đã hết mình vì VN như chú Araishi Masahiro...”.)
Trong bảy năm ở ĐH Tokyo, ông đã kết thân với nhiều người bạn đến từ VN mà bây giờ đều là những người thành đạt như PGS-TS Huỳnh Mùi, TS Nguyễn An Trung (nguyên tổng giám đốc Sài Gòn Auto), Huỳnh Trí Chánh (GS ĐH Tokyo), Nguyễn Giáp (nguyên đại sứ VN tại Nhật), ông bà Tô Bửu Lưỡng - Đào Thị Minh (sáng lập Công ty Vilotus)...
Ngày ấy họ đều là những thanh niên trí thức căm ghét chiến tranh, căm ghét sự chia cắt đất nước vì bom đạn của Mỹ. Và ông đã trở thành một hội viên tích cực của Hội người Nhật bảo vệ lưu học sinh VN tại Nhật đấu tranh cho một VN thống nhất, hoạt động từ năm 1969-1977.
Vài tháng trước khi ông giã từ cõi đời, chúng tôi hân hạnh có dịp được ngồi nghe ông kể chuyện. Ông mơ màng nhớ lại những tháng ngày sát cánh cùng du học sinh VN tại Nhật xuống đường đấu tranh ngay tại Tokyo. Ông kể: “Ngay sau khi nghe tin Sài Gòn được giải phóng, các bạn VN cùng với chúng tôi đã đến ngay tòa đại sứ của chính quyền Sài Gòn tại Tokyo để bảo vệ. Chúng tôi muốn gìn giữ nơi này được nguyên vẹn, đầy đủ cho một nước VN thống nhất. Cảnh sát đã ngăn cản điều này và có không ít sinh viên VN bị bắt. Chúng tôi đã khá vất vả trong việc bảo lãnh các bạn ấy ra tù”. Phải nói rằng tình yêu của Araishi dành cho VN thật vô bờ bến. Bởi ông đã phải trả giá cho tình yêu ấy bằng những thiệt hại đáng kể nhưng vẫn không làm mờ nhạt hai chữ VN trong trái tim mình. Số là ngay sau khi thống nhất, VN còn hết sức vất vả bởi lệnh cấm vận. VN thời ấy thiếu thốn đủ thứ, nhất là máy móc phục vụ sản xuất. Một số rất ít các tổ chức vào được VN lại tranh thủ kiếm chác khi nâng giá máy móc lên gấp đôi, gấp ba. Bức xúc khi biết được những điều ấy, ông Araishi sang ngay VN để làm người trung gian.
Kết quả của việc bảo lãnh để mua máy đúng giá là ông mang nợ lên đến 7 triệu USD! Lý do vì máy nhập về nhưng tiền không chuyển qua và người bảo lãnh lãnh đủ! Những năm cuối thập niên 1970 - đầu 1980, ông lao đao vì nợ ngân hàng, phải bán nhà... Phải đến hơn 10 năm sau tiền mới được gửi trả.
Nhắc lại câu chuyện cũ ấy, ông cười nói: “Tôi hiểu VN lúc ấy chưa có kinh nghiệm quản lý. Tôi nhớ mãi một câu chuyện thế này của thời bao cấp ở VN: Tôi thuê bao một xe Hải Âu 25 chỗ từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài để về nước. Xe đến trễ hơn một giờ và trên xe đã đầy nghẹt người do tài xế rước thêm khách cũng có, do người này người kia gửi theo cũng có. Và khi chuyến xe cà rịch cà tang đó đến Nội Bài thì máy bay đã cất cánh, báo hại tôi phải ở lại thêm một tuần đợi chuyến kế tiếp. Một đất nước khó khăn như thế thì chuyện tiền bạc của tôi trễ nải là bình thường. Theo tôi, khi nào người bạn giàu có mà đối xử với mình như thế mới là đáng xem lại. Đằng này bạn đang khó mà... Và thực tế cho thấy tôi đã nghĩ đúng”.
Với những câu chuyện vừa kể, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được vì sao ông trăng trối rằng sau khi giã từ cõi đời, nắm tro tàn của mình được trôi trên những con sông VN…
Cho cần câu chứ không tặng cá!Năm 1982 tặng máy phát điện cho Củ Chi. Năm 1990-1992 trao học bổng cho trường khiếm thính, tặng máy may cho nhà trẻ em đường phố Đà Nẵng... Từ năm 1992-2002 tặng hàng loạt xe rác cho các thành phố ở VN. Năm 1993 tổ chức tour tham quan vấn đề xử lý rác tại Nhật Bản cho Công ty Môi trường Hải Phòng, thành lập BAJ. Năm 1994 giúp xây dựng trường nghề cho trẻ em mồ côi TP.HCM. Năm 1995 tổ chức hội thảo môi trường (hợp tác với ĐH Y Hà Nội và Trung tâm Môi trường Huế), xuất bản sách Những kinh nghiệm về ô nhiễm môi trường tại Nhật Bản bản tiếng Việt.
(
Trong những tháng cuối cùng nằm trên giường bệnh, ông Araishi luôn mặc trên người những chiếc áo có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - một thần tượng của ông. Và ông bảo chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cho ông tinh thần lạc quan - Ảnh: H.H.Tuệ)
Tổ chức hội thảo về rác y tế tại TP.HCM (hợp tác với Trung tâm Bảo vệ môi trường TP.HCM). Từ 1996-2003 trồng cây gây rừng vùng núi đá Cao Bằng, Hà Giang. Năm 1999 xây nhà mátxa của kỹ thuật viên người khiếm thị tại Trường Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM. Từ 2002 đến nay tập trung giáo dục môi trường cho trẻ em nghèo ở TP.HCM, Huế; tạo việc làm cho thanh niên khó khăn ở vùng đô thị nghèo, việc làm ổn định cho người khuyết tật...
Đó là một số liệt kê về công việc mà ông Araishi cùng các cộng sự của mình đã làm ở VN. Và qua đó đã phản ánh được quan điểm của ông là “cho cần câu chứ không tặng cá”. Ông nói: “Khi chúng tôi đến với những nơi cần được giúp đỡ, ai cũng nghĩ rằng người Nhật giàu có, ắt khi đến sẽ cho nhiều tiền. Nhưng tôi nói rằng tiền nhiều rồi cũng sẽ hết, vì vậy cái chúng tôi đem đến cho các bạn là những cơ hội để tồn tại và phát triển”. Và đó là lý do của chuyện dạy nghề mátxa cho người khiếm thị, là chuyện đưa các em thiếu nhi nghèo lênh đênh trên sông nước ở Huế đến trường học…Chính vì vậy, khi nghe tin ông mất, những cậu bé như Bia, Điện... ở phường Phú Bình (Huế) đã khóc sướt mướt. Bởi chính ông chứ không ai khác đã làm thay đổi cuộc đời các em từ những cậu bé không biết chữ, không biết được tương lai sẽ như thế nào nay đã thật sự tự tin bước trên đường đời.
Huy Thọ
Nguồn www.tuoitre.com.vn-----------------------------------------------
“Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường”Cuối tháng 10-2008, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với Công dân danh dự Araishi Masahiro ngay tại Nhật. Khi ấy ở VN đang nóng bỏng chuyện Vedan “bức tử” sông Thị Vải. Mà ông Araishi hết sức quan tâm đến môi trường nên đương nhiên câu chuyện không thể tách khỏi vấn đề thời sự đó…
* Hẳn ông cũng có nghe câu chuyện Công ty Vedan “bức tử” sông Thị Vải đang rất xôn xao ở VN? - Vâng, tôi có theo dõi.
* Và ông nghĩ gì?- Tôi biết đó là điều tất yếu phải xảy ra. Năm 1995, chúng tôi cùng với nhiều cơ quan chức năng ở VN đã tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề bảo vệ môi trường liên quan thế nào đến phát triển kinh tế. Tại đây, chúng tôi đã dự báo trước những câu chuyện tương tự như vụ Vedan. Thật ra chúng tôi không phải giỏi giang gì cả, chẳng qua đó là con đường tất yếu mà tất cả các nước khi phát triển đều đã trải qua. Cũng trong năm 1995, chúng tôi đã biên soạn và phát hành một cuốn sách tại VN mang tên Những kinh nghiệm về ô nhiễm môi trường tại Nhật Bản.
Trong ấy chúng tôi kể lại chuyện khai thác bừa bãi tài nguyên đã đem lại bệnh tật cho người dân như thế nào, sự phát triển của các nhà máy đã gây tai hại ra sao... Tất cả đều là những câu chuyện người thật việc thật ở Nhật mà cho đến tận bây giờ, nghĩa là đã mất hơn nửa thế kỷ nhưng nước Nhật vẫn chưa giải quyết xong hậu quả. Vì vậy, chúng tôi không bất ngờ gì với những chuyện đang diễn ra ở VN.
* Nhưng với kinh nghiệm của mình, ông có lời khuyên gì?- Tôi nghĩ chính phủ nào cũng thế, đều muốn vừa phát triển kinh tế và đồng thời cũng muốn đảm bảo môi trường. Nhưng thật khó làm điều đó. Và để cân bằng được hai vấn đề này cũng là một điều rất khó. Đứng về phía một công dân Nhật, tôi sẽ chọn việc bảo vệ môi trường vì nếu tính toán chi li, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được khi phục hồi môi trường bị tàn phá. Để làm được điều đó, tôi nghĩ vai trò của báo chí rất quan trọng.
Bởi thông thường những nhà lãnh đạo chỉ nhận được những báo cáo không đầy đủ từ dưới, do đó kênh thông tin từ báo chí phải thật trung thực, phản ánh đầy đủ những tai hại do môi trường bị xâm hại mang đến. Và đó chính là một kênh thông tin quan trọng để nhà nước thấy được bản chất vấn đề.
* Xin cảm ơn ông.
H.T. thực hiện
Nguồn www.tuoitre.com.vn