Bạn đang xem trang 5 / 7 trang

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Ba T8 26, 2008 4:10 pm
Viết bởi chung
Ở bên Nhật đã khởi tố rồi đấy...
ベトナム高官に賄賂、前社長らを起訴
http://news.tbs.co.jp/20080825/newseye/tbs_newseye3932262.html

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Sáu T8 29, 2008 12:21 pm
Viết bởi duy9f
Sáng nay có tin này, nhưng cứ phải chờ và mở mắt thật to đã:
Thứ Sáu, 29/08/2008, 08:28 (GMT+7)

Nhật đề nghị VN hợp tác điều tra vụ PCI

TT (Hà Nội) - Ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, cho biết VN đã nhận được từ phía Nhật hồ sơ ủy thác tư pháp, trong đó đề nghị VN hợp tác điều tra vụ việc hối lộ liên quan đến bốn cựu quan chức PCI (Tập đoàn tư vấn quốc tế Pacific).

"Cho đến nay các cơ quan chức năng của VN đang tích cực xem xét vụ việc này" - ông Dũng nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao tại Hà Nội ngày 28-8.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN nói VN sẵn sàng hợp tác với phía Nhật để sớm làm rõ, xử lý thỏa đáng vụ việc phù hợp luật pháp VN, không để ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn ODA và quan hệ hợp tác đang tốt đẹp giữa VN - Nhật.

HƯƠNG GIANG

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=275994&ChannelID=3

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Bảy T8 30, 2008 3:14 am
Viết bởi Ansamurai
Bộ Ngoại Giao đã chính thức trả lời về vụ này rồi. Trong khá tích cực và hình như đã hiểu dần vấn đề đã đến lúc không thể nào không coi trọng.



Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời về những vấn đề đang được quan tâm
(28/08/2008-06:00:00 PM)      
(Cổng TTĐT Chính phủ) - Ngày 28/8/2008, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 26/8/2008 Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia và về việc 4 cựu quan chức của công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) bị truy tố về tội hối lộ quan chức Việt Nam.

Ông Lê Dũng cho biết, Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến tình hình xung quanh vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia; nhấn mạnh rằng chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc 4 cựu quan chức Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI - Nhật Bản), đã bị cơ quan công tố Nhật Bản quyết định truy tố ngày 25/8/2008, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nêu rõ: Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là kiên quyết thực hiện phòng, chống tham nhũng. Mọi hành vi tham nhũng, đưa hối lộ cũng như nhận hối lộ đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai.

Ông Dũng nhấn mạnh: Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao và hết sức trân trọng hỗ trợ phát triển (ODA) mà Chính phủ và nhân dân nhiều nước, trong đó có Nhật Bản đã và đang dành cho Việt Nam. Việt Nam đã và đang quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ODA để thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt coi trọng chống thất thoát, tham nhũng trong quá trình sử dụng ODA.

Về việc 4 cựu quan chức của công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) bị truy tố về tội hối lộ quan chức Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 21/8/2008, Việt Nam mới nhận được từ phía Nhật Bản hồ sơ ủy thác tư pháp đề nghị Việt Nam hợp tác điều tra vụ việc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực tiến hành xử lý vấn đề này.

“Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản để sớm làm rõ và xử lý thỏa đáng vụ việc phù hợp với luật pháp Việt Nam, không để vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn ODA và quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản,” ông Dũng khẳng định.

Link http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,128127&_dad=portal&_schema=PORTAL&pers_id=91517&item_id=8448521

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Hai T9 08, 2008 6:53 pm
Viết bởi duy9f
Anh em nào còn quan tâm vụ này thì xem tiếp bài này nhé, bài viết duy nhất trong không khí lạnh như băng của báo chí trong nước:

10% “lại quả” và những “vết nứt” ở đại lộ đông tây

Ông Sakashita Haruo, người có mặt ở TP.HCM ngay từ khi dự án đại lộ đông tây bắt đầu, khai rằng số tiền mà công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) trực tiếp hối lộ ông Sỹ, tổng cộng, có thể lên tới 2 – 3 triệu USD. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, giám đốc ban quản lý dự án đại lộ đông tây, TP.HCM, là quan chức mà cơ quan công tố Nhật vừa chính thức đề nghị Việt Nam “phối hợp điều tra”

Ông Sakashita có mặt ở TP.HCM từ năm 2001, khi đó dự án đại lộ đông tây đang ở giai đoạn 1, giai đoạn thiết kế và đưa ra mức dự toán của công trình. Khi ấy, PCI chỉ là một trong nhiều bên cùng tham gia tư vấn. Đến tháng 3.2003, PCI ký được hợp đồng với ban quản lý dự án, đảm trách tư vấn về quản lý triển khai. Sakashita khai rằng khi ấy, ông đã cùng với cấp trên của ông ở Hà Nội là Sakano Tsuneo đề nghị và được “giám đốc Sỹ” cho ký hợp đồng tư vấn giai đoạn 2 mà không qua đấu thầu. “Giám đốc Sỹ” sau đó còn ba lần ký “thay đổi nội dung” hợp đồng với PCI. Sở dĩ có được sự “giúp đỡ” này, theo ông Sakashita, là ngay từ năm 2001, cả ông và ông Sakano đã “hứa với giám đốc Sỹ”, để đền ơn, PCI sẽ đưa cho ông khoản hối lộ tương đương với 10% giá trị hợp đồng.

Tiền hối lộ được đưa thành nhiều lần vì theo ông Sakashita, “số tiền khá lớn, vả lại sau khi ký hợp đồng vẫn còn nhiều việc cần được giám đốc Sỹ tạo điều kiện”. Khi đưa tiền hối lộ, ông Sakashita khai: “Chúng tôi và giám đốc Sỹ thống nhất rằng, tôi và ông Sakano sẽ trao đổi thống nhất với giám đốc Sỹ thời gian và kim ngạch đưa cho giám đốc Sỹ”. Ông Sakashita khẳng định, “10% hối lộ” này là tiền lấy từ nguồn vốn thực hiện dự án đại lộ đông tây”, nguồn vốn mà Nhật cho Việt Nam vay theo cam kết ODA giữa hai chính phủ.
Chưa có một kết luận khoa học nào để đánh giá liệu có liên hệ gì giữa khoản tiền 10% mà nhà thầu PCI đưa hối lộ trong mấy năm vừa qua với các vết nứt ở “bốn đốt bê tông” đường hầm Thủ Thiêm, một phần của dự án đại lộ đông tây, vừa phát hiện gần đây

Một vị lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết nội vụ hiện đang được một cơ quan điều tra của bộ Công an thụ lý. Trong lịch sử chống tham nhũng ở Việt Nam, rất hiếm khi “đương sự nhận hối lộ” khai nhận hành vi phạm tội của mình. Nhưng, so với những vụ “nhận hối lộ” đã được xét xử tại Việt Nam, rất hiếm khi có được một vụ nào, cơ quan điều tra nhận được nhiều lời khai chi tiết và rõ ràng đến thế. Có ít nhất 820.000 USD trong tổng số tiền đã đưa hối lộ được các ông Kunio Takasu, Sakashita và Sakano nhớ và khai rõ từng chi tiết. Mặc dù tất cả số tiền đưa hối lộ này đều được “trao tận tay” bằng tiền mặt, nhưng lời khai của các quan chức PCI cho phép cơ quan điều tra xác định rất rõ: một phần lớn số tiền hối lộ này được rút tiền mặt ra tại TP.HCM vào đúng thời điểm mà các ông Sakashita, Takasu bay đến TP.HCM và sau đó gặp ông Sỹ.

Theo một người Nhật có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu điều tra, cơ quan công tố Nhật còn gửi kèm theo hồ sơ một số hình ảnh, đồng thời đề nghị cơ quan điều tra Việt Nam điều tra nhà riêng và truy tìm tất cả mọi tài sản có liên quan đến gia đình ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Tất nhiên, tính xác thực của những lời khai này còn phải được điều tra và nếu thực sự đã “nhận hối lộ”, ông Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ có thể bị một toà án ở Việt Nam kết tội. Một vị có trách nhiệm ở ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TP.HCM xác nhận rằng, cho đến nay, chưa có bất cứ một động thái xử lý nào về mặt Đảng và hành chính đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ hiện vẫn đang là giám đốc ban quản lý dự án đại lộ đông tây.

Vụ Siemens và “Huỳnh Ngọc Sỹ” chưa kịp điều tra ở Việt Nam thì tuần qua, tại Mỹ lại xuất hiện thêm một vụ án mới, theo đó ba Việt kiều đang bị truy tố vì đã hối lộ các quan chức hàng không và dầu khí để bán được các thiết bị cho các dự án liên quan đến dịch vụ bay ở Vũng Tàu. Số tiền đưa hối lộ, theo lời khai của ba bị cáo người Việt này, là 150.000 USD. Chính phủ của nhiều quốc gia gần đây đã thúc đẩy mạnh hơn việc điều tra nhắm vào các hành vi “đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài” mà các công ty của họ thực hiện nhằm giành được các đơn đặt hàng và hợp đồng từ nước khác. Những hành vi này được coi là vi phạm các quy định về cạnh tranh lành mạnh. Lời khai của một trong ba bị cáo Việt kiều trong vụ án xảy ra ở Mỹ nói rằng phần lớn thiết bị mà họ cung cấp có thể mua tại chỗ với giá rẻ hơn rất nhiều, nhưng các công ty nhà nước Việt Nam đã chọn mua từ họ với giá cao vì những khoản “hoa hồng” hậu hĩ.

Chưa có một kết luận khoa học nào để đánh giá liệu có liên hệ gì giữa khoản tiền 10% mà nhà thầu PCI đưa hối lộ trong mấy năm vừa qua với các vết nứt ở “bốn đốt bê tông” đường hầm Thủ Thiêm, một phần của dự án đại lộ đông tây, vừa phát hiện gần đây. Những vết nứt ở đường hầm qua Thủ Thiêm là có thể nhìn thấy, nhiều “vết nứt” khác lại không thể nhìn thấy. Tiền bạc, từ các khoản vay quốc tế và từ tiền đóng thuế của người dân, đang được chi tiêu ngày một nhiều lên. Không chỉ phải xử lý thật tích cực những quan chức “bị lộ” nhờ các nước điều tra, mà còn phải tự trang bị khả năng tự phát hiện của ta. Vấn đề không chỉ là làm trong sạch bộ máy nhà nước. Nếu như chỉ những nhà đầu tư biết hối lộ mới có thể nhận thầu và cung cấp những hàng hoá, thiết bị giá cao cho Việt Nam thì không chỉ có môi trường kinh doanh mà đạo đức xã hội cũng khó có thể nào lành mạnh được.

Huy Đức

http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=39992&fld=HTMG/2008/0907/39992

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Hai T9 08, 2008 7:45 pm
Viết bởi nemo
Theo dự đoán của Ngân hàng thế giới thì sang năm 2009 thu nhập GDP/đầu người của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 1000USD, trở thành nước có thu nhập trung bình. Chính phủ Nhật bản cũng đang thảo luận về việc chuyển hướng ODA từ những nước như Việt Nam sang những nước nghèo hơn, đặc biệt là châu Phi- khu vực đang bị Trung Quốc chiếm ưu thế . Như vậy, với nhu cầu vốn khổng lồ cho xây dựng cơ sở hạ tầng ,Việt Nam sẽ phải làm thế nào ? Những vụ việc thế này chắc chắn sẽ là lý do để Nhật Bản cắt giảm ODA nhưng phản ứng thiếu minh bạch của chính phủ hiện nay giống như bao che liệu có phải là một bước đi đúng ?


Tại sao chỉ có Sài Gòn tiếp thị cho đăng , mặc dù lời lẽ trong bài cũng khá mạnh bạo. Bó tay! có ai tìm được qui luật có thể giải thích cho những sự việc đang xảy ra không ạ?.

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Tư T12 03, 2008 12:29 pm
Viết bởi Ansamurai
Cho mình nâng cái topic này lên lại nhé. Dạo này truyền thông VN cũng đã bất đầu lên tiếng về vụ này mặc dù chính phủ rất khó chịu. ( hihi, đương nhiên rồi)

PCI và buôn lậu sừng tê giác: Góc nhìn từ quốc tế

Hội nghị Ngoại giao diễn ra trong bối cảnh ngoại giao Việt Nam đang phải xử lý nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến nghi án hối lộ 2,6 triệu USD trong dự án ODA của Nhật Bản và buôn lậu sừng tê giác Nam Phi. Tuần Việt Nam trao đổi với các học giả hàng đầu nghiên cứu về Việt Nam.

Lòng tin bị tổn hại

- Là một người nghiên cứu về Việt Nam lâu năm ở nước ngoài, ông cảm thấy thế nào khi nghe những thông tin gần đây của ngoại giao Việt Nam: xì căng đan PCI với 2,6 triệu đôla tham nhũng ODA, buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi?

Gs. Carl Thayer: Các vụ tham nhũng gần đây liên quan đến hối lộ quan chức ở thành phố Hồ Chí Minh và việc lạm dụng đặc quyền ngoại giao trở nên "nổi tiếng" bởi có lợi ích của nước ngoài liên quan. Điều quan trọng là không phản ứng thái quá. Những vụ việc này cho thấy các cá nhân cụ thể bị thôi thúc của lòng tham đã tham nhũng. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có hiện tượng tham nhũng ở quan chức.

Gs. Brantly Womack: Những xì căng đan đó rất nghiêm trọng đối với uy tín của Việt Nam. ODA quan trọng cho Việt Nam và các nhà tài trợ phải có lòng tin rằng tiền của họ sẽ được sử dụng thông minh và theo kế hoạch.

Vụ buôn lậu sừng tê giác liên quan tới Đại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi có thể ít quan trọng hơn, nhưng trên thực tế, nó sẽ gây tác hại to lớn lên sự hiện diện và uy tín của Việt Nam ở nước ngoài.

Quy tắc miễn trừ ngoại giao đã tồn tại ngay từ những ngày đầu của ngoại giao ở Hy Lạp cổ đại cũng như Trung hoa cổ đại. Điều này là cần thiết bởi các nhà ngoại giao phải là đại diện của lợi ích và quan điểm của một quốc gia khi được cử sang một quốc gia khác. Tuy nhiên, nếu nguyên tắc miễn trừ ngoại giao được sử dụng cho hoạt động tội phạm, nó sẽ phá vỡ lòng tin của nước chủ nhà.

Vấn đề xảy ra ở Nam Phi đặt ra những câu hỏi sâu sắc đối với ngoại giao Việt Nam. Đâu là vấn đề gốc? Liệu đó có phải chỉ là một vài cá nhân tham lam? Liệu lương thấp đối với các nhân viên làm việc ở nước ngoài có thể tạo nên động lực cho các hành vi bất hợp pháp? Lương của các quan chức Việt Nam ở nước ngoài so với với các nước ASEAN như thế nào?

Trong những năm 1980, nhiều sinh viên người Việt tại Nga và Đông Âu đã nhận khoản thu nhập từ việc đưa quần áo Levis từ Việt Nam và bán chúng cho những người có nhu cầu và đưa những hàng hóa khác về Việt Nam. Đó là sự thích ứng cần thiết đối với những khó khăn vào thời điểm đó, nhưng tôi tự hỏi liệu nó có tạo nên một thói quen xấu về buôn bán bên lề của người Việt ở nước ngoài?

Đảng cần hành động nhanh và mạnh hơn cả Chính phủ

Gs. David Koh: Xì căng đan PCI là cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam mạnh tay trong chống tham nhũng. Làm được điều đó, những người đang quan sát sự kiện này sẽ không nghi ngờ về việc Đảng đứng đằng sau Chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Trước đây, những người bị tình nghi tham nhũng thường ngay lập tức bị đình chỉ công tác và những người bị kết tội ngay lập tức bị cách chức, đuổi việc. Được biết, quyết định cuối cùng cách chức những người này phải có sự thông qua của Đảng. Sự chậm trễ của các quyết định sẽ phản ánh rằng Đảng không mạnh mẽ trong chống tham nhũng.

Vào thời điểm hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam cần hành động nhanh chóng, trên thực tế, cần phải hành động nhanh chóng hơn cả Chính phủ.

Ngoại giao không chỉ là câu chuyện hình ảnh. Nó trước hết là về lợi ích quốc gia. Trừ khi VN nghĩ rằng bảo vệ các quan chức tham nhũng là nằm trong lợi ích quốc gia của mình, còn Đảng nên chỉ đạo Bộ Ngoại giao làm việc chặt chẽ với các Chính phủ nước ngoài để ngăn chặn tham nhũng ở các dự án lớn như vậy.

Với những dự án tham nhũng được cung cấp tài chính từ các quỹ đi vay, chi phí chuyển giao tăng lên trở thành một gánh nặng mà các quan chức tham nhũng hiện tại đặt lên các thế hệ tương lai của Việt Nam.

Buôn lậu đã là vấn đề cũ trong giới quan chức chính phủ được cử làm việc ở nước ngoài. Tôi nghĩ những kẻ buôn lậu đã làm tổn thương nghiêm trọng hình ảnh quốc gia. Buôn lậu sẽ khiến nước chủ nhà nghi vấn về tính liêm chính của những người cầm hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ Việt Nam.

Mối bận tâm khác ngoài lợi ích quốc gia?

- Liệu những vụ việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới ngoại giao Việt Nam, tới mối quan hệ của Việt Nam với các nước hữu quan cũng như hình ảnh quốc gia của Việt Nam, theo ông?

Gs. Carl Thayer: Việt Nam đã có uy tín cao trên trường quốc tế nhờ vào các hoạt động đối ngoại. Nhưng cùng lúc đó, Việt Nam cũng thu hút sự lưu tâm rộng rãi của giới kinh doanh quốc tế về mức độ rộng lớn của hoạt động tham nhũng. Việt Nam đứng thứ 3 từ dưới lên trong các quốc gia về tham nhũng chỉ sau Indonesia và Philippines.

Xì căng đan hối lộ PCI và vụ buôn lậu sừng tê giác sẽ không làm sứt mẻ uy tín toàn cầu chung của Việt Nam. Nhưng các chính phủ nước ngoài và các quốc gia tài trợ quốc tế sẽ quan sát cẩn thận cách phản ứng của Việt Nam đối với những vụ việc này. Họ sẽ muốn nhìn thấy những người có tội bị trừng phạt.

Gs. David Koh: Như đã nói, các phái đoàn ngoại giao Việt Nam có truyền thống mạnh mẽ và lâu dài về lòng vị tha và đặt quốc gia lên trên hết. Đây là thời điểm để phục hồi truyền thống đó và đặt nó lên trên tất cả.

Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao cũng cần nghĩ làm thế nào để có được những cán bộ ngoại giao tốt hơn. Đây không phải là thời chiến và một cách tự nhiên, có thể đoán rằng các cán bộ ngoại giao có những mối bận tâm khác trong suy nghĩ của mình, bên cạnh lợi ích quốc gia.

Xử nghiêm người có tội bất kể chức vụ

- Từ bên ngoài quan sát, ông nghĩ cộng đồng quốc tế trông đợi về phản ứng của Việt Nam trước những vụ việc trên như thế nào?

Gs. Carl Thayer: Cộng đồng quốc tế trông đợi Việt Nam hành động nhanh chóng và minh bạch trong giải quyết hai vụ việc đó.

Bộ Công an đã thành lập tổ đặc nhiệm để tiếp hành điều tra xì căng đan PCI. Cần có sự điều tra nhanh chóng và không xảy ra vụ rửa sạch tội trạng. Nếu vụ việc dẫn tới một phiên tòa, quá trình diễn tiến phải được mở rộng cho công chúng, bao gồm cả người nước ngoài.

Đối với vụ buôn lậu sừng tê giác, Nam Phi và cộng đồng quốc tế sẽ nhìn Bộ Ngoại giao hành động xử lý quan chức đã bị phát hiện có trách nhiệm. Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao được trông đợi là sẽ có bước đi phù hợp để nhổ tận gốc rễ việc lạm dụng quyền của các quan chức ngoại giao có thể xảy ra lần nữa.

Gs. David Koh: Cộng đồng quốc tế luôn muốn nhìn thấy tham nhũng ở Việt Nam bị hạn chế tối đa. Do đó, tôi nghĩ, điều tra kỹ lưỡng mà không phải lo sợ hay dành sự ưu ái gì, và với sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ từ các nguồn tin (bao gồm cả các Chính phủ nước ngoài) là cách để giải quyết những vấn đề này. Điều quan trọng là đối với các vụ chống tham nhũng phải hành động quyết đoán và nhanh chóng.

- Ông có tư vấn gì cho Việt Nam để khôi phục hình ảnh quốc gia cũng như đạt được kết quả tích cực cho những nỗ lực phát triển quan hệ với phần còn lại của thế giới?

Gs. David Koh: Hình ảnh quốc gia gồm những gì? Đó không chỉ là ngoại giao hay trở thành dân tộc chủ nghĩa. Đó là tất cả những gì mà quốc gia và nhân dân của một quốc gia làm. Cải thiện hình ảnh quốc gia của Việt Nam bắt đầu không phải từ ngoại giao (bởi vì mọi người tin vào những gì họ thấy, không phải những gì các nhà ngoại giao nói) mà từ trái tim và khối óc của mọi người Việt Nam. Nó cần phải bắt đầu từ trong trường học và cách mà những người trẻ được giáo dục.

Gs. Carl Thayer: Việt Nam không thể trông đợi rằng có thể thay đổi nhanh chóng quan điểm của quốc tế về sự phổ biến của tình trạng tham nhũng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam phải đánh giá lại chiến lược đối phó với tham nhũng trên diện rộng và tham nhũng liên quan tới lợi ích nước ngoài hiện nay.

Cộng đồng quốc tế trông đợi Việt Nam sẽ tuân thủ đúng các cam kết quốc tế của mình. Việt Nam phải thông qua và tuân thủ nghiêm túc dự thảo Chiến lược quốc gia phòng ngừa tham nhũng tới năm 2020.

Các nhà lãnh đạo chủ chốt và các cơ quan chống tham nhũng phải hành động một cách kiên định. Họ phải hành động một cách minh bạch và kẻ có tội phải được trừng phạt đích đáng dù người đó ở vị trí nào trong chính quyền.

Khuyến nghị quan trọng nhất mà tôi có thể đưa ra là Việt Nam phải đặt ưu tiên trong triển khai các chính sách chống tham nhũng và tổ chức tốt hơn các cơ quan có trách nhiệm. Các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trong triển khai chính sách chống tham nhũng và khi họ thất bại, họ phải từ chức.

Hai là, Việt Nam cần cho phép truyền thông, báo chí đóng một vai trò độc lập trong điều tra và đưa tin về các vụ việc tham nhũng. Khi báo chí sai sót khi đưa tin về những vụ việc như vậy, họ không nên bị xem là đã phạm tội.

Nguồn: theo Vietnamnet
Rất đáng tiết bài đăng trên Vietnamnet bị rút xuống. hihi

Nhưng báo Phát luật thì để nguyên hihihi

http://www.thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=18714      




Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Năm T12 04, 2008 5:32 pm
Viết bởi duy9f
Tin mới:
Đọc xong thấy chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" quả là chính xác:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=291044&ChannelID=3

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Năm T12 04, 2008 5:50 pm
Viết bởi HoAnG-ShiGa
Đây là việc làm cần thiết và tất yếu, tạo sức ép cho chính phủ VN phải làm rõ ràng mọi việc. Nếu không làm rõ ra đuợc theo mình nên dẹp hết các dự án ODA đi, cán bộ ăn tiền mà nguời dân phải đi trả nợ, vậy đừng đi vay nữa cho xong. Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ là 1 phó giám đốc sở, với cái chức vụ nhỏ như vậy tại sao mãi không bị sờ gáy, đơn giản vì 2,6 triệu USD đó ông Sỹ không ăn 1 mình, mà phải chia chác cho nhiều nguời nữa ( có thể có cán bộ cấp cao của TPHCM ). Với lại 2,6 triệu đó chỉ là khâu tư vấn, còn trong các khâu khác như thi công hay mua vật liệu chắc chắn còn ăn nhiều hơn. Nếu khơi vụ này ra e nhiều cán bộ cấp cao ( nay đang làm trên TW) cũng dính vào

Mà ông Sỹ lúc nào không bệnh mà lại vào viện đúng lúc bị sờ gáy này. Hy vọng không diễn ra kịch bản cho ông Sỹ đi nuớc ngoài chữa bệnh sau đó sống lưu vong luôn để xoá sạch sự việc.

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Bảy T12 06, 2008 8:41 am
Viết bởi KaMi
Khi du lịch ở Cairo tôi gặp một thanh niên người Ðức ở cùng một khách sạn, cùng ngồi uống cà phê trong một quán vắng vẻ. Vì lý do xã giao bắt buộc, hai người phải chào hỏi nhau, và sau vài câu chuyện vãn, một câu hỏi tự nhiên là: “Anh ở nước nào tới đây?”

Khi biết quê quán anh ta ở thành phố Hannover, Ðức quốc tới, tôi hỏi thăm anh có biết về ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng tại đó không? Anh biết tiếng, nhưng anh chưa có dịp thăm chùa vì đã đi làm việc ở Berlin từ lâu. Khi nghe tôi từ California sang đây và là người Việt Nam, anh thú nhận chưa đi thăm Việt Nam bao giờ. Nhưng anh lại hỏi tôi ngay một câu: “Tại sao nước lụt lớn đến chết người như vậy? Chỉ mưa thôi mà?”

Tôi phải nghĩ mấy giây mới hiểu câu hỏi của anh. Có một bản tin cũ mấy tuần trước về cảnh lụt lội ở Hà Nội, đã đăng trên báo Người Việt trước khi tôi rời California! Nhưng không thể ngờ người nước khác họ cũng chú ý đến tin đó; đến nỗi một người Ðức trẻ tuổi, đang đi công tác ở Ai Cập, mà lại quan tâm đến tin mưa và lụt ở Hà Nội như vậy! Quả thật là bất ngờ! Chắc lâu lắm báo chí nước họ mới có một tin quan trọng về nước Việt Nam đáng đọc, và anh ta muốn tỏ ra có chú ý đến nước Việt Nam nên mới hỏi thăm về chuyện này.

Là người Việt Nam thì vốn tính sĩ diện. Tôi cố giải thích cho anh hiểu rằng thành phố Hà Nội được thiết kế từ hơn thế kỷ trước, khi người ta ước tính dân số lên cao nhất chỉ tới mấy trăm ngàn. Mấy năm gần đây dân số mới tăng, giờ lên tới bốn triệu người, thành ra hạ tầng cơ sở không đủ đáp ứng!

“Nhưng chết đến 55 người thì nhiều thật!” Anh bạn trẻ vẫn tỏ ý thương xót. Tôi công nhận chuyện ấy thật khó hiểu! Không thể nào tự bào chữa cho nước mình được, tôi đánh trống lảng, quay sang hỏi anh ta tới Ai Cập dự hội nghị về cái gì, chỉ cốt bỏ qua chuyện Hà Nội Lụt.

Làm người Việt Nam, dù ở đâu, đi đâu, mình cũng chia sẻ tiếng tốt hay tiếng xấu của nước Việt Nam. Mình chưa kịp khoe khoang bốn ngàn năm văn hiến mà người ta đã hỏi thăm chuyện lụt lội chết người ngay ở thủ đô (sắp kỷ niệm 1000 năm lịch sử), thì mình cũng chia sẻ nỗi xấu hổ với đồng bào mình vậy. Là đồng bào thì phải chịu trách nhiệm chung với nhau cả. Cũng may trong mấy ngày sắp tới đây tôi sẽ không gặp người Nhật Bản nào cả. Tội nghiệp cho mấy người bạn tôi ở Nhật Bản, chắc họ vẫn bị những người chung quanh hỏi thăm về vụ công ty PCI hối lộ ở Việt Nam! Không ai nỡ chối rằng mình không chịu trách nhiệm nào về những chuyện đó!

Tôi cảm thấy nhục khi nghe tin hôm qua chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông báo cúp bớt viện trợ phát triển ODA theo lối tín dụng lãi suất nhẹ cho Việt Nam. Họ nói rõ, tạm ngưng cho đến khi nào đảng Cộng Sản Việt Nam chứng tỏ họ có thể trừ nạn tham nhũng, hối lộ. Nghe tin đó, người Việt Nam ở bất cứ phương trời nào cũng cảm thấy nhục nhã. Không biết báo chí bên Ðức có loan báo tin này như tin mưa lụt ở Hà Nội hay không. Người Việt Nam ở khắp thế giới có thể được người ngoại quốc hỏi thăm về câu chuyện này. Một anh bạn tôi ở Zurich, Thụy Sĩ nhưng hay làm việc và tiếp xúc với người Nhật ở đó, không biết có người nào hỏi thăm anh chuyện này chưa? Anh giải thích ra sao?

Quý vị độc giả đã biết rồi, chuyện các viên chức của công ty PCI bị đưa ra tòa án ở Tokyo và họ khai đã nộp tiền hối lộ cho mấy quan chức cộng sản ở Sài Gòn trong vụ Dự án Xa lộ Ðông Tây. Dân chúng Nhật Bản đều đọc tin đó trên báo chí. Vụ PMU 18 ở Hà Nội hơn hai năm trước, tiền bị ăn cắp cũng có tiền viện trợ ODA của Nhật Bản nữa.

Dân Nhật được biết chuyện PCI hối lộ từ gần một năm nay rồi, ai đọc báo cũng biết tên ông Huỳnh Ngọc Sĩ, người đã đòi PCI đút lót 2 triệu 6 đô la. Nhưng “Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Tham nhũng” của đảng cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố trong vụ này họ chưa thấy có gì cụ thể cả! Cái cụ thể sờ sờ trước mắt bây giờ là cả nước chịu nhục nhã. Họ có thấy hay không?

Một điều nhục là ông đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba đã công bố tin cúp viện trợ trong một cuộc họp báo, ngay trong ngày họp đầu tiên của hội nghị các nguồn cấp viện cho nước ta. Tiếng Anh gọi họ là các “đô no” (donors), gồm các quốc gia và các định chế quốc tế, mỗi năm họp một lần như lần này. Các quan chức cộng sản Việt Nam có vẻ ngớ ra, không ngờ cái tin bị cúp hàng tỷ đô la viện trợ được tung ra giữa công chúng! Thật là nhục nhã!

Nếu khéo “ngoại giao” hơn, nghĩa là nếu muốn tỏ vẻ kính trọng chủ nhà một chút thôi, chính phủ Nhật có thể cho tin xấu này được tiết lộ ra theo cách khác, nhè nhẹ và chầm chậm.

Tại sao chính phủ Nhật không thông báo cho chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biết trước một ngày, rồi chính họ loan báo tin buồn này trước khi họp hội nghị? Sau đó, khi báo chí hỏi, ông đại sứ Nhật chỉ gật đầu xác nhận là đủ rồi. Làm như vậy sẽ giữ được thể diện, không phải riêng thể diện của đám lãnh tụ cộng sản tham nhũng mà cũng nên bảo vệ mặt mũi cho cả dân tộc Việt Nam 84 triệu người nữa chứ!

Công bố việc cắt viện trợ trước công chúng đã là một tin làm mất mặt nước chủ nhà rồi, nhưng ông Ðại sứ Mitsuo Sakaba còn nặng tay hơn nữa. Ông nói thẳng lý do cúp tiền là vì chính quyền cộng sản Việt Nam tham nhũng quá. Ông nói viện trợ Nhật sẽ được tiếp tục trở lại khi nào đảng Cộng Sản Việt Nam cộng tác với chính phủ Nhật thiết lập một hệ thống bài trừ tham nhũng có hiệu quả.

Nói cách khác, Ðại sứ Mitsuo Sakaba tố cáo thẳng trước một hội nghị quốc tế rằng những món viện trợ cho nước Việt Nam chỉ nuôi một bọn tham nhũng. Dù thương yêu muốn giúp 84 triệu người dân Việt Nam đến mấy, chính phủ Nhật cũng không thể chấp nhận cảnh tiền bạc do dân Nhật đóng thuế bị bọn ăn cướp cộng sản Việt Nam lấy bỏ túi như vậy! Có thể coi đây là một cái tát vào mặt nhóm người cầm quyền ở nước ta.

Nhật Bản là quốc gia viện trợ cho Việt Nam nhiều nhất, số tiền Nhật cho bằng một phần ba tổng số các nước. Các nước khác sẽ lấy đó làm gương. Tất cả các nước cấp viện sẽ phải đặt câu hỏi này: Tại sao chính phủ Nhật Bản có can đảm công khai buộc tội đám người gian tham này, và Nhật Bản đã đưa ra biện pháp trừng phạt, còn chính phủ nước mình vẫn ngậm miệng, lại còn bỏ tiền ra nuôi tiếp cho chúng béo phì ra? Tại sao chính phủ Nhật Bản có tinh thần trách nhiệm đối với dân chúng họ, còn chính phủ các nước khác lại không thận trọng hơn trong việc đem tiền nuôi bọn kẻ cắp?

Nếu chính phủ các nước cấp viện không tự đặt câu hỏi đó, thì chính người dân và báo chí các nước đó sẽ có lúc đặt câu hỏi. Và kết quả sẽ không phải chỉ có số tiền viện trợ cho 84 triệu người Việt Nam sẽ bị giảm bớt. Hậu quả đau đớn nhất là nỗi nhục nhã cả một nước phải chịu, do một bọn cầm quyền thối nát gây ra!

Một nước phải ngửa tay xin tiền đã là nhục rồi. Nhưng trong thế giới bây giờ có bao nhiêu nước nghèo vẫn được các nước giầu viện trợ, nước mình cũng ngang hàng với nhiều nước Á Châu, Phi Châu khác, cho nên nỗi nhục này còn nhịn được.

Nhưng đã đi xin tiền rồi, đem tiền bố thí về nhà rồi, trong nhà còn ăn cắp của nhau nữa, nhục nhã làm sao đây! Ăn cắp trâng tráo như thế mà bọn họ cứ tiếp tục bao che tội cho nhau mấy chục năm nay, cả nước không ai dám nói gì, không dám làm gì cả, không thấy là nhục hay sao?

Ăn cắp những số tiền lớn một cách vô liêm sỉ đến nỗi chính phủ nước ngoài họ phải ngưng cho tiền vì sợ dân của họ phản đối! Ðại sứ Nhật Bản đã nói rằng dân chúng nước ông không cho phép chính phủ đem tiền cho những nước nghèo để lọt vào tay bọn căn cắp. Người Nhật đang tự hỏi nhau tại sao nước Việt Nam nhiều kẻ cắp thế! Niềm tủi nhục đó cả nước phải chịu đựng cho đến bao giờ?

Sáu tháng nay dân Nhật Bản ai cũng biết sự tích ông Huỳnh Ngọc Sĩ được lì xì hàng triệu đô la Mỹ bằng tiền mặt, còn báo chí Việt Nam thì không ai dám đi tìm hiểu xem ông ta sống thế nào, nhà cửa, gia đình ra sao, con cái học hành ở đâu. Không phóng viên nào dám đi tìm phỏng vấn các người cộng sự hay cấp chỉ huy của ông ta cả. Phải cắn răng ngậm miệng, không dám hỏi, không dám nói như vậy cho đến bao giờ?

Chúc các bạn may mắn, khi ra ngoài đường, đi du lịch, không gặp người Nhật Bản nào cả. Giống như ông bạn trẻ người Ðức gặp tôi ở Cairo, tự nhiên tò mò hỏi tại sao thành phố Hà Nội bị lụt khiến mình lúng túng. Làm người Việt Nam lúc nào mình cũng muốn bảo vệ thể diện cho đất nước. Nhưng làm sao bảo vệ được thể diện của ông Huỳnh Ngọc Sĩ và các đồng chí của ông ta bây giờ!

(Nguồn: Người Việt, ngày 4.12.2008)
Ngô Nhân Dụng

Re:Nhật điều tra vụ "lót" tiền quan chức VN.

Đã gửi: Bảy T12 06, 2008 9:16 am
Viết bởi KaMi

Đây là việc làm cần thiết và tất yếu, tạo sức ép cho chính phủ VN phải làm rõ ràng mọi việc. Nếu không làm rõ ra đuợc theo mình nên dẹp hết các dự án ODA đi, cán bộ ăn tiền mà nguời dân phải đi trả nợ, vậy đừng đi vay nữa cho xong. Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ là 1 phó giám đốc sở, với cái chức vụ nhỏ như vậy tại sao mãi không bị sờ gáy, đơn giản vì 2,6 triệu USD đó ông Sỹ không ăn 1 mình, mà phải chia chác cho nhiều nguời nữa ( có thể có cán bộ cấp cao của TPHCM ). Với lại 2,6 triệu đó chỉ là khâu tư vấn, còn trong các khâu khác như thi công hay mua vật liệu chắc chắn còn ăn nhiều hơn. Nếu khơi vụ này ra e nhiều cán bộ cấp cao ( nay đang làm trên TW) cũng dính vào

Mà ông Sỹ lúc nào không bệnh mà lại vào viện đúng lúc bị sờ gáy này. Hy vọng không diễn ra kịch bản cho ông Sỹ đi nuớc ngoài chữa bệnh sau đó sống lưu vong luôn để xoá sạch sự việc.


tiếp tục đi Hoangshiga