Tin Nhật - Việt
Người Nhật bàng hoàng về vụ PCI Đã tròn một tháng trôi qua kể từ khi Nhật Bản chính thức khởi tố vụ các viên chức công ty tư vấn PIC ở Tokyo tội hối lộ quan chức Việt Nam để được xây một dự án công.
Các ông Masayoshi Taga, Kunio Takasu, Haruo Sakashita, Tsuneo Sakano bị khởi tố hôm 28/08/08 vì đã đưa hối lộ tổng cộng 820,000 đôla trong dự án dùng vốn viện trợ phát triển (ODA) của Nhật cho công trình xa lộ Đông Tây ở TPHCM.
BBC phỏng vấn Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo để biết dư luận Nhật đánh giá sao về vụ khởi tố các viên chức PCI vì tội đưa hối lộ ở Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Thọ: Liên quan đến việc sử dụng ODA của Nhật có thể nói chưa có sự kiện nào lớn bằng vụ PCI lần này và chưa bao giờ dư luận Nhật Bản quan tâm theo dõi diễn tiến sự kiện sử dụng bất chính ODA như lần này.
Tôi hiện đang nghiên cứu tại Mỹ nhưng qua báo mạng cũng thấy các nhật báo lớn ở Nhật đều tường thuật sự kiện và có xã luận về vấn đề này.
Đầu tháng này gặp một bạn đồng nghiệp người Nhật ở Tokyo sang dự hội nghị ở Mỹ cho biết các đài truyền hình ở Nhật liên tiếp nhiều ngày đã đưa sự kiện lên màn hình làm thành một trong những tin chính trong ngày.
Dư luận Nhật bàng hoàngTheo tôi, sự kiện này lôi cuốn quan tâm của dư luận Nhật Bản vì ba yếu tố: thứ nhất, dân chúng ngày càng quan tâm giám sát nội dung chi tiêu ngân sách của chính phủ để cho tiền thuế của họ được sử dụng đúng mục đích và không lãng phí.
Đặc biệt từ thập niên 1990, trong bối cảnh kinh tế trì trệ, ngân sách thâm hụt, dân chúng đặc biệt nghiêm khắc đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Các đảng phái đối lập, các cơ quan ngôn luận và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đều được quyền tiếp cận các thông tin liên quan chi tiêu ngân sách.
ODA cũng là một bộ phận trong ngân sách và nằm trong sự giám sát chung đó.
Thứ hai, là người dân của một nước tiên tiến, người Nhật thấy xấu hổ khi công ty của nước mình có hành vi bất chính tại nước ngoài.
Nhất là từ năm 1998 khi Nhật đã phê chuẩn Công ước ngăn ngừa hành vi đưa hối lộ cho quan chức nước ngoài của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), một tổ chức của các nước tiên tiến, và Nhật đã sửa đổi Luật ngăn ngừa cạnh tranh bất chính để nội dung đi sát với tinh thần của công ước ấy.
Bốn thành viên trong ban lãnh đạo của công ty PCI bị bắt vì tội vi phạm luật này.
Thứ ba, có lẽ nhiều người Nhật đã bàng hoàng khi thấy trong vụ PCI số tiền thuộc loại cho vay ưu đãi đã rơi vào chi tiêu bất chính quá lớn (chỉ một dự án mà số tiền bất chính lên tới 820.000 USD).
Và nhất là tiền hối lộ đó được đưa cho quan chức của một nước mà thu nhập GDP đầu người mới chỉ ở mức 800 USD.
Hơn nữa sự kiện lại xảy ra tại một nước mà bấy lâu nay họ thấy rất có cảm tình, thấy gần gũi về văn hóa và nhiều mặt khác.
Đối với tuyệt đại đa số người Nhật, việc nhận viện trợ nước ngoài là chuyện bất đắc dĩ trong một giai đoạn ngắn của quá trình phát triển, và giới lãnh đạo của nước nhận viện trợ phải có ý thức trách nhiệm trong việc dùng tiền viện trợ.
Nhật cũng đã từng là nước nhận viện trợ. Từ năm 1946 đến năm 1951, Nhật đã nhận viện trợ không hoàn lại từ Mỹ, số tiền nầy được quản lý chặt chẽ và chỉ dùng để nhập khẩu những nguyên liệu cần thiết cho sản xuất.
Từ năm 1949 đến 1961, Nhật vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng thế giới và chính phủ Mỹ, để dùng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và để phát triển một số ngành công nghiệp.
Trong thời gian đó, nhiều quan chức cao cấp khi đi công du ở nước ngoài phải thuê khách sạn rẻ tiền, phải ở chung phòng để tiết kiệm ngoại tệ. Sự kiện PCI gây sốc cho nhiều người Nhật còn vì bối cảnh đó nữa.
BBC: Mục tiêu Nhật giúp Việt Nam qua các khoản viện trợ ODA là gì? Vì món nợ quá khứ thời chiến, còn muốn tạo ảnh hưởng thì đó là ảnh hưởng gì?Giáo sư Trần Văn Thọ: Không riêng gì Việt Nam, ODA của Nhật cấp cho các nước đang phát triển có hai mục đich chính: một là duy trì, tăng cường quan hệ ngoại giao để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ chính sách, lập trường của mình trên vũ đài quốc tế; hai là, tạo điều kiện để các công ty của Nhật đến đầu tư (ODA xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng, tiền đề để công ty tư nhân đầu tư kinh doanh, sản xuất).
ODA của Nhật bắt đầu từ thập niên 1960, tập trung tại khu vực Á châu, nơi Nhật có nhiều lợi ích về ngoại giao và kinh tế, tuy từ thập niên 1990, các nước Phi châu cũng được chú trọng nhằm tăng cường chính sách ngoại giao đa phương và nhất là ngày càng nhiều nước Á châu đã phát triển, không cần nhận nhiều ODA như trước.
Riêng Việt Nam, một nước ở giai đoạn có nhu cầu nhận ODA và lại có vị trí đăc biệt quan trọng đối với Nhật cả về ngoại giao và kinh tế. Việt Nam là một trong những nước thành viên quan trọng của ASEAN, một khu vực mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang tranh dành ảnh hưởng. Với qui mô dân số, vị trí địa lý, và văn hóa gần gũi với Nhật, Việt Nam còn là môi trường đầu tư nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp Nhật Bản.
BBC: Nhìn lại cả quá trình đầu tư, viện trợ của Nhật vào VN từ vụ sập cầu Cần Thơ đến vụ PCI, có ý kiến nào trong chính giới Nhật, hay truyền thông của họ cho rằng cần xem lại cách làm việc ở Việt Nam?Giáo sư Trần Văn Thọ: Sự kiện PCI chắc chắn đã làm cho hình ảnh Việt Nam trong dư luận Nhật Bản và trong lòng người Nhật xấu đi nhiều. Đó là điều rất đáng tiếc.
Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật đối với Việt Nam.
Như đã nói ở trên, chính sách ODA được hoạch định và thực hiện trên những tính toán về chiến lược, lợi ích về ngoại giao và kinh tế.
Việt Nam không phải lo về vấn đề ODA có bị cắt giảm hay không mà cái đáng lo hơn cả là làm sao gỡ lại thể diện của đất nước trong dư luận ở Nhật và trên vũ đài quốc tế.
Muốn vậy chính phủ cần hợp tác tích cực với Nhật trong việc điều tra sự kiện và xử phạt công minh người có tội.
Được biết vào cuối tháng 8/2008, chính phủ Nhật có đề nghị với chính phủ Việt Nam lập Ủy ban hỗn hợp để giám sát các dự án ODA nhằm phòng tránh các sự kiện tương tự.
Theo chỗ tôi tìm hiểu, cho đến nay, ít nhất là trong vòng 20 năm nay, chưa có một ủy ban tương tự giữa Nhật với các nước nhận ODA của họ.
Thành ra nếu Ủy ban hỗn hợp Nhật Việt ra đời thì đây là một sự kiện không mấy danh dự cho Việt Nam.
Do đó, tốt nhất là Việt Nam phải chủ động cho thấy mình sẽ sẵn sàng chuẩn bị cơ chế để phòng chống hiện tượng tiêu cực trong ODA nói riêng và tệ nạn tham nhũng nói chung.
Một cơ chế hữu hiệu khi dân chúng có quyền giám sát tài chính và quá trình thực thi dự án ODA thông qua báo chí và xã hội dân sự.
BBC: Thay đổi nội các Nhật thời gian này sẽ tác động ra sao đến quan hệ hai bên?Giáo sư Trần Văn Thọ: So với thủ tướng Fukuda Yasuo, thủ tướng mới Aso Taro có lẽ không có quan tâm đặc biệt đối với các nước Á châu. Tuy nhiên sẽ không có sự thay đổi trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Như đã nói, Việt Nam vẫn là nước được chú trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật và là môi truờng đầu tư quan trọng của các công ty Nhật Bản.
Giáo sư Trần Văn Thọ giảng dạy môn kinh tế học ở Đại học Waseda, Tokyo. Trong thời gian trả lời phỏng vấn BBC ông đang làm nghiên cứu tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ.Nguồn BBC Vietnamese.com