Bạn đang xem trang 4 / 5 trang

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T2 10, 2009 2:11 am
Viết bởi Ansamurai

Ân ơi! Chơi ác quá, ngày mô cũng học lịch sử thì chết M....
Nhớ đường về Việt nam chưa?


hihihi, thôi em về ngủ đây. Tối nay chắc mơ về Vn quá. Dạo này cũng bất đầu nhớ nhà kinh khủng.

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Tư T2 11, 2009 2:21 am
Viết bởi Ansamurai
30 năm ngày cuộc chiến tranh 17-02-1979
Nguyễn Trung

Từ nhiều tháng nay không hiếm trên nhiều mạng Trung Quốc các bài về cuộc chiến tranh biên giới Việt –Trung tháng 2 năm 1979. Đương nhiên mỗi bài một cách nhìn về sự kiện đen tối nhất này trong lịch sử ngoại giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Qua lời dịch của bạn bè, tôi được biết những bài này có nhiều nội dung, ý tứ khác nhau. Nếu hỏi tôi nghĩ gì về những bài này, câu trả lời của tôi sẽ là: Rất cần có những nỗ lực nghiêm túc để cả hai bên cùng nhau thực sự khép lại quá khứ, hướng về tương lai.

Mọi người còn nhớ, vào ngày 17 tháng hai cách đây 30 năm, đại binh Trung Quốc gồm 9 quân đoàn chủ lực và 3 sư đoàn độc lập ầm ầm tiến vào đánh phá đồng loạt toàn bộ 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta – cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất của Trung Quốc kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tham chiến cùng với đạo quân 60 vạn bộ binh Trung Quốc này có hàng trăm xe tăng, hàng nghìn pháo, súng cối, dàn hỏa tiễn – ngoài ra hạm đội Nam Hải trực ngoài biển và không quân Trung Quốc sẵn sàng ứng phó.

Chiến sự diễn ra đẫm máu vào sâu 6 tỉnh nói trên, giao tranh ác liệt với phía Việt Nam cho đến ngày 18 tháng ba năm 1979; sau đó quân Trung Quốc rút về chốt các điểm trên biên giới hai nước để tiếp tục các cuộc bắn phá tranh giành biên giới. Xung đột biên giới kéo dài cho đến gần hết năm 1988 mới chấm dứt, sau đó là thời kỳ thương lượng bình thường hóa quan hệ.

Đạo quân Trung Quốc tàn sát và gây thương vong lớn tại chỗ, phá hủy nặng nề tại các nơi có chiến sự. Các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và một số thị trấn khác bị san phẳng. Các cuộc bắn phá tranh giành biên giới tiếp theo rộ lên ác liệt nhất trong các năm 1984-1985 - điển hình là các cuộc chiến xảy ra tại Núi Đất thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, nơi quân hai bên có nhiều trận huyết chiến giáp lá cà, có trận quân số mỗi bên tham gia là hàng nghìn người, phía Trung Quốc có những trận pháo kích ròng rã ngày đêm vào trận địa này, có khi suốt cả tuần lễ không nghỉ.

Nguyên nhân xa gần về cuộc chiến tranh trên đất Việt Nam này có rất nhiều. Phía Trung Quốc hồi đó tuyên bố công khai với lời lẽ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử quan hệ quốc tế là nhằm “Dạy cho Việt Nam bài học”. Ngoài ra năm này qua năm khác Trung Quốc giải thích trong nội bộ: đây là cuộc chiến tranh tự vệ, chống Việt Nam phản bội.

Rồi đây các thế hệ thiện chí hiện nay và sau này của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ còn phải mất nhiều công sức tìm hiểu rạch ròi các nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh này và rút ra những kết luận xác đáng, có lợi cho việc phát triển quan hệ tốt giữa hai nước. Lẽ đơn giản là muốn tránh những sự cố đau đớn cho hiện tại và trong tương lai, muốn duy trì và phát triển những thành quả của mối quan hệ láng giềng tốt mà nhân dân hai nước đang cố gắng khép lại quá khứ để hướng tới, thì không được quay lưng lại với lịch sử.

Hãy để cho các công trình nghiên cứu khoa học dẫn đến các đánh giá, kết luận đúng đắn. Tuy nhiên, phải nói 30 năm đã trôi qua, nhưng vẫn nóng bỏng câu hỏi: Vì sao từ chỗ ủng hộ và viện trợ to lớn cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Trung Quốc lại phát động cuộc chiến tranh quy mô lớn và tàn bạo như vậy?  

Nhìn lại các chuỗi sự kiện rối rắm, ai cũng thấy quan hệ núi liền núi sông liền sông Việt-Trung rạn nứt từ những năm đầu thập kỷ 1960, đổ vỡ từ sự kiện Kissinger đi thăm Trung Quốc, Thông cáo chung Thượng Hải hai nước Trung Quốc và  Mỹ năm 1972, sau đó là  bình thường hóa quan hệ Trung- Mỹ. Giữa lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam đi vào thời kỳ quyết định. Trong thời kỳ này quan điểm của Trung Quốc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta có sự thay đổi, đại ý là: chổi ngắn không quét được rác xa, Việt Nam nên coi thống nhất đất nước là sự nghiệp hàng trăm năm.

Sau ngày giải phóng miền Nam Việt Nam 30 tháng tư năm 1975 quan hệ Việt-Trung tiếp tục xấu đi, nhất là từ khi lực lượng Khmer đỏ triển khai hàng loạt cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ Việt Nam, mở đầu là cuộc đột kích vào đảo Phú Quốc ngày 4-7-1975, rồi vào đảo Thổ Chu ngày 10-7-1975... Rồi đến các cuộc tấn công mang tính tàn sát man rợ của Khmer đỏ tháng 4 và tháng 7 năm 1977 vào sâu 10 km trong lãnh thổ Việt Nam tại các tỉnh An Giang và Tây Ninh.

Nhớ lại, hồi đó không ít người đặt câu hỏi: Vì sao Khmer đỏ dám liều lĩnh tấn công kẻ đã thắng Mỹ - sự hận thù quá sâu sắc? được khích lệ? hay là vì cả hai?... Những câu hỏi này cộm lên, bởi vì sau ngày 30-04-1975 những cuộc đánh phá, giết chóc của Khmer đỏ ở phía Nam Việt Nam  diễn ra rất sớm và ngày càng tăng. Đồng thời tình hình trên biên giới Việt-Trung trở nên căng thẳng, nhất là tại khu vực 300 mét nối ray đoạn đường sắt Hữu nghị quan. Một vài năm sau đó xảy ra vấn đề “nạn kiều” trong toàn Việt Nam - tương tự như “vấn đề người Hoa” ở Indonesia trước đó...

Quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng tột độ khi quân đội Việt Nam sau 12 tháng 7 ngày đã quét sạch Khmer đỏ ra khỏi Phnompenh ngày 7-1-1979  và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. 40 ngày sau đó là cuộc chiến tranh quy mô lớn của Trung Quốc vào toàn bộ biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Quãng thời gian 1972 -1979 cũng là thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh và đồng thời cũng là thời kỳ tranh giành ảnh hưởng quyết liệt với nhau giữa 3 nước lớn chi phối bàn cờ thế giới hồi ấy là Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ, tác động đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.  Sau đó là một chặng đường dài gian khổ không ít máu và nước mắt, kể từ cuộc chiến tranh này đi tới bình thường trở lại quan hệ giữa hai nước Việt-Trung, và hôm nay là quá trình gian khổ xây dựng lại mối quan hệ hòa bình, hợp tác, hữu nghị, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Thực tế chặng đường này cho thấy: Hướng về tương lai có nghĩa là phải làm mọi việc hàn gắn những đổ vỡ trong quá khứ, càng không thể tái diễn những sai lầm cũ, và trên hết cả là phải làm mọi việc xây dựng sự hợp tác hữu nghị trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Thế giới hôm nay đã hoàn toàn thay đổi so với cách đây 30 năm, vừa tạo ra cho hai nước những thuận lợi to lớn cho xây dựng mối quan hệ láng giềng cả nhân dân hai nước đều mong muốn, vừa đặt ra cho hai nước nghĩa vụ thông qua sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ này góp phần mình vào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thêm bớt hay viết lại lịch sử chỉ nuôi dưỡng hiềm khích, khoét sâu thêm quá khứ. Trí nhớ có thể phai mờ, lịch sử thì không. Còn muốn khép lại quá khứ và hướng về tương lai, nhất thiết phải sòng phẳng với lịch sử, tất cả để vượt qua mọi bất đồng và để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau – nền tảng cho mối quan hệ láng giềng giữa hai nước. Hơn nữa lịch sử có thể và luôn luôn là người thầy tốt cho thiện chí. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu của hai quốc gia nên gặp gỡ nhau hội thảo khoa học, trao đổi ý kiến cởi mở, tiếp tục cổ vũ cho những nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền vững giữa hai nước./.

http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_17_02_1979.htm

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Bảy T2 14, 2009 1:06 am
Viết bởi Ansamurai
Chỉ vắng đi vài ngày mà BBC đã có những bài rất hay , cho phép chúng ta tiếp cận "cuộc chiến" này từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Chiến cuộc ngoại giao


Các thập kỷ 1970-1980, trước khi chiến sự nổ ra trên biên giới Trung-Việt, là thời kỳ vô cùng khó khăn của ngành ngoại giao Việt Nam.

Vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến chống Mỹ, Việt Nam lâm vào tình trạng ngày càng cô lập, thiếu vắng đồng minh.

Cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ là người trực tiếp tham gia nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong suốt thời kỳ đó.

Đài BBC đã có cuộc nói chuyện với ông về bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung:

Ông Trần Quang Cơ: Căn nguyên (của cuộc chiến Việt - Trung) là xung quanh vấn đề quyền lợi nước lớn, liên quan tới vấn đề Đông Dương. Nói sát ra, thì nó dính tới cuộc chiến ở biên giới Tây Nam.

Tháng Giêng 1979, Việt Nam giải phóng Phnom Penh, thì sau đó xảy ra sự kiện tháng Hai 1979. Lúc đó Trung Quốc cũng tuyên bố rõ ràng là 'dạy cho Việt Nam một bài học', và cụ thể là hòng cứu nguy cho Pol Pot.

Khi Pol Pot vào các tỉnh biên giới phía Nam, giết hại nhiều người thì việc đầu tiên Việt Nam phải làm là bảo vệ biên giới, bảo vệ người dân của mình. Dân Việt Nam vừa mới hoàn hồn, vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh với Mỹ xâm lược, năm 1975 giải phóng đất nước, thì Pol Pot đã có chủ trương gây chiến và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Nhất định hành động như vậy phải có tác động của nước lớn rồi. Thí dụ, vũ khí lấy đâu ra? Bao nhiêu vũ khí ta bắt được, đều là từ Trung Quốc.

BBC: Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh trong cuộc chiến chống Mỹ. Vậy thưa ông, bắt đầu từ bao giờ quan hệ đó bắt đầu xấu đi?

Ông Trần Quang Cơ: Nói chung quan hệ hai bên cứ xấu đi dần dần. Thực tế, từ năm 1972, khi Kissinger và Nixon sang Trung Quốc, đàm phán với Bắc Kinh, thì quan hệ Mỹ - Trung đi vào hòa hoãn.

Thời bấy giờ thế giới tuy chỉ có hai cực, nhưng với ba siêu cường: Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, tình thế bắt đầu hòa hoãn. Liên Xô dưới quyền Gorbachev chủ trương muốn hòa hoãn với Trung Quốc vì lợi ích của Liên Xô, để cải thiện tình hình trong nước.

Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam.

Liên Xô là đồng minh duy nhất còn sót lại của ta, với Trung Quốc thì quan hệ xấu đi, còn Mỹ thì chưa hết dư âm của chiến tranh, mà lần đầu Mỹ bị thua như vậy.

Đối với vấn đề Campuchia, thì các nước nhất là năm quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thiên về lý luận là Việt Nam xâm lược Campuchia mà lờ đi cuộc diệt chủng của Pol Pot.

THÊM BẠN BỚT THÙ

BBC: Lúc đó chắc là một giai đoạn vô cùng khó khăn cho ngành ngoại giao Việt Nam, thưa ông?

Ông Trần Quang Cơ: Đúng là rất khó khăn. Bởi vì khi đó vừa xong chiến tranh chống Mỹ thì lại xảy ra cuộc chiến Campuchia, mà Việt Nam lại đang rất cần sớm khôi phục hòa bình, để phát triển kinh tế.

Tìm giải pháp rút khỏi Campuchia mà vẫn bảo vệ chính nghĩa của mình là một điều vô cùng khó.

Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ các nước Hội đồng Bảo an, mà LHQ lúc ấy không như LHQ bây giờ, lúc ấy phụ thuộc nhiều vào các nước thường trực, nhất là Mỹ.

BBC: Bây giờ nghĩ lại, ông thấy lúc đó có những cơ hội gì bị bỏ lỡ, có những điều gì Việt Nam có thể làm khác không ạ?

Ông Trần Quang Cơ: Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ.

Lời Cụ Hồ nói là thêm bạn bớt thù, thời kỳ đó chúng ta không thực hiện được. Mà chúng ta lại bớt bạn thêm thù.

Một nước nhỏ hay trung bình như Việt Nam thì càng nhiều bạn càng tốt. Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép. Tôi mà là nước lớn tôi cũng ép.

Mình thì chỉ loanh quanh mấy nước xã hội chủ nghĩa, anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc.

Khi đó Mỹ đã chìa tay với mình, đặt vấn đề bình thường hóa vô điều kiện thì Việt Nam lại đòi bình thường hóa có điều kiện. Sau đồng ý bình thường hóa vô điều kiện thì đã lỡ thời cơ. Họ đã bình thường hóa với Trung Quốc và quên Việt Nam rồi.

Một là không bình thường hóa với Mỹ sớm. Hai là không sớm gia nhập ASEAN. Lúc ấy ASEAN rất muốn Việt Nam vào khối vì họ nể sức mạnh mình đánh Mỹ. Nhưng mình lại không chơi...

Thành ra là chậm trễ tới cả mười năm.

Bên cạnh một nước lớn, Việt Nam phải chịu sức ép là vì ở khu vực thì anh lẻ loi, đối đầu, cứ khư khư ba nước Đông Dương bé xíu. Trên thế giới thì anh còn có mỗi Liên Xô thôi, mà Liên Xô lúc ấy cũng đã bắt đầu ngả cờ rồi.

ĐA DẠNG HÓA

BBC: Thưa ông, vào thời điểm tháng Hai 1979, ông đang ở đâu ạ?

Ông Trần Quang Cơ: Tôi vừa ở New York về, đàm phán với Mỹ hỏng và Đặng Tiểu Bình vừa sang Mỹ.

BBC: Khi nghe tin Trung Quốc tấn công Việt Nam, suy nghĩ của ông là gì ạ?

Ông Trần Quang Cơ:... (im lặng)... Bất lực. Nhưng không ngạc nhiên.

Điều đó là tất nhiên thôi, sống ở môi trường đó mình phải lường trước được. Đáng lẽ chiến lược của mình phải là thêm bạn bớt thù để mạnh lên. Mình mạnh lên thì họ mới nể mình.

Mình càng ít bạn thì họ càng bắt nạt, thế thôi. Cũng giống như trẻ con ngoài phố ấy.

BBC: Thưa bây giờ ông nghĩ Việt Nam đã theo được đường hướng đa phương hóa đó chưa ạ?

Ông Trần Quang Cơ: Tôi thấy Việt Nam đang theo đường hướng đó khá tốt, quan hệ được với nhiều nước và khá đa dạng. Ví dụ như là 'chơi' với cả Israel và cả Palestine.

BBC: Còn quan hệ với Trung Quốc thì sao ạ? Có đánh giá là quan hệ hai bên đang tốt nhất từ trước tới nay, ông có đồng ý với ý kiến đó không?

Ông Trần Quang Cơ: Cái đó thì tùy ở vị trí từng người mà đánh giá. Tôi thấy quan hệ hiện giờ... tạm được (cười).

Ông Trần Quang Cơ, sinh năm 1920, phục vụ trong ngành ngoại giao 44 năm cho tới khi ông về hưu năm 1997. Trong thời gian đó, ông từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.

Tháng Bảy 1991, ông xin không nhận chức bộ trưởng Ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch và cuối năm 1993, ông tự ý xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 2001, ông cho ra hồi ký 'Hồi ức và Suy nghĩ' nói về các sự kiện ngoại giao thời hậu chiến. Tác phẩm này hiện được lưu truyền trên mạng internet.


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090212_inv_tranquangco.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Bảy T2 14, 2009 1:12 am
Viết bởi Ansamurai
Bài của Tiến sĩ Ang Cheng Guan, bài khá thú vị, không nêu quá nhiều sự kiện nhưng lại đặt góc nhìn trong khoảng thời gian hợp lý và giải thích dễ hiểu .

Cuộc chiến Việt – Trung (tháng Hai – Ba 1979) đánh dấu điểm tệ hại nhất trong lịch sử quan hệ hiện đại hai nước.

Cuộc chiến bắt đầu ngày 17.02.1979 khi chừng 100.000 quân Giải phóng Nhân dân, có xe tăng và pháo binh hỗ trợ, vượt qua đường biên giới 1300 cây số.

'Dạy bài học'

Giao tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu kéo tới ngày 5.3.1979 khi Bắc Kinh loan báo rút quân. Phải tới ngày 16.3 thì việc triệt thoái mới hoàn tất. Nhưng cho tới mãi cuối thập niên 1980, Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên Việt Nam tại biên giới, và dọa dạy chọ người Việt bài học thứ hai.

Tháng Bảy 1978, khi Trung Quốc lần đầu nói rõ ý định dạy “Việt Nam một bài học”, đó là để phản ứng lại sự đối xử của chính phủ Việt Nam với người Hoa.

Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội ngược đãi Hoa kiều, xóa bỏ thỏa thuận năm 1955 theo đó không bắt Hoa kiều phải trở thành công dân Việt Nam. Đến ngày 11.7.1978, Trung Quốc đóng cửa biên giới Việt – Trung để kiểm soát dòng tị nạn vào Trung Quốc.

Nhưng lý do thực sự của chiến tranh lại liên quan mối quan hệ tay ba thay đổi giữa Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, và sự xâm lấn Campuchia là điểm sôi chót.

Ngày 5.7.1979, trong vòng đàm phán giữa Bắc Kinh và Hà Nội, Trung Quốc bỏ qua vấn đề Hoa kiều và biên giới, mà đòi cuộc thương lượng “tiếp tục từ vấn đề then chốt – chống lại bá quyền”.

Trung Quốc nói việc Việt Nam xâm lấn Campuchia là một phần kế hoạch thành lập Liên bang Đông Dương, đi theo “mưu đồ bá chủ thế giới” của Liên Xô. Ngay từ tháng Chín 1975, Trung Quốc đã ép Lê Duẩn từ bỏ quan hệ gần gũi với Liên Xô bằng việc ký tuyên bố chung chống bá quyền – nhưng Lê Duẩn từ chối.

Mỹ xa, đành chọn Liên Xô

Chúng ta biết Bắc Kinh bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến Việt – Trung ngay từ tháng Tám 1978.

Ngày 3.11.1978, Hà Nội và Moscow ký hiệp ước hữu nghị Việt – Xô. Câu hỏi lớn cần đặt là vì sao Việt Nam chỉ ký nó vào lúc này cho dù đã có quan hệ gần với Moscow từ giữa thập niên 1960?

Câu trả lời đầy đủ đòi hỏi ta phải dựng lại những cố gắng bình thường hóa quan hệ với Mỹ của Việt Nam sau tháng Tư 1975, và đặt nó trong quan hệ Việt – Trung trong giai đoạn này.

Còn câu trả lời ngắn gọn thì là đến tháng Mười 1978, rõ ràng sẽ không sớm có sự bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt. Washington đã chọn Trung Quốc thay vì Việt Nam. Việt Nam chỉ còn lá bài Liên Xô để chống lại cái mà họ xem là mối đe dọa phương Bắc.

Ngay cả ASEAN, tổ chức hợp tác chặt với Bắc Kinh trong suốt thập niên 1980 để buộc Việt Nam rút khỏi Campuchia, cũng thường xuyên thừa nhận rằng phải xem xét quan ngại an ninh của Việt Nam, và rằng tổ chức này không muốn đưa Việt Nam từ tay Liên Xô ngả sang làm vệ tinh Trung Quốc.

Đây là quan điểm được cả năm, và sau đó là sáu, nước ASEAN chia sẻ. Không nước nào vui vẻ với sự trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc. Như đại diện của Singapore tại Liên Hiệp Quốc, Tommy Koh nói tại Liên Hiệp Quốc: “Lẽ ra Trung Quốc không nên tự mình quyết định luật lệ…”

Tiến trình bình thường hóa

Sự sup sụp của Liên Xô và Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1989-90 thúc đẩy Việt Nam và Trung Quốc xét lại quan hệ. Campuchia là trở ngại chính.

Ngay từ tháng Hai 1985, Lê Duẩn đã bày tỏ niềm tin rằng tình hữu nghị Việt – Trung sẽ phải được phục hồi. Sau đó, có tin nói Lê Đức Thọ thăm Paris, ngoài là để dự hội nghị đảng Cộng sản Pháp, nhưng cũng để bí mật gặp phía Trung Quốc.

Cuộc họp Việt – Trung lần đầu sau chín năm, ở cấp thứ trưởng, diễn ra tháng Giêng 1989. Vòng hai được tổ chức từ 8-10 tháng Năm 1989.

Nhưng sự khôi phục quan hệ còn phải chờ việc giải quyết mâu thuẫn Xô – Trung. Và điều này diễn ra trong tháng Năm 1989, khi Gorbachev lần đầu thăm Trung Quốc, gần ba năm sau diễn văn cột mốc của ông tại Vladivostok, trong đó ông bày tỏ ý định cải thiện quan hệ với Trung Quốc, niềm tin rằng tương lai Campuchia phải do người Campuchia định đoạt và cũng kêu gọi Việt – Trung bình thường hóa.

Không lâu sau hội nghị Xô – Trung, một cuộc họp bí mật diễn ra tại Thành Đô tháng Chín 1990.

Tháng Tám 1991, Lê Đức Anh, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, có chuyến thăm không loan báo tới Trung Quốc. Lúc này, thế hệ lãnh đạo Việt Nam giữ vai trò chủ chốt thời Chiến tranh Lạnh, như Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, đã qua đời.

Chúng ta vẫn không biết những gì diễn ra trong các cuộc họp bí mật và không quá bí mật đó, nhưng rõ ràng trong giai đoạn này, đặc biệt là nửa cuối thập niên 1980, Việt Nam không đủ mạnh để dằng co với Trung Quốc, vì bị cô lập, kinh tế suy sụp và dần mất sự bảo trợ của Liên Xô, nước tan rã vào tháng 12.1991.

Tin Trung Quốc và Việt Nam sẽ bình thường quan hệ được chính thức loan báo tháng Chín 1991, khi Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm thăm Bắc Kinh.

Gần mà xa

Kể từ 1991, quan hệ Việt – Trung rõ ràng đã tăng tiến rất nhiều. Nhưng không có nghĩa là chỉ có màu hồng. Vấn đề tranh cãi nhất, chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ không thể giải quyết trong thời gian dài, nhưng tới nay, lãnh đạo hai nước đã bày tỏ ý chí chính trị không để vấn đề vượt quá kiểm soát.

Có hai quan điểm về quan hệ Việt – Trung. Một trường phái nói rằng quan hệ này chủ yếu được định hình bằng những ký ức lịch sử. Theo đó, cuộc chiến năm 1979 có thể xem là tất yếu và câu hỏi không phải là liệu nó có xảy ra lần nữa hay không, mà là khi nào?

Trường phái khác cho rằng mối quan hệ được định hình bởi những thế lực bên ngoài hoặc những tính toán địa chính trị. Theo quan điểm của tôi, cuộc chiến 1979 là đỉnh điểm của những căng thẳng và khác biệt đã bị tạm đè nén vì cuộc chiến Việt Nam, khi thế giới vẫn còn được hình dung như hai khối ý thức hệ.

Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt và xuất hiện mẫu hình mới trong quan hệ Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ, những khác biệt tạm gác trước đây giờ lại xuất hiện.

Hình thù địa chính trị mới, cộng thêm thành kiến ngàn đời, đã làm bùng phát những nghi kỵ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuộc chiến 1979 là ví dụ kinh điển khi những cái nhìn, hình thành từ kinh nghiệm quá khứ, có thể tạo ra hiểu nhầm và rồi làm những dự báo tự biến thành sự thật.

Ngay cả khi một số điều vẫn giữ nguyên, thì hệ thống quốc tế đã thay đổi đáng kể từ năm 1979 và còn tiếp tục chuyển động. Quan hệ Việt – Trung, giống như mọi mối quan hệ, vẫn còn là “công trình dang dở”.

Về tác giả:Tiến sĩ Ang Cheng Guan hiện làm việc ở Viện Giáo dục Quốc gia Singapore sau thời gian làm người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Ông là tác giả của nhiều sách về cuộc chiến Việt Nam, trong đó có Vietnamese Communist Relations with China and the Second Indo-China Conflict, 1956-1962 (1997), và Ending the Vietnam War: The Vietnamese Communists’ Perspective (2004).
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090212_angcheng_war_1979.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Bảy T2 14, 2009 1:23 am
Viết bởi Ansamurai
Cuộc chiến Việt - Trung 1979 qua ảnh

Thứ Bảy 17.2.1979, sau nhiều căng thẳng, Trung Quốc tuyên chiến, mở màn cuộc chiến biên giới


Quân Trung Quốc vượt sông tiến vào lãnh thổ Việt Nam.


Pháo binh Trung Quốc giữ vai trò quan trọng, yểm trợ cho bộ binh


Hàng trăm xe tăng Trung Quốc băng qua đường núi để tấn công Cao Bằng và Lạng Sơn


Hậu cần là điểm yếu của Trung Quốc, và đạn dược, hàng hóa vẫn phải do người và ngựa chuyên chở như thời xưa.


Hình của Việt Nam chụp cảnh chiến sĩ cõng người bị thương


Quân Trung Quốc tiến vào Cao Bằng


Lính Trung Quốc đi tuần ở Lạng Sơn. Ngày 5.03, sau khi chiếm Lạng Sơn, Trung Quốc loan báo rút quân.


Trong tháng Năm 1979, hai nước bắt đầu thủ tục trao trả tù binh.


Quân Trung Quốc triệt thoái, chấm dứt một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu.


Các tấm hình lịch sử này được trích từ cuốn Sino-Vietnamese War của Li Man Kin (Kingsway International Publications, Hong Kong, 1982)

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/inpictures/story/2009/02/090213_sino_vietnamese_war.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Bảy T2 14, 2009 2:03 am
Viết bởi Ansamurai
Và một số bài liên quan ...

Cuộc Chiến 1979 và Hoàng Sa

[url=http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090211_sino_viet_reflection.shtml]Cuộc chiến 1979 là trách nhiệm của ai?

Biên giới Việt - Trung trong viễn cảnh khu vực

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Tư T2 18, 2009 1:29 pm
Viết bởi lacvotinh
hôm qua Kỷ niệm 30 năm ngày chiến tranh bảo vệ Biên giới Phía Bắc 17/2/1979- 17/2/2009. sao không thấy tin tức gì về lễ kỉ niệm nhỉ? bạn Ansamurai quên hả? dân tộc Việt Nam quên luôn rồi. chẳng còn ai nhớ và nhắc tới nữa, buồn quá![cry]

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Tư T2 18, 2009 3:52 pm
Viết bởi Ansamurai
hôm qua Kỷ niệm 30 năm ngày chiến tranh bảo vệ Biên giới Phía Bắc 17/2/1979- 17/2/2009. sao không thấy tin tức gì về lễ kỉ niệm nhỉ? bạn Ansamurai quên hả? dân tộc Việt Nam quên luôn rồi. chẳng còn ai nhớ và nhắc tới nữa, buồn quá!


hihi, chào lacvotinh
Tôi thông cảm được những gì bạn đang cảm nhận nhưng tôi cũng hiểu rằng "không ai trong chúng ta quên cuộc chiến, quên sự huy sinh và sự mất mát này cả, ". Vấn đề khác nhau của chúng ta là cách biểu hiện điều đó như thế nào mà thôi. Có những lời kêu gọi chúng ta phải "kỉ niệm ngày này" nhưng riêng bản thân tôi thì nghĩ rằng thay vào đó chúng ta cần bình tĩnh "kỉ niệm" bằng cách tìm hiểu những chuyện gì đã xảy ra, để rồi khi "xây dựng " trách được việc phải "giẩm lên vết xe đổ của lịch sử " một lần nữa.

Dẫu vậy tôi cũng rất vui khi nhận được lời chú ý của bạn. Và chúc bạn học được những bài học lịch sử cho riêng mình.

Việt Nam làm gì để tự vệ?

Ai sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ trong một thế giới vô chính phủ cũng phải canh cánh câu hỏi: Khi nào thì anh ta có thể đánh mình, và làm sao để mình không bị anh ta đánh?



Đây cũng là một câu hỏi thường trực cho các chính sách quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam, và anh hàng xóm khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc.

Quy luật lịch sử

Khi nào thì Trung Quốc có thể đánh Việt Nam? Tương lai không thể nói trước được, nhưng nếu lịch sử cho thấy có quy luật thì có nhiều khả năng quy luật đó sẽ tiếp tục ứng nghiệm trong tương lai.

Lịch sử từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời có ba lần lớn và một số lần nhỏ hơn Trung Quốc ra quân đánh Việt Nam.

Lần thứ nhất năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa.

Lần thứ hai năm 1979, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới trên bộ, vào sâu nhiều chục cây số, phá huỷ cơ sở vật chất, rồi rút về sau đúng một tháng.

Lần thứ ba năm 1988, Trung Quốc chiếm 6 bãi đá trong vùng lân cận các đảo do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, riêng vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) bắn cháy ba tàu vận tải và giết khoảng 70 thuỷ thủ của Hải quân Việt Nam.

Những lần đánh nhỏ hơn bao gồm các cuộc tấn công ở biên giới sau cuộc chiến 1979, liên tục cho đến năm 1988. Trong thời gian này, Trung Quốc đã chiếm được một số điểm cao chiến lược dọc biên giới như ở các huyện Vị Xuyên, Yên Minh (tỉnh Hà Giang) và Cao Lộc, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Các cuộc lấn chiếm này dường như đã được hợp pháp hóa tại Hiệp ước biên giới trên bộ năm 1999.

Ngoài ra, trên quần đảo Trường Sa sau năm 1988, Trung Quốc đã chiếm thêm các bãi đá ở gần vị trí đóng quân của Việt Nam như Én Đất (Eldad Reef) và Đá Ba Đầu (Whitson Reef) vào các năm 1990, 1992, và sau đó chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở gần Philippin năm 1995.

Thế và Thời

Tư duy chiến lược Trung Hoa đặc biệt coi trọng chữ Thế và chữ Thời. Các cuộc tấn công Việt Nam cho thấy có một quy luật khá nhất quán trong việc Trung Quốc chớp thời cơ vào lúc thế của họ đi lên và thế của đối phương đi xuống để tung quân ra đánh.

Thời điểm tháng 1-1974, Trung Quốc đánh Hoàng Sa đang do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát là sau khi Mỹ cam kết chấm dứt can thiệp quân sự ở Việt Nam (Hiệp định Paris tháng 1-1973) và Quốc hội Mỹ cấm Chính phủ can thiệp trở lại (Tu chính án Case-Church tháng 6-1973), tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực và khiến cho Việt Nam Cộng hòa chới với không nơi nương tựa.

Trong khi đó thế của Trung Quốc đang dâng lên với việc Bắc Kinh trở thành một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (tháng 10-1971) và từ địa vị kẻ thù của cả hai siêu cường (Liên Xô và Mỹ) trở thành đối tác của Mỹ (với Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2-1972).

Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979 là để trả đũa Việt Nam đưa quân vào Campuchia nhưng cũng là khi thế của Việt Nam đi xuống trong khi thế của Trung Quốc đi lên.

Một tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô ký liên minh quân sự (tháng 11-1978 ) thì Trung Quốc và Mỹ cũng tuyên bố lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, Việt Nam đang bị thế giới ngoài phe Liên Xô tẩy chay vì chiếm đóng Campuchia nên thế của Việt Nam đang xuống rất thấp.

Các cuộc tấn công của Trung Quốc dọc biên giới trong các năm từ 1980 đến 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập với thế giới bên ngoài trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, cũng bị cô lập trên trường quốc tế (do đưa quân vào Afghanistan) và, cộng với những khó khăn kinh tế, phải đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc cũng như phương Tây.

Chiến dịch chiếm một phần Trường Sa năm 1988 của Trung Quốc khởi sự từ năm 1986, khi Liên Xô chuyển sang nhượng bộ chiến lược với phương Tây và Trung Quốc, đồng thời rục rịch rút lui ảnh hưởng khỏi Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.

Bài nói tại Vladivostok của lãnh tụ Liên Xô Gorbachov ngày 28-7-1986 tỏ ý Liên Xô sẵn sàng chấp nhận các điều kiện Trung Quốc đưa ra để bình thường hóa quan hệ Xô-Trung (Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan và giảm căng thẳng ở biên giới Xô-Trung, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia) đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Liên Xô ở châu Á, đồng thời cũng là chỉ dấu cho thấy thế của Liên Xô đi xuống và thế của Trung Quốc đi lên.

Trong các năm sau, việc Liên Xô rút lui trong khi Mỹ không trám vào đã thực sự tạo ra một khoảng trống quyền lực ở khu vực.

Trong khi ấy Việt Nam vẫn bám vào Liên Xô mà không phá được thế bị cô lập. Một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang “đa phương hóa” chỉ được thông qua vào tháng 5-1988, hai tháng sau vụ đụng độ ở quần đảo Trường Sa.

Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam giai đoạn 1980-1988 có thể coi là dư chấn của cuộc chiến năm 1979. Các cuộc chiếm đảo ở Trường Sa thời kỳ 1990-1992 cũng có thể coi là dư chấn của chiến dịch năm 1988.

Thời kỳ 1980-1988, Việt Nam tiếp tục bị bao vây cô lập trong khi Liên Xô, chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, đi vào giai đoạn hòa hoãn và thỏa hiệp với Trung Quốc.

Thời kỳ 1990-1992, tuy là những năm Trung Quốc bị phương Tây cô lập phần nào sau vụ Thiên An Môn, cũng lại là những năm Việt Nam mất hẳn chỗ dựa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong khi vẫn chưa được nhận vào ASEAN và chưa bình thường hóa quan hệ được với Mỹ.

Việt Nam làm gì?

Hiện nay Việt Nam có thể làm gì để Trung Quốc không đánh? Lý thuyết quan hệ quốc tế gợi ý năm phương pháp chính: 1) cùng chung một nhà, 2) ràng buộc bằng lợi ích, 3) ràng buộc bằng thể chế, 4) răn đe quân sự, 5) răn đe ngoại giao.

Phương pháp “cùng chung một nhà” xem ra không ổn vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, Trung Quốc rất thiếu cảm tình với Việt Nam và kinh nghiệm quan hệ với Việt Nam khiến Trung Quốc tin rằng Việt Nam hay tráo trở. Các cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy Việt Nam cùng với Mỹ và Nhật Bản là ba nước bị người Trung Quốc ghét nhất trên thế giới. Thứ hai, Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là đồng chí chứ không phải đồng minh. Thứ ba, lịch sử cho thấy quan hệ “gắn bó như môi với răng” giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn không ngăn được Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, nẫng tay trên người “đồng chí anh em” Bắc Việt.

Phương pháp “ràng buộc bằng lợi ích” sẽ không ngăn được Trung Quốc đánh ở Biển Đông vì lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông có vị trí rất cao trong chiến lược lớn của Trung Quốc. Biển Đông là yết hầu con đường tiếp tế vật tư và nhiên liệu cho Trung Quốc từ Trung Đông, châu Âu, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, với 2/3 lượng dầu khí nhập khẩu và 4/5 lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.

Biển Đông cũng là bàn đạp để khống chế Đông Nam Á, một khu vực mà nếu Trung Quốc khống chế được thì sẽ có thể quy phục được Nhật Bản và trung lập hóa cả Mỹ lẫn Ấn Độ, còn nếu Trung Quốc không khống chế được thì sẽ không thể ngoi lên địa vị đứng đầu châu Á. Trung Quốc không có lợi ích nào ở Việt Nam, kể cả trong hiện tại lẫn trong tương lai, lớn hơn lợi ích ở Biển Đông để Trung Quốc phải đánh đổi.

Phương pháp “ràng buộc bằng thể chế” càng khó ngăn cản Trung Quốc ra tay khi cần thiết vì Trung Quốc cũng như các nước lớn khác chỉ tuân thủ thể chế quốc tế nếu thể chế ấy phục vụ lợi ích chiến lược của họ. Trong trường hợp lợi ích chiến lược của họ đòi hỏi làm khác đi, họ sẽ có cách giải thích thể chế quốc tế theo kiểu riêng để biện minh cho hành động của mình.

Trung Quốc đã làm như thế khi xâm lăng Việt Nam năm 1979, nói rằng để trừng phạt Việt Nam xâm lăng Campuchia. Đây không phải là đặc điểm riêng của Trung Quốc mà các nước lớn đều như vậy. Mỹ và phương Tây đánh Nam Tư rồi tách Kosovo ra khỏi nước này hay Nga đánh Gruzia rồi tách Nam Ossetia và Abkhazia ra khỏi nước này đều nói là dựa trên luật pháp và thể chế quốc tế nhưng đó là luật pháp và thể chế quốc tế theo cách giải thích riêng của họ.

Phương pháp “răn đe quân sự” không phải là cách mà Việt Nam có thể làm với Trung Quốc trong lúc này vì Việt Nam không có vũ khí hạt nhân để răn đe chiến lược (trong khi Trung Quốc có) và lực lượng quân sự thông thường của Việt Nam hiện còn quá yếu để có thể tạo sức mạnh răn đe chiến thuật đối với Trung Quốc.

Còn lại duy nhất phương pháp “răn đe ngoại giao”. Phương pháp này là dùng quan hệ với các nước mạnh hơn Trung Quốc và áp lực của quốc tế để Trung Quốc không dám đánh Việt Nam. Hiện nay trong khu vực, Trung Quốc vẫn phải kiêng dè Mỹ, do đó Việt Nam quan hệ càng gần gũi với Mỹ bao nhiêu càng có tác dụng răn đe bấy nhiêu. Một điểm nữa Việt Nam có thể tận dụng là Trung Quốc muốn thế giới tin rằng họ không phải là mối đe dọa đối với các nước.

Nếu những lấn lướt ức hiếp của Trung Quốc với Việt Nam được thế giới quan tâm và hiểu như bước đầu của một mối đe dọa lớn hơn đối với họ thì thứ nhất, chúng có thể làm Trung Quốc yếu thế đi, và thứ hai, đó cũng là một lý do để Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn nếu có ý định đánh Việt Nam.

Bài học lịch sử

Quy luật rút ra từ lịch sử ba lần Trung Quốc đánh Việt Nam và qua phân tích năm phương pháp nói trên cho thấy để tránh không bị Trung Quốc đánh, Việt Nam phải làm được ba điều.

Thứ nhất, phải liên tục nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đặc biệt chú ý trong tương quan với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thêm bạn thì Việt Nam cũng phải có thêm bạn mạnh hơn và nếu Trung Quốc xích lại gần các nước thì Việt Nam còn phải xích lại gần các nước hơn. Không bao giờ được để Việt Nam ở thế cô lập hơn Trung Quốc trên thế giới.

Thứ hai, phải hết sức bén nhạy với cán cân quyền lực trong khu vực và phải lập tức mạnh dạn điều chỉnh chiến lược đối ngoại khi tương quan lực lượng trong khu vực biến đổi bất lợi cho Việt Nam.

Thứ ba, phải sáng suốt tìm ra ai là kẻ mạnh trong khu vực và đâu là chỗ yếu của Trung Quốc để thực hiện kế răn đe ngoại giao.

Trong dài hạn, chỉ có kết hợp răn đe ngoại giao (kết thân với nước lớn và tranh thủ dư luận thế giới) với răn đe quân sự (quân đội mạnh, đặc biệt hải quân và không quân) và liên tục nâng cao vị thế quốc tế của mình thì Việt Nam mới có thể tương đối yên tâm không bị Trung Quốc đánh.

Sống cạnh một anh hàng xóm khổng lồ mà không để bị đánh hoặc ăn hiếp quả là rất khó nhưng vẫn có thể được, nhất là khi anh hàng xóm đó chưa phải là kẻ mạnh nhất trong vùng.

Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả, tiến sĩ Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm), không nhất thiết phản ánh quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ Hoa Kỳ.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090217_vuving_china_vietnam.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Tư T2 18, 2009 4:11 pm
Viết bởi Ansamurai
Nhớ lại đêm 17 tháng 2 năm 1979

Tháng 9 năm 1977, tôi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cử sang làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu.



Quan hệ hai nước Việt Trung, từ lúc tôi ở trong nước đã xấu, lúc này càng xấu đi từng ngày.

Dòng “nạn kiều” dưới sự kích động của nhà đương cục Trung Quốc vẫn lũ lượt kéo nhau rời khỏi Việt Nam, một phần về Trung Quốc một phần đi sang các nước khác.

Lấy lý do cần có tiền để “nuôi nạn kiều”, ngày 13/5/1978 lần đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút một bộ phận chuyên gia về nước.

Không lâu sau đó, ngày 3/7/1978 chính phủ Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.

Xung đột biên giới trên đất liền, nhất là tại điểm nối ray trên đường sắt liên vận Hà Nội-Bằng Tường ngày càng tăng (có lúc có nơi đã xảy ra đổ máu).

Chuẩn bị tình huống xấu

Tháng 7 năm 1978 chúng tôi được phổ biến Nghị Quyết TW 4, tinh thần là phải thấu suốt quan điểm nắm vững cả hai nhiệm vụ vừa xây dựng kinh tế vừa tăng cường lực lượng quốc phòng, chuẩn bị tốt và sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác” với Liên Xô.

Đến tháng 12 năm 1978 mọi việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong đại sứ quán đã làm xong. Sứ quán nhận được máy phát điện chạy xăng (và đã cho chạy thử), gạo nước, thực phẩm khô đã được tích trữ đầy đủ, đại sứ quán mấy nước anh em thân thiết cũng nhận được các đề nghị cụ thể khi bất trắc xẩy ra…

Tôi được đồng chí đại sứ phân công đọc và lựa chọn các tài liệu lưu trữ quan trọng, cái phải gửi về nhà, cái có thể hủy,

Tháng 12 năm 1978 trong chuyến thăm mấy nước Đông Nam Á, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Đặng Tiểu Bình vừa hùng hổ vừa tức tối nói một câu không xứng đáng với tư cách của một người lãnh đạo một nước được coi là văn minh: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”.

Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan” - tức du côn, côn đồ.

Rồi ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đơn phương ngừng vận chuyển hành khách xe lửa liên vận tới Việt Nam, rất nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam từ Liên Xô Đông Âu trở về bị đọng lại trong nhà khách sứ quán chờ đường hàng không và cuối cùng đến đầu tháng 1 năm 1979 đường bay Bắc Kinh Hà Nội cũng bị cắt.

Đầu tháng 1 năm 1979 quân đội Việt Nam bất ngờ phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, chỉ trong thời gian ngắn đã đập tan sức chống cự của bè lũ Polpot, tiến vào giải phóng Phom Penh. Đây cũng là điều mà Đặng Tiểu Bình không ngờ.

Lại một quả đắng khó nuốt nữa đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc này.

'Không đánh nhau không xong'

Cuối tháng 1 năm 1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, được Tổng thống Carter đón tiếp với nghi lễ rất cao, hai nước quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao, và không biết còn bàn bạc gì nữa? Trên đường về nước Đặng Tiểu Bình ghé qua Nhật Bản.

Trước những tình hình trên, một số anh em nghiên cứu chúng tôi đã khẳng định khá sớm: hai nước anh em thân thiết như răng với môi này không đánh nhau một trận không xong!

Lý trí mách bảo như vậy, thậm chí còn mách bảo hơn nữa: Trung quốc đã từng gây cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và nhất là với Liên Xô và cả hai lần họ đều bất ngờ ra tay trước.

Thế nhưng về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được.

Không nói tới những khoản viện trợ to lớn có hiệu quả, những tình cảm thân thiết như anh em trước đây, mà ngay trong những giờ phút căng thẳng này, tôi vẫn không thể quên được những việc làm tốt hay tỏ ra biết điều của một số cán bộ Trung Quốc:

Năm 1977, Nhà máy dệt Vĩnh Phúc do Trung Quốc viện trợ cho ta, sau một hồi chạy thử vẫn không hiện đúng màu nhuộm cần thiết, một kỹ sư Trung Quốc đã bí mật cung cấp cho ta bí quyết. Khi các chuyên gia Trung Quốc khác thấy kết quả đó, không biết do ai chỉ đạo, họ đã “xử lý” một cách tàn bạo, anh bị đánh tới chết.

Khi đoàn chuyên gia Trung Quốc thi công cầu Thăng Long bị cấp trên của họ điều về nước, một số đồng chí đã để lại khá nhiều bản vẽ, tài liệu kỹ thuật về chiếc cầu này cho ta. Tôi biết chiếc cầu Chương Dương do ta tự thiết kế thi công sau này đã dùng một số sắt thép do phía Trung Quốc đưa sang để dựng cầu Thăng Long.

Mặc dù khi truyền hình trực tiếp , Trung Quốc không thể cắt được câu nói lỗ mãng của Đặng Tiểu Bình: Việt Nam là côn đồ, nhưng báo chí chính thức ngày hôm sau của Trung Quốc đã cắt bỏ câu này khi đưa tin ( chỉ còn đăng câu “phải dạy cho Việt Nam bài học” , nghĩa là đỡ tệ hơn).

Chúng tôi đã làm gì?

Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc - mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới.

Sau này những day dứt về dự báo không chính xác trên đã có phần giảm bớt, khi được biết có một số cán bộ trung cấp và một số đơn vị quân đội Trung Quốc chỉ sau khi đã tiến vào lãnh thổ nước ta rồi họ mới biết là phải đi đánh Việt Nam.

10 giờ tối ngày 17/2/79( tức 9 giờ tối Việt Nam) tôi bật đài nghe tin của đài tiếng nói Việt Nam, không thấy có tin quan trọng nào liên quan đến hai nước, tôi chuyển đài khác nghe tin.

Khoảng 10 giờ 30 phút đồng chí Trần Trung, tham tán đại biện lâm thời( thời gian này đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh về Việt Nam họp) đến đập mạnh vào cửa phòng tôi: Dy, lên phòng hạnh phúc họp ngay, Trung Quốc đánh ta rồi!

Ít phút sau, một số đồng chí có trách nhiệm đã có mặt đông đủ. Đồng chí Trần Trung phổ biến tình hình nhà vừa thông báo: sáng sớm ngày 17/2, bọn bành trướng Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới trên đất liền ( 6 tỉnh của Việt Nam lúc đó) với qui mô 20 sư đoàn bộ binh.

Hai sư đoàn chủ lực của ta cùng với bộ đội địa phương và anh chị em dân quân du kích đang anh dũng chống trả.

"Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là dịch ngay bản Tuyên Bố của chính phủ ta ra 3 tiếng Trung, Anh, Pháp để phục vụ cho cuộc họp báo quốc tế sẽ phải tổ chức và để thông bào càng rộng càng tốt cho một số nhân dân Trung Quốc biết rõ sự thực."

Bộ phận dịch tiếng Trung, dưới sự chỉ huy của anh Thái Hoàng-Bí thư thứ nhất, gồm hai đồng chí Hoàng Như Lý, bí thư thứ ba và Chu Công Phùng cán bộ phòng chính trị, đã dịch văn bản một cách “ngon lành”; đồng chí Lê Công Phụng, bí thư thứ ba phụ trách phần dịch tiếng Anh cũng không vất vả gì; riêng phần tiếng Pháp, đồng chí Minh, phiên dịch tiếng Pháp do mới ra trường không lâu, nên có đôi lúc tỏ ra luống cuống.

Guồng máy dịch, in roneo, soát, sửa lại bản in nhanh chóng chạy đều, mọi người làm việc không biết mệt với lòng căm giận bọn bành trướng.

Thi thoảng mấy câu chửi bọn chúng như kìm nén không nổi lại khe khẽ bật ra từ vài đồng chí. Không căm tức uất hận sao được?

Khi chúng tôi hoàn thành công việc thì trời đã hửng sáng (đài BBC sau đó đã đưa tin, tối ngày 17/2/1979 toàn Đại sứ quán Việt Nam để sáng đèn).

Những người ngoài 40, 50 chúng tôi sau một đêm vất vả không ngủ vẫn tỏ ra bình thường nhưng riêng hai đồng chí Phùng và Minh đang tuổi ăn tuổi ngủ, tuy được đồng chí Đặng Hữu-Bí thư thứ nhất, tiếp sâm, nhưng vẻ mặt sau một đêm căng thẳng đã lộ nét mệt mỏi. Thương cảm vô cùng.

Tuy vậy, chúng tôi đã nhanh chóng bước vào ngày làm việc mới với tất cả sức mạnh tinh thần và lòng căm thù bọn bành trướng bá quyền, nước lớn.

Quá khứ 30 năm

Cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Bắc Kinh mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình gây ra, kết thúc đã 30 năm.

Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước nhìn chung phát triển khá tốt.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh một điều, vì nghĩa lớn, chúng ta đã thực hiện đúng lời cam kết: không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng ở phía bên kia, một số kẻ không biết điều, vẫn thường xuyên, xuyên tạc sự thật lịch sử, rêu rao, tự cho là đã “giành thắng lợi”, là “chính nghĩa”, là “Việt Nam bài Hoa, Việt Nam chống Hoa, Việt Nam “xua đuổi nạn kiều”, Việt Nam xâm lược Cămpuchia” v.v..

Cho đến hôm nay, một số cuốn sách lịch sử, sách nghiên cứu, không ít bài thơ, truyện, ký…vẫn nhai lại những luận điệu trên dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ được gần hai chục năm.

Tôi nghỉ hưu đã được hơn mười năm nhưng do vẫn tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc, nên thỉnh thoảng vẫn có dịp gặp các bạn cũ công tác tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây cũng như nhiều học giả Trung Quốc.

Không dưới một lần tôi đã thân tình và nghiêm túc nhắc họ: nếu các bạn chỉ nhận phần đúng trong những việc xảy ra trong thời gian trước đây, đổ hết lỗi cho cho người khác thì quan hệ Việt Trung dù ai đó có dùng những chữ vàng để tô vẽ cũng không thể nào xóa bỏ được những vết hằn lịch sử do người lãnh đạo của các bạn gây ra, quan hệ hai nước không thể nào thực sự phát triển tốt đẹp được, vì những hoài nghi lớn của nhân dân hai bên chưa được giải tỏa?

Mong rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nên nhớ chuyện sau: nếu không biết lời dặn của Chủ tịch Mao với đoàn cố vấn Trung Quốc khi sang giúp Việt nam thời kỳ chống Pháp: ‘Tổ tiên chúng ta trước đây đã làm một số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là để trả nợ cho cha ông’; và nếu không thấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ tướng Chu đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà, thì chắc chắn những người Việt Nam thời đó không dễ quên được chuyện cũ để nhanh chóng hòa hiếu với Trung Quốc như sau đó đâu?

Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn.

Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên.


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090216_duongdanhdy.shtml



Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Năm T2 19, 2009 12:47 am
Viết bởi BlueEyes
Cách đây khoảng 1 năm, có lần mình cùng 1 người bạn vào ăn ở 1 quán Tây Ban Nha. Chủ quán là 2 vợ chồng người Nhật. Khi hỏi chuyện, biết là người Việt Nam, 2 vợ chồng lần lượt bê ra 2 mon cho chúng tôi mà không tính tiền. Rồi ông chủ nói rằng; "Tôi rất kính nể Việt Nam, vì Việt Nam đã đánh thắng cả Pháp lẫn Mỹ. Nhưng tôi có 1 thắc mắc khó hiểu là vì sao Việt Nam lại đánh và xâm chiếm Cămpuchia". Sau khi nghe câu hỏi này, mình choáng. Tất nhiên cũng đã giải thích qua cho họ hiểu, nhưng rất tiếc lúc đó ngay bản thân mình cũng chẳng hiểu rõ thực hư thế nào? Giá như lúc đó đã đọc được những bài viết này.
Mình có quen 1 người bạn Cămpuchia - cậu ta thời phổ thông đạt giải nhì toán Quốc gia, bây giờ đang học master ở Nhật. Trước đây, có vài lần cậu ta bảo với mình rằng "Trước đây tao ghét Việt Nam lắm, vì Việt Nam đem quân sang xâm lược nước tao". Thế đấy, đến cả những người trí thức Cămpuchia vẫn có suy nghĩ như vậy. Đem quân sang giúp nước bạn vậy mà không chỉ những người ở nước khác mà ngay cả người nước bạn cũng hiểu nhầm tệ hại là xâm chiếm. Đúng là "làm ơn mắc oán".