PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUÂN SỰ, NÂNG CAO TIỀM LỰC QUỐC PHÒNG VÀ TRANG BỊ CHO QUÂN ĐỘI VIỆT NAM Tình hình chính trị thế giới hiện nay và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đại đang đặt ra cho chúng ta nhịêm vụ quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển KH&CN quân sự, nâng cao tiềm lực quốc phòng. Trước những yêu cầu đó, Bộ Quốc phòng đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn tới.
Những thành tựu sau 20 năm đổi mới có ý nghĩa lịch sử quan trọng, làm cho thế và lực của ta lớn mạnh lên nhiều. Mặc dù còn phải đương đầu với những thách thức và khó khăn, song tình hình kinh tế, chính trị - xã hội vẫn tiếp tục được ổn định và có những bước phát triển mới, quốc phòng - an ninh được củng cố, quan hệ đối ngoại được mở rộng trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, bình đẳng và cùng có lợi.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X là một sự kiện chính trị, xã hội đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; chúng ta phải cảnh giác, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. KH&CN nói chung, KH&CN trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng nói riêng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, lĩnh vực nghiên cứu cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật; đầu tư cho các công trình KH&CN, nâng cao năng lực quốc phòng luôn được xem là nhiệm vụ thường xuyên và là chiến lược phát triển lâu dài của quân đội ta.
Bảo vệ Tổ quốc ngày nay phải đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước, giữ vững môi trường ổn định, tạo điều kiện quốc tế và trong nước thuận lợi để phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, CNH, HĐH đất nước cũng tạo tiền đề về vật chất và kỹ thuật, chính trị và tinh thần cho công cuộc củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới. Bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới phải bằng sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chiến lược quốc phòng là bộ phận chủ đạo. Đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng đất nước, từng bước tăng cường và hiện đại hoá tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Dưới tác động của cuộc cách mạng KH&CN hiện đại, KH&CN quân sự cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, làm xuất hiện những hệ thống vũ khí thế hệ mới, với những tính năng mới, có sự nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả.
Cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đã và đang đem lại những thay đổi tận gốc rễ cách tiến hành hoạt động quân sự và phương thức tiến hành chiến tranh. Từ chỗ dựa vào số đông sang dựa vào hiệu suất chiến đấu cao, giúp cho một lực lượng nhỏ hơn có hiệu suất chiến đấu cao hơn, có thể đánh thắng đội quân đông hơn. Vật liệu mới cũng đã được ứng dụng để chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại như: Compozite dùng trong chế tạo máy bay, tàu thuyền, công sự, tên lửa; gốm dùng trong chế tạo động cơ; vật liệu hấp thụ sóng điện từ dùng trong máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa hành trình; vật liệu siêu dẫn và bán dẫn dùng trong chế tạo sen-sơ, điện từ trường; các loại thuốc nổ, thuốc phóng rắn và lỏng dùng trong tên lửa, pháo, đạn dược.
Công nghệ sinh học tạo ra những loại vũ khí sinh học, hoá học thế hệ mới có khả năng huỷ diệt hàng loạt; sen sơ sinh học dùng trong trinh sát sinh học (dựa vào phản ứng của vi sinh vật hoặc hoạt chất sinh học và các độc tố) cho kết quả nhanh, chính xác, độ nhạy cao...
Năng lượng mới được ứng dụng phục vụ cho quân sự như pin điện hoá thế hệ mới, pin mặt trời công suất lớn dùng trong các thiết bị thông tin, tên lửa có điều khiển, vệ tinh quân sự; thuốc phóng, thuốc nổ, các loại vũ khí thế hệ mới...
Công nghiệp quốc phòng được phát triển theo hướng thay thế các thiết bị nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu trang thiết bị. Đây là con đường hữu hiệu nhất để xây dựng nền quốc phòng hùng mạnh vì nó tạo được tiềm lực (nhân lực, vật lực) để tiếp thu công nghệ mới, cho phép giảm chi phí ngân sách đầu tư cho quốc phòng, tăng nhanh khả năng thu hồi vốn, tạo hiệu quả cao. Nhờ thành tựu của KH&CN, đặc biệt là các ngành công nghệ mũi nhọn, các quốc gia đang có xu hướng hiện đại, hoàn thiện vũ khí hiện có, đồng thời phát triển vũ khí công nghệ cao, có sự nhảy vọt về tính năng kỹ - chiến thuật.
Những xu thế nêu trên đã được Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng xem xét và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm xây dựng và phát triển KH&CN quốc phòng. Mặt khác, được Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện về nghiệp vụ, hoạt động KH&CN quốc phòng đã có sự đổi mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị, nâng cao tiềm lực quốc phòng, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho công tác bảo quản, sửa chữa, cải tiến hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật:
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới để bảo quản niêm cất đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật; sửa chữa, cải tiến hiện đại hoá vũ khí bộ binh, tên lửa chống tăng, tên lửa tầm gần, các phương tiện thông tin, trinh sát cỡ nhỏ; cải tiến đài ra đa cảnh giới P18, đài điều khiển tên lửa Vonga; cải tiến để nâng cao khả năng cơ động và hiệu quả sử dụng của tổ hợp tên lửa phòng không C75M và đài ra đa P18 đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh công nghệ cao.
- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo súng máy phòng không tầm thấp (12,7 mm, 14,5 mm), các loại đạn pháo chiến dịch, bom, mìn, tàu chiến loại nhỏ và vừa, vũ khí trang bị dùng cho tình báo, trinh sát đặc nhiệm, cho nhiệm vụ A2...
- Nghiên cứu phòng tránh, đánh trả vũ khí, phương tiện chiến tranh công nghệ cao, xây dựng cơ sở khoa học, đề ra các giải pháp KH&CN thích hợp, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam để phòng tránh, đánh trả địch tiến công bằng vũ khí có điều khiển: Máy bay, phương tiện tàng hình, chống trinh sát điện tử (rađa, hồng ngoại, laser...), chiến tranh thông tin; đảm bảo thông tin liên lạc, nguỵ trang, nghi trang, bảo đảm cơ động và đánh trả địch tiến công bằng vũ khí sinh học, hoá học, phóng xạ. - ứng dụng công nghệ thông tin trong tác chiến, mô phỏng phục vụ huấn luyện bộ đội diễn tập, chỉ huy tham mưu, chỉ huy quản lý khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), trong tính toán điều khiển vũ khí trang bị kỹ thuật, trong quản lý điều hành ở các nhà máy, cơ sở sản xuất quốc phòng.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động hoá vào cải tiến pháo phòng không 37 mm đánh đêm, xử lý thông tin rađa, kiểm tra hệ thống máy bay Su-22M4, điều khiển van khí buồng áp...
- Đầu tư các dự án trọng điểm về công nghệ vật liệu: Luyện thép chất lượng cao để đúc nòng súng, pháo, xích xe tăng; sản xuất thẻ thông minh sinh trắc học phục vụ kinh tế, quốc phòng - an ninh; sản xuất khối mồi nổ năng lượng cao, cáp đồng trục siêu cao tần...
Triển khai nghiên cứu chế tạo thép hợp kim phục vụ sản xuất nòng súng; sử dụng hợp kim đồng từ vỏ ống liều loại bỏ để chế tạo vỏ liều, vỏ đầu đạn pháo chiến dịch... Đặc biệt, đã nghiên cứu sản xuất thành công chất "O" và chất "G", tạo nhiên liệu lỏng cho tên lửa phòng không từ nguyên liệu trong nước. - Nghiên cứu giải quyết các lĩnh vực công nghệ sinh học như: Men vi sinh, công nghệ gen, tế bào, mô phôi; chống phá huỷ sinh học, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật, xử lý môi trường; đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học... Bước đầu đã khai thác được tiềm năng cơ sở vật chất và các nhà khoa học tham gia vào các chương trình trọng điểm của nhà nước về công nghệ sinh học để phục vụ quốc phòng.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư nghiên cứu cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật; đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao tiềm lực quốc phòng đã đem lại kết quả thiết thực trên các mặt: Công nghệ bảo quản, sửa chữa, cải tiến và hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật đã có những chuyển biến mạnh mẽ;
đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công các loại vũ khí bộ binh mới theo hướng hiện đại hoá và đa năng hoá; có chủ trương nhập những công nghệ cần thiết, tương đối hiện đại và tương ứng với trình độ phát triển công nghiệp của đất nước; từng bước nâng cao năng lực sửa chữa, cải tiến, tiến tới sản xuất một số vũ khí, trang bị kỹ thuật, đặc biệt là vũ khí có điều khiển, vũ khí trang bị phục vụ tác chiến ban đêm; nâng cao tính năng kỹ - chiến thuật, giải quyết được cơ bản các yêu cầu về KH&CN đối với vũ khí bộ binh mang vác, tăng khả năng trang bị cho bộ đội; nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo ở các đơn vị nhà trường quân đội, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.
Tình hình quốc tế trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ đe doạ hoà bình, ổn định, chủ quyền của các quốc gia, dân tộc vẫn tồn tại và có xu thế tăng lên. Đông Nam Á là khu vực vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn định. Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” - bạo loạn lật đổ bằng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và quyết liệt hơn, chúng sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá ta.
Trên cơ sở các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ KH&CN; được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của Bộ KH&CN (nhất là sau khi Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai Bộ được ký kết ngày 3.9.2003), Bộ Quốc phòng đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu đối với một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn có trình độ cao như:
- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo rađa, chế tạo tên lửa phòng không tầm thấp, tên lửa đất đối biển, pháo phòng không tầm thấp; tăng cường năng lực nghiên cứu thông qua các phòng thí nghiệm (trong đó có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về an toàn thông tin) tương đối hiện đại và đồng bộ.
- Thực hiện việc đầu tư nghiên cứu theo phương châm "thiết thực - khả thi - chất lượng - kịp thời - hiệu quả"; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể với các bước đi hợp lý để thực hiện có hiệu quả các nội dung đã đề ra trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo đảm vũ khí, bảo đảm trang bị kỹ thuật và xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng.
- Đẩy mạnh ứng dụng các kết quả đã nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật - công nghệ mới để cải tiến hiện đại hoá trang bị kỹ thuật, nâng cao tính năng kỹ - chiến thuật của vũ khí.
- Chủ động sản xuất vật tư, phụ tùng thay thế, nâng cao năng lực sửa chữa, bảo đảm khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại. Liên kết chặt chẽ với các cơ sở, tổ chức trong và ngoài nước để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu quân sự.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo các phương tiện huấn luyện để nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội, triển khai công tác nghiên cứu trong lĩnh vực hậu cần quân sự nhằm tạo các trang bị hậu cần phù hợp, đảm bảo đời sống, sức khoẻ cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, chiến tranh công nghệ cao.
- Quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm lấy đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng của Đảng làm cơ sở để phát triển KH&CN; lấy KH&CN làm động lực để xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.