Em, cánh buồm chiều về đâu Khi không còn đại dương trong mắt nhau? Ghềnh đá ôm những lời trách cứ Sóng mãi còn nghe đến bạc đầu.
Em, bọn mình xa cách chưa Khi tháng ngày trở mùa đi rất thưa? Lời nói bay qua, từng lời nói Giữa đời nhau giờ bỗng thấy thừa.
Em, con đường mưa dốc trơn Lối đi về hẹn thề xưa cũ hơn Mình gỡ tay nhau thêm lần nữa Để được chia nhau thấy tim hờn.
Em, ngước lên vùng bóng đêm Chuyện tình nào cho em thôi lãng quên? Lời nói nào khơi dòng sông lệ chảy Cho hồn anh cạn, xác anh mềm.
Em, mai rồi đời về đâu Khi không còn đại dương trong mắt nhau? Ghềnh đá ôm mãi lời trách cứ Xác rong trôi trên sóng bạc đầu.
Ngày Chúa Nhật lặng lẽ.
Cuối thu trời đã lạnh buốt, mưa nặng hạt và có gió. Hôm qua đi lạc một mình dưới mưa rất lâu, khi vừa rời ga Esaka để về nhà. Ôi, giờ mới biết có những đại lộ buồn đến chân quen đi cũng lạc...
Hôm nay ngủ dậy lúc 1h30 chiều. Quơ tay với cái TV control, bật nút power cho chiếc máy tính. Không còn ý niệm nào về thời gian trong đầu nữa, bỗng dưng thấy mình đang đọc lại những cái mình viết từ lâu, lâu lắm...Và bắt gặp lại bài thơ này.
Cái tên người gắn với bài thơ, giờ không còn quan trọng nữa, nhưng lại nghĩ về câu hỏi của thằng bạn thân khi nó đọc lần đầu tiên "đại dương trong câu chuyện của ông là gì vậy?"...
Còn là cái gì nữa, ngoài tình yêu hở bạn tôi ơi!
Khi yêu nhau, người ta nhìn thấy trong nhau cả một đại dương với yêu thương là sóng nước, hy vọng làm thành những cánh buồm. Nếu một ngày, người này bỗng không còn là đại dương trong mắt người kia nữa, cánh buồm chiều sẽ lạc lối, yêu thương không tìm về được. Chỉ còn lại ghềnh đá ngồi với những lời trách cứ, dội mãi, dội mãi vào ngàn năm rong rêu con sóng đến bạc đầu...
Một vài dòng cảm nghĩ về điệp ngữ trong thơ của anh nguyenbs: Thông thường, người ta dùng điệp ngữ (phép lặp) để nhấn mạnh một điều gì đó mà người viết cho là hay. Nói chung, đây là một phương pháp khá phổ biến mà người không biết dùng thì thành lủng củng, thừa thãi, còn người biết dùng thì lại đi đến người đọc một cách nhanh hơn, nghệ thuật hơn, làm cho người đọc dễ dàng cảm và nhận được những gì người viết muốn gửi gắm. Mình thì thấy anh nguyenbs dùng phép lặp là có chủ ý trong sáng tác thơ. Mình không bàn ở đây về chuyện điệp ngữ khi tác giả muốn nhấn mạnh điều gì đó. Cái mình muốn nói ở đây là trong phép lặp anh nguyenbs dùng nó mang đến cái mới cho mỗi lần nhắc lại. Thường thấy trong thơ của anh (post nhiều bên VYSA), phép lặp thường để ở cuối bài, và thường là cả một khổ thơ. Theo mình, đó là một điểm hay vì nó làm mình ...hụt hẫng. Mỗi lần nhắc lại là một điều mới, bây giờ cũng nhắc lại, nhưng đã là kết bài mất rồi. Có thể nói, đó là một kết bài nhưng chưa là kết ý hay kết thúc. Một cái gì đó khiến mình cảm nhận được "số phận" len lỏi vào tâm hồn của chính mình vậy. Xin hết[tongue]
Nhạt môi nên nhai lại miếng trầu Vì chàng tình nhạt, thiếp ở chân cầu nhìn vạt nước trong. Môi son tô lại cho hồng Lụa đào thắt yếm thiếp thả trôi dòng cái kiếp đa đoan.