Bạn đang xem trang 3 / 5 trang

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T2 03, 2009 3:52 pm
Viết bởi Nguyễn Tuấn Anh
Xin mọi người tham khảo câu chuyện của 1 bạn người Trung Quốc.Các bạn sẽ thấy,o Trung Quốc,trẻ con được dạy như thế nào về VN.
Lần đầu tiên tôi biết được chút gì về cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba là từ những câu chuyện của cha kể về “bọn xấu Việt Nam”.

Khi ông về nhà nhân được quân đội cho nghỉ phép vài tuần, ông thường chở tôi đi chơi bằng xe đạp.

Đó là thời gian hạnh phúc cho tôi, khi ngồi ở yên sau, nghe tiếng chuông leng keng, và nghe những câu chuyện chiến tranh cha kể.

Chuyện của cha

Tôi thần tượng cha vì cống hiến trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, lại càng phục cha hơn vì những chuyện ông kể.

Hình ảnh về “bọn xấu Việt Nam” trong cuộc chiến vẫn in sâu trong tôi, vẫn sinh động như ngày tôi còn là cô bé tám tuổi của 14 năm trước.

Cha kể “bọn xấu” đó lạnh lùng, tàn nhẫn trong “cuộc chiến đấu tự vệ trước Việt Nam”, rằng chúng dùng vũ khí Trung Quốc để giết lính Trung Quốc, rằng chúng dựng hàng rào phòng thủ bằng hàng hóa Trung Quốc từng viện trợ.

Tôi còn nhớ được cho hay người Việt “rất xấu và vô ơn” nên chúng tôi cần phải dạy cho họ bài học.

Trong thời gian dài, tôi giữ ấn tượng về người Việt như những kẻ làm sởn gai ốc, mặt mũi lạnh lẽo, cầm súng trong tay.
trich bbc.co.uk/vietnamese

Người Trung Quốc nghĩ gì khi dạy cho thế hệ trẻ những điều như thế này ?
Rất may là bạn này cũng là 1 trong số ít những người TQ đã ko mù quáng tin những lời được dạy :
Nhiều năm sau, trong lớp học lịch sử ở trường trung học, cuối cùng tôi đã tìm thấy Việt Nam – một đất nước thực sự - trên bản đồ thế giới, thật hơn cái hình ảnh đã ám ảnh tôi thời gian dài.

Cả bài giảng của giáo viên lẫn sách giáo khoa đều không đủ rõ ràng về những gì xảy ra trong cuộc chiến năm 1979. Điều duy nhất được nói là sự quan trọng của chiến thắng của Trung Quốc, mặc dù sự mô tả này cả lúc đó lẫn bây giờ với tôi đều rất mơ hồ.

Sau khi tôi vào Đại học Bắc Kinh, bắt đầu học ngành Quan hệ Quốc tế, tôi cố gắng xác lập một cái nhìn khách quan hơn về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979.

Bối cảnh Chiến tranh Lạnh và sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa đã định hình ý thức hệ và bản sắc hai quốc gia.

Việc Việt Nam gần gũi Liên Xô và sự xâm lấn Campuchia đã khiến Trung Quốc mất đi ảnh hưởng trong khối cộng sản, và hằn sâu hơn chia rẽ với Trung Quốc. Đồng thời, sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa làm Trung Quốc rất muốn được xao lãng khỏi chuyện nội bộ.

Được tiếp thêm lửa từ những sự kiện “bài Hoa” ở Việt Nam cuối thập niên 1970 và rạn nứt quan hệ giữa hai nước vì Trường Sa, cuộc chiến Đông Dương lần ba cuối cùng nổ ra.

Cuộc chiến kết thúc bằng việc quân đội Trung Quốc rút lui vì thiếu tiếp viện và kinh nghiệm tham gia các cuộc chiến tranh hiện đại, nhưng “chiến thắng” không phải là từ tôi sẽ dùng để mô tả kết quả cuộc chiến cho cả Trung Quốc hay Việt Nam.

Kể câu chuyện mới

Với tôi, điều quan trọng nhất là những bất hòa mà chiến tranh để lại và những ký ức bị bóp méo theo ý thức hệ thời gian đó đã hình thành nên di sản cuộc chiến.


Điều nguy hiểm nhất cho quan hệ Việt – Trung là hai nước vẫn nói ngôn ngữ bạo lực trong một thời đại hòa bình

Quách Tương Uy

Những di sản đó, một số cụ thể như xung đột lãnh thổ kéo dài sang cả thập niên 1980. Một số không đo đếm được, giống như những câu chuyện của cha tôi, truyền lại những tư tưởng ám ảnh về một quốc gia sang cho thế hệ đi sau.

Ngày nay, 30 năm đã qua, và thanh niên hai nước bắt đầu quên đi cuộc chiến đẫm máu đó.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có triển vọng tốt hơn khi không có sự thù hằn vì di sản chiến tranh. Và tôi đoán đã đến lúc để tôi kể một số câu chuyện mới về Việt Nam cho cha nghe theo một ngôn ngữ hòa bình.

Nhưng còn phần đông những người TQ khác thì sao?Thiện tai thiện tai...

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Tư T2 04, 2009 1:32 pm
Viết bởi Ansamurai
hehe em chỉ có ý kiến là ko nên biết quá nhiều,và đừng có bao h cũng chỉ nhìn về quá khứ ko.nó huy hoàng hay đen tối thì cũng đă qua rồi.chúng ta cần phải làm gì đó mới là điều nên bàn tới.
p/s:sr pác samurai vì em hơi quá khích tí


hihi, thanks fangxongte đã có sự quan tâm và reply lại ở topic này nhé.

Có thể tôi đồng ý với ý kiến của bạn là "lịch sử" dù huy hoàng hay đen tối thì không quan trọng bằng việc chú ý đến "chúng ta cần phải làm gì ?" trong hiện tại và tương lai. Nhưng nếu bạn chú ý thêm một tí nữa thì khi đặt ra câu hỏi đó cho mình bạn lại phải quay lại với "lịch sử".

Lịch sử như chúng ta đã nhận thức là nó ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hiện tại của mỗi chúng ta. Chúng ta là ai, từ đâu đến, sẽ như thế nào và đi về đâu?

Vậy câu chuyện ở đây không phải nên hay không nên biết quá nhiều, hay lúc nào cũng nhìn vào "lịch sử".  Mà là cần có những lý giải "đúng" hay "gần với sự thật"  về "lịch sử". Tựa như xây dựng một ngôi nhà thì cần phải hiểu nền móng đất, phong thổ... vậy.

Chúc vui.

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Năm T2 05, 2009 2:02 pm
Viết bởi Nguyễn Tuấn Anh
Cũng nhân sự kiện 30 năm trước,em có được 1 bài tâm sự hay bên trang http://www.x-cafevn.org
Huy Đức

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi vừa vào đến cổng trường, chúng tôi nhận được tin: Vào lúc mờ sáng, “Trung Quốc đã đem quân bắn giết dọc theo Biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta”. Sáng ấy, nhiều đứa trong chúng tôi đi thẳng từ trường phổ thông đến ủy ban nhân dân xã. Chúng tôi đăng ký nhập ngũ mà không kịp nói một câu với chính cha mẹ của mình.

“Quân bành trướng Bắc Kinh” đã kéo chúng tôi từ lớp học ra thẳng chiến trường. Nhưng, không hiểu sao nhà trường hôm nay, lại không nói gì về cuộc chiến tranh kéo dài thế giằng co hơn 10 năm ấy. Ba mươi năm trước, những “đàn trẻ nhỏ”, chạy “từ Biên giới về”. Ba mươi năm sau, những đứa trẻ ấy lớn lên và biết : Tháng 4/1956 nhân khi quân Pháp vừa rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc, lúc này đã trở thành “xã hội chủ nghĩa anh em”, chiếm đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa. Ngày 19-1-1974, sau khi Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ và sau Hiệp Định Paris 1973, Mỹ rút lui khỏi Việt Nam, Trung Quốc, vẫn đang là “xã hội chủ nghĩa anh em”, đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, giết 58 chiến sỹ Hải Quân Sài Gòn, chiếm đảo. Ngày 14-3- 1988, Trung Quốc lại tấn công một số đảo đá của Trường Sa giết hại 74 người lính Hải quân Việt Nam và, từ đó, chiếm luôn những hòn đảo ấy.

Rồi. Ngày 12-11-2008, Trung Quốc tuyên bố đầu tư 29 tỷ USD cho một dự án “khảo sát và khai thác Biển Đông”. Trong đó, bao gồm cả những biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc vẫn còn chiếm giữ. Bốn tháng trước, 7-2008, khi hãng dầu khí Mỹ, ExxonMobil, hợp tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò ở Nam Côn Sơn, Trung Quốc đã gây áp lực với ExxonMobil để họ phải rút lui. Năm 2007, Trung Quốc đã gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỷ USD với Việt Nam ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch. Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long. Chỉ hai năm sau khi họ ký hợp đồng thăm dò dầu khí với công ty Crestone ở vùng Vũng Mây-Tư Chính. Tàu Trung Quốc “đi lại nghênh ngang” ngoài Biển Đông, trong khi, các dự án của Việt Nam thì phải cay đắng rút lui mà không làm gì được.

Thế hệ chúng tôi, lớn lên “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, có nhiều sự kiện xảy ra ở Thủ đô, ở Biên giới và ngoài Biển mà chúng tôi không hề được biết. Chúng tôi vẫn hát về Mao Trạch Đông như “mặt trời lên” khi mà “Bác Mao” lần lượt đem quân chiếm Hoàng Sa, rồi Trường Sa. Chúng tôi hát, “núi liền núi, sông liền sông” khi mà nhiều ngọn núi, khúc sông đã không còn nữa. Cho đến ngày 17-2… Được cầm súng, được “vạch mặt, chỉ tên” quân xâm lược cũng là hạnh phúc. Cho dù, nhiều khi ngẫm lại, sự thật chỉ được thông tin vừa lúc, đủ để chúng tôi tất tả lên đường.

Không như chúng tôi, các bạn trẻ hôm nay không ngồi chờ nhà trường “mớm” cho gì thì biết nấy. Nhưng bi kịch của họ lớn hơn… Thật không dễ dàng gì khi biết một kẻ đang rình rập bên ta mà vẫn phải nghe họ xưng là “láng giềng tốt”; một kẻ đem tàu chiến sang giết người giữ đảo của ta vẫn xưng là “đồng chí tốt”; một kẻ dùng áp lực để đuổi đối tác tìm dầu của ta mà vẫn nhận là “bạn bè tốt”; một kẻ ngang nhiên hút dầu ngoài biển của ta mà vẫn phải gọi là “đối tác tốt”.

Khi tôi đang viết entry này thì đọc được trên blog Nông Dân Gió Lào, người Trung Quốc sẽ tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Hà Nội, dự kiện bế mạc vào ngày 17-2 năm nay. Nông Dân Gió Lào cũng dẫn tin trên Vietnamnet nói rằng, năm 2004, người Trung Quốc cũng đã tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Đà Nẵng, khai mạc đúng vào ngày 19-1. Năm ấy, họ kết 30 cụm hoa đăng, theo Nông Dân Gió Lào, ứng với 30 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một huyện đảo thuộc về Đà Nẵng (19/1/1974- 19/1/2004). Có thể bởi “tình đồng chí” mà khi cấp phép, chính quyền địa phương đã không quan tâm lắm đến sự trùng hợp này. Nhưng, Nông Dân Gió Lào cho rằng các “chú Tàu” thì không làm gì “ngẫu nhiên”, kể cả việc, hồi cuối tháng 11, họ cho tàu mang tên Trịnh Hòa, người mà họ nói là đã phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa, cập vào Đà Nẵng.

Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm mấy đảo đá ở Trường Sa. Việt Nam chuyển sang đường lối quan hệ “đa phương”. Thật may mắn là Việt Nam đã không rơi vào tình thế “đơn phương” với một gã khổng lồ vừa đánh trộm vừa xưng là “anh em, đồng chí”.

Nhà nước có những lý do để cư xử với lân bang chín chắn. Nhưng, sự “bồng bột” của dân cũng cần thiết để sự thật, đôi khi, có cơ hội phơi bày. Người dân không bao giờ muốn chiến tranh, vì nếu nó xảy ra, chỉ có họ mới là người ra trận. Tôi đã nói chuyện với nhiều người dân ở Biên giới hồi tháng 3-1979. Tôi có nhiều người bạn là lính ở sư đoàn đóng quân tại Lạng Sơn trong ngày 17 tháng 2. Cái mà chúng ta nói là “chiến thắng” cũng đã phải trả bằng đầu rơi máu chảy.

Tôi có hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh, biết câu chuyện Khmer Đỏ chống lại Việt Nam chỉ 2 tuần sau khi nhờ Việt Nam mà có trong tay quyền bính. Biết, sau lưng Pol Pot có bàn tay của ai. Nhưng, tôi cũng đã gặp nhiều người Việt - Gốc - Hoa, trong số hơn 675 nghìn người Việt-Gốc-Hoa phải ra đi trong những năm sau 75, 78. Nhiều người lúc ấy không biết tiếng Hoa, nhiều người đã từ lâu coi mình là dân Việt. Nhiều người khi rời Việt Nam đã không chọn Trung Quốc như là tổ quốc. Vận nước, phải chăng đã không tránh được thế đối đầu? Trung Quốc năm nào cũng nhắc lại cuộc chiến 17-2-1979, tại sao Việt Nam lại không bàn về nó một cách công khai và rút ra bài học cho mình.

Tôi có mặt ở Hồ Gươm vào cái đêm bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan ở lượt đi (24-12). Có mặt trên đường phố Sài Gòn ngay sau khi bóng đá Việt Nam vô địch (28-12). Đi trong thác lũ người tràn ra đường hôm ấy, nghĩ, chỉ bóng đá thôi ư mới có được sức mạnh thế này. Ngay từ thế kỷ 19, khi mà lãnh thổ của một quốc gia vẫn còn có thể mở rộng bằng chinh phục, Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố Lausanne 1888, đã nói: “Dùng vũ lực để chiếm giữ một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp”. Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (1982) cũng tái khẳng định tinh thần này. Chúng ta chưa có bom hạt nhân, chúng ta chưa có tàu to súng lớn. Đất nước ta rất nhỏ. Dân ta không nhiều. Sức mạnh của chúng ta chính là chủ quyền pháp lý.

Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi chúng tôi sục sôi tiến về Biên giới, đảo vẫn mất mà đất nước lặng im. Thầy giáo dạy sử ở trường lặng im. Báo chí văn chương lặng im… Tôi không rõ không khí ở trong các phòng họp căng thẳng ra sao. Chỉ biết, nếu ngồi đó, tôi sẽ lạnh lưng khi bên ngoài im lặng. Chỉ có sát cánh với nhân dân mới có thêm sức mạnh, đừng để cho từng chiếc đũa bị tách ra và bẻ gãy từ từ.
Nguồn: Osin’s Blog


Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Năm T2 05, 2009 2:27 pm
Viết bởi duongthuongtruc
có một người đã nói thế này : lịch sử chẳng qua là những gì mà kẻ thắng cuộc tô vẻ nên....thắng thì làm vua, thua thì làm giặc....dù giặc có đúng thì vẫn là sai trong tay kẻ thắng...và người ta bị lừa dối vì những gì mà kẻ thắng đã tô vẻ nên, qua thời gian dài,nó chính là điều đúng nhất khi người ta dần quên đi chân tướng....

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Sáu T2 06, 2009 12:52 am
Viết bởi Ansamurai
có một người đã nói thế này : lịch sử chẳng qua là những gì mà kẻ thắng cuộc tô vẻ nên....thắng thì làm vua, thua thì làm giặc....dù giặc có đúng thì vẫn là sai trong tay kẻ thắng...và người ta bị lừa dối vì những gì mà kẻ thắng đã tô vẻ nên, qua thời gian dài,nó chính là điều đúng nhất khi người ta dần quên đi chân tướng....


[smile], thanks bạn đã có lời trong topic này.

Tôi cũng đã từng nghe nhưng câu tương tự như thế này ở đâu đó như bạn. Và tôi cũng đã học những bài học lịch sử từ góc nhìn của "người chiến thắng". Tôi cho rằng đây là một điều hết sức bình thường và không có gì phải bàn cải. Tựa như khi bạn làm một người "cha" thì sẽ chỉ dạy những đứa con mình những điều tốt đẹp về gia đình mình vậy thôi.

Xong tôi không đồng ý với bạn rằng rồi thời gian sẽ làm người ta sẽ quên đi chân tướng. Ngược lại tôi nhận thức rằng bất cứ một "lớp sơn" nào rồi cũng bị thời gian và hoàn cảnh "bóc vỏ".

Trong lịch sử thì "sự thật" có một giá trị bền vững, và "lịch sử của những nhà lịch sử học" là một quá trình tìm tòi đấu tranh để đến gần hơn với "sự thật".

Dẫu vậy tôi cũng hiểu rằng " bản tính con người là bất thuần lí" nên,

Chúc bạn tìm được một vài điều gì đó trong topic này.  

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Sáu T2 06, 2009 1:34 am
Viết bởi Ansamurai
Cuộc chiến mười năm



"Khi đã trải qua cuộc chiến đó rồi, nay suy nghĩ lại thì thật là khiếp sợ. Không thể tưởng tượng được ngày đó tháng đó, mình lại còn sống sót."

Lời ông Đinh Văn Hùng*, cựu bộ đội Việt Nam ở chiến trường Campuchia từ 1982 tới 1986, chỉ phản ánh phần nào nỗi kinh hoàng thời chiến.

"Hồi mới đi bộ đội, tôi rất là hận, vì nghĩ rằng: Đây là đất nước của họ, đâu dính líu gì đến mình mà mình phải sang đây đổ xương máu?"

"Nhưng ngày hôm nay suy xét lại, thì tôi thấy tự hào. Không có những người như tụi tôi, và các anh em bộ đội đã hy sinh, thì đất nước Campuchia không thể có ngày hôm nay."


Từ khi quân Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh ngày 7/1/1979 cho tới khi rút hoàn toàn khỏi xứ sở Chùa Tháp tháng 12/1989, là mười năm quân tình nguyện Việt Nam dầm sương giãi nắng, hy sinh tính mạng để thay người Campuchia đánh Khmer Đỏ.

Hao binh tổn tướng

Mười năm chiến tranh du kích giữa các phe từng có thời là đồng minh ý thức hệ đã tổn hao hàng chục ngàn binh sỹ mỗi bên.

Theo thống kê, Việt Nam mất từ 10.000 tới 30.000 quân, cũng có nguồn nói con số lên tới 5 vạn. Có nhân chứng hồi tưởng về cảnh ba lô bộ đội tử trận chồng chất trên đường băng Tân Sơn Nhất những lần gom quân.

Ông Hà Văn Tuấn, người đã từng tham chiến hơn ba năm trên mặt trận Siem Riep, không ghìm nổi nước mắt khi nghĩ về các đồng đội cũ của mình:

"Hồi đó ở chiến trường, lúc nào sống thì biết sống, mà lúc nào chết thì biết chết. Đang ngồi chung với nhau, cũng có thể chết bất cứ lúc nào hai, ba người..."

Các địa danh nằm dọc biên giới Thái Lan nơi lính Khmer Đỏ lui về cố thủ, ghi dấu những trận đánh đẫm máu, giành giật không phân thắng bại. Một cựu bộ đội khác, ông Bùi Văn Lương, nhớ lại:

"Hồi đó chiến dịch mùa khô, tôi là lính xe tăng đi chiến dịch. Phơi nắng phơi sương cả ngày đêm. Trận đầu tiên, đánh từ lúc bốn giờ sáng tới một giờ chiều mà không lấy được căn cứ của địch. Xe tăng cháy không biết bao nhiêu."

Với hỗ trợ của Trung Quốc và Thái Lan, quân Khmer Đỏ dần dần khôi phục lực lượng. Cựu đại tá Bùi Tín nay sống tại Paris, người có mặt một thời gian dài ở Campuchia lúc ấy nhớ lại, rằng quân Pol Pot củng cố từ 15 lên tới 21 sư đoàn.

Theo ông, lực lượng càng ngày càng bổ sung thêm, lại cộng thêm yếu tố dân tộc, khiến chiến cuộc vô cùng khó khăn cho bộ đội Việt Nam, lúc đó dưới sự chỉ huy của tướng Lê Đức Anh.

'Sa lầy'

Ông Bùi Tín nói: "Trung Quốc đã giúp hết sức cho Khmer Đỏ dựng dậy. Cả Thái Lan cũng rõ ràng đứng về phía Trung Quốc và Khmer Đỏ".

"Đến năm 81-82 tôi đã thấy là không ổn, tình hình không kiểm soát nổi. Vào thời điểm ấy đã có ý kiến là nên giao Campuchia lại cho Liên Hiệp Quốc."

"Đáng lẽ phải giật mình, nhưng lúc đó chúng ta đã sa lầy nặng."


Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp vô vàn khó khăn trên các mặt trận khác. Kinh tế trong nước suy sụp, vị thế ngày càng cô lập trên trường quốc tế.

Cựu thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, người được trao nhiệm vụ chuyên trách vấn đề Campuchia năm 1987, nói với BBC:


"Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ."

"Lời Cụ Hồ nói là thêm bạn bớt thù, thời kỳ đó chúng ta không thực hiện được. Mà chúng ta lại bớt bạn thêm thù."


Trong cuốn hồi ký tựa đề Hồi ức và Suy nghĩ của mình, ông Trần Quang Cơ cũng đề cập tới việc các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc đã dùng sức ép để can thiệp vào vấn đề Campuchia, khiến tình thế trở nên vô cùng nan giải.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Việt Nam với các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đứng đầu đã quá tự tin vì có sự hỗ trợ quân sự của Liên Xô nên không chú ý đến giải pháp rút quân sớm.

Cho tới tận sau khi Việt Nam đã rút hết quân khỏi Campuchia năm 1989, vấn đề Campuchia vẫn là thách thức đau đầu cho các nhà cầm quyền Hà Nội.

Nỗi đau chưa lành

Tôi đã có một ngày dài ngồi xe Honda đi trên các con đường gập ghềnh đầy ổ gà, vào các phum xóm xa xôi ở tỉnh Siem Riep để tìm bộ đội Việt Nam còn ở lại.

Mùa khô xứ Chùa Tháp, nắng mềm mại giăng giăng trong một không trung trong trẻo và thoáng đãng, như chưa từng chứng kiến những ngày tháng đau thương hồi nào.

Không có thống kê chính thức bao nhiêu bộ đội Việt Nam còn lại Campuchia từ thời chiến tranh, nhưng con số chắc là không nhỏ.

Người tiếp tục tham gia quân đội địa phương, kẻ về nhà làm ăn buôn bán, nhưng vết thương lòng thì còn lâu mới có thể lành, như ông Hà Văn Tuấn tâm sự:

"Vừa rồi, tôi tìm được xác một thằng bạn chiến đấu cũ, đưa về đất nước. Nhưng rồi nghĩ tới lượt mình, có ai giúp được cho tôi không?"

"Ở đây là quê hương của người ta, mình lỡ có vợ con nên phải ở lại. Con người sống chết ai cũng quay đầu về núi."

"Nhớ thương Việt Nam nhiều lắm, nhưng muốn về bên ấy thì không có điều kiện nữa rồi."


*Tên một số nhân vật đã được thay đổi.

Đài BBC sẽ tiếp tục có các bài viết và chương trình radio về bối cảnh Đông Dương dẫn tới Chiến tranh Biên giới tháng 2/1979. Mời quý vị đón theo dõi.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090205_cambodia_soldiers.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T2 10, 2009 1:09 am
Viết bởi Ansamurai
Tiếp tục loạt bài về cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979. Xin giới thiệu với cả nhà tiếp một bài viết của tiến sĩ Nicholas Khoo về đề tài này. Một bài khá hay và chứa nhiều sự kiện . (Tuy vậy cũng xem bài này dưới dạng tham khảo)


Từ đồng chí thành kẻ thù

Vì sao cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979 xảy ra? Một số nhà phân tích nhấn mạnh vai trò của những tranh chấp trên bộ và trên biển giữa hai nước; xung đột Việt – Trung tại Campuchia; và vai trò của người Hoa trong quan hệ Việt – Trung.

Những người khác thừa nhận tầm quan trọng của những yếu tố này, nhưng đặt chúng trong bối cảnh xung đột lớn hơn giữa Liên Xô và Trung Quốc (TQ). Phân tích của tôi dựa trên cái nhìn sau để xem lại những sự kiện lớn xảy ra trước cuộc chiến 1979.

Quan hệ Việt – Trung sau 1975

Những người cộng sản TQ xem quan hệ với cộng sản Việt Nam (VN) chủ yếu qua lăng kính của mâu thuẫn Xô – Trung gia tăng sau khi quan hệ đồng minh Xô – Trung sụp đổ đầu thập niên 1960.

Từ cái nhìn này, những diễn biến trong 10 năm trước 1975 thật làm họ lo ngại. Trong cuộc chiến Đông Dương lần Hai (1965-75), Liên Xô thay thế TQ, trở thành nhà cung cấp chính về quân sự và kinh tế.

Sau 1975, TQ không rõ về ý định chiến lược của Hà Nội đối với Moscow. Sự triệt thoái của Mỹ khỏi Đông Nam Á sau Hiệp định Paris 1973 giúp gỡ bỏ một đối trọng của Liên Xô trong vùng, và làm phức tạp cố gắng phản kích Liên Xô của Trung Quốc.

Tháng Tám 1975, trong chuyến đi quan trọng nhờ giúp đỡ kinh tế, Phó Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Lê Thanh Nghị đã thăm Bắc Kinh trước khi sang Moscow. Họ không thể đạt thỏa thuận về gói viện trợ của TQ cho VN.

Sang tháng Chín, VN lại thử tìm viện trợ. Mặc dù lần này có thỏa thuận về gói kinh tế, nhưng TQ không giúp về quân sự. Trong dấu hiệu chứng tỏ họ lo ngại về quan hệ Việt – Xô, một chủ đề quan trọng được thảo luận trong chuyến thăm là về mục tiêu của LX ở Biển Đông. Đáng chú ý, vào cuối chuyến thăm, hai bên không ra tuyên bố chung.

Có vị thế kinh tế tương đối mạnh hơn TQ, Liên Xô hào phóng hơn với VN. Trong chuyến thăm Moscow tháng Mười của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Liên Xô đồng ý viện trợ 3 tỉ đôla từ 1976 đến 80.

TQ hẳn cũng để ý lời ngợi ca dạt dào dành cho Liên Xô trong tuyên bố chung cuối chuyến thăm của lãnh đạo VN. Đáng nói, tuyên bố chung ủng hộ chính sách hòa hoãn (detente) của Liên Xô, vốn bị TQ chống đối.

Một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Việt – Xô là Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần Bốn tháng 12.1976. Những nhân vật gắn bó với TQ bị cô lập. Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị từ 1956 và Đại sứ ở TQ từ 1950-57, mất hết chức vụ trong đảng. Ba cựu đại sứ tại TQ cũng mất chức Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng.

Ngày 7.6.1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghé Bắc Kinh trước lúc sang Moscow. Khi gặp Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm hôm 10.6, hai bên thẳng thắn bàn nhiều chủ đề, kể cả cáo buộc một số viên chức VN có tuyên bố chống Tàu, bất đồng về biên giới đất liền và biển, và sự ngược đãi người Hoa ở VN. TQ nói họ vẫn sẵn sang cho việc cải thiện quan hệ.

Hơn ba tuần sau, Lê Thanh Nghị thăm Moscow để ký nhiều thỏa thuận kinh tế. Trên đường về, ông ghé Bắc Kinh nhưng không tìm thêm được gói kinh tế nào.

Ngày 30.7.1977, hai tuần sau khi VN và Lào ký hiệp ước đồng minh, Ngoại trưởng TQ Hoàng Hoa có bài diễn văn nhắc nhiều tới sự nguy hiểm của “chủ nghĩa xét lại Sô Viết”, và công khai cảnh cáo VN về hậu quả của một cuộc xâm lấn Campuchia.

Vấn đề Campuchia

Càng lúc Campuchia càng trở thành trường đấu cho xung đột Xô – Trung và Việt – Trung. TQ kiên quyết chính sách bảo đảm sự tồn tại của một Campuchia độc lập, cai trị bởi chính thể Khmer Đỏ thân cận với TQ.

LX thì bảo trợ cho VN, trong khi VN thì muốn Campuchia và Lào nằm gọn trong vòng ảnh hưởng của mình. Đã thắng Pháp, Mỹ và nay làm đồng minh của Liên Xô, VN sẽ không để ảnh hưởng với Lào và Campuchia bị TQ và Khmer Đỏ đe dọa.

Cuối tháng Chín 1977, xung đột nổ ra tại biên giới VN – Campuchia, cùng với nó là sự xấu đi trong quan hệ Việt – Trung. Lê Duẩn thăm Bắc Kinh tháng 11.1977, muốn có thêm viện trợ kinh tế.

Nhưng lấy cớ gặp khó khăn mấy năm qua, TQ cho hay họ không thể cấp viện trợ. VN cũng không làm bữa tiệc đãi chủ nhà như thông lệ. Ngày hôm sau, Tân Hoa xã đăng bài lên án COMECON, khối tương trợ kinh tế Sô Viết mà VN mới nộp đơn gia nhập.

Sau chuyến thăm của Lê Duẩn, TQ bày tỏ sự gắn bó với Campuchia. Ngày 3.12.1977, Phó Thủ tướng TQ Trần Vĩnh Quý dẫn phái đoàn tới Campuchia. Không lâu sau đó, các đợt đánh phá của Khmer Đỏ vào VN khiến VN mở cuộc tấn công lớn.

Đến ngày 18.1.1978, để chứng tỏ cam kết bảo vệ, quả phụ của Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu, thăm Phnom Penh.

TQ thấy có bàn tay của Liên Xô đằng sau hành động của VN. Trong lúc xảy ra các va chạm ở biên giới Việt – Cambodia, ngày 19.1.1978, Tân Hoa xã khẳng định Moscow hy vọng lợi dụng thù địch giữa VN và Campuchia để tăng ảnh hưởng ở Đông Á.

Những diễn biến sau đó trong chính sách của VN với người Hoa làm TQ càng tin Hà Nội theo đuổi chính sách gắn kết với Liên Xô chống TQ.

Tại hội nghị của Đảng tháng Hai 1978, Hà Nội quyết định đánh tư sản mại bản ở miền Nam. Ngày 23.3, Hà Nội loan báo quốc hữu hoa toàn bộ doanh nghiệp tư.

Trong một chiến dịch dùng bạo lực, đến giữa tháng Tư, chính quyền đã thu gom hơn 30.000 doanh nghiệp tư ở miền Nam, mà đa số do người Hoa sở hữu. Nó đã tạo ra cuộc trốn chạy lớn cả ở biên giới Việt – Trung phía bắc và ra đến Biển Đông.

Ngày 30.4, Bắc Kinh chính thức có tuyên bố, bày tỏ lo ngại cho người tị nạn và nói họ đang theo dõi tình hình. Cùng ngày hôm đó, đảo chính ở Afghanistan đã đưa lãnh đạo thân Xô, Nur Mohammed Taraki, lên nắm quyền. Nó được VN thừa nhận ngày 3.5.

Nhìn từ Bắc Kinh, đây là thêm một bước bao vây của Liên Xô. Ngày 26.5, TQ loan báo gửi tàu đến VN để đón về những người Hoa đang trốn chạy. Ngày 7.6, Đặng Tiểu Bình nói thẳng “VN đang ngả về Liên Xô, kẻ thù của TQ.”

Ngày 16.6, TQ loan báo sẽ đóng cửa tòa lãnh sự ở TP. HCM và lãnh sự quán VN ở Quảng Châu, Côn Minh và Nam Ninh.

Tháng Sáu năm đó, VN chính thức gia nhập COMECON. Ngày 3.7, Bắc Kinh dừng mọi viện trợ cho Hà Nội. Hội đàm song phương về người Hoa cũng bế tắc.

VN quyết tâm chống lại cố gắng hạn chế ảnh hưởng của họ tại Campuchia. Trong một cuộc gặp tại Hà Nội giữa Lê Duẩn và đại sứ Nga, ông Duẩn bày tỏ ý định “giải quyết cho xong vấn đề [Campuchia] trước đầu năm 1979.” Hiệp ước Việt – Xô được ký ngày 3.11.1978.

Phản ứng của TQ là chuẩn bị tâm lý cho quốc tế cho một đáp trả mạnh mẽ chống lại trục Hà Nội – Moscow.

TQ tìm cách thắt chặt quan hệ với Nhật và ASEAN. Đặng Tiểu Bình thăm Tokyo tháng Tám 1978, ký hiệp định hữu nghị và hòa bình. Đáng chú ý, nó có đoạn “chống sự độc bá” mà được xem là nhắm vào Liên Xô.

Rồi đến tháng 11, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao VN Phan Hiền (tháng Bảy) và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng Chín) thăm Đông Nam Á, Đặng Tiểu Bình cũng công du Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Sau khi đã mở màn công tác ngoại giao, Trung Quốc bày tỏ thái độ cứng rắn với VN. Bức điện Bắc Kinh gửi Hà Nội ngày 13.12 cảnh báo “sự kiên nhẫn và kiềm chế của TQ có giới hạn”.

Ngày 25.12.1978, quân VN bắt đầu đánh Campuchia. TQ phản ứng bằng cách lên kế hoạch cho cuộc chiến biên giới. Trong khi đi thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình thông báo cho chính quyền Carter rằng VN sẽ trả giá.

Theo Cố vấn An ninh của Tổng thống Carter, Zbigniew Brzezinski, Đặng nói với chủ nhà rằng TQ “xem là điều cần thiết khi kiềm hãm tham vọng của VN và cho chúng bài học hạn chế thích hợp”.

Đúng như lời Đặng, ngay sau khi ông trở về nhà, TQ mở cuộc chiến chống VN trong tháng Hai và Ba 1979. Các cựu “đồng chí và anh em” (lời của Hồ Chí Minh) nay hóa ra là kẻ thù.

Về tác giả:Ông Nicholas Khoo lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Columbia, Mỹ với luận án về quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Xô và Việt Nam thời Chiến tranh Lạnh. Quyển sách của ông, dựa trên luận án, dự kiến sẽ được NXB ĐH Columbia in. Ông hiện dạy tại ĐH Liverpool, Anh.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090206_soviet_factor.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T2 10, 2009 1:28 am
Viết bởi Ansamurai
Xin được nguyện cầu cho những linh hồn  anh chị được bình an nơi đất mẹ.    

Biên Giới Tháng Hai (2009-1979)
Huy Đức

Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.

“Những đôi mắt”

Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.

Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.

“Cuộc Chiến 16 Ngày”

Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”. Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.

Ở Cao Bằng, sáng 16 tháng 2, tất cả các đồn trưởng Biên phòng đều được triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh, sáng hôm sau họ tìm về đơn vị triển khai chiến đấu khi Trung Quốc đã tấn công rồi. Sáng 17-2, Tỉnh Cao Bằng ra lệnh “sơ tán triệt để khỏi thị xã”; đại đội 22 của thị xã Cao Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41. Ngày 18-2, một chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị tiêu diệt. Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới nhận ra đấy là tăng Trung Quốc. Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”. Tuy nhiên, Đại tá Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17-2, nói rằng, cho dù không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ có khoảng hơn 2 trung đoàn.

Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày 17-2, Trung Quốc sử dụng tới 6 sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 sư và Lào Cai 3 sư. Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 sư đoàn và 40 tăng; Lạng Sơn, một sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 trung đoàn và 40 tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17-2 lên tới 9 quân đoàn chủ lực. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát xát, Lao Cai; chiều 23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng; ngày 27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.

Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2, chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338, Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi Pol Pốt khỏi Phnompênh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng Động viên”… ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.

Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.

Lặng Lẽ Hoa Đào

Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở. Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984, 1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh 1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn. Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.

Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.

Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Tháng Hai, đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc gọi là “ đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.

Huy Đức



http://www.viet-studies.info/kinhte/HuyDuc_BienGioiThangHai.htm

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T2 10, 2009 1:39 am
Viết bởi nguyenhoangtue
Ân ơi! Chơi ác quá, ngày mô cũng học lịch sử thì chết M....
Nhớ đường về Việt nam chưa?[confused][confused][confused]

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T2 10, 2009 2:11 am
Viết bởi Ansamurai

Ân ơi! Chơi ác quá, ngày mô cũng học lịch sử thì chết M....
Nhớ đường về Việt nam chưa?


hihihi, thôi em về ngủ đây. Tối nay chắc mơ về Vn quá. Dạo này cũng bất đầu nhớ nhà kinh khủng.