Bạn đang xem trang 19 / 68 trang

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 1:58 pm
Viết bởi assukiioh
 em mời anh vô ăn trưa...[grin][grin][grin]

Bèo nậm lọc, anh ăn cái mô???[lol]



em kể anh nghe về mấy loại bánh và cách làm nhé...

Có bốn món bánh mặn là bánh nậm, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ít trần (không có gói lá chuối) của Thừa Thiên Huế, mà theo Cẩm Tuyết, đó là bốn loại bánh dân dã nhất đã tách ra khỏi danh mục những món ăn cầu kỳ, đắt tiền… mà người ta vẫn gọi là cơm vua của vùng đất Hoàng Triều Cương Thổ để ra đi rất xa, nhất là xuôi vào đến tận mọi ngóc ngách của miền Nam VN mà vẫn giữ nguyên vẹn hình thức và cách sử dụng nguyên vật liệu.

Bốn loại bánh này làm bằng ba thứ bột rất căn bản trong nghệ thuật làm bánh trái của VN đó là bánh bèo, bánh nậm làm bằng bột gạo, bánh ít làm bằng bột nếp và bánh bột lọc làm bằng bột năng; cùng với hai loại thực phẩm mà đắt rẻ, ít nhiều gì đâu đâu cũng có, đó là tôm và thịt heo; còn lá chuối thì trên đất Việt có gì khó tìm. Các bạn có tin không, trên đất VN thôi, ở đâu có những người gốc Bình Trị Thiên định cư là có bán ít nhất một trong bốn món bánh này. Chỉ cần một hai trăm gram tôm bạc, ít thịt nạc vụn vằn, thêm lon bột, vài tấm lá chuối là người ta có thể dễ dàng làm thành những cái bánh ngon lành, rất đặc trưng dân tộc.


Riêng bánh bột lọc, vừa gọn gàng để mang đi đường khi ăn chẳng cần chén đũa, vừa dễ làm để nêm nếm cho vừa miệng ngay trong nhân bánh. Nếu các bạn dùng xe hơi để đi du lịch từ Sài Gòn đi miền Đông, miền Trung..chỉ cần ra đến vùng Dầu Dây, Gia Kiệm thôi… khi dừng xe tạm nghỉ bên đường, có thể bạn sẽ gặp vài người bán dạo từ đâu đó đột ngột hiện ra với chiếc xe đạp mà phía sau ràng chặt một cái thúng đậy kín. Họ sẽ lấy ra từ cái thúng từng xâu bánh bột lọc nóng hôi hổi và mời rao mỗi chục cái với giá chỉ có năm ngàn đồng VN bằng một giọng nói "quê ơi là quê"! Bạn cứ yên tâm mua làm quà ăn vặt đi đường mà không lo lắng chuyện bụng dạ gì hết, cứ mở hết cả chục bánh ra là biết liền. Cẩm Tuyết xin quảng cáo không công đó!

Những cái bánh dân tộc đáng yêu không bao giờ mất gốc vì nó đã giúp cho người làm ra chính nó có được đồng tiền mưu sinh khi tha phương cầu thực. Cẩm Tuyết có về Huế tham dự Festival 2000, rồi đến 2002, 2004… mình nhận thấy một điều là Huế càng ngày càng có rất nhiều những tấm bảng hiệu, thường chỉ lớn chừng nửa mét vuông, treo nhan nhản khắp nơi và trên hầu hết những tấm bảng này được viết rất vắn tắt những chữ không phết phẩy gì cả như sau: LỌC LỤI BÈO NẬM KHOÁI ÍT RAM (có tấm bảng viết cũng từng ấy chữ nhưng theo thứ tự khác). Lần đầu tiên Cẩm Tuyết thấy một tấm bảng như thế này bèn đứng đọc thử, rồi đọc xuôi đọc ngược, đọc nhanh dần và tự nhiên líu cả lưỡi, lộn tùng phèo lên. Ban đầu thì buồn cười rồi thấy… buồn buồn. Văn hoá… thương hiệu món ăn dân tộc trên đất kinh kỳ đó sao?

cách làm

BÁNH BỘT LỌC

     VẬT LIỆU


1. Lá gói bánh:

Lá chuối rửa sạch, lau khô, cắt miếng cỡ 10 X 15cm. Mỗi bánh chỉ cần một miếng lá chuối. tùy thích chuẩn bị ít nhiều. Nếu muốn làm sẵn lá, sau khi có lá và cắt xén, lau sạch, xếp cuốn lại , để chỗ thoáng qua ngày hôm sau vẫn làm được, không cần cho vào tủ lạnh

2. Nhân bánh :

- 200gr tôm đất tươi hoặc tép bạc, chọn tôm con nhỏ, để vỏ, dùng kéo cắt đầu râu, chân, để vỏ đuôi cho đẹp mắt, rửa sạch, để ráo.

- 300gr ba chỉ cắt miếng mỏng bằng cỡ ½ so với thân tôm.

- 100gr hành ta, băm nhuyễn.

- 50gr nấm mèo ngâm nước cho nở lớn, cắt bỏ gốc rễ, xắt sợi nhuyễn (tùy thích có hay không).

- Ướp trộn tất cả với 2/3 muỗng cà phê muối + 1 muỗng nhỏ tiêu + ½ muỗng nhỏ bột ngọt nếu thích, để qua 30 phút, xào chín đều tôm thịt với 2 muỗng súp dầu ăn.

3. Bột bánh:

2 chén bột năng + 2 chén nước lạnh + 2 muỗng súp dầu ăn + ½ muỗng cà phê muối, khuấy đều hỗn hợp cho tan hết bột rồi mới bắc lên bếp, để lửa rất nhỏ, khuấy đều tay và liên tục cho đến khi bột đặc lại, không chảy nhão nhưng vẫn ở trong dạng dẽo sệt là được, gói bánh ngay khi bột còn đang nóng.

4. Gói bánh:

Dùng một cái muỗng súp để múc bột cho có phân lượng cố định, bánh gói ra sẽ đều hơn. Đặt ngửa một miếng lá chuối, múc vào một muỗng súp bột, kéo bột mỏng ra, đặt vào giữa bột một con tôm + 1 miếng thịt + ít nấm, hành… Gấp 2 mép lá theo chiều dọc xếp chồng lên nhau rồi bẻ ngược hai đầu lá dư ra sau, vuốt nắn cho bánh tròn đều. Khi múc bột vào, múc sao cho đều tay để bánh lớn nhỏ đều nhau. Cột từng hai cái đâu lưng lại với nhau bằng một sợi lá chuối. Xếp bánh đã gói vào xửng, hấp 30 phút sau khi nước sôi là bánh chín.

5. Yêu cầu:

- Bánh vừa hấp xong bánh còn ướt, chưa se bánh; để khoảng 3 giờ sau khi hấp bánh mới ngon.

- Bánh dai cứng có nhiều lý do: Hoặc bột bị pha; hoặc gói bánh khi bột đã quá nguội – phải gói ngay khi bột còn nóng; hoặc cháo bột quá đặc… Bánh đạt yêu cầu là để trong ngày vẫn mềm, bột bánh rất trong, giòn chứ không dai.

- Nước chấm bánh bột lọc: 200 gr tôm đất tươi, lột vỏ, lấy phần vỏ thân, bỏ vỏ đầu, phần nạc tôm dùng làm món khác. Lấy vỏ nấu với ít nước vừa sấp mặt vỏ, để sôi khoảng 3 phút, đổ qua một cái rây hoặc vải thưa lấy nước luộc vỏ tôm. Tùy chất lượng nước mắm đang có, pha 1 phần nước mắm + 2 hoặc 3 phần nước vỏ tôm + 1 phần nước lọc tùy ý. Sau khi pha nước mắm + nước vỏ tôm, để qua một giờ sau, hỗn hợp mới lắng trong, lấy phần lắng trong này nêm vào chút đường, khi ăn vắt thêm vào ít chanh + ớt tươi, tỏi tùy khẩu vị. Nước mắm pha phải thơm dịu vị chua ngọt, mặn rất nhẹ và loãng .

- Khẩu vị nêm nếm khi pha nước mắm sẽ quyết định chất lượng món ăn, nước chấm pha vừa ăn là có thể thả ngập cả miếng bánh trong nước chấm để húp cả nước chấm khi ăn. Có người còn thích chấm bánh với nước mắm nguyên chất, chỉ dầm vào ít tỏi ớt với vài giọt chanh. Nếu dùng làm món ăn đi đường có người nêm tôm thịt hơi mặn một chút để lột bánh ra là ăn ngay mà không cần dùng nước chấm.

- Nói thêm: Có vài khách sạn nhà hàng cao cấp ở Huế, Sài Gòn có trình bày một kiểu bánh bột lọc mà trong đó họ dùng một miếng nạc tôm lớn, cắt ra từ thân của loại tôm sú và những đầu bếp tài hoa đã tỉa miếng nạc tôm này thành hình giống như hình cái tháp Phước Duyên ở chùa Linh Mụ Huế trên nền phông là miếng thịt ba chỉ mỏng tanh. Nhìn cái bánh nhỏ nhắn trong suốt ẩn hiện hình một ngôi chùa thật sống động, thật nghệ thuật. Đây là một sáng tạo đáng kể nhưng chưa nghe nói đến một đầu bếp VN nào dùng loại bánh bột lọc có hình thức này để mang đi đấu xảo với những món ăn Trung Quốc, vốn được tiếng là hàng đầu trong nghệ thuật tạo hình cho món ăn. Nếu có dịp vào những nhà hàng VN cao cấp mà có món bánh bột lọc, các bạn hãy chầm chậm lột bánh ra và quan sát trước khi ăn, đâu biết chừng sẽ nhận ra một hình ảnh quê hương trên miếng bánh – đúng nghĩa đàng hoàng à nghen!

anh cứ ăn em ngồi rót rựu...!!!

sướng chưa mấy anh???





 

từ từ sẽ có bài riêng về ẩm thực...


anh em đoàn kết tiến lên giật giải nào[grin]


Anh em Quảng Nam và Tây Nguyên đâu, chúng ta cùng Xung Phong nào!!!!

 [waffen093][waffen093][waffen093][waffen093]
 





Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 2:10 pm
Viết bởi bautroixanh


   Triệu Thị Trinh (Bà Triệu)


"Muốn coi lên núi mà coi
Có Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng"

Khi nói đến gương anh hùng liệt nữ, đến truyền thống đấu tranh xâm lược của ngoại bang, người Việt Nam qua nhiều thời đại thường không quên nhắc đến cái tên Bà Triệu bên cạnh các gương liệt nữ khác như Hai Bà Trưng...

Triệu thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 nǎm 226 (Bính Ngọ) tại huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình hào trưởng. Triệu thị Trinh là một phụ nữ có tướng mạo kỳ là, người cao lớn vú dài nǎm thước. Bà là người tính tình vui vẻ, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, trí lực hơn người. Truyền thuyết kể rằng, có lần xuất hiện một coi voi trắng một ngà phá phách ruộng nương, làng xóm, lầm chết người. Triệu Thị Trinh dũng cảm cầm búa nhảy lên đầu giáng xuống huyệt làm con voi lạ gục đầu xin qui thuận.

Khi nhà Ngô xâm lược đất nước gây nên cảnh đau thương cho dân chúng, khoảng 19 tuổi Triệu thị Trinh bỏ nhà vào núi xây dựng cǎn cứ, chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Khi anh trai nhắn về nhà chồng, bà đã trả lời tỏ rõ khí phách của mình mà đến nay không mấy người Việt Nam là không biết: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta". Truyền thuyết kể rằng, nǎm 248 khi Triệu Thị Trinh khởi nghĩa trời đã sai đá núi loan tin tập hợp binh sĩ trong vùng. Đêm khuya từ lòng núi đá phát ra rằng: "Có Bà nữ tướng. Vâng lệnh trời ra. Trị voi một ngà. Dựng cờ mở nước. Lệnh truyền sau trước. Theo gót Bà Vương". Theo đó dân chúng trong vùng hưởng ứng nhiệt liệt, có người mang theo cả bộ giáp vàng, khǎn vàng.... dâng cho bà. Anh trai bà là Triệu Quốc Đạt được tôn làm Chủ tướng. Bà Triệu là Nhuỵ Kiều tướng quân (Vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa). Khi ra trận Bà mặc áo giáp vàng, chít khǎn vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi một ngà. Quân Bà đi đến đâu dân chúng hưởng ứng, quân thù khiếp sợ. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con ra quân theo Bà Vương đánh giặc. Cho đến nay nhân dân vùng Thanh Hoá và lân cận còn nhiều câu ca, lời ru con nói về sự kiện này.

Sau hàng chục trận giao tranh với giặc, trận thứ 39 anh trai bà là Triệu Quốc Đạt tử trận, Bà Triệu lên làm chủ tướng và lập nên một cõi giang sơn riêng vùng Bồ Điền khiến quân giặc khó lòng đánh chiếm. Biết bà có tính yêu sự sạch sẽ, ghét tính dơ bẩn, quân giặc bố trí một trận đánh từ tướng đến quân đều loã thể. Bà không chịu được chiến thuật đê hèn đó phải lui voi giao cho quân sĩ chiến đấu rồi rút về núi Tùng. Bà quì xuống vái trời đất: "Sinh vi tướng, tử vi thần" (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn. Sau khi bà mất dân vùng Bồ Điền, Phú Điền vẫn nghe trên không trung tiếng cồng thúc quân, voi gầm, ngựa hí. Bà còn phù hộ cho nhiều thủ lĩnh sa này đánh tan quân xâm lược đất nước. Có người sau này lên làm ngôi vua, như Lý Bô, đã xây đền, lǎng mộ để ghi nhớ công ơn của Bà.

Đến nay chuyện Bà Triệu từ thế kỷ thứ II vẫn còn hằn đậm trong tâm thức mỗi người Việt Nam với lòng ngưỡng mộ và tự hào. Lǎng và đền thờ Bà vẫn còn mãi với thời gian tại huyện  Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá là di tích lịch sử quan trọng của quốc gia là bằng chứng về niềm tự hào một người phụ nữ liệt oanh của Dân tộc Việt Nam.
                                 

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 2:14 pm
Viết bởi bautroixanh
Bánh gai Tứ Trụ hay bánh làng Mía là đặc sản nổi tiếng xứ Thanh với vị thơm ngon đặc biệt.

Làng nghề sản xuất bánh gai ở làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nằm cách TP Thanh Hoá 45 km về phía tây; cách khu di tích lịch sử Lam Kinh không bao xa.

Đúng ra phải gọi bánh gai làng Mía mới đúng tên gọi xuất xứ. Nhưng vì bánh làm ra được bày bán ở phố Tứ Trụ - trước năm 1945 thuộc tổng Diên Hào (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) là "quê hương của nhiều vị khai quốc công thần triều Lê-vùng đất có chợ Đường nổi tiếng nên khách mua thường gọi là bánh gai Tứ Trụ, lâu rồi thành quen. Hiện nay, làng Mía có vài trăm hộ làm bánh gai.

Tác giả Phạm Tấn - một trong nhóm ba tác giả  cuốn Địa chí huyện Thọ Xuân viết:" Về bánh gai thì có rất nhiều làng quê trong tỉnh, trong nước làm nhưng để có được bánh gai như ở Tứ Trụ thì chưa hẳn đã có nơi nào bằng. Đây là thứ bánh chủ yếu để cúng tiến trong các ngày lễ hội ở đình làng, nhất là trong các kỳ lễ "hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi" ở khu điện miếu Lam Kinh. Mỗi lần về nơi cội nguồn, du khách và người gần  xa chẳng bao giờ quên mua thứ đặc sản nổi tiếng này".

Còn theo ông Nguyễn Đăng Tâm, 80 tuổi, người làng Mía (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá), chủ của gia đình có bốn đời làm bánh gai, cho biết, nghề làm bánh gai ở đây được du nhập từ cố đô Huế, cách nay hơn 120 năm. Làng Mía thời Lý có tên gọi là làng Yên Hà, huyện Lôi Dương (tên cũ của Thọ Xuân). Đất làng là nơi sinh ra bà Ngô Thị Ngọc Dao - vợ của vua Lê Thái Tông, mẫu thân của vua Lê Thánh Tông. Thời gian này, làng đổi tên là Thịnh Mỹ. Làng Mía là tên gọi sau này.

Làng có ông Nguyễn Văn Xiển, cử nhân đỗ đầu khoa, làm quan coi giữ kho tiền (thời vua Hàm Nghi) và con rể là ông Ngô Đình Chí, đỗ phó bảng, từng làm tri huyện ở Thạch Thành (Thanh Hoá), Quảng Trạch(Quảng Bình). Chính bà Ngô Thị Phẩm, con gái ông Ngô Đình Chí là người đã học hỏi, du nhập nghề làm bánh gai từ Huế về truyền  cho dân làng Mía.

Cầm bánh gai Tứ Trụ trên tay, chưa bóc lá, du khách đã nhận ra hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này.  Bóc dần lớp lá chuối khô mềm, phần vỏ bánh có màu đen ánh, lấm chấm hạt vừng. Nhấm một miếng nhỏ thấy vị ngòn ngọt của mật mía, dẻo dính của nếp, quyện mùi thơm của đậu xanh, cùi dừa, dầu chuối, thỉnh thoảng nhằn mấy hạt vừng bùi bùi…thật là thú vị.

Hầu hết nguyên liệu làm bánh có sẵn ở địa phương. Lá chuối khô gói bánh được đi mua gom quanh vùng về bán cho các hộ làm bánh. Chỉ có lá gai là phải đi thật xa và phải mua với số lượng lớn để bảo đảm có đủ dùng quanh năm.  

Cách làm bánh gai khá công phu. Việc đầu tiên là phải chuẩn bị đủ nguyên liệu và sơ chế. Lá chuối khô mua về phải làm sạch. Lạt giang chẻ mỏng đem nhuộm đỏ để làm dây buộc. Lá gai rửa sạch đem luộc, để ráo  nước rồi giã thật nhuyễn. Gạo nếp  cho vào nước đãi sạch, giã nhỏ, đem rây lấy bột thật mịn rồi trộn với lá gai đã giã nhuyễn cùng một ít mật mía, tạo thành thứ bột dẻo có mầu đen. Đậu xanh ngâm đãi sạch vỏ; nấu chín, gia giảm đường  đủ ngọt và ít dầu chuối, giã nhuyễn. Cùi dừa thái mỏng hoặc nạo. Vừng rang vàng, đãi sạch vỏ. Muốn cho bánh thật ngon, nhân cho thêm ít thịt nạc và hành nướng. Ngoài ra, người ta còn cho thêm vào bánh một ít dầu có tác dụng nhuận tràng.

Sau khi đã xử lý nguyên phụ liệu thì  nắm bột,  dàn mỏng, đều, cho nhân vào, gói lại thật kín lại thành hình vuông. Cuối cùng, lót lá gai đồ bánh như đồ xôi. Mùa hè, bánh có thể để được 1 tuần,  mùa đông để độ mươi ngày. Nếu làm thủ công, mỗi hộ mỗi ngày chỉ làm được vài trăm bánh. Nay có máy móc trợ lực, hộ gia đình anh Lê Hữu Lâm và chị Nguyễn Thị Thắm (con gái ông Nguyễn Đăng Tâm) mỗi ngày có thể làm tới 2.000  đến 2.500 chiếc đưa xuống TP Thanh Hoá và xuất bán cho các tỉnh phía nam, tận TP Hồ Chí Minh.

Nguyên liệu làm bánh gai Tứ Trụ dân dã, hầu hết dễ kiếm, duy chỉ có lá gai thì ít địa phương mới có. Cách làm bánh tuy có phần công phu nhưng không phải khó lắm. Cái khó là tỷ lệ gia giảm nguyên phụ liệu, thời gian đồ bánh…Đó là bí quyết công nghệ chỉ có các nghệ nhân làm bánh gai ở làng Mía nắm giữ hàng trăm năm nay.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 2:42 pm
Viết bởi bo_doi_cu_ho
Nếu nói đến lịch sử phát triển của tỉnh Thái Bình trong 60 năm qua, người ta không thể không nhắc đến năm Ất Dậu 1945, thời điểm cái tỉnh nhỏ nhoi của vùng Đồng bằng Bắc Bộ này trở thành “tâm điểm” của nạn đói khiến hàng trăm nghìn người phải bỏ mạng. 60 năm đã qua, dư âm Ất Dậu 1945 chỉ còn đọng lại trong ký ức của những người già còn sống sót qua thời kỳ đó và hiện hữu tại gian trưng bày rất nhỏ ở Bảo tàng tỉnh. Năm Ất Dậu 2005, Thái Bình đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và nhiều người đã so sánh 2 năm Ất Dậu để rồi khẳng định: Mảnh đất này đã đứng lên, trưởng thành từ chết chóc, đau thương…  



Ất Dậu 1945: Đứng lên từ cùng cực
1. Bà Lê Thị Định, nguyên là cán bộ Việt Minh thời tiền khởi nghĩa (đã về nghỉ hưu với chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình), năm nay đã hơn 80 tuổi, vẫn còn nhớ như in những ngày đói khổ đến cùng cực đầu năm Ất Dậu 1945: Đi đâu cũng gặp cảnh đói. Mới nhìn thấy người đứng đó, nhưng vừa quay đi, nghe tiếng đổ ào sau lưng là biết chắc con người vừa gặp đã đổ gục xuống vì kiệt sức. Cái đói kéo dài từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, đã biến con người ta trở thành những “bộ xương di động”.
Nhà bà Định ở xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư bây giờ. Trong xã có chợ Búng - cái chợ to nhất nhì tỉnh nằm bên cạnh bãi sông Thái Bình ngầu đỏ phù sa. Những ngày đầu năm Ất Dậu 1945, chợ Búng họp trong cảnh đìu hiu, tang tóc, nhưng vẫn đông nghịt những người... sắp chết. Càng ngày, người chết đói ở chợ Búng càng nhiều, gồm cả người trong xã, trong huyện lẫn người ở các huyện xa. Căn nguyên khiến họ tìm về chợ Búng rất đơn giản, là vì một số người “giác ngộ” đã vận động, thuyết phục những gia đình khá giả thời đó đóng góp tiền, gạo cứu đói cho dân. Số đóng góp được quy ra thành... cháo. Mỗi buổi chợ, những người “giác ngộ” lại nấu một nồi cháo thật to và mang ra chợ “phát chẩn” cho những người sắp chết, “chuẩn bị” chết. Tiếng đồn “đến chợ Búng có đồ ăn” truyền đi khắp nơi, khiến người ta lũ lượt đổ về kiếm ăn. Nhưng nào phải cứ có ăn là sẽ sống. Người húp miếng cháo thoát chết thì ít, người chết vì cháo thì nhiều. Người ta chết ngay trên đường đến chợ bởi không còn sức lê chân. Người ta chết khi chen lấn, xô đẩy cướp cháo. Người may mắn cầm được bát cháo, chưa đưa lên miệng đã gục ngã. Người chậm chân không còn sức chờ đợi phiên chợ sau nên chết ngay tại chỗ... Cứ thế, cuối buổi chợ, những người khỏe ở làng Búng lại chia nhau đi đào hố, đi nhặt từng xác người, cả người đã chết lẫn người còn thoi thóp, chất lên xe, “tùng bê” xuống hố, không cần chăn chiếu, quan tài...
2. Cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình ghi rất vắn tắt về nạn đói năm Ất Dậu 1945: Đầu năm 1945, Thái Bình ở đỉnh cao của nạn đói, cảnh chết đói diễn ra khắp đường, khắp chợ, nhất là ở các phủ huyện phía Nam của tỉnh. Nhiều gia đình chết hết không còn ai, nhiều làng chết đói từ 50 đến 80% dân số, như Sơn Thọ, Thụy Anh (956/1.025 người chết đói, chiếm 79% dân số); Thanh Nê, Kiến Xương (1.854/4.164 người chết đói); xã Nam Hải, Tiền Hải - nơi có nhiều đồng bào theo đạo Thiên Chúa, cũng chết tới 1.873 người; xã Tây Ninh, Tiền Hải có khoảng 171 gia đình chết đói không còn ai... Tính từ tháng 3 đến tháng 8/1945, số người chết đói trong toàn tỉnh là 280.000 người (khoảng 25% dân số).
Nạn đói còn cướp đi sinh mạng của rất nhiều Đoàn viên Cứu quốc, cơ sở cách mạng, khiến việc gây dựng, phát triển phong trào gặp rất nhiều khó khăn. Các cán bộ cách mạng không có lương ăn để hoạt động, phải sống dựa vào cơ sở. Không ít gia đình cơ sở đã bỏ ra lọ thóc giống cuối cùng để nuôi cán bộ. Thậm chí, trong một hội nghị ở vùng Cọi Khê, đồng chí Nguyễn Đức Tâm (sau này giữ chức Bí thư Trung ương Đảng) khi phổ biến chương trình Việt Minh đã phải cho các Đảng viên nằm nghe truyền đạt nội dung vì mọi người không còn sức để ngồi.
3. Tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình có một gian rất khiêm tốn trưng bày những bức ảnh của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh ghi lại những khoảnh khắc “người không ra người” của người dân Thái Bình trong trận đói năm Ất Dậu 1945. Một trong những bức ảnh khiến người xem rùng mình là cảnh người đàn bà đang ăn một con chuột chết, hòng kéo dài sự sống.
Cho đến nay, những người già đã sống qua thời khắc Ất Dậu 1945 vẫn không thể nào quên cái cảnh khắp làng mạc, đồng ruộng đều xám ngoét màu chết chóc và càng không thể quên bức ảnh chụp những người chết đói và sắp chết đói nằm ngồi bên nhau tại cột cây số 3 đường Thái Bình - Nam Định... Người ta không thể quên, bởi chính từ trong cùng cực tưởng như sắp bị diệt vong ấy, người Thái Bình đã gượng sức tàn để đứng lên, ào ào như thác lũ cướp chính quyền của địch theo tiếng gọi của Đảng. Những người khỏe đi cướp chính quyền đã đành. Những người sắp chết đói, đã lả đi vì kiệt sức cũng gượng dậy, hòa vào dòng người tranh đấu. Họ hiểu, Cách mạng không chỉ đơn thuần là tinh thần gắn bó, thương yêu, sẻ chia, đùm bọc của những người cán bộ như bà Lê Thị Định, mà Cách mạng còn là tương lai rạng ngời tỏa ra từ hình ảnh búa liềm, từ sao vàng năm cánh và hơn cả là màu cờ hồng bay rực rỡ. Màu cờ báo hiệu bình minh hạnh phúc - ấm no.

60 năm cột cây số 3
Với lứa tuổi chúng tôi, hình ảnh về nạn đói năm Ất Dậu 1945 hiển hiện rất rõ trong bức ảnh mà Nghệ sĩ Võ An Ninh chụp tại cây số 3 (đường từ Thái Bình đi Nam Định) được in trong cuốn sách lịch sử cấp I. Đầu năm Ất Dậu 2005 này, tôi về Thái Bình và tìm đến cột cây số 3. Đúng 60 năm. Khoảng thời gian không phải là dài đối với lịch sử một vùng đất, nhưng cũng không quá ngắn để người ta dễ quên đi tất cả. 60 năm trước - cột cây số 3 là trụ đỡ cho những thân người lả đi vì đói, trong khung cảnh chết chóc, thấm đẫm nước mắt. 60 năm sau - cột cây số 3 tươi tắn với nền trắng, chữ đỏ đứng trên hè phố lát đá sang trọng, vững chãi. Bên ngoài cột cây số là Quốc lộ 10 từ Thái Bình đi Nam Định được trải nhựa láng bóng, phong quang, rộng rãi, suốt đêm ngày nườm nượp người xe. Bên trong cột cây số là ầm ào tiếng máy dệt, rộn ràng bước chân công nhân Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu dệt Hồng Quân.
Ông Lê Hồng Quân (Giám đốc Công ty, người gốc Thái Phương, Hưng Hà) cũng đã thấm thía những ngày đói khổ đầu năm Ất Dậu 1945 nên trầm giọng kể với tôi về cảnh đói khiến cái làng Phương La nằm cạnh đê Đìa của ông chết đói đến vãn cả người. Người chết nhiều đến mức suốt cả ngày lẫn đêm, cả làng không dứt tiếng thanh la và rồi, người ta cũng không còn dám đánh thanh la nữa, chỉ dám đánh “lệnh” (động tác vỗ tay) để thông báo có người chết và gọi người khỏe đến chôn. Gia đình ông Quân làm nghề công thương theo kiểu “cha truyền, con nối” nên không chết vì đói. Thế nhưng, dù việc kinh doanh bị ngưng trệ, gia đình đứt bữa, nhà ông vẫn vét bơ gạo, đồng xu cuối cùng để cứu đói và ủng hộ Cách mạng. Trải qua bao gian khó, thăng trầm, gia đình ông vẫn “bám trụ” với nghề dệt truyền thống. Đầu những năm đổi mới, ông Quân xin tỉnh mảnh đất nằm ngay cạnh cột cây số 3 để xây dựng nhà xưởng sản xuất với suy nghĩ: Thái Bình đã đi vào lịch sử bởi thảm cảnh chết đói từ cây số 3 nên phải “cải tạo” để cây số 3 trở thành biểu tượng của sự phồn thịnh, giàu có. Và ông đã làm được điều đó, bởi đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp Hồng Quân đã xuất khẩu được ra nhiều nước trên thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong tỉnh và đóng góp cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Cũng ở cạnh cây số 3 bây giờ là những khu công nghiệp (KCN). Thái Bình đang được cả nước biết đến vì mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Hiện cả tỉnh Thái Bình có 5 KCN (Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Hải, Tiền Phong, Cầu Nghìn) đang hoạt động với gần 100 doanh nghiệp và số vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Trong tương lai, đến năm 2010, Thái Bình sẽ có thêm 5 KCN nữa, nâng số diện tích KCN lên gần 1.400 ha.
Ngày xưa, nhắc đến Thái Bình là người ta nói đến “hòn đảo trên đất liền” gắn với “nhà máy cháo, lò đúc muôi”. Thế nhưng đến nay, thế cô lập ấy đã bị phá vỡ sau khi cây cầu Tân Đệ (trên Quốc lộ 10 bắc qua sông Hồng) và cầu Triều Dương (trên Quốc lộ 39 bắc qua sông Trà Lý) được khánh thành và đi vào hoạt động. Thái Bình bây giờ đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và sẽ phát triển hơn nữa với những trọng tâm phát triển kinh tế được đặt ra rõ ràng, rành mạch là: chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, phù hợp với nền kinh tế thị trường; ưu tiên phát triển mạnh mẽ và toàn diện kinh tế biển; phát triển mạnh nghề và làng nghề; triển khai xây dựng các KCN, cụm công nghiệp tập trung; xây dựng, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách để phát huy mọi nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế...
60 năm máu và hoa, Thái Bình đã vượt qua mọi thời khắc khốc liệt nhất để cống hiến và trưởng thành. Đi qua nạn đói lịch sử năm Ất Dậu 1945, từ năm 1946 đến năm 1949, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 370 lạng vàng và các khoản khác tương đương 6 vạn tấn thóc cho kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1965 đến năm 1975, Thái Bình đóng góp trên 1 triệu tấn thóc lên Trung ương, vào thẳng chiến trường. Cũng “trong tiếng súng cả nước cùng đánh Mỹ”, Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân cao nhất miền Bắc (từ khi có lệnh động viên đến hết chiến tranh, đã có 145.816 nam và 6.177 nữ ra mặt trận). Trai tráng ra trận, lao động ở hậu phương chủ yếu là phụ nữ (70 - 75%), nhưng Thái Bình đã trở thành “quê hương 5 tấn” với năng suất lúa đạt 5 - 6 tấn/ha.
Năm Ất Dậu 1945, khi nghẹn ngào bấm máy ghi lại cảnh chết đói bên cạnh cột cây số 3, chắc Nghệ sĩ Võ An Ninh không thể ngờ rằng: 60 năm sau, khung cảnh cùng cực ấy đã đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho rạng rỡ hoa cỏ mùa xuân. Và rất lạ, kề bên vườn hoa là những gốc cây đại thụ đã mốc thếch màu thời gian nhưng lá vẫn ngăn ngắt xanh, màu của hy vọng, màu của sự sống. Cột cây số 3 như thể đang ưỡn ngực, vươn người để khẳng định mình, khẳng định vai trò “chứng nhân lịch sử” của Thái Bình 60 năm qua!...

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 2:47 pm
Viết bởi bo_doi_cu_ho
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình ghi: năm 1945 cả tỉnh có 280.000 người chết đói, chiếm 25% tổng dân số. Nhiều địa phương chết tới trên 50% dân số như xã Tây Lương: 67%; Sơn Thọ, Thụy Anh (Thái Thụy): 79%; xã Thanh Nê (Kiến Xương) có 4.164 người thì chết gần 2.000 người; xã Tây Ninh (Tiền Hải) có 171 gia đình chết không còn một ai…

Chết vì đói là cái chết đáng sợ nhất của bất cứ sinh vật nào. Cái chết đến từ từ, không ngừng giày xéo, đày đọa con người trong đau đớn, tủi nhục và sợ hãi. Thế nhưng nạn đói năm 1945 còn gây nên những tấn thảm kịch mà không ai có thể tưởng tượng được.

Nhà hoang - làng trắng

Trong căn nhà bêtông lát gạch được tô điểm bằng những chậu hoa, cây cảnh điệu đàng, gia đình ông Tô Văn Nuôi (xóm Trại, Tây Lương - Thái Bình) rộn rã tiếng cười quanh đứa bé 5 tháng tuổi bụ bẫm đáng yêu như hòn ngọc quý. Ông Nuôi là người đàn ông duy nhất trong dòng họ Tô của xóm Trại sống sót qua nạn đói 1945.

Bà Duy - cô ruột của ông, năm nay 87 tuổi - kể lại: “Chính trên nền đất này bố tôi đã chết hồi tháng hai năm đó. Mấy tuần sau mẹ tôi chết cứng lạnh khi ba chị em tôi vẫn ôm bà ngủ trong ổ rơm. Cả họ chết dần và đến tháng tư còn lại một mình nó (ông Nuôi)…”.

Ông Nuôi khi ấy mới 5 tuổi nhưng bà Duy cũng không biết làm thế nào giúp cháu. Thậm chí bà cũng không còn nhớ là có một đứa cháu bị đánh rơi, bởi chính chồng con bà cũng chết vì đói, bản thân bà cũng đã phù thũng mặt mày, nằm gục rồi lại dậy, không biết còn sống đến hôm nào.

Ông Nuôi cũng không còn nhớ chút gì về gương mặt, tình cảnh hay cái chết của bất cứ ai trong nhà mình. Ông chỉ biết rằng một mình ông hết sáng lại tối, không quần áo bò lê quanh nền bếp đầy rơm, muỗi và thạch sùng. Nhà không một bóng người. Xóm cũng không ánh đèn, không tiếng người, tiếng chó. Ông Nuôi không thể nhớ mình đã sống qua ngày ấy như thế nào, đó là địa ngục hay trần gian.

Ông nói: “Có lẽ tôi bốc tất cả những gì mình gặp để cho vào mồm. Khóc rồi bò. Bò rồi ngủ…”. Mãi 15 năm sau, khi ông lấy vợ thì căn nhà ấy mới có thêm một con người.

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 2:47 pm
Viết bởi bautroixanh
     Về với điểm hẹn du lịch Hàm Rồng                                
              Thanh Hoá


Mỗi khi nói về Hàm Rồng không chỉ người dân trong tỉnh, trong nước mà không ít người nước ngoài biết đến như một huyền thoại.


Trong chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ đã điên cuồng huy động hàng ngàn lượt máy bay đánh phá hòng chặt đứt mạch máu giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Qua mưa bom, bão đạn Hàm Rồng vẫn “sừng sững hiên ngang đứng giữa trời”. Đó là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, là bản anh hùng ca của một dân tộc anh hùng.

Hàm Rồng trong chiến tranh là vậy! Giờ đây Hàm Rồng đang chuyển mình nhanh chóng để một ngày không xa, cả quần thể rộng 569 ha nơi đây trở thành một lâm viên (công viên rừng), là một trong những tụ điểm du lịch độc đáo của cả nước. Theo dự án, nơi đây là điểm dừng chân tiện lợi cho du khách từ Bắc vào, Nam ra bằng đường bộ (Quốc lộ 1A), đường sắt và tuyến đường Đông - Tây; trong đó có cả đường thủy (sông Mã) rất thơ mộng. Đến đây, sau khi được giới thiệu về chiến công hiển hách của quân và dân ta trên mảnh đất Hàm Rồng - Nam Ngạn với cầu Hàm Rồng, đồi Quyết Thắng, đồi C4 anh hùng... du khách sẽ thả mình trên thảm cỏ xanh, dưới tán cây thông ngắm nhìn dòng sông với thuyền bè tấp nập, lắng nghe điệu hò sông Mã, tiếng dô khoan huầy, hít thở không khí trong lành, thoảng hương thơm của lúa, của hoa hồng, hoa cúc được những người con của đất lửa Hàm Rồng san lấp hố bom xưa làm nên những sản phẩm thanh bình nhưng rất đỗi yêu thương này. Sau đó, du khách sẽ được vui chơi, thưởng ngoạn tại các khu chức năng: khu du lịch văn hóa trung tâm, khu khảo cổ, làng văn hóa các dân tộc, khu cắm trại, khu biệt thự cao cấp, khu văn hóa thể thao, thăm hang Rồng, núi Ngọc, thăm làng cổ Đông Sơn; chiêm ngưỡng và lắng nghe sự tái hiện tiếng chuông Hạc Thành xưa, thăm bảo tàng đá, rồi lên thăm và xem đường đua xe mô-tô, trung tâm thi đấu thể thao, trung tâm thương mại, sau đó xuống hồ thả mình trong chiếc thuyền Thiên Nga bơi bồng bềnh quanh đảo thần Kim Qui kỳ vĩ mộng mơ...

Tuy rộng, dài, lên núi, xuống hồ quanh co như vậy nhưng du khách không phải, đi bộ đường dài mỏi mệt mà bằng các phương tiện hiện có; trong đó có hệ thống cáp treo thật lý thú. Khi lên đến đỉnh cao, du khách phóng tầm mắt ngắm nhìn tổng thể khu du lịch, tận hưởng sự khoan khoái, để rồi càng thêm tự hào về mảnh đất quê Thanh, về một Hàm Rồng đã làm nên lịch sử oai hùng, nay đang viết tiếp trang sử mới trong xây dựng phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, làm thỏa nguyện, với sự hy sinh của biết bao anh hung, chiến sĩ, người dân đã ngã xuống để có sự thanh bình, hạnh phúc hôm nay.    

Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 2:59 pm
Viết bởi bautroixanh
Nhắc đến Thanh Hoá, đến hương vị quê Thanh không thể không kể đến đặc sản nem chua còn gọi là nem quả. Từng quả nem đã đại diện cho tình cảm gắn bó của người xứ Thanh lưu luyến tiễn chân du khách. Chỉ bằng bì lợn, thính, thịt lợn, gia vị, chiếc lá đinh lăng bánh tẻ quấn ngoài cùng một ít bí quyết gia truyền mà cái khối nhỏ vuông vắn có màu xanh của lá chuối, màu trắng của lạt mà làm say lòng người đến

Nem chua Hạc Thành. Chè lam Phủ Quảng. Bánh gai Tứ Trụ. Cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu, cá trà Sầm Sơn, Hải Thanh, Tĩnh Gia.
Kế đến phải kể đến đặc sản tiết canh dê cùng các sản phẩm từ dê. Dê phải kén thứ dê núi ở vùng núi đá Hà Trung, Vĩnh Lộc. Với bàn tay khéo léo và kỹ thuật pha chế điêu luyện, bát tiết canh dê như một bức hoạ tuyệt vời với các gam màu xen kẽ: đỏ của tiết, xanh của rau, vàng của vừng lạc, đen xám của dê song lại rất mát, nhắm kèm với rượu ngâm mật dê thì mới hợp khẩu vị. Nhân nói về rượu, xin thưa ngon nhất phải kể đến rượu Nga Liên (Nga Sơn) được chưng cất bởi giống gạo nếp cái đã được chọn lựa cẩn thận. Nhấp một chút rượu đã có cảm giác thơm đầu lưỡi mùi nếp mới, cay của men say.... Thứ đến là rượu làng Quảng. Tuy chỉ nấu bằng gạo tẻ, song không biết là do men, do nước hay do bí quyết nhà nghề mà độ rượu rất cao, rất đậm song lại rất êm...
Mấy năm gần đây, một số món ăn Huế đã "du nhập" vào Thanh Hoá, đặc biệt là các món ăn từ hến. Hội nghị liên hoan, gặp gỡ, sinh nhật, cải thiện cuối tuần, thậm chí nghỉ mát Sầm Sơn cũng về Thành phố - A lô ! cơm hến !. Ðây cũng là dịp để hến làng Giàng tự khẳng định một lần nữa "vị thế" sẵn có của mình trong "họ". Với sự kết hợp giữa công thức và nguyên liệu của hai miền đã làm món hến sào, cơm rang hến, canh hến nao nức lòng người. Dường như với sự khác biệt về màu sắc (hến làng Giàng có vỏ màu vàng còn loại hến khác có vỏ màu đen) đã làm cho nước hến thêm ngon, thêm trong còn ruột hến thì thơm hơn, ngậy hơn.
Nói đến làng Giàng thì không thể không kể đến Phi Cầu Sài rất hiếm có ở các địa phương khác, rất ngon, rất mát. Thỉnh thoảng lại thấy nhớ và bất chợt thoảng nghe đâu đây tiếng rao của bà bán hàng rong "Ai phi mua !".
Chưa hết, còn một kho đặc sản khổng lồ của xứ Thanh mà đâu đâu cũng biết đó là nguồn hải sản dọc biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Nào cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu, cá chà... Cũng là ở biển nhưng con cua, con cá ở đây nó thơm và ngon một cách lạ lùng. Chính vì thế mà các loại mắm, nước mắm Thanh Hoá ngon nổi tiếng cả nước.
Chớm Hè, mới tới địa phận Bắc thành phố du khách đã được chiêm ngưỡng từng "kim tự tháp" dừa xanh mọc hai bên đường "địa phận huyện Hoằng Hoá". Dường như tạo hoá đã thiên vị ban tặng cho mảnh đất Anh hùng, kiên cường trong kháng chiến loại dừa sai quả, nhiều nước và ngọt mát đến thế.
Ai có dịp qua huyện Thọ Xuân thì không thể không mua bánh gai Tứ Trụ về làm quà. Cũng từ bột gạo nếp, đậu xanh, dừa, mỡ lợn nhưng khác là có thêm lá gai đã trở thành đặc sản Thanh Hoá. Còn sản phẩm nửa bánh, nửa kẹo nhưng lại rất hấp dẫn bởi cái cay của gừng tươi, cái thơm của bột gạo nếp, mật mía, lạc tạo nên một sản phẩm vừa cứng vừa giòn đó là Chè lam Phủ Quảng. Mà sắp tới, tỉnh đang có kế hoạch đầu tư khôi phục và phát triển sản phẩm này như một đặc sản dân tộc.
Còn nhiều lắm, nào là cam Giàng, dứa Thạch Thành, mía Kim Tân, rồi ong Yên Khương, bánh đa cầu Bố, rượu cần dân tộc Thái... không thể kể hết được đã tạo nên một hương vị xứ Thanh rất gần gũi nhưng lại rất riêng.


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 3:02 pm
Viết bởi Portraitpainter
Hồi 3
Đà Thanh Nam Thái Trung, ngũ hổ tranh ngôi Tý Thủ(子手).
Vừa uống Hắc Vô Đường(Black 無糖), Trung Nguyên lững thững leo tam vị.

Chỉ 1 thời gian ngắn sau khi tàu bắt tép Đà Nẵng "cả gan" nhảy Chuột lên 7割, tình hình cuộc thi đang trở nên hết sức nóng bỏng. Được Bầu Tùng Lư lợn lòi bật đèn xanh cho việc fake ip, các anh em kĩ thuật nhacnhat.info, mal.ọg bắt đầu nhảy vào cuộc.
Hồi kết trận chiến ra sao, có lẽ Nam Tào Bắc Đẩu chắc cũng đang phân vân suy nghĩ.

Đại hội võ lâm Tý Thủ Trận cuộc đến 15:02 16/11/2007




Đà Nẵng:  (61.4%)
Hải Dương:  (1.6%)
Thanh Hóa:  (18.4%)
Nam Định:  (4.7%)
Thái Bình:  (3.1%)
Khu vực Miền Nam:  (2.8%)
Khu vực Miền Bắc:  (0.6%)
Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên:  (7.5%)

Bỏ phiếu: 321


Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 3:08 pm
Viết bởi nhoccon_tyhon_lonton
 

"Khám phá con đường huyền thoại Trường Sơn" là đến với các địa danh lịch sử nổi tiếng qua các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam: Prao, Bến Giằng, Làng Rô, Khâm Đức, Ngok-Ta-Vak, đồi E..., khám phá vẻ đẹp hoang sơ nhưng thật hùng vĩ của núi rừng trùng điệp với những cánh rừng nguyên sinh, những thác nước, những dòng sông lớn và tìm hiểu đời sống văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc ít người sinh sống tại vùng tây Quảng Nam.




Re:Nét đẹp quê hương!

Đã gửi: Sáu T11 16, 2007 3:11 pm
Viết bởi nhoccon_tyhon_lonton

 MỲ QUẢNG

   Mỳ Quảng, từ lâu đã được biết đến như cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam. Bây giờ, ngoài Quảng Nam ra, nhiều nơi cũng có quán ăn mì Quảng. Mì Quảng theo chân những người Quảng Nam tha hương và cùng họ có mặt khắp nơi như người bạn đồng hành tri kỷ. Mì Quảng thường có mặt trong những bữa tiệc "vọng cố hương" của người Quảng Nam xa xứ.
    Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua... và có cả mì chay dành cho người hành đạo. Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm, rau quế...
    Đến Quảng Nam, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc trên tuyến đường quốc lộ 1A luôn đông đúc khách sành ăn: quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thị xã Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thị xã Hội An)...



CAO LẦU


   Nguồn gốc của món cao lầu đến nay vẫn là đề tài đàm luận của nhiều người. Có người cho rằng cao lầu có xuất xứ từ xứ sở hoa anh đào (Nhật Bản), có nét giống món mì ở vùng Icé (Ice udon). Có người lại cho rằng cao lầu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng những người Hoa kiều ở Hội An không công nhận đây là món ăn truyền thống của họ.

  Dù có nguồn gốc từ đâu thì cao lầu vẫn là món ăn riêng có của Hội An và ngày càng được nhiều thực khách trong, ngoài nước biết đến.
  Sợi cao lầu được cán từ bột gạo ngâm với nước tro, hấp qua 3 lần lửa, nên cứng và có màu vàng tự nhiên. Nhân cao lầu chủ yếu là thịt xá xíu, trộn với ít tép mỡ làm bằng sợi mì chiên dòn ăn với sợi cao lầu, rau sống, xì dầu, tương ớt. Cách chế biến cao lầu mới nghe qua trông rất đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều bí quyết nghề nghiệp khó mà khám phá. Có người bảo rằng, ngày xưa người ta phi ra tận đảo Cù Lao Chàm lấy củi đốt thành tro đem về ngâm với nước giếng Bá Lễ ở Hội An thì mới chế biến được sợi cao lầu ngon như ý.


   

   BÁNH BAO-BÁNH VẠC
    Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh bao bánh vạc còn có tên gọi là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.


   Bánh báo bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có thơm hương, vị ngọt của thịt tôm..
    Nguyên liệu chính để chế biến bánh bao bánh vạc là gạo nhưng được thực hiện qua nhiều công đoạn rất công phu. Gạo xay xong phải "bòng" với nước nhiều lần (khoảng từ 15 đến 20 lần) để chọn cho được loại bột bánh ngon. Nhân bánh bao chủ yếu chế biến từ tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và một vài loại gia vị khác. Nhân bánh vạc thì có thêm một số nguyên liệu như: nấm mèo, giá hột, lá hành, thịt heo ... đã được thái mỏng và xào chín. Cả hai loại nhân đều được bao bọc bởi một lớp bột bánh mỏng và hấp chín qua lửa.
    Hiện nay, tại Hội An chỉ còn có một gia đình trên đường Nhị Trưng sản xuất loại bánh này để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ thực khách.

   BÁNH ÍT LÁ GAI

Cũng giống như nhiều miền quê trên mọi miền đất nước, bánh ít lá gai từ lâu đã đi vào trong đời sống ẩm thực của người dân đất Quảng, là lễ vật đầy ý nghĩa trong những ngày Tết cổ truyền, dịp cúng tổ tiên, ma chay, cưới hỏi ...
    Cách chế biến bánh không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự kỹ lưỡng ở từng công đoạn chọn nguyên liệu: gạo nếp, đậu xanh, mật đường, lá cây gai, lá chuối. Bánh ít lá gai Quảng Nam có hình dáng mộc mạc, chân chất như những sản vật miền thôn dã nhưng vẫn hàm chứa cái hương vị rất riêng của vùng đất giàu lòng mến khách. Bánh ít lá gai được bày bán nhiều nhất ở Hội An, ngay trên những khu phố, chợ và trong các nhà hàng, quán ăn.



    BÁNH SUSÊ
    Bánh susê hay còn gọi là bánh phu thê. Tên gọi này gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa. Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh. Chồng cảm động đặt tên cho bánh là phu thê (tức bánh vợ chồng). Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm bánh gởi cho chồng lèm theo lời nhắn:
                      "Từ ngày chàng bước xuống ghe
        Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu"
    Nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó bánh phu thê thường hay có mặt trong các tiệc cưới nhằm nhắn nhủ lời thuỷ chung đến các đôi vợ chồng trẻ.
    Bánh susê có màu vàng nhạt, dẻo, vị ngọt và thơm. Bánh cũng được bao bọc bởi một lớp lá chuối giống như bánh ít lá gai. Là một trong những loại đặc sản được bày bán nhiều nơi ở Hội An.    


   TRÁI LÒONG BOONG
   Trái Loòng Boong còn có tên gọi là trái Nam Trân, là đặc sản của các huyện vùng tây tỉnh Quảng Nam nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Đại Lộc và huyện Tiên Phước.
    Trái Loòng Boong có vỏ màu vàng nhạt, ruột màu trắng gồm nhiều múi nhỏ và có vị ngọt lịm.

    Trong dân gian, có truyền thuyết rất thi vị về trái Loòng Boong và chúa Nguyễn. Theo truyền thuyết, vào mùa hè năm ất Mùi, Đông Cung (tức thế tử Hoàng Tôn Dương) bị quân Tây Sơn vây đánh, thua chạy vào vùng rừng núi Quảng Nam. Lương thực đã cạn, trong lúc đang đói lả thì gặp một rừng cây trái lạ, Đông Cung hái ăn thử và thấy rất ngon liền đặt tên là trái Nam Trân (trái quý ở phương nam). Do móng tay Đông Cung bấm vào, nên mọi trái Loòng Boong ngày nay đều có vết bầm trên ruột.
    Trái Loòng Boong thường có bán rất nhiều tại các chợ vùng quê Quảng Nam vào các tháng 8, 9, 10 dương lịch hàng năm.




   BÊ THUI CẦU MỐNG
    Cầu Mống là ngôi làng nhỏ nằm cạnh quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Điện Phương - huyện Điện Bàn. Nơi đây có rất nhiều quán ăn phục vụ món ăn bò tái (hay còn gọi là bê thui) ngon nổi tiếng.



    Bò tái Cầu Mống đã có từ rất lâu và ngày càng được nhiều thực khách biết đến. Để có được món ngon này, người ta phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Bò được chọn để quay lửa than phải là bò còn non hoặc không quá già, khi quay người ta cho thêm cây sả, lá chanh vào bụng nhằm giữ cho thịt bò vừa mềm vừa thơm. Còn một bí quyết không kém phần quan trọng là khi thái thịt phải thật khéo léo để thịt và da không bị tách rời. Cách pha chế nước chấm và chọn rau để ăn bò tái cũng được thực hiện một cách kỹ lưỡng. Hầu hết nước chấm được làm từ nguyên liệu mắm nêm pha thêm các loại gia vị như ớt, tỏi, gừng, chanh. Rau ăn kèm thịt bò tái thường có khế chua, chuối chát thái mỏng trộn với vài loại rau khác như húng, quế, hành, ngò...
    Ngày nay, nhiều nơi ở Đà Nẵng, các tỉnh phía nam ... cũng có phục vụ món bê thui, nhưng những hàng quán tại Cầu Mống vẫn luôn là nơi khách sành ăn món này tìm đến nhiều nhất.



   RƯỢU TAVAK
    Nếu có dịp đến vùng tây Quảng Nam trong khoảng thời gian từ tháng tư đến tháng chín dương lịch, du khách sẽ rất thích thú khi được thưởng thức rượu Tavak - một loại rượu truyền thống của người CơTu có màu trắng đục, vị ngòn ngọt, mát lạnh.



   Rượu Tavak được chế biến từ nước thân cây đoác mọc tự nhiên trong rừng có hình dáng giống cây dừa nhưng thân to hơn, buồng có nhiều nhánh nhỏ và có nhiều trái nhỏ như trái cau mọc trên nhánh. Cách lấy nước cây đoác là một bí quyết của người bản địa, không phải ai cũng có thể làm được. Khi đã lấy được nước đoác thì việc pha chế rượu trở nên thật đơn giản, chỉ cần bỏ thêm vỏ cây chuồng vào nước cây đoác là đã có ngay một loại rượu Tavak uống rất ngon và bổ dưỡng.
    Thật tuyệt vời khi được thưởng thức men nồng Tavak trong ánh lửa bập bùng trên sàn nhà Gươl giữa những điệu múa tung tung dá dá của người CơTu hoặc nghe những câu chuyện dân gian rất kỳ thú về rượu Tavak gắn liền với cuộc mưu sinh của họ.