Một chút điểm tin về Nam Định dành cho những bạn chưa biết hoặc ít biết về nơi Victor đã sinh ra và lớn lên
Vị trí địa lý
Nam Định nằm ở phía Nam vùng châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Đông giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông Nam và Nam giáp với biển Đông và phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình. Tỉnh có 9 huyện và 1 thành phố loại II trực thuộc tỉnh, 230 xã, phường, thị trấn, thành phố Nam Định là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh, cách thủ đô Hà Nội 90 km.
Khí hậu
Cũng như các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định mang khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, Nhiệt độ trung bình trong năm từ 23 – 24oC, tháng lạnh nhất là tháng 12, 1, nhiệt độ trung bình từ 16 – 17oC; tháng 7 nóng nhất, nhiệt độ khoảng trên 29oC.
Lượng mưa trung bình trong năm từ 1.750 – 1.800 mm, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa ít mưa từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Mặt khác, do nằm trong cùng vịnh Bắc Bộ nên hàng năm Nam Định thường chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân từ 4 – 6 cơn/năm.
Thuỷ triều tại vùng biển Nam Định thuộc loại nhật triều, biên độ triều trung bình từ 1,6 – 1,7 m lớn nhất là 3,31 m và nhỏ nhất là 0,11 m.
Tài nguyên đất
Diện tích đất tự nhiên của Nam Định là 163.740,3 ha, bao gồm các loại: đất cát (ven sông và ven biển), đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất feralít, đất sỏi đá và đất mới biến đổi.
Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của tỉnh Nam Định rất thấp (550 m2), trong khi bình quân chung của cả nước là 1.120 m2. Tuy nhiên, đặc điểm nông hoá thổ nhưỡng tạo cho đất nông nghiệp của tỉnh có khả năng thâm canh cao, nhất là cây lúa và các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Tiềm năng kinh tế
Là một tỉnh có trên 22.000 ha diện tích mặt nước và trên 70 km bờ biển cùng với truyền thống và kinh nghiệm lâu năm của nhân dân đã tạo cho Nam Định có tiềm năng rất lớn về phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Ở vùng nước mặn, ước tính toàn tỉnh có khoảng 157.500 tấn cá, chiếm 20% tổng trữ lượng cá vịnh Bắc Bộ, trong đó khả năng cho phép khai thác cá là 70.000 tấn. Bên cạnh đó là các loại tôm với 45 loài, trong đó 9 loài có giá trị kinh tế, trữ lượng ước tính khoảng 3.000 tấn, khả năng khai thác cho phép 1.000 tấn/năm; có 20 loài mực, trữ lượng 2.000 tấn, khả năng khai thác cho phép 1.000 tấn/năm. Ngoài ra, 8.500 ha mặt nước lợ cho thu hoạch trên 6.100 tấn/năm thuỷ sản các loại và 13.500 ha mặt nước ngọt hàng năm thu được trên 6.400 tấn cá thịt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Trên cơ sở đó, ngành công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản cũng được chú trọng, coi đó là ngành công nghiệp trọng tâm trong thời gian tới nhằm phát huy lợi thế của ngành thuỷ sản với nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương.
Nam Định là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và văn hoá được Nhà nước xếp hạng và vùng sinh thái tự nhiên rộng lớn ở bãi bồi ven biển phục vụ cho du lịch, tham quan nghiên cứu.
Một số mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chủ yếu giai đoạn 2006 - 2010
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2006 – 2010 đạt 10 – 11%; GDP bình quân đầu người đến năm 2010 (tính theo giá hiện hành) đạt 8 – 10 triệu đồng, tương đương 600 – 650 USD.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 4,5%, trong đó riêng nông nghiệp tăng 2,5% - 3,0%. Giá trị thu được trên 1 ha đất đạt khoảng 39 – 40 triệu đồng, tỷ lệ trồng trọt chiếm 59%, chăn nuôi và dịch vụ 41% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt giữ mức 950 ngàn tấn, lương thực bình quân đầu người là 450 kg.
- Giá trị sản xuất thuỷ sản tăng bình quân 13 – 15% năm, đưa sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đánh bắt lên 100 ngàn tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng khoảng 60 ngàn tấn.
- Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 20 – 23% năm, trong đó:
+ Công nghiệp trung ương trên địa bàn tăng: 13 – 16%
+ Công nghiệp địa phương tăng: 21 – 25%
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng: 8,0 – 8,5%, trong đó:
+ Tổng giá trị hàng xuất khẩu đạt 220 – 230 triệu USD, trong đó địa phương quản lý khoảng 145 triệu USD.
+ Thu ngân sách năm 2010 đạt 1.000 tỷ đồng
- Tỷ trọng giá trị các ngành trong cơ cấu kinh tế năm 2010 như sau:
+ Nông lâm ngư nghiệp: 31%
+ Công nghiệp xây dựng: 34%
+ Dịch vụ: 35%
- Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá xã hội. Phấn đấu đến 2010 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học và xây dựng nhiều trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học và xây dựng nhiều trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các bậc học, ngành học. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%. Giảm tỷ lệ sinh bình quân mỗi năm 0,3%o. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 15%, tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3,5%. Phấn đấu 100% dân cư thành thị và 80% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
- Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, từng bước sử dụng công nghệ sạch trong các ngành kinh tế - xã hội. Cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải ở khu đô thị, các khu công nghiệp, thu gom chất thải rắn, chất thải vệ sinh ở những nơi tập trung dân cư. Xử lý cơ bản sự cố môi trường trên các dòng sông.