Bạn đang xem trang 2 / 5 trang

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T12 23, 2008 2:34 am
Viết bởi Ansamurai
Hịc Sao chúng ta lại phải nhìn lại lịch sử làm gì ah. Có nhìn lại thì nhìn chứ các anh đang tìm cách xét lại lịch  sử đó chứ có nhìn đâu .


Lịch sử là những câu chuyện xảy ra trong quá khứ, và nó ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hiện tại của mỗi cá nhân chúng ta. Trong thế giới thông tin ngày nay cho phép chúng ta tiếp cận Lịch sử theo nhiều thế giới quan khác nhau thì việc nhìn lại Lịch sử (hay xét lại)chẳng những giúp chúng ta có cách nhìn khách quan, hiểu và cảm thông hơn về những gì chúng ta đang chịu ảnh hưởng, mà còn tạo cho chúng ta khả năng lý giải và giải quyết những sự kiện đang tiếp diễn trong hiện tại. Lấy một ví dụ như vì sao hôm nay cô bạn nhỏ lại giận tui, hihi, tất nhiên là trước đó giữa chúng tôi có một Lịch sử riêng để dẫn đến sự kiện "giận" trong ngày hôm nay.  ^ ^


Tuần này BBC có đăng bài phỏng vấn bà Bảy Vân, phu nhân cố Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Lê Duẩn, đã hồi tưởng lại giai đoạn "bao cấp"  <--thời kì Lịch sử . Gửi anh em đọc cho vui^ ^

Phỏng vấn bà Bảy Vân (21.12.2008 )


'Việt Nam không có mô hình nào để đi lên, Nga đi lên theo kiểu Nga, Trung Quốc đi lên kiểu Trung Quốc, mà Trung Quốc lại càng xa vời với Việt Nam', bà Bảy Vân, phu nhân cố Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Lê Duẩn, đã hồi tưởng lại giai đoạn "bao cấp", trong một cuộc trao đổi với BBC Việt Ngữ hồi tháng Tám 2008.

Bà Bảy Vân, cũng từng giữ chức vụ Phó tổng Biên Tập báo Sàigòn Giải Phóng, nói tiếp: "Trung Quốc chủ trương 'Đại nhẩy vọt'- con người có thể ngồi trên mặt lúa mà lúa không gãy - nhưng tôi quan sát tận nơi, thì thực tế không phải vậy. Việt Nam cũng không thể áp dụng kiểu quản lý nông thôn của Nga".

Bà nói tiếp: "Mình thì chỉ mò mẫm thôi, không ai kết luận được kiểu nào đúng, kiểu nào sai, tới chừng nhìn lại thì không thấy phù hợp thôi, làm tới đâu sửa tới đó".

Khi được hỏi là Việt Nam có nên bỏ hẳn lối phát triển kinh tế cũ kỹ hay không, bà Bảy Vân không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà hồi tưởng lại giai đoạn ông Võ Văn Kiệt chủ trương hãng dệt Thành Công, "người dân mượn tiền nhà nuớc, tự đứng ra sản xuất và nuôi công nhân".

Bà cũng nhắc lại giai đoạn Thành phố HCM không có gạo để ăn, phải ăn bo bo khoai mì sùng, ban lãnh đạo chủ trương mua gạo với giá thị trường theo thể thức 'mua gối đầu', và do đó, đời sống tại đô thị bớt khó khăn.

Bà Bảy Vân kết luận: "Giải pháp này là đúng. Dần dần mọi chuyện mở ra. Địa phương này học theo địa phương kia, để sửa sai giai đoạn bao cấp"

Nên bỏ XHCN hay không ?

Bà Bảy Vân khẳng định "Không thể bãi bỏ xã hội chủ nghĩa được vì chỉ một tầng lớp nào chủ trương như vậy thôi, chứ còn cái khoảng cách giàu nghèo còn "nặng lắm" cho nên không thể bỏ được"

Trái lại theo bà Bảy Vân, "nhà nước phải quản lý chặt chẽ hơn". Bà dẫn thí dụ tình hình lúa gạo vừa qua, chính phủ "nắm" mọi việc mà để cho tin đồn này được loan truyền là "không tốt".

Theo bà Bảy Vân, chính phủ phải nghĩ tận gốc rễ của vấn đề, từ vấn đề lương bổng sao cho hợp lý để cho công nhân viên chức đủ sống, chứ còn "chân ngoài dài hơn chân trong", không thể để cho tình trạng này kéo dài mãi được.

Bà Bảy Vân nhấn mạnh chỉ có cải thiện đời sống cho người dân mới mong giải quyết nổi tham nhũng, chứ còn "chống cái này, chống cái kia" chỉ là hình thức thôi.

"Tuyên truyền chống tham nhũng, chỉ là nói miệng qua thôi," bà nói.

Bà Bảy Vân dẫn chứng là ngành hải quan của Pháp đã dành phân nửa thu nhập để sung vào lương của công nhân viên hải quan, chứ không có 'nhín nhín' như Việt Nam đâu, vì như thế thì "họ thế nào cũng tìm cách ăn mà thôi".

Cơ bản nhất của công cuộc bài trừ tham nhũng là giải quyết đời sống cho cán bộ công nhân viên chứ còn giáo dục chỉ là một biện pháp mà thôi, theo bà Bảy Vân.

Liên hệ với Trung Quốc

Hồi đó, không có ý kiến của 'Anh Ba' thì Trung Quốc đã chiếm luôn Trường Sa rồi, bà Bảy Vân, phu nhân của cố Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn đã hồi tưởng lại giai đoạn "nóng".

Trong cuộc trao đổi dành riêng cho Ban Việt Ngữ đài BBC, bà Bảy Vân nhớ lại chồng bà đã nói "Mình phải ra đóng quân ở Trường Sa".

Bà Bảy Vân nói tiếp: "Trung Quốc lấy cái thế là trước kia ông Phạm Văn Đồng có ký một văn bản cho phép Trung quốc quản lý ở Hoàng Sa vì 'ngụy' đã đóng ở đó".

Và khi đất nước thống nhất rồi, bà Bảy Vân cho biết ông Lê Duẩn đã nói: "Bằng cách nào cũng phải chiếm lại Hoàng Sa".

Nhìn vào phong trào thanh niên sinh viên phản đối Trung Quốc đã chiếm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, bà Bảy Vân nói rằng "cái gì lãnh đạo mình hướng dẫn thì nên làm theo, chứ còn thanh niên tự ý đi chống lại cũng không có kết quả gì"

Trong cuộc trao đổi này, bà Bảy Vân cho biết bà cũng có ý tưởng viết một cuốn hồi ký nhưng lo ngại là những đoạn nào có dính líu tới ông Lê Duẩn sẽ làm phật ý giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081214_bay_van_interview.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Tư T12 24, 2008 1:01 pm
Viết bởi Ansamurai
Nhân tiện tôi giới thiệu bài phỏng vấn với bà Bảy Vân có đề cập đến vấn đề Mô hình và việc chọn lựa Mô hình của Việt Nam trong Lịch sử. Vậy trong thời kì này, mô hình CNXH có còn là lý tưởng đối với Việt Nam ? Một câu hỏi lớn mà bất kì một mạnh thường quân nào của Việt Nam sẽ phải tự trách vấn bản thân mình khi suy nghĩ về đất nước.  Mặc dù là một đề tài đi hơi xa với tiêu đề của topic này, nhưng những vấn đề của ngày hôm nay sẽ là Lịch sử của ngày mai. Tôi xin được mạn phép giới thiệu với các bạn thêm một bài phỏng vấn của BBC với GS. Tô Duy Hợp, người đã làm việc nhiều năm tại Viện Triết học và Viện Xã hội học tại Hà Nội, cũng như là tác giả của thuyết "khinh, trọng" .

Mô hình nào cho Việt Nam?

Việt Nam lâu nay đang đi trên con đường nào? Con đường đó có đúng không? Liệu Việt Nam có cần xem xét lại con đường của mình và định hướng lại theo một mô hình nào đó được cho là hợp lý hơn không?

Trong khi Nhà nước Việt Nam đang chủ trương 'xây dựng nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa', Giáo sư Tô Duy Hợp, chuyên gia nghiên cứu về mô hình từng làm việc nhiều năm tại Viện Triết học và Viện Xã hội học tại Hà Nội, qua cuộc trao đổi với BBC Việt ngữ, cho rằng cần phải có những xem xét lại về cách đặt vấn đề 'mô hình' cho tới nay của Việt Nam

GS. Tô Duy Hợp: Thời kỳ bao cấp trước đây, vì chỉ có một 'mô hình' nên người ta không được bàn tới mô hình. Sau đó Việt Nam đi vào thời kỳ đổi mới, nay là hội nhập, nên người ta đi vào quan điểm 'thống nhất trong đa dạng'. Phát triển là càng ngày phải càng đa dạng, chứ không thể phát triển càng ngày càng đơn nhất. Do đó mới có câu chuyện 'đa mô hình'.

Đa mô hình có nghĩa là để cho các nhóm xã hội, thậm chí các cá nhân lựa chọn được cái mà người ta cho là hợp lý. Và lúc bấy giờ phải đối thoại với nhau. Không thể còn tình trạng có một quan điểm độc quyền tiêu diệt các quan điểm khác nữa.

'Dò đá qua sông'

Hơn nữa, trong khoa học hiện nay, người ta cũng chấp nhận việc 'đa mô hình' với tư duy khoa học hiện đại là tư duy 'đa hệ thống'. Thực ra hai khái niệm mô hình và hệ thống liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Theo quan điểm của tôi mô hình là cái người ta tạo ra để thao tác, còn vấn đề rút cục quan trọng nhất là phải biết lựa chọn mô hình nào là đúng đắn, hợp lý và phải thử nghiệm. Thử nghiệm nhiều lần. Ngay như ở Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình rất giỏi, nhưng ông vẫn phải dùng một câu của dân gian là 'dò đá qua sông'. Cần lưu ý rằng khi thử mô hình thì tính 'thử và sai' là nhiều lắm.

BBC: Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên đi theo mô hình phát triển của các quốc gia phát triển phương Tây, nhưng năm nay qua cuộc suy thoái toàn cầu với các hệ luỵ kinh tế - xã hội đang diễn ra, ông thấy việc tham khảo mô hình phát triển này với Việt Nam còn nên không?

GS. Tô Duy Hợp: Vừa rồi tôi có đọc một công trình của chuyên gia nông nghiệp, nông thôn, nông dân Đặng Kim Sơn. Trong đó, ông dự báo rằng Việt Nam sắp tới có thể đi theo hai hướng. Nếu cứ để tiếp tục phát triển như hiện nay mà không có điều chỉnh gì, thì nông thôn Việt Nam sẽ rất ảm đạm. Nhưng nếu học các mô hình của các nước, có lẽ sẽ có sự sáng sủa hơn. Ông đề xuất nhiều điều mà tôi cho là tốt, tức là không chỉ học phương Tây, mà cần học nhiều mô hình khác nhau. Ví dụ như học các mô hình các nước Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan hay mô hình một số nước tại Đông Nam Á; thậm chí như mô hình một số nước châu Mỹ La-tinh. Như vậy tức là phải mở rộng diện ra.

Hơn nữa, phương Tây rất xa với phương Đông về truyền thống văn hoá cũng như về định hướng tư duy. Trong khi đó có các nước cũng học phương Tây, nhưng đã chế tạo được mô hình thích hợp như trường hợp của Nhật Bản. Đây là hướng mà tôi cho là tốt với tinh thần học tập nhưng không nô lệ với mô hình nào cả. Cái khó là phải biết tích hợp các hạt nhân hợp lý. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là vẫn chưa tìm được mô hình.

BBC: Hiện nay Việt Nam nói đang theo mô hình nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải chăng đây cũng đã là một dạng mô hình tích hợp rồi?

Lý thuyết 'khinh trọng'

GS. Tô Duy Hợp: Trong quan điểm lý thuyết 'khinh trọng' mà tôi nghiên cứu và đặc biệt là trong mô hình 'xã hội lành mạnh' (good society), tôi cho rằng 'định hướng xã hội chủ nghĩa' chỉ là một mô hình mà không phải là duy nhất. Nhất là trong hội nhập quốc tế đa mô hình thì không còn duy nhất và độc quyền nữa. Cho nên không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa xã hội (CNXH), cũng như không có nước nào duy nhất chỉ có chủ nghĩa tư bản (CNTB).

Bởi vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đích thực đã tìm rất nhiều mô hình để có thể tổng tích hợp vào nhau. Hiện có thể có những mô hình coi trọng những đặc trưng XHCN hơn. Trường hợp của Venezuale thì đồng nghĩa CNXH với quốc hữu hoá cũng đang là một vấn đề. Trong khi đó Việt Nam và Trung Quốc đang đề cao tư nhân hoá. Nhưng tư nhân hoá ở đây đang bị kìm chế vì chủ yếu vẫn do nhà nước quản lý.

BBC: Ông là người chủ trương và sáng lập 'thuyết khinh trọng', xin ông cho biết vắn tắt về thuyết này và tại sao lại phải quan tâm tới quan điểm 'khinh trọng'?

GS. Tô Duy Hợp: Ở đây khái niệm 'khinh trọng' vốn tồn tại trong thực tế, trong dân gian, được nâng lên thành một phạm trù triết học ở tầm ý nghĩa phổ quát, phổ dụng. Khi được lý thuyết hoá, nó trở thành một phạm trù 'giả thuyết' hơn là lý thuyết vì cần được kiểm nghiệm liên tục khi vận dụng vào trong các khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, kinh tế... Tinh thần của quan điểm 'khinh trọng' là tổng tích hợp các hạt nhân hợp lý của các lý thuyết khác nhau. Không có lý thuyết nào tuyệt đối đúng, cũng như tuyệt đối sai.

Kể cả các học thuyết tôn giáo cũng không có gì 'sai tuyệt đối' như người ta từng có thời nghĩ, vì đều có lý và có bằng chứng của người ta ở trong đó. Đó là các bằng chứng lịch sử, thực tế và có niềm tin. Và khi tổng tích hợp các hạt nhân hợp lý sẽ ra nhiều mô hình mà người ta có quyền lựa chọn. Lựa chọn cái nào thích hơn, hợp hơn và có thể bao gồm cả quá trình thay đổi trong đó. Không có gì bất biến cả. Tôi tin rằng quá trình nhận thức trên thực tế, nếu muốn hiệu quả, không thể cố chấp được. Cố chấp là chỉ có thất bại thôi. Không cố chấp tức là thay đổi quan điểm, tức là thay đổi 'khinh trọng'.

BBC: Từ quan điểm thuyết 'khinh trọng' có thể đánh giá gì về việc ở Việt Nam, Nhà nước vẫn nói vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được quy định trong hiến pháp là một lựa chọn lịch sử và con đường đi lên CNXH của Việt Nam là con đường đúng đắn và tất yếu?

'Bằng chứng cụ thể'

GS. Tô Duy Hợp: Khi Đảng cộng sản chưa ra đời, người dân chưa ai biết cộng sản là gì. Nhưng khi ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản lãnh đạo có nhiều thành tựu thì người dân càng ngày càng tin. Như vậy mọi niềm tin phải được dựa trên bằng chứng cụ thể. Đối với người dân, cái gì đem lại giá trị, quyền lợi cơ bản nhất cho người ta, thì người ta sẽ tin.

Nhưng sau này, vấn đề cơ bản nhất là bất cứ một đảng phái hay tập đoàn lãnh đạo nào cũng phải giữ chữ tín và phải làm tiếp tục. Còn nếu sau đó không đáp ứng thì người ta sẽ giảm sút niềm tin và thậm chí thay đổi niềm tin. Đó là câu chuyện tất yếu đang diễn ra và dẫn đến việc anh phải lấy lại niềm tin, phải nâng cao năng lực. Còn nếu không làm được như vậy thì nhân dân sẽ giải tán. Vua người ta cũng giải tán được.

BBC: Vẫn từ góc nhìn 'thuyết khinh trọng', liệu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà những người cộng sản tại Việt Nam vẫn tuyên bố là 'ưu việt', có ưu việt thực sự hay không?

GS. Tô Duy Hợp: Tôi quan niệm rằng bất cứ học thuyết nào cũng có ưu điểm của nó và chủ nghĩa cộng sản, CNXH cũng có ưu điểm. Nhưng việc tuyên truyền rằng hệ tư tưởng này là lựa chọn duy nhất và là ưu việt là không đúng. Và cũng không thuyết phục được ai nữa, vì nó đã đem lại rất nhiều những sai lầm và rất nhiều tai hoạ cho một số nước rồi. Cho nên không có câu chuyện là duy nhất đúng đắn, duy nhất tuyệt vời. Không có điều đó.

Giáo sư, Tiến sĩ Tô Duy Hợp từng phụ trách các phòng Lôgíc học, Viện Triết học và phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học tại Hà Nội trong nhiều năm. Ông có nhiều công trình về ứng dụng lý thuyết hệ thống, mô hình và phát triển trong xã hội và hiện đang chủ trương một lý thuyết mới có tên gọi 'khinh trọng'.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081220_to_duy_hop_theory.shtml



Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Sáu T12 26, 2008 1:56 am
Viết bởi Ansamurai
Hội nghị Liễu Châu then chốt

Đang lúc giữa hè nóng nực nhất, lãnh đạo hai bên Trung Việt tiến hành tám lần họp trong ba ngày tại Liễu Châu, đưa ra quyết định trọng đại cho số phận tương lai của Việt Nam, điều hoà lập trường của hai bên tại Genève được nhất trí. Chu Ân Lai là người định ra luận cứ cho Hội nghị Liễu Châu, sự lý giải và ủng hộ của Hồ Chí Minh cũng có tác dụng then chốt. Hoàn toàn thực hiện dự tính của Chu Ân Lai, Hội nghị Liễu Châu đã lát con đường cho hội nghị Genève cuối cùng giải quyết được vấn đề Đông Dương.

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T12 30, 2008 3:17 am
Viết bởi Ansamurai
Vậy thì mô hình hiện nay của Việt Nam là gì??

http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2008/12/20081229105120mazyrin416.jpg
GSTS Mazyrin thuộc nhóm khoa học gia được chủ tịch nước Việt Nam gặp riêng


Mô hình 20 năm đổi mới của Việt Nam

Khi tìm hiểu những phát sinh từ chính sách đổi mới thì, về mặt đối nội, ta thấy các suy yếu và khủng hoảng của cơ chế kinh tế kế hoạch hành chính ở Việt Nam.

Khủng hoảng này lan ra càng lúc càng sâu rộng sau ngày chiến tranh kết thúc và đất nước thống nhất.

Cục diện thay đổi

Thêm vào đó, chế độ thị trường kiểu tư bản chủ nghĩa đã hình thành tại miền Nam lâu năm, lại dần trở thành động cơ cải cách ở miền Bắc.

Một số nhân tố đối ngoại cũng ảnh hưởng, khuyến khích Việt Nam đi tìm con đường phát triển riêng cho mình.

Cuối những năm 1970, Trung Quốc biểu dương thành quả đầu tiên từ việc thực hiện cải cách kinh tế.

Trong 10 năm sau đó, hệ thống chủ nghĩa xã hội tan rã khiến cho Việt Nam mất hết đồng minh chiến lược.

Chiến tranh lạnh kết thúc kéo theo toàn cầu hóa tăng thêm nhu cầu hội nhập quốc tế đối với kinh tế Việt Nam.

Chiến lược và sách lược (mô hình) phát triển của Việt Nam

Tuy Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng mô hình này cũng theo những qui luật chung đối với các nước chuyển đổi.

Nội dung cải cách kinh tế bao gồm tự do hóa kinh tế và biến đổi sở hữu toàn dân.

Việt Nam công nhận kinh tế nhiều thành phần, bắt đầu bình ổn kinh tế, xây dựng thể chế mới về chất, quản lý sản xuất và lưu chuyển hàng hóa bằng phương pháp thị trường.

Chính sách tín dụng và tiền tệ đóng vai trò đòn bẩy chủ đạo, điều khiển kinh tế vĩ mô.

Chiến lược kinh tế đã được hình thành, hướng vào mục đích lâu dài, giải quyết những vấn đề qui mô lớn, tính đến các đặc tính nội địa một cách linh hoạt, sử dụng những ưu tiên so sánh và nhân tố phát triển.

Cải tổ tại Việt Nam cũng giống ở các nước chuyển đổi khắc về một số mặt nữa.

Tương đồng và riêng biệt

Đây là quá trình hòa nhập vào kinh tế toàn cầu; với tốc độ khá cao nhằm đẩy mạnh tiến triển hiện đại hóa, phân công lao động quốc tế, các nước này thu hút tích cực công nghệ tiên tiến từ khắp thế giới, nhờ đó sau khi giải quyết về cơ bản những vấn đề đã nêu thì bước lên kinh tế kiến thức.

Đồng thời với những nét tổng thể nêu trên, Việt Nam có mấy đặc điểm bất thường của thời kỳ quá độ.

Theo vài học giả, Đảng cộng sản Việt Nam đi tìm con đường phát triển “thứ ba”, biểu hiện trong việc hình thành chế độ lưỡng thể, thông qua hỗn hợp giữa các bộ phận và truyền thống của hai chế độ thuộc vào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Hiện tượng này được nảy sinh do vài lý do khách quan.

Hai chế độ xã hội đối lập nhau đã cùng tồn tại trong một đất nước suốt thời gian khá dài (vào những năm 1945-1975).

Tư bản và cộng sản

Cộng đồng Việt kiều ở các nước phát triển tác động mạnh mẽ đến quê hương sau giải phóng.

Những ưu tiên của chế độ tư bản chủ nghĩa đang được sử dụng trong thực tiễn đời sống kết hợp với nguyên tác và tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Nói đến điểm bất thường, nên nhấn mạnh vao trò của Đảng và nhà nước dẫn đầu quá trình đổi mới và tiếp tục kiểm soát đời sống xã hội.

Các chính sách điều khiển vĩ mô hướng vào giảm nhẹ khó khăn của giai đoạn chuyển đổi, đề phòng kinh tế không bị giảm sút sâu rộng và lâu dài, bảo đảm tăng trưởng bền vững nhằm nâng cao mức sống và thu nhập người dân.

Chính phủ Việt Nam cố gắng hòa giải công bằng và đoàn kết xã hội với tăng trưởng kinh tế thật nhanh nhưng đây là mẫu thuẫn khó được giải quyết.

Nếu đi tìm nguồn gốc của mô hình Việt Nam thì ta có thể thấy vài hình mẫu trong khu vực.

Trung Quốc và Đông Á

Đổi mới ở Việt Nam dựa nhiều vào kinh nghiệm và tiếp thu nhiều nội dung cơ bản của cải cách thị trường tại Trung Quốc.

Những đặc tính đó được bổ sung bằng một vài cơ chế tiêu biểu cho các nước công nghiệp hóa mới tại Đông Á (NIS).

Đuổi kịp và đạt đến trình độ phát triển của các nước này trở thành động cơ đẩy kinh tế Việt Nam tiến lên.

Đồng thời chính sách đổi mới khác biệt rõ nét với thực tiễn của các đồng minh thời trước bên Đông Âu và Nga.

Trước hết chuyển đổi cơ chế kinh tế chính trị cũ mang tính tuần tự, ôn hòa đồng nghĩa với tiến hóa chứ không phải là cấp tiến, triệt để như trong quá trình cách mạng.

Mâu thuẫn của “chủ nghĩa xã hội thị trường”

Một vài nhiệm vụ quan trọng trong nội dung kinh tế chưa được giải quyết sau hai thập niên thực hiện chính sách đổi mới tại Việt Nam.

Nói cụ thể thì chưa xây dựng xong các cơ chế thị trường.

Thành phần tư bản chủ nghĩa phát triển đột xuất, không đồng đều, từ dưới lên, do vậy mức phát triển chín muồi có khác nhau giữa các vùng lãnh thổ.

Vẫn còn nhiều trở ngại nghiêm trọng, làm chậm lại tiến độ cải tổ, không cho nó mang tính hệ thống.

Đó là sự phức tạp khách quan vì các nước chuyển đổi, đặc biệt Việt Nam, cần đủ thời gian để xây dựng nền kinh tế cạnh tranh.

Hành chính và ý thức hệ

Các nhân tố chủ quan như ý thức hệ cũng ảnh hưởng vào, ngăn cản quá trình hình thành cơ chế thị trường, không cho sử dụng sở hữu tư nhân một cách hiệu quả.

Bộ máy hành chính quản lý kém hiệu lực dễ thấy qua tham nhũng lan rộng, lợi ích nhóm tập đoàn xuyên tạc và chiếm lĩnh chính sách nhà nước.

Còn thêm ảnh hưởng tiêu cực của hội nhập quốc tế mà chính quyền Việt Nam chưa đánh giá hết mức.

Biến đổi sâu rộng của cơ chế kinh tế mang lại không ít hậu quả trong lĩnh vực xã hội.

Đó là phân hóa xã hội, khó khăn trong tiếp cận ưu tiên thị trường và không bình đẳng giữa các tầng lớp nhân dân.

Tình hình này tăng rủi ro bất ổn xã hội, nảy sinh bất mãn và phản đối chính trị.

Phát triển không đều

Khu vực kinh tế tư bản nhà nước đang vươn lên mạnh mẽ nhờ doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ còn yếu, chịu nhiều áp lực.

Cơ cấu và cân bằng xã hội biến đổi không thuận lợi đối với giới lao động, vị trí của tằng lớp trên được củng cố.

Thành phần xã hội trong nội bộ Đảng và bộ máy quản lý cũng thay đổi, kéo theo ưa thích mới trong chính sách nhà nước như ủng hộ giới trung lưu cả thượng lựu nữa.

Thực tế đổi mới cho thấy Việt Nam đang dựa vào lý thuyết tân truyền thống được phổ biến khá rộng tại Đông Á.

Theo đó nhà nước phải bảo vệ các giá trị đạo đức và giữ nguyên tính đồng nhất của văn hóa dân tộc, trong khi xây dựng kinh tế hiện đại và hòa nhập quốc tế.

Thử phân loại chế độ mới tại Việt Nam về mặt lý luận

Chế độ mới có cơ sở nghiệp đoàn (cái gọi corporatist basis) bao trùm cả nhà nước, nền kinh tế và đời sống xã hội.

Trong chế độ này, tự do hóa lĩnh vực chính trị thường không đi kèm với cải cách kinh tế thị trường, vẫn giữ lại những mâu thuẫn khách quan nội bộ.

Đồng thời, chính sách đổi mới của Việt Nam cũng không tuân theo tiêu chuẩn và hướng dẫn của phương Tây (cái gọi là Washington consensus), nhờ ảnh hưởng của truyền thống lâu đời và mâu thuẫn khách quan tích lũy trong xã họi chuyển đổi.

Từ phân tích nêu trên, phải thừa nhận tính chất lâu dài và khó nhọc của quá trình xây dựng kinh tế thi trường thay cho chế độ quan liêu bao cấp.

Chính sách đổi mới ban đầu hướng tới bình ổn kinh tế và cải thiện chừng nào đó xã hội Việt Nam nhưng cuối cùng đã thay đổi cả đường lối phát triển của đất nước.

Nó đã củng cố cơ chế và giới xã hội dựa vào nhân tố thị trường, đẩy mạnh phương thức kinh doanh mới.

Hệ thống lai ghép?

Quá trình này liệu có phản ánh sự nảy sinh một hệ thống lai ghép hay hội tụ (gọi là convergence) giữa chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết trước đây và chủ nghĩa tư bản kiểu Đông Á tại Việt Nam hiện nay?

Nếu có thật như vậy thì khó mà dự đoán hệ thống này sẽ tiến triển như thế nào.

PGSTS Vladimir Mazyrin là chuyên gia về lịch sử và kinh tế Viêt Nam, hiện đang là đồng giám đốc (co-chair) Trung tâm nghiên cứu các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học quốc gia Moscow, Nga. Đây là bài tóm lược giới thiệu báo cáo của ông Mazyrin tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần 3, tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 5-7.12.2008.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081229_mazyrin.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Chủ nhật T1 04, 2009 2:02 am
Viết bởi Ansamurai
Việt Nam trong dòng lịch sử Đông Nam Á
GS Vincent Houben cho rằng cần nhìn Việt Nam trong mối quan hệ so sánh với lịch sử Đông Nam Á, như một "conjuncture" (tạm dịch là giao điểm).

Phát biểu trước toàn thể quan khách và khoa học gia về Hà Nội tham dự Hội nghị quốc tế Việt Nam học lần ba, ông cho rằng các nghiên cứu mới cần phải tập trung vào bốn hệ giá trị đương đại mà hiện vẫn khó tìm được nghĩa tiếng Việt tương ứng: "progressive enculturation", "plural integration", "dynamic transposition" và "responsive adaptation".

"Để hiểu Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nhìn vào quá trình đất nước này phát triển từ mối quan hệ đa dạng giữa các yếu tố vật chất và phi vật chất từ bên ngoài và thể động học từ bên trong", ông nói trong phần kết luận.

Trào lưu đương đại

Đánh giá các công trình mới nhất nghiên cứu về Việt Nam, GS Houben đề cử tập sách nghiên cứu "Lịch sử vượt khỏi biên giới không gian" của Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid, xuất bản năm 2006.

Sử gia từ nhiều nước khác nhau đã xét "bản sắc Việt nam" trong lịch sử một ngàn năm tương tác với các giá trị Trung Hoa, Chăm, Khmer, Pháp và những dân tộc chưa hình thành nên quốc gia trên bán đảo Đông Dương.

Một nghiên cứu năm 2008 về mối quan hệ giữa người Kinh và các nhóm người Thượng của Oscar Salemink được GS Houben đề cử như một góc nhìn "từ trên núi", bổ sung cho các quan điểm "từ biển" gần đây của Li Tana, John Whitmore và Charles Wheeler.

"Các phương pháp viết sử mới tìm cách tránh lịch sử dân tộc bằng cách mô tả các tương tác liên quốc gia và toàn cầu, có thể diễn ra ngay ở tầm địa phương trong khu vực biên giới", ông giải thích.

"Vấn đề là cần xác định giá trị của các mối tương tác giữa những cái gọi là bên trong và những cái gọi là bên ngoài, đặt câu hỏi tại sao những tác động bên ngoài lại ảnh hưởng tới Việt Nam theo hướng tạo ra lực đoàn kết, hay ngược lại, về hướng đa dạng".

Bốn giao điểm

Tác giả nhận định lịch sử Việt Nam lâu nay thường được viết như lịch sử của đấu tranh - chống Trung Quốc, Pháp và Mỹ.

"Bên cạnh các cuộc chiến và khủng hoảng giữa bên trong và bên ngoài, tương tác còn có dạng đàm phán, tiếp nhận, hội nhập và chuyển đổi", GS Houben nói.

Ông đề nghị xem xét bốn giao điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ cổ tới nay.

Giao điểm thứ nhất là thời tiền hiện đại. Lúc này, dĩ nhiên Việt Nam không thoát khỏi ảnh hưởng Trung Hoa. Tuy nhiên, như Alexander Woodside và nhiều người khác bổ sung, người Việt diễn giải văn hóa Trung Hoa theo cách riêng của họ.

Sự bản địa hóa này tương tự các vùng khác ở Đông Nam Á đã chọn và chuyển hóa văn hóa Ấn giáo-Phật giáo từ 500 đến 1500 sau Công nguyên.

Thứ hai là các tìm kiếm của GS Phan Huy Lê và GS Nguyễn Quang Ngọc, cùng TS Hoàng Anh Tuấn, nhìn vào mối quan hệ hàng hải Á châu từ thế kỷ 16 đến 18. Thời kỳ này, đô thị cổ Hội An đóng vai trò quan trọng, tương tự các cảng thị Pegu, Phuket, Malacca.

Giao điểm thứ ba là sự khai sinh của chủ nghĩa dân tộc, đặt nền móng cho nền độc lập quốc gia.

Theo tác giả, "ý niệm về quốc gia đã có ở Việt Nam từ sớm, nhưng chủ nghĩa dân tộc như hình thức hiện đại thì chỉ bắt đầu có thông qua liên hệ với bên ngoài".

Ở đây, lịch sử về chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam cũng gắn bó với những diễn biến tương tự ở Đông Nam Á, như Philippines và Indonesia.

Nhân sinh quan mới

Và cuối cùng là những quá trình lịch sử bắt đầu từ đầu thập niên 1990, khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và Việt Nam bắt đầu tìm kiếm quan hệ bên ngoài các đồng minh cũ, tham gia ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, mà GS Carlyle Thayer là một trong số các nhà nghiên cứu nổi bật.

Đó cũng là thông điệp chính mà GS Houben muốn gửi tới các nhà Việt Nam học, rằng "phương pháp sử so sánh và ngành Đông Nam Á học cho phép nhìn Việt Nam từ một nhân sinh quan khoa học mới và rộng hơn".

"Làm như vậy sẽ giúp các nghiên cứu mới về Việt Nam học mở ra thêm nhiều không gian mới, liên kết chặt chẽ hơn với các nghiên cứu của các nước khác ở Đông Nam Á và các nơi khác", GS Houben kết luận.

GS Vincent J.H. Houben là trưởng khoa Sử và Xã hội Đông Nam Á thuộc đại học Humboldt ở Berlin, Đức.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2009/01/090101_vincent_houben.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Năm T1 08, 2009 11:41 pm
Viết bởi Ansamurai
Ký ức về một thời đen tối

Đúng 30 năm trước, liên minh quân đội Campuchia và Việt Nam đã lật đổ Pol Pot và thuộc hạ - sau sự cai trị bốn năm làm có đến hai triệu người chết.

Nhưng như tường thuật của phóng viên BBC Guy De Launey, không phải ai ở Campuchia cũng ăn mừng Ngày Chiến thắng.

Ngay cả trong năm 1979 đó đã là một kiểu chiến thắng kỳ lạ.

Đoàn quân chinh phục không được chào đón như người hùng. Nhưng người dân khi đó cũng không lo sợ về ý định của đoàn quân. Vì Phnom Penh gần như bỏ hoang.

Khmer Đỏ đã buộc hàng triệu dân đô thị phải về nông thôn khi họ nắm quyền tháng Tư 1975. Sau đó chỉ một ít cán bộ được phép sống ở thủ đô, và những người này bỏ chạy khi quân đội được Việt Nam ủng hộ tiến tới gần.

Vann Nath là một trong số ít cư dân Phnom Penh chứng kiến giờ cuối của chính phủ sát nhân Pol Pot. Nhưng là tù nhân trong trại khét tiếng Tuol Sleng, ký ức của ông không thoải mái.

Ông nhớ lại: "Khi người Việt tiến về, một nhóm chúng tôi bị giam trong phòng ở Tuol Sleng. Tôi nghe tiếng súng, bên ngoài con đường chính."

Sau đó, ông được tự do. "Tổng cộng có bảy người sống sót tại Tuol Sleng. Đến nay tôi không biết vì sao mình được cho sống."

Vann Nath thật vượt qua số phận. Khoảng 15000 tù nhân đã qua trại Tuol Sleng nhưng chỉ vài người sống sót. Nhiều người chết trong quá trình tra tấn, phần còn lại thiệt mạng trong những cánh đồng chết bên ngoài Phnom Penh.

Hai triệu người chết

Dưới thời Khmer Đỏ, hàng ngàn người có phần số giống nhau, cùng bị hành hình như "kẻ thù cách mạng", thường vì những cớ vu vơ. Những người khác tử nạn trên chuyến đi mệt mỏi từ đô thi ra nông thông, hoặc chết đói khi lao động khổ sai ở nông trang tập thể.

Có tới hai triệu người được cho là đã chết vì chính sách của chính phủ Pol Pot và hành động của các thành viên Khmer Đỏ

Chính phủ hiện nay nói thời kỳ đó chấm dứt là nguồn cơn vui mừng. Thủ tướng Hun Sen thuộc trong số quân đội Campuchia đi theo quân Việt Nam để lật đổ Khmer Đỏ.

Trong thời gian sắp tới dịp kỷ niệm, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã gọi ngày 7.1 là "ngày lịch sử" và "ngày sinh nhật" mới cho đất nước.

CPP dự định đánh dấu lễ 30 năm thật hoành tráng. Để bảo đảm số người tham dự tối đa tại Sân vận động Olympics của Phnom Penh, hàng ngàn trẻ em từ các trường học gần đó sẽ nhận được tiền mua nước, thức ăn, cùng áo pull, nón theo màu CPP.

'Xâm lược'

Tính chất chính trị đảng phái của lễ ăn mừng là dấu hiệu không phải tất cả người Campuchia đều xem ngày 7.1 là ngày giải phóng. Các lãnh đạo đối lập đôi khi gọi nó là sự xâm lược của Việt Nam.

Pen Sovann cảm giác sâu sắc hơn đa số. Ông là một trong những sáng lập viên mặt trận chống Khmer Đỏ và trở thành thủ tướng năm 1981 trước khi bị sa cơ thất thế.

Bất đồng với Việt Nam đã khiến ông đầu tiên mất chức, sau đó là 10 năm tù ở Hà Nội.

"Ban đầu là giải phóng. Họ không thể nhìn nhà hàng xóm cháy, nên họ giúp đem nước để dập lửa," ông nói.

"Nhưng tôi không vui khi họ tìm cách áp đặt ảnh hưởng lên Campuchia. Họ trở nên mạnh hơn, và ngay cả hôm nay họ có ảnh hưởng hơn ban lãnh đạo Campuchia hiện thời."

Tuy vậy, nhiều người khác vui vẻ xem ngày 7.1 là ngày giải phóng khỏi Khmer Đỏ, dù họ có cảm giác gì về sự có mặt 10 năm của lính Việt Nam ở Campuchia và quan hệ thân cận hiện nay giữa hai nước.

Nó cũng không thể so sánh với những năm điên loạn khi người Khmer giết người Khmer.

Ký ức

Với nhiều người, hơn tất cả, ngày kỷ niệm là cơ hội duy trì ký ức về những gì xảy ra trong thời Pol Pot.

Pum Chantinie hiện là tổng thư ký tổ chức Chữ Thập Đỏ Campuchia. Cùng với những thành viên gia đình còn sống, bà đã đi bộ hàng trăm cây số từ nông thôn về lại Phnom Penh tháng Giêng 1979, chỉ để thấy nhà họ đã đổ nát, vây quanh là dây kẽm gai.

"Gia đình chúng tôi quây quần, chúng tôi kể lại chuyện trong thời chế độ Khmer Đỏ cho thế hệ trẻ. Họ hỏi 'Tại sao?' và tôi kể tôi không biết vì sao người ta làm như thế cho gia đình tôi, cho người Campuchia."

Đa số người Campuchia còn quá trẻ để nhớ về thời kỳ Pol Pot, hay ngay cả những năm nội chiến sau đó. Nhưng vài tháng nữa, theo sau dịp kỷ niệm này sẽ là một sự nhắc nhở về những gì đã xảy ra. Phiên tòa đầu tiên xử Khmer Đỏ có thể bắt đầu ngay từ tháng Ba.

Ra trước tòa với tội danh chống nhân loại sẽ là cựu quản ngục của Vann Nath, một người được biết tới với tên Đồng chí Duch. Có vẻ ông ta sẵn sàng tiết lộ những gì mình biết về cách ra quyết định của ban lãnh đạo Khmer Đỏ mà đã làm biết bao người chết.

Có thể đó không phải là lý do ăn mừng. Nhưng ít nhất nó có thể trả lời một số câu hỏi mà những người như Pum Chantinie đã day dứt suốt nhiều năm.

Đài BBC sẽ có các bài viết và chương trình radio về các sự kiện dẫn tới chiến tranh biên giới 1979. Mời quý vị tiếp tục đón theo dõi. Quý vị có thể đóng góp bài vở, kỷ niệm bằng cách viết cho chúng tôi ở vietnamese@bbc.co.uk

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2009/01/090107_cambodia_memories.shtml


Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Năm T1 08, 2009 11:44 pm
Viết bởi Ansamurai
Phnom Penh còn nhớ

Thủ đô Campuchia đã thay đổi gần như hoàn toàn trong vài thập kỷ gần đây. Đã 30 năm kể từ ngày quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh, đánh bật lực lượng Khmer Đỏ ra khỏi thành phố.

Đi trên đại lộ Monivong ngày nay sáng ngập ánh đèn, khó có thể hình dung buổi sáng ngày 7/1/1979, khi đoàn xe tăng T-54 của Việt Nam với cờ đỏ sao vàng từ từ lăn bánh trên con đường trung tâm, trong khi đoàn tàu cuối cùng chở đầy lính Khmer Đỏ vội vã rời Phnom Penh đi Battambang.

Đâu đó rộn lên tiếng súng, tiếng trực thăng trong những giờ phút cuối cùng của chế độ Pol Pot.

Cựu đại tá Bùi Tín, một trong những người đầu tiên đi cùng đoàn quân Việt Nam vào thành phố ngày hôm ấy, nhớ lại một Phnom Penh vườn không nhà trống:

"Tờ mờ sáng 7/1, tôi cùng một số anh em nhà báo quân đội vào Phnom Penh. Thật là một thành phố ma, không có một bóng người. Lác đác có tiếng súng, đây đó một vài xác người chắc là Khmer Đỏ bị bộ đội vào từ trước bắn chết."

"Cỏ mọc cao quá đầu người, nhiều khu vườn rậm rạp như rừng."

Chiến dịch tấn công bắt đầu từ ngày 25/12/1978, mà nhiều người mệnh danh là Ngày Giáng Sinh đỏ, trong có 17 ngày đã mang lại chiến thắng cho quân đội Việt Nam.

Lính Việt Nam tấn công từ nhiều ngả, lần lượt chiếm các tỉnh bờ đông sông Mekong trước khi nhận lệnh của Bộ Chính trị từ Hà Nội vào đêm 4/1: “Bắt đầu đánh về Phnom Penh”.

Tới rạng sáng ngày 7/1, các quốc lộ số 1 và số 7 cửa ngõ thủ đô đã vào tay quân Việt Nam. Nhà nước Kampuchea Dân chủ bị xóa sổ sau gần bốn năm cầm quyền. Nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập ba ngày sau đó.

Chỉ trong bốn năm, từ khi chiếm Phnom Penh năm 1975, Khmer Đỏ, và đặc biệt là Pol Pot, đã để lại một ‘di sản’ đáng kinh khiếp.

Chứng tích

Trại tù Tuol Sleng ở Phnom Penh, mà nay là bảo tàng, vẫn còn ghi dấu những chứng tích ghê sợ của một thời Pol Pot thanh trừng những người bị cho là phản bội Angkar, tức lãnh đạo Khmer Đỏ, trong đó có rất nhiều người Việt.

Các nhân chứng kể lại về những ngày khủng khiếp dưới chế độ Pol Pot, khi các thành phố trở nên hoang tàn vì người dân bị chuyển về nông thôn, lao động cực nhọc trong các công xã để xây dựng chủ nghĩa cộng sản không tưởng.

Một triệu bảy người Campuchia chết vì đói, vì kiệt sức và vì bị đánh đập, tàn sát. Có thể nói không có gia đình nào không có người là nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ. Bởi vậy, sự can thiệp của Việt Nam năm 1979, thoạt đầu đã được người dân đón nhận một cách mừng rỡ và biết ơn.

Anh Vanna, một thanh niên sống tại Phnom Penh, nói là không có quân Việt Nam thì chắc không có anh và không có cả nước Campuchia bây giờ.

Nhìn lại về việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia, hiện nay vẫn còn có nhiều đánh giá khác nhau. Giáo sư Henri Locard, chuyên gia lịch sử đương đại Campuchia, nói với BBC rằng các nhà nghiên cứu thậm chí vẫn còn tranh cãi nhau về cách dùng từ “giải phóng” hay “xâm lược” khi nói tới sự kiện 7/1/1979.

Bản thân ông Locard cho rằng không thể chối cãi, người Việt Nam đã giải phóng Phnom Penh khỏi bàn tay sắt của một trong các chế độ tàn bạo nhất lịch sử loài người.

Ông nói: “Tôi nghĩ câu trả lời đã rõ ràng và cần nhắc lại rằng đó là sự giải phóng. Quân Việt Nam đã giải phóng người dân khỏi sự giết hại của Khmer Đỏ, tuy rằng tôi không cho là lúc đó Việt Nam có đủ thông tin về cuộc sống bên trong chế độ Pol Pot cũng như toàn cảnh tình trạng khổ cực của người Campuchia”.

'Xâm lược'

Thế nhưng cũng có sử gia khác, như ông Philip Short, tác giả cuốn ‘Lịch sử một cơn ác mộng’ nói về tiểu sử Pol Pot, thì lại nói rằng việc Việt Nam “xâm lược” Campuchia là vì lý do chính trị chứ không phải lý do nhân đạo.

Ông Philip Short cho rằng, có hai nguyên nhân dẫn tới việc Việt Nam tiến vào Campuchia: các cuộc tàn sát dân thường Việt Nam ở khu vực biên giới Tây Nam của lực lượng Khmer Đỏ; và ý nguyện thành lập một chính quyền thân Việt Nam ở Campuchia thay cho chế độ Pol Pot lúc đó đã ngả sang chống Hà Nội dưới sự nâng đỡ của Bắc Kinh.

Thực tế, Khmer Đỏ đã có các cuộc tiến công vào Việt Nam ngay từ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Tháng 5/1975, Khmer Đỏ tập kích vào đảo Phú Quốc và giết hại hàng trăm dân thường trên đảo Thổ Chu.

Sau đó, từ năm 1977, lính Pol Pot lại nhiều lần tấn công vào các làng xã biên giới Tây Nam của Việt Nam, tàn sát hàng ngàn người. Lịch sử vẫn còn ghi lại các cuộc thảm sát như ở Ba Chúc, An Giang, tháng 4/1978, khi trên ba ngàn người bị giết.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, kể từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời, ‘Bè lũ bốn tên’ bị lật đổ năm 1976 và Đặng Tiểu Bình quay trở lại nắm quyền bính, chính sách ủng hộ Kampuchea Dân chủ, bài xích Việt Nam ngày càng công khai.

Dù cách giải thích như thế nào đi chăng nữa, thì Việt Nam cũng đã có quyết định chiến lược tấn công Campuchia, mở đầu một thời kỳ mới, một cuộc chiến kéo dài mười năm sau đó mà tới nay không được nhắc tới nhiều.

Đài BBC sẽ có các bài viết và chương trình radio về các sự kiện dẫn tới chiến tranh biên giới 1979. Mời quý vị tiếp tục đón theo dõi.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/01/090107_phnompenh_remembers.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Bảy T1 31, 2009 10:56 am
Viết bởi Ansamurai

Vị đắng Đông Dương

Tiếp tục loạt bài về các sự kiện dẫn tới cuộc chiến tranh biên giới 2/1979, mời quý vị tìm hiểu một góc nhìn về quan hệ Việt Nam - Campuchia.

Người yêu phim ảnh chắc đều đã từng xem và nhớ bộ phim 'Indochine' (Đông Dương) của đạo diễn người Pháp Regis Wagnier, thực hiện năm 1992.

Mang tên Đông Dương, nhưng thực tế phim chỉ đề cập tới có một đất nước là Việt Nam thời thuộc Pháp.

Trong con mắt của thực dân Pháp lúc bấy giờ, Việt Nam chính là Đông Dương.

Giới thư lại Việt Nam có mặt ở hầu khắp Lào và Campuchia, đóng vai trò chủ chốt trong việc điều hành một liên minh khá gượng ép với ba đất nước có ít nhất hai nền văn hóa xa lạ với nhau.

Vị trí anh cả của Việt Nam, dù là do người Pháp áp đặt, đã để lại những dư vị không lấy gì làm ngọt ngào trong lịch sử.

Mở rộng lãnh thổ

Nếu nói về sự can thiệp của Việt Nam ở Campuchia để dẫn tới việc Trung Quốc trừng phạt Việt Nam với cuộc chiến tranh biên giới tháng Hai 1979, không thể không đề cập tới những mâu thuẫn mà các tình cảm mang tính sắc tộc và dân tộc chủ nghĩa mang lại.

Nhà báo Nayan Chanda, tác giả cuốn sách 'Brother Enemy' nói về tình hình Đông Dương sau cuộc chiến Việt Nam, viết rằng gốc rễ của các mâu thuẫn sắc tộc giữa người Khmer và người Việt nằm trong quá trình gần một ngàn năm hai bên có quan hệ với nhau.

Ba trăm năm cuối cùng trong đó là sự mở rộng về phía Nam của người Việt trong khi nước Campuchia ngày càng thu nhỏ.

Trong chỉ có 100 năm, từ giữa thế kỷ 17 tới giữa thế kỷ 18, toàn bộ khu vực châu thổ sông Mekong, trong có làng chài Prey Nokor của người Miên, sau gọi là Sài Gòn, trở thành lãnh thổ của Việt Nam.

Cho tới tận 1954, khi ba nước Đông Dương giành độc lập, Campuchia vẫn còn tiếp tục đòi đất Khmer Krom (khu vực đồng bằng Mekong trước thuộc Campuchia) và một số đảo, như đảo Phú Quốc (tiếng Khmer là Koh Tral) từ Việt Nam.

Hiện còn tranh cãi về danh từ ‘Yuon’ mà một số người Khmer dùng để chỉ người Việt. Có ý kiến cho rằng từ này có nghĩa là ‘mọi rợ, dã man’.

Cũng có người nói rằng từ ‘Yuon’ là đọc trại từ chữ Yunnan (Vân Nam), ám chỉ người có gốc từ Vân Nam, Trung Quốc, tức người từ phía Bắc nói chung chứ không chỉ người Việt.

Tuy nhiên dù nghĩa gì, thì trong đa số trường hợp, từ này được dùng với hàm ý không mấy thiện cảm.

Quan hệ phức tạp

Lẽ dĩ nhiên, không thể gắn hoàn toàn cuộc chiến biên giới Tây Nam và việc quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh năm 1979, với các tình cảm sắc tộc và dân tộc chủ nghĩa.

Thế nhưng, nằm sâu trong quan hệ vô cùng phức tạp giữa Việt Nam và Campuchia, là cái nhìn và thái độ cũng phức tạp không kém của người Campuchia và giới chính trị nước này đối với người Việt Nam.

Lãnh đạo Phnom Penh nhiều thời kỳ, từ cựu quốc vương Sihanouk, tới chính quyền Khmer Đỏ dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh, đều không ít lần chỉ trích cái mà họ gọi là ‘tham vọng bá quyền’ của Việt Nam.

Người Việt sống tại Campuchia trải nghiệm tương đối rõ ràng sự thận trọng và cả định kiến trong cách cư xử của người bản địa.

Ông Đỗ Văn Ôn, hiện sống tại tỉnh Kompong Chnang, nói gia đình ông 'dù ở Cambốt ba - bốn đời nay vẫn không có đất, vẫn không được vào quốc tịch'.

Và không chỉ riêng ông, mà cả 500 hộ với trên dưới ba ngàn người gốc Việt ở làng chài huyện Sa Chnang, đều nằm trong tình trạng như vậy.

Thái độ dè chừng của người Khmer bộc lộ ngay cả trong những giây phút hàm ơn sau khi chế độ Pol Pot bị quân Việt Nam lật đổ.

Ông Đinh Văn Hùng*, một cựu chiến binh Việt Nam ở lại Campuchia từ những năm 1980, hồi tưởng: "Hồi tôi làm bộ đội, thấy rằng dân Campuchia họ rất mến bộ đội Việt Nam".

"Nhưng trong cái mến đó, có cái sợ. Họ rất sợ Việt Nam."

Vị đắng

Mười năm quân tình nguyện Việt Nam tham chiến ở Campuchia đã để lại ít nhiều vị đắng trong quan hệ.

Một thanh niên người Campuchia sống tại Phnom Penh nói: "Tình cảm Việt Nam - Campuchia hồi thập kỷ 80 không được bằng bây giờ".

"Hồi năm 1979 khi Việt Nam vào Campuchia, nhiều người Campuchia không nghĩ đó là giải phóng mà là một điều gì khác."

"Dần dần người ta cởi mở hơn, Việt Nam - Campuchia hợp tác kinh doanh, lấy vợ lấy chồng... nên cách suy nghĩ đó đã nhạt đi."

Con số chính thức người Việt tại Campuchia là khoảng nửa triệu, nhưng người ta tin rằng thực tế phải hơn thế nhiều lần.

Có cộng đồng người Việt sống ở đó nhiều thế hệ, nhưng cũng có những người đi bộ đội sang ở lại và những người mới sang.

Với dân số hiện tại khoảng 14 triệu, nhiều người Campuchia tỏ ra quan ngại về làn sóng người Việt sang làm ăn, định cư tại nước của họ.

Vẫn thanh niên người Campuchia từ Phnom Penh cho hay:

"Một số người cho rằng Việt Nam đang có cách xâm chiếm mới, là đưa dân sang. Đúng, có người nghĩ như vậy."

Sừng sững ngay bên cạnh Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh là tượng đài Hữu nghị Campuchia - Việt Nam với hình bộ đội Việt Nam cứu dân thường Campuchia khỏi bàn tay Khmer Đỏ.

Tượng đài này đã hai lần bị xâm hại kể từ khi được dựng lên cuối thập niên 1970, lần mới nhất vào năm 2007.

Cho dù về mặt chính thức, quan hệ Việt Nam – Campuchia đang ngày càng phát triển với tỷ trọng thương mại hai chiều năm 2008 lên tới 1,3 tỷ đôla; gây dựng niềm tin rõ ràng không thể nhanh chóng như dựng tượng đài.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Đài BBC sẽ có các bài viết và chương trình radio về các sự kiện dẫn tới chiến tranh biên giới 1979. Mời quý vị tiếp tục đón theo dõi.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/01/090130_viets_cambodians.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T2 03, 2009 1:58 am
Viết bởi Ansamurai
Có nên né tránh cuộc chiến 30 năm trước?

Trong quá trình cải cách mở cửa dựng xây đất nước, dường như vấn đề chiến tranh biên giới Việt Trung là đề tài không nên nhắc tới.

Ngược lại, quan hệ hữu nghị do chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ tịch Mao Trạch Đông gây dựng vào những năm 50 của thế kỉ trước thường xuyên được nhắc tới và được coi như cơ sở vững chắc trong quan hệ Việt Trung. Từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào những năm 70 có ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, tiếp sau đó hơn 20 năm quan hệ không được yên bình dường như là khoảng thời gian đang bị quên lãng.

Thế nhưng, cải cách mở cửa và quan hệ ngoại giao phải chăng là động lực tiếp tục hướng tới tương lai trong quan hệ 2 nước? Quá khứ đã ra đi và không trở lại, nói đúng hơn chỉ là 1 đoạn trong vòng tuần hoàn của lịch sử, những năm tháng cố tình lãng quên lại xuất hiện. Kỷ niệm 30 năm chiến tranh biên giới Việt Trung, vấn đề này đáng để cho chúng ta cùng suy ngẫm.

Nghiên cứu Trung Quốc ở Việt Nam

Trong 10 năm trở lại đây, khi các học giả phương Tây bắt đầu thảo luận về “Trung quốc là mối đe dọa” hay “Trung Quốc nổi lên như 1 cường quốc” thì các học giả nghiên cứu Trung Quốc ở Việt nam dường như không đề cập tới vấn đề đó.

Nghiên cứu về Trung Quốc có ảnh hưởng thách thức gì đến bá quyền quốc tế hay trật tự quốc tế không phải là vấn đề mà chính phủ Việt Nam yêu cầu các chuyên gia lưu tâm đến, bởi vì đó là vấn đề của các nước lớn. Chính phủ Việt Nam cho rằng chính sách đối ngoại, ngoại thương của Trung Quốc mới là vấn đề cần quan tâm.

Việt nam cùng Trung Quốc đang cố gắng phát triển kinh tế, thực hiện chính sách cải cách mở cửa, vì vậy cái mà Việt Nam cần là kinh nghiệm và bài học của Trung Quốc trong quá trình cải cách mở cửa chứ không coi Trung Quốc là mối đe dọa bên cạnh mình.

Quả thật Trung Quốc lớn mạnh là mối đe dọa lớn của các nước phương Tây.

Nhưng khi bản thân quốc lực Việt Nam chưa mạnh, thì vấn đề Trung Quốc có vai trò gì với trật tự quốc tế và có đe dọa gì với quốc tế dường như quá tầm tay của Việt Nam. Từ xưa đến nay, vương triều Trung Quốc vốn đã to lớn và có ảnh hưởng đến Việt Nam, vì vậy Trung Quốc có lớn đến đâu đi chăng nữa dường như là vấn đề mà các nước lớn khác quan tâm, chứ không nằm trong mối quan tâm của mình.

Việt Nam cũng có khát vọng trở thành con rồng nhỏ châu Á, vì vậy, Việt Nam cùng chia sẻ một ý nghĩ chung với Trung Quốc: nếu Trung Quốc có ý định biến thành cường quốc cũng có nghĩa hai nước Việt Trung đang ở cùng một giai đoạn lịch sử.

Như vậy cảm giác tương trợ giữa hai nước mạnh hơn cảm giác uy hiếp. Việt Nam bắt đầu cải cách muộn hơn Trung Quốc, vì vậy càng có ý nguyện quan sát học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc. Trung Quốc có thành công hay không sẽ là điều mà Việt Nam cần quan tâm chứ không phải đề phòng.

Xuất phát điểm của học giả Việt Nam khi nghiên cứu về Trung Quốc hoàn toàn không giống các học giả phương Tây, bởi lẽ học giả phương Tây lo lắng Trung Quốc có âm mưu tranh bá xưng vương nên nghiên cứu phán đoán từ những biến đổi về tiềm lực kinh tế quốc phòng của Trung Quốc.

Học giả phương Tây quan tâm nhiều tới tư duy chiến lược ngoại giao lớn của Trung Quốc, trong khi học giả Việt Nam chỉ quan tâm và nắm vững những sự việc cụ thể xảy ra với Trung Quốc. Họ cũng không xuất phát từ lý luận hoặc những nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, càng không có đủ nguồn lực nghiên cứu toàn diện mọi mặt về quan hệ ngoại giao của Trung Quốc.

Trọng tâm nghiên cứu chủ yếu là Trung Quốc và các nước trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Có thể từ những nghiên cứu đó có thể giúp Việt Nam tìm ra con đường ngoại giao nhịp nhàng hơn trong khu vực cũng như với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Chưa thỏa đáng

Thế nhưng né tránh nhắc tới vấn đề chiến tranh biên giới Trung Việt dường như hiển hiện rõ là học giả Việt Nam vẫn chưa tìm được con đường thỏa đáng để giải quyết cách nhìn về chiến tranh biên giới Việt Trung.

Nếu như chiến tranh biên giới 30 năm trước cần phải né tránh không nhắc tới mới có thể tiến bước về tương lai, thì có nghĩa là vẫn chưa thể thực sự vượt qua khoảng thời gian đó.

Nhìn về lịch sử, quan hệ chính trị giữa hai nước như thế nào vẫn chưa có được cách nhìn chung. Cũng vì vậy trong quá trình xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, người Việt chưa bao giờ đứng cùng chiến tuyến với Trung Quốc. Chiến tranh Trung Pháp vào cuối thế kỉ 19 là ví dụ điển hình cho điều này.

Nếu như việc tích cực phân tích nghiên cứu chiến tranh biên giới Việt Trung có khả năng gợi lại ký ức không tốt đẹp cho hai bên, thì cũng có nghĩa rằng hữu nghị trước mắt của hai bên chỉ là hiện tượng tuần hoàn mang tính tạm thời, trong khi đó sự xung đột trong suốt quá trình lịch sử giữa hai nước trong tương lai có khả năng sẽ lại chi phối quan hệ song phương.

Trong suốt khoảng thời gian dài, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng cũng có thể dùng câu nói sông liền sông núi liền núi để miêu tả quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Trung.

Hồ chủ tịch đã từng viết trong bài thơ năm 1963 miêu tả quan hệ hai nước như sau: “Việt Trung hai nước thắm tình hữu nghị, vừa là bạn bè, vừa là đồng chí”.

Việt Nam luôn coi Trung Quốc là nước lớn. Để duy trì độc lập tự chủ và phát triển đất nước của mình, Việt Nam luôn nhắc nhở Trung Quốc nên xử lí các mối quan hệ theo phong thái của nước lớn và những đoạn trường lịch sử Việt Trung cùng trải qua trong lịch sử.

Vì vậy, làm sao đối mặt quá khứ, lý giải chiến tranh biên giới Trung Việt, để tương lai có thể xử lý hòa thuận mối quan hệ hai nước, là nhiệm vụ tư tưởng không thể thiếu được.

Ông Thạch Chi Du là Giáo sư tại Đại học Quốc gia Đài Loan. Tác phẩm gần đây của ông là Democracy (Made in Taiwan) ('Dân chủ làm tại Đài Loan', Lexington Books, 2008) . Nguyễn Hoài Thu đang là Nghiên cứu sinh tiến sỹ, Đại học Trung Sơn, Cao Hùng, Đài Loan.

Trong tháng Hai, BBC sẽ có loạt bài - trên cả phát thanh và trang mạng - đánh dấu 30 năm cuộc chiến biên giới Việt - Trung 1979 , nhìn từ nhiều quan điểm khác nhau. Rất mong nhận được những bài bình luận, hồi ức của quý độc giả về sự kiện lịch sử này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/01/090131_border_war_opinion.shtml

Re:[NDLS] Hồi kí cố vấn Trung Quốc ( phần 2)

Đã gửi: Ba T2 03, 2009 10:37 am
Viết bởi fangxongte
hehe em chỉ có ý kiến là ko nên biết quá nhiều,và đừng có bao h cũng chỉ nhìn về quá khứ ko.nó huy hoàng hay đen tối thì cũng đă qua rồi.chúng ta cần phải làm gì đó mới là điều nên bàn tới.
p/s:sr pác samurai vì em hơi quá khích tí [lol]