Bạn đang xem trang 2 / 12 trang

Re:Câu chuyện biển Đông  

Đã gửi: Bảy T9 13, 2008 2:58 pm
Viết bởi Youtome
 Rất ít khi thích đọc những bài viết dài như thế này, nhưng phải ghi nhận là bài này hay thật!
 Ngôn từ sắc sảo, dành mạch,lần đầu tiên gặp 1 vấn đề chính trị mà đọc đến đâu hiểu đến đấy. Không ngờ mỗi 1 sự kiện lại có những nguyên nhân và hậu quả sâu sa khôn lường đến thế...
 Nga-Grudia! どうかなぁ???

Re:Câu chuyện biển Đông  

Đã gửi: Tư T9 17, 2008 4:07 am
Viết bởi Ansamurai
Có hai bài về vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Gửi anh em nào quan tâm  

Biển Đông nổi sóng gió:
Cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Việt Nam về dầu mỏ



   Tờ “Thái Dương” ngày 30/7 đăng bài với nhan đề “ Biển Đông nổi sóng gió: Cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Việt Nam về dầu mỏ”, bài báo viết sau khi Quốc dân đảng quay trở lại chấp chính ở Đài Loan, sức ép từ hướng Đông Nam đối với Bắc Kinh giảm đi nhiều.
   TTXVN (Hồng Công 30/7)


Nhưng sức ép chiến lược từ hướng Biển Đông lại đột nhiên tăng lên, đặc biệt là việc Việt Nam lợi dụng lúc Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Olympic, đã có những động tác ngấm ngầm ở Biển Đông, hợp tác với công ty dầu mỏ của Mỹ tiến hành thăm dò dầu mỏ ở khu vực biển tranh chấp. Biển Đông nổi sóng gió, quan hệ Trung-Việt dần dần căng thẳng.

Thế vận hội Olympic là việc lớn hàng đầu của Trung Quốc, nhưng cũng trở thành “sợi dây” trói buộc Bắc Kinh. Bắc Kinh tỏ ra thận trọng về ngoại giao, khó nới rộng được chân tay. Việt Nam cảm nhận thấy có cơ hội, đã thọc tay vào Biển Đông, hợp tác với công ty dầu mỏ Exxon Mobile của Mỹ tiến hành thăm dò dầu khí, có ý đồ thông qua những cố gắng lôi kéo Mỹ vào để làm đối trọng với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Sau nhiều lần nhẫn nại, cuối cùng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phải lên tiếng, cho rằng hiệp định ký kết giữa Việt Nam và công ty dầu mỏ Exxon Mobile của Mỹ là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam và Exxon Mobile chấm dứt hiệp định này. Nhưng phía Việt Nam không hề tỏ ra mềm yếu, báo “Sài Gòn giải phóng” thậm chí còn bày tỏ sẽ quyết chiến vì vấn đề Biển Đông.

Việt Nam hiện nay chiếm 28 đảo của Trung Quốc, sản lượng dầu mỏ hàng năm khai thác được tại vùng biển tranh chấp là 8 triệu tấn, thu được lợi ích to lớn. Nhưng Trung Quốc chưa khai thác một giọt dầu nào ở Biển Đông. Tháng 5/1992, Trung Quốc cùng công ty Chris-energy của Mỹ ký kết hiệp định thăm dò dầu mỏ ở bãi Vạn An thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng phía Việt Nam kiên quyết phản đối, phía Trung Quốc đã nhân nhượng, huỷ bỏ hợp đồng.

Kỳ thực chỉ dựa vào sức mạnh của riêng Việt Nam thì về cơ bản Việt Nam không thể đối kháng được với Trung Quốc. Con át chủ bài của Việt Nam là quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, thu hút thế lực phương Tây làm đối trọng với Trung Quốc. Hiện nay Việt Nam chia khu vực biển ở quần đảo Trường Sa thành hơn 100 lô gọi thầu quốc tế thăm dò khai thác dầu khí. Các công ty dầu mỏ của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga đều ký hợp đồng với Việt Nam. Việt Nam rõ ràng có ý đồ tổ chức “đội quân Liên Hợp Quốc” mới để đối phó với Trung Quốc, trong đó quan hệ Việt-Mỹ là phát triển nhanh nhất.

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20 sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt-Mỹ phát triển nhanh, cho dù về mặt kinh tế hay quân sự, Việt Nam đều tích cực dựa vào Mỹ. Trong ban lãnh đạo Việt Nam xuất hiện một loạt thế lực thân Mỹ. Tác động nhạy cảm nhất đối với dây thần kinh của Bắc Kinh là việc Việt Nam lại muốn cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh, làm căn cứ của hải quân Mỹ ở Biển Đông, để đổi lấy sự bảo hộ của Mỹ.

Tài nguyên dầu khí ở Biển Đông rất phong phú, vì thế Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng đối với Trung Quốc vốn ngày càng tiêu dùng nhiều năng lượng. Đứng trước thế công mạnh mẽ của Việt Nam, Bắc Kinh buộc phải trả đũa, trọng điểm tăng cường xây dựng hạm đội Biển Đông, xây dựng căn cứ ở Tam Á (Hải Nam), nghe nói tàu ngầm hạt nhân chiến lược “094” hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc đã được bố trí ở căn cứ này. Những vũ khí mới này dùng để đối phó với Việt Nam không tránh khỏi lãng phí “dùng dao phay cắt tiết gà”, nhưng sẽ nêu tác dụng then chốt đối với việc ổn định Biển Đông, ngăn chặn và răn đe sự can thiệp của quốc tế.

Đương nhiên đơn thuần dựa vào vũ lực cũng không thể triệt để giải quyết vấn đề, còn phải sử dụng thế công về chính trị và kinh tế. Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thị trường cổ phiếu suy giảm, đồng đô la mất giá, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đích thân đi Bắc Kinh cầu viện. Về việc này, Bắc Kinh không nên quá thiện chí, phải gắn việc viện trợ kinh tế với vấn đề Biển Đông. Đối với tập đoàn dầu mỏ quốc tế mà Việt Nam dựng nên, Bắc Kinh cũng cần phải sử dụng cả thủ đoạn cứng rắn và mềm mỏng để tìm cách phân hoá, đánh gục từng đối thủ. Tóm lại, trong vấn đề Biển Đông không thể một chút mềm yếu. Mềm yếu sẽ có tội với tổ tiên, có tội với thế hệ sau./.


Bản dịch của TTXVN
http://www.viet-studies.info/kinhte/BienDongSongGio_ThaiDuong.htm




Re:Câu chuyện biển Đông  

Đã gửi: Tư T9 17, 2008 4:08 am
Viết bởi Ansamurai
"Diễn đàn Văn Hối” (Hồng Công) ngày 31/7/2008



“Hoài nghi về việc Việt Nam
quyết chiến với Trung Quốc”


Hà Lượng Lượng



Trung Quốc và Việt Nam có tranh chấp về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Việt Nam và tập đoàn dầu của Mỹ hợp tác thăm dò khai thác dầu mỏ ở Biển Đông đã đưa tới sự chú ý cao độ và kháng nghị của phía Trung Quốc. Nhưng liệu Việt Nam có vì việc này mà quyết chiến với Trung Quốc và liệu Trung Quốc có vì việc này mà quyết chiến với Việt Nam hay không? Đây là điều đáng để đi sâu phân tích.

Từ các văn kiện chính thức ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy hai nước Trung-Việt đã có nhận thức chung về vấn đề Biển Đông. Tuyên bố chung năm 1999 giữa hai nước về việc hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới đã nêu rõ: Từ năm 1995, Trung Quốc và Việt Nam đã thành lập các nhóm chuyên gia về vấn đề biển, tiến hành đàm phán về việc tranh chấp quần đảo Trường Sa, cho đến nay đã tiến hành 11 vòng đàm phán. Hai bên đồng ý thông qua hữu hảo hiệp thương tìm kiếm biện pháp giải quyết thoả đáng, đồng thời bàn về khả năng triển khai hợp tác. Hai bên đồng ý tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề biển, kiên trì thông qua hoà bình đàm phán, tìm kiếm biện pháp giải quyết cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận. Trước khi giải quyết vấn đề, hai bên dựa trên tinh thần dễ làm trước khó làm sau, tích cực bàn về khả năng và biện pháp triển khai hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên đều có thể chấp nhận như bảo vệ môi trường biển, khí tượng thuỷ văn, giảm và phòng chống thiên tai. Đồng thời hai bên đều không vận dụng những hành động khiến tranh chấp trở nên phức tạp và mở rộng, không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên nên kịp thời tiến hành hiệp thương đối với những chia rẽ nảy sinh, vận dụng thái độ bình tĩnh và xây dựng để xử lý thoả đáng vấn đề. Không vì sự chia rẽ mà ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước. Trong tuyên bố chung và thông cáo báo chí Trung-Việt ký kết năm 2005 và 2007 đều có những nội dung tương tự.

Quan hệ hữu hảo Trung-Việt khôi phục đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 và phát triển nhanh trong mười mấy năm qua. Phía Việt Nam đã vứt bỏ cách làm sử dụng vũ lực và thù địch với Trung Quốc trước đây. Học tập kinh nghiệm cải cách mở cửa của Trung Quốc và nhận được nhiều viện trợ từ Trung Quốc. Tháng 5 năm nay, Việt Nam xuất hiện khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã vội đi Bắc Kinh cầu viện. Trong tình hình này Việt Nam không thể vì dầu mỏ ở Biển Đông mà “quyết chiến với Trung Quốc”.

Nhưng Việt Nam vẫn lặng lẽ làm những động tác nhỏ ở Biển Đông, bao gồm việc ký kết với tập đoàn dầu mỏ của Mỹ hợp đồng hợp tác thăm dò khai thác dầu mỏ, từ đó phá vỡ nhận thức chung đạt được giữa cấp cao hai nước. Đây cũng là sự thực. Việt Nam tìm cách dựa vào sức mạnh của công ty Mỹ để tạo nên sự thực về việc thăm dò khai thác dầu mỏ ở Biển Đông và trong tương lai có ý đồ dựa vào sức mạnh của quân đội Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, đây cũng là điều dễ thấy.

Giải quyết sự vong ơn bội nghĩa của Việt Nam ở Biển Đông trước hết phải do cấp cao nhất của Trung Quốc căn cứ vào nhận thức chung Trung-Việt, trực tiếp giao thiệp với cấp cao nhất của phía Việt Nam, thể hiện đại nghĩa và sức mạnh. Việt Nam đang đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, việc thăm dò khai thác dầu mỏ ở Biển Đông chỉ là việc nước xa không cứu được lửa gần”. Vì việc này mà thù oán với Trung Quốc, lại chưa chắc đã nhận được sự ban ơn của Mỹ. Mỹ sẽ lợi dụng Việt Nam. Việc xây dựng hiện đại hóa của Việt Nam cần dựa vào cố gắng của bản thân mình và quan hệ tốt với Trung Quốc. Việt Nam không thể không biết rằng hàng loạt những người Việt Nam lưu vong chống Cộng ở Mỹ vẫn đang tiến hành những hoạt động lật đổ chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự ủng hộ của Mỹ.

Tại Biển Đông, chính quyền Nam Việt Nam cũ vì xâm chiếm các đảo của Trung Quốc mà bị hải quân Trung Quốc tiến công. Cuộc chiến tranh Trung-Việt năm 1979, về chính trị đã khiến ý đồ xưng bá của Việt Nam ở Đông Nam Á bị phá sản, khiến các nước Đông Nam Á thấy được Trung Quốc là nước kiềm chế chủ nghĩa bá quyền của Việt Nam. Với sức mạnh tổng hợp quốc gia và sức mạnh quân sự hiện nay của Trung Quốc, bao gồm thực lực quân sự ở Hải Nam, nếu Việt Nam muốn “quyết chiến với Trung Quốc” cũng không phải là điều dễ dàng. Nếu chẳng may lại nổ ra cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam trên biển, chẳng phải lại là cơ hội thử nghiệm đó sao: Trung Quốc lấy thực lực làm hậu thuẫn, yêu cầu các nước có liên quan nghiêm chỉnh thực hiện nhận thức chung Biển Đông, cùng nhau khai thác, ngăn ngừa nước ngoài gậm nhấm xâm phạm chủ quyền lãnh hải Biển Đông của Trung Quốc. Đồng thời Trung Quốc cũng cần nhanh chóng xây dựng lực lượng quân sự ở Hải Nam , bao gồm việc đóng tàu sân bay như đã lan truyền trong dư luận



Bản dịch của TTXVN
http://www.viet-studies.info/kinhte/HoaiNghiQuyetChien_BaoHongKong.htm



Re:Câu chuyện biển Đông  

Đã gửi: Tư T9 17, 2008 12:00 pm
Viết bởi Zenzen
đọc mà ngẫm nghĩ ... thấy ngộ ra nhiều điều !
Bài viết phân tích cuộc chiến Nga - Grudia rất hay , mình cũng có cùng chung nhận định như vậy . Quả thực cuộc chiến ấy là cuộc chiến mong đợi của Nga từ bấy lâu nay để khẳng định trở lại vị thế cường quốc của mình !

Bài viết từ 2 phía liên quan đến Việt Nam - Trung Quốc thì mình nhận thấy rằng các bước đi về mặt ngoại giao hay quân sự của Việt Nam hoàn toàn không dễ dàng tý nào . Dựa vào Mỹ để đối phó TRung Quốc hay dựa vào Trung Quốc để đối phó Mỹ ? Tính toán không tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế , chính trị của Việt Nam .
Thật sự hi vọng lãnh đạo nhà nước biết được chính xác họ đang làm gì và thận trọng trong từng bước đi !

Re:Câu chuyện biển Đông  

Đã gửi: Tư T9 17, 2008 7:04 pm
Viết bởi zaks
tin rằng Việt Nam sẽ ko dễ trở thành "Grudia" của Trung Quốc!!!

Re:Câu chuyện biển Đông  

Đã gửi: Năm T9 18, 2008 2:46 am
Viết bởi Ansamurai
Anh em đọc chơi thôi nhé

Đông Phương (Hồng Công)
30/7/08
Việt Nam lấy gì để đối phó với Trung Quốc?

Người Việt Nam thật là lạ, mấy tháng trước, lãnh đạo tối cao Việt Nam còn vội vàng bay sang Bắc Kinh, thỉnh cầu Trung Quốc ra tay cứu viện, nhằm cứu vãn khủng hoảng tài chính của Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh đó, tự ý khoanh vùng khu vực tồn tại tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam), mời gọi các tập đoàn dầu khí Âu, Mỹ hợp tác thăm dò dầu khí.

Điều này có thể nói, thứ gì Việt Nam có thể cầu viện được Trung Quốc thì cầu viện, còn gì cướp được của Trung Quốc thì cướp. Lô gích này đối với người Trung Quốc, vốn chú trọng lễ nghĩa, là không thể chấp nhận và lý giải nổi.

Khi Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, được Cộng sản Trung Quốc toàn tâm toàn lực ủng hộ, máy bay Mỹ bị bắn rơi, phần nhiều là do quân đội Trung Quốc thực hiện, tiếp tế hậu cần tác chiến cũng hoàn toàn dựa vào Trung Quốc. Khi Trung Quốc tích cực viện trợ Việt Nam chống Mỹ, Chính quyền Nam Việt Nam lại ra đòn với Trung Quốc tại các đảo ở biển Đông. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, Nam Việt Nam tuyên bố những đảo, bãi ngầm tại biển Đông thuộc Trung Quốc và từ trước chưa từng có tranh cãi, là của Việt Nam. Năm 1974, trong chiến tranh Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), mặc dù Hải quân Trung Quốc bắn chìm tàu chiến của Hải quân Nam Việt Nam, bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa như đảo Vĩnh Hưng. Nhưng Bắc Việt Nam, từng được Cộng sản Trung Quốc ủng hộ, lại bất chấp thủ đoạn thôn tính các đảo, bãi của Trung Quốc tại Quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa), đến nay Việt Nam vẫn xâm chiếm 28 đảo bãi tại Trường Sa.

Hiện nay, Việt Nam đang dựa vào việc kiểm soát các đảo này, đơn phương hoạch định vùng đặc quyền kinh tế, hợp tác với nước ngoài khai thác dầu khí, vứt bỏ Hiệp định gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác đã đạt được với Trung Quốc sang một bên. Năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới, dạy cho Việt Nam một bài học. Lúc đó, Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu: có thể nhẫn, đến mức không thể nhẫn. Lần này nếu như không phải Trung Quốc đang bận tổ chức Olympíc, sẽ lại có rất nhiều sinh viên Trung Quốc kêu gọi: có thể nhẫn, đến mức không thể nhẫn. Đại thể là Việt Nam cho rằng Trung Quốc tổ chức Olympíc, “ném chuột sợ vỡ lọ”, chính là thời cơ Việt Nam có thể lấn tới trong vấn đề biển Đông, tạo nên sự việc đã rồi: Việt Nam chiếm hữu và khai thác tại khu vực còn tranh cãi thuộc biển Đông. Nếu như hành động này của Việt Nam thành công, vậy thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc không còn mặt mũi nào để gặp người dân Trung Quốc nữa.

Trên thực tế, môi trường quốc tế hiện nay có lợi cho Trung Quốc, thậm chí không cần nói đến thực lực của Trung Quốc đang lên cao, bản thân Mỹ cũng đang có quá nhiều vấn đề, còn ASEAN cũng không phải là “khối thép”. Hiến chương ASEAN ra đời đã nửa năm nay, Inđônêxia, Thái Lan và Philippin vẫn chưa phê chuẩn. Hơn thế, nhiều hiệp định mà ASEAN ký kết hiện nay, trên thực tế cũng mới chỉ thực hiện khoảng 30%, Việt Nam muốn dựa vào ASEAN đối phó với Trung Quốc, sẽ là không ổn./.

Bản dịch của TTXVN
http://www.viet-studies.info/kinhte/VNLayGiDoiPho.htm

Re:Câu chuyện biển Đông  

Đã gửi: Năm T9 18, 2008 2:58 am
Viết bởi Ansamurai
"Kế hoạch tấn công" Việt Nam là một quả bóng thăm dò ?

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 05/09/2008, thì Hà Nội đã hai lần phản đối Bắc Kinh trong tháng 8 về việc có ít nhất là 4 website Trung Quốc công bố những bài gọi là ''kế hoạch xâm lăng'' Việt Nam, trong đó có cổng sina.com được rất nhiều người truy cập. Các bài viết vẫn được duy trì cả tháng, bất chấp phản ứng từ phiá Việt Nam. Nhiều nhà quan sát cho đây là một hành động cố ý.

Chính quyền Bắc Kinh lẽ dĩ nhiên đã cải chính, cho rằng các bài viết nói trên không phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên vấn đề là các bài nói trên vẫn tiếp tục hiện diện trên mạng sau khi có lời phản đối của Việt Nam, mặc dù mọi người đều biết rõ là chính quyền Bắc Kinh luôn luôn kiểm soát gắt gao những gì lưu hành trên Internet, và hoàn toàn có khả năng buộc các trang web tại Trung Quốc rút lại những bài gây tranh cãi.

Trong bối cảnh đó một số quan sát viên đã tự hỏi là phải chăng những ''kế hoạch xâm lăng'' lưu hành trên Internet là những quả bóng thăm dò, được Bắc Kinh tung ra nhằm đo lường phản ứng của Việt Nam, vào lúc mà vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai bên tại vùng Biển Đông đang nổi cộm trở lại.

Kế hoạch rất dữ dội nhưng vô giá trị về mặt quân sự

Phải nói là những « kế hoach » tấn công Việt Nam nói trên thoạt nhìn rất hung tợn. Theo South China Morning Post, chiến dịch của Trung Quốc dự trù kéo dài 31 ngày, theo kịch bản tiền pháo hậu xung, huy động hàng trăm ngàn binh lính.

Đợt đầu sẽ là năm ngày pháo kích bằng tên lửa, bắn đi từ đất liền, phi cơ và chiến hạm ngoài khơi. Sau đó, 310.000 lính sẽ tiến vào Việt Nam theo hai gọng kềm / từ Vân Nam, Quảng Tây đổ xuống và từ Biển Đông tạt vào.

Để hoàn toàn khống chế đối phương, Trung Quốc sẽ sử dụng các phương tiện điện tử làm nhiễu các hệ thống thông tin và chỉ huy của Việt Nam, cũng như phong toả các tuyến hàng hải ngoài Biển Đông.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích được báo South China Morning Poest trích dẫn, thì các kế hoạch nói trên hoàn toàn vô giá trị. Khi nhận xét về một trong những kế hoạch mang tựa đề ''Một trận chiến để xác định trật tự khu vực'', một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, đã cho rằng đó chỉ là một trò đùa hay là một trò chơi của một nhúm người thích quân sự, nhưng hoàn toàn không có một chút giá trị quân sự nào.

Đây cũng là ý kiến của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Học Viện Quốc Phòng Úc. Trả lời câu hỏi của RFI ông phân tích :
''Kế hoạch đó rất có thể chỉ là sản phẩm của một nhóm trí thức say sưa với những mơ mộng hão huyền măng tính chất dân tộc chủ nghĩa. Bài trên các trang blog đó không phản ánh quan điểm hay những kế hoạch của chính quyền hay là giới chức quân sự Trung Quốc. Nước này hiện nay chưa có năng lực quân sự cũng như ý định vạch ra một chiến dịch xâm lăng, đó là chưa nói đến khả năng tiến hành một chiến dịch đổ bộ từ ngoài khơi như nêu lên trong các bài viết. Thậm chí các tác giả còn không đề cập gì đến ''bước tiếp theo'' của chiến dịch khi phải đối phó với sức kháng cự của Việt Nam mà theo tôi sẽ không chịu bó tay''.

Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, cho dù những bài viết đó chỉ phản ánh một xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, không phải là quan điểm chính thống, chính quyền Trung Quốc không nên xem nhẹ thực tế đó.


''Các trang blog đó phản ánh một loại áp lực khá đặc biệt trên chính quyền Trung Quốc. Đó là tiếng nói của các thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan từng được thấy trước đây, chẳng hạn nhân sự cố chiếc phi cơ do thám của Mỹ vào năm 2001. Tâm lý của quần chúng có thể khiến ta phán đoán sai lầm, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng hay quan hệ căng thẳng hẳn lên. Điều này rất đúng trong trường hợp Đài Loan, nhưng cũng có thể áp dụng trong trường hợp Việt Nam''.  

Đối với giáo sư Thayer, vào lúc này, khả năng Trung Quốc tấn công Việt Nam là điều khó có thể xẩy ra vì Bắc Kinh đang muốn yên ổn thực hiện việc hiện đại hoá quân đội của mình, tránh không gây lo ngại nơi các nước khác. Nếu tấn công Việt Nam, Trung Quốc sẽ tạo ra lo lắng và thúc đẩy các đối thủ tìm cách chống lại.

'Việc Trung Quốc nâng cao ngân sách quốc phòng, tăng cường kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn, hiện đại hoá binh chủng Hải quân đang khiến cho các nước trong vùng rất lo ngại. Một trong những thí dụ phản ánh nỗi quan ngại đó là việc thủ tướng Úc Kevin Rudd vào tuần trước, vừa loan báo kế hoạch tăng cường năng lực ngành hải quân sau khi ghi nhận tình hình chạy đua võ trang trong khu vực.

Về lâu về dài, tiến trình hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe doạ đối với khu vực Châu Á, cũng như đối với uy lực hàng đầu hiện nay của Hoa Kỳ. Trước mắt, một cuộc tấn công Việt Nam sẽ tác hại đến Trung Quốc trên hai điểm : một là họ sẽ phải bị tổn thất, không chỉ trong lúc tấn công, mà còn trong giai đoạn bình định Việt Nam. Điểm thứ hai là  chiến dịch tấn công Việt Nam sẽ làm cho Trung Quốc bị chia trí trong việc cố gắng hiện  đại hoá quân đội với mục tiêu nâng cao vị thế của Trung Quốc so với Hoa Kỳ tại vùng Châu Á Thái Bình Dương.


Cố tình dung túng các bài viết trên mạng để hù doạ Việt Nam

Về phần giáo sư Ngô Vĩnh Long tại trường Đại Học Maine Hoa Kỳ, tác giả nhiều bài nghiên cứu về tiềm năng quân sự của Trung Quốc, thì chính quyền Bắc Kinh đã cố ý để cho các kế hoạch xâm lăng Việt Nam được công bố trong một thời gian dài trên mạng Internet ở Trung Quốc. Khi làm việc này, Trung Quốc nhắm tới hai mục tiêu, một là hù dọa và thăm dò phản ứng của Việt Nam, và hai là nâng cao tinh thần dân tộc của người Trung Quốc, qua đó làm cho họ quên đi các khó khăn kinh tế gặp phải trong thời kỳ hậu Thế Vận Hội. Việt Nam, theo ông, cần phải có phản ứng, không nên lặng thinh trước sự kiện này.

Sau đây là toàn văn bài giáo sư Ngô Vĩnh Long trả lời phỏng vấn của RFI
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/105/article_1012.asp

Dẫu sao thì việc các kế hoạch gọi là xâm lăng Việt Nam được công bố trên Internet đã thú hút sự chú ý về tham vọng chiến lược của Trung Quốc. Theo giáo sư Carl Thayer, nếu các bài viết vừa qua là quả bóng thăm dò, thì điều đó đã phản tác dụng vì đã khiến cho khu vực lo ngại thêm về đà vươn lên của Bắc Kinh hiện nay và khuyến khích Hoa Kỳ trong việc tìm cách chống lại các kế hoạch quân sự của Trung Quốc.

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/105/article_1012.asp

Re:Câu chuyện biển Đông  

Đã gửi: Bảy T9 20, 2008 3:14 am
Viết bởi Ansamurai
Những ai quan tâm đến vấn đề Biển Đông đều biết về công hàm của ông Phạm Văn Đồng gửi ông Chu Ân Lai. BBC có bài về vấn đề này, gửi anh em xem

'TQ xuyên tạc cử chỉ hữu nghị'

Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam phản đối việc Trung Quốc dùng công hàm cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Trung Quốc cách đây nửa thế kỷ để nói về chủ quyền.

Chủ nhật vừa qua là đúng 50 năm ngày Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ủng hộ quyết định lãnh hải của Trung Quốc.

Bản công hàm gửi ngày 14/9/1958 nay bị cho là 'văn bản thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc', nhất là đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đã có nhiều kêu gọi phản đối và hủy bỏ văn bản gây tranh cãi này.

Nội dung công hàm ngắn do ông Phạm Văn Đồng ký, nói "Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc".

Tuyên bố 4/9/1958 khẳng định hải phận 12 hải lý, trong có Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Đài BBC đã có cuộc phỏng vấn nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi, cựu trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam (1978-1989) về bản công hàm này.

Ông Lưu Văn Lợi: Bản công hàm này rất đơn giản. Lúc đó ông Chu Ân Lai ra tuyên bố rằng lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý, ông Phạm Văn Đồng gửi thư cho ông Chu Ân Lai nói đại ý VN ghi nhận và chỉ thị cho các cơ quan tôn trọng hải phận đó. Chỉ có thế thôi.

Trong tuyên bố 12 hải lý của Chu Ân Lai có bao gồm cả bốn quần đảo TQ gọi là của mình, nhưng ông Phạm Văn Đồng không nói gì tới lãnh thổ hay quần đảo, mà chỉ nói tôn trọng quyết định của TQ.

BBC: Vâng nhưng nay TQ sử dụng công hàm đó như một minh chứng là VN đã công nhận chủ quyền của TQ đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa...

Ông Lưu Văn Lợi: Đó là họ xuyên tạc. Nội dung công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ có ba câu thôi, có nói gì đến lãnh thổ hay quần đảo nào đâu.

BBC: Nếu nay có kêu gọi hủy bản công hàm này thì có thể thực hiện được về luật pháp không, thưa ông?

Ông Lưu Văn Lợi: Tôi chưa hiểu chính phủ quyết định ra sao, nhưng theo nội dung công hàm mà tôi hiểu thì không nói đến lãnh thổ hay quần đảo.

BBC: Thưa ông, tại sao ông Phạm Văn Đồng lại quyết định gửi công hàm vào thời điểm đó?

Ông Lưu Văn Lợi: Đây là một điều đáng buồn. Lúc bấy giờ đang xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan.

Đài Loan lúc đó còn giữ hai đảo nằm giáp lãnh thổ TQ là Kim Môn và Mã Tổ. Hải quân Mỹ đến vùng eo biển Đài Loan, khiến TQ lo sợ rằng Mỹ có thể tấn công xâm phạm chủ quyền của TQ. Và đó là lý do ông Chu Ân Lai ra tuyên bố về hải phận.

Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ là một cử chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị, ủng hộ TQ trong lúc Mỹ đưa hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan mà thôi.

BBC: Gần đây có chỉ trích là chính phủ VN đã nhượng bộ quá nhiều trong đàm phán lãnh thổ với TQ. Là người chịu trách nhiệm về lĩnh vực này trong thời gian dài, ông nghĩ sao ạ?

Ông Lưu Văn Lợi: Hoàn toàn không có chuyện đó. Các đàm phán đều thực hiện trên phương pháp quy định hai bên đã thỏa thuận, thống nhất từ trước. Không có chuyện nhân nhượng TQ.

BBC: Thưa Chủ nhật vừa rồi là đúng 50 năm ngày ông Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho TQ. Cảm xúc của ông nhân ngày này ra sao?

Ông Lưu Văn Lợi: Tất nhiên chúng tôi phản đối việc sử dụng công hàm này (với mục đích tranh chủ quyền các quần đảo). Đó là một sự xuyên tạc, biến một cử chỉ hữu nghị của ông Phạm Văn Đồng thành tuyên bố chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Đây là chuyện của chính phủ, chúng tôi thì đã về hưu lâu rồi. Nhưng nhất định đây là một điều không hay.

Ông Lưu Văn Lợi, sinh năm 1913, là nhà báo, cựu Chánh văn phòng-Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989). Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bài viết về chủ đề biên giới. Các bài liên quan, kể cả ý kiến của giới nghiên cứu Trung Quốc có ở bên phải trang.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080917_luuvanloi_inv.shtml