Bạn đang xem trang 2 / 2 trang

Re:Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày

Đã gửi: Chủ nhật T5 28, 2006 7:06 am
Viết bởi phuongthe_ngoc


Re:Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày

Đã gửi: Chủ nhật T5 28, 2006 5:03 pm
Viết bởi ho quang nam
  Thấy bác duy9f tranh luận thật là sắc sảo,bái phục!Có lẽ topic này không còn hứng thú cho mọi người tranh luận nữa vì đề tài này "nói hoài cũng không hết".Mà đúng là phát biểu có "tính xây dựng" hay phát biểu ngồi im chờ "quan thầy phán" cũng không cách xa nhau mấy khi nhầm vào "chỉ trích cá nhân" mà không nêu vấn đề gì nhỉ!
  Lang thang trên net thấy cái truyện ngắn này của Nguyễn Ngọc Tư cũng hay post cho mọi người đọc chơi.Đọc rồi thấy nhớ quê quá!!!

Nguyễn Ngọc Tư

Cửa sau




Ở quê mình nhà nào cũng có cửa sau. Mỗi khi đi xa, nhớ ba nhớ má, nhớ nhà, nhớ luôn cái ngạch cửa trước, nhớ cái chái cửa sau. Rồi chợt hiểu vì mắc mớ gì mà người con gái xưa thầm lén “chiều chiều ra đứng cửa sau” để “trông về quê mẹ” để “ruột đau chín chiều”.
Ở nhà mình cũng có cái cửa sau. Cửa nhìn ra vườn cây xanh mịt, trắng loáng loáng ngoài kia là chòm mả ông bà tổ tiên. Những chiều xa nhà, ngồi dưới đò đi dọc theo các triền sông nhìn cửa sau của những ngôi nhà trầm lắng trong nắng héo. Không hiểu sao mình cảm thấy tội nghiệp mình ghê lắm. Người ta có nhà còn nghề nghiệp mình thì giang hồ mãi tận đâu đâu. Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở thành một khung tranh. Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba mình vẽ vào khung một thân mình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng, những làn nước trong văng trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia có mộ Ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ. Nên mắt bà đã mờ mà như ướt lem nhem ? Hay tại khói cay bay cao bay sà từ chiếc lò cà ràng, ùng ục nồi cám heo sôi trên bếp ? Trên khung tranh còn má mình chiều nào cũng ngồi dưới chái đâm từ cửa sau, trước mặt má là thúng rau, sịa ngò đang lặt dỡ, bó dỡ… Tay má nhăn, tái xanh vì ngâm nước lâu, trán má nhăn vì lo toan, vất vả, chỉ có cái cười của má thì vui, vui lắm, vui không kể xiết. Nhất là khi má nhìn đứa cháu nhỏ xíu, ngong ngỏng ở truồng nhảy lạch chạch trong cái thau nước đặt trên sàn lãn (giống mình hồi nhỏ quá đi thôi). Cạnh đó, có phải mình không vậy ta, có phải mình đang ngồi chồm hổm trước nồi cơm đầy lọ, trong bức tranh chiều, dường như có tiếng cạo cơm cháy sồn sột và tiếng trẻ nít cười rân.
Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo.
Cửa sau, với mình, ít nhiều mang cảm giác thiêng liêng của sự đầm ấm, sum vầy. Cho nên nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ không thôi. Cái số mình, thầy bói nói, là số giang hồ, giang hồ vặt.
Ra giữa đời, về phố chợ, đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Bởi phía sau không trăng, không hương, không người vẽ lên đó những bức tranh đầm ấm. Mà, ở đây cửa sau mang ý nghĩa khác mất rồi.
Người ta đưa hai tiếng cửa sau vào ngoặc kép, “cửa sau” làm nhà nước thất thoát hằng tỉ tỉ đồng, mồ hôi nhân dân đổ xuống nhiều hơn, nước mắt vì nỗi nhọc nhằn cạn đi (còn đâu nữa mà rơi). “Cửa sau” làm người ta không trọng nhau, không thương nhau, không tin nhau.
Cửa sau có muốn đâu, cửa muốn vẽ những bức tranh dung dị, bình thường về những con người bình thường, những cảnh vật bình thường.
Nhưng bây giờ người ta hay vẽ, một đám người chen nhau đứng đằng sau cánh cửa, quà trên tay chất vượt mặt, gõ cửa bằng chân. Cuộc sống có thế người ta mới vẽ thế. Buồn thiệt ha ?
Không, cửa sau mình nhớ dứt khoát không phải vậy. Thiệt đó, tin mình đi.




Re:Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày

Đã gửi: Chủ nhật T5 28, 2006 10:21 pm
Viết bởi nhoc

 

Nguyễn Ngọc Tư

Cửa sau

Nếu đã đọc Nguyễn Ngọc Tư thì namho...thử đọc "Cánh đồng bất tận" nhé.
Vẫn là chuyện của những dòng sông, những vùng đất dọc ngang kênh rạch nhưng với "Cánh đồng bất tận", nhưnglà thế giới hoàn toàn khác. Không còn hình ảnh của vùng quê Nam Bộ trù phú với những người dân phóng khoáng, giàu nghĩa khí mà chúng ta vẫn gặp ở rất nhiều câu chuyện, rất nhiều bộ phim, rất nhiều cuốn sách. Một thế giới khắc nghiệt và tàn khốc.
Có người phụ nữ nghèo đến mức một mảnh vải đẹp là cả một giấc mơ và phải đánh đổi nó bằng thân xác của mình.
Có 2 đứa trẻ suốt đời theo cha rong ruổi qua những cánh đồng, chúng lạc lõng, cô đơn đến mức quên cả cách giao tiếp với con người. Có người chồng thù hận người vợ bỏ theo trai đến mức phá hỏng cuộc đời của chính những đứa con ruột thịt.
Một cái nhìn hơi tối của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Thử hình dung về thế giới đó xem sao?
Phần1
Phần tiếp

Re:Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày

Đã gửi: Chủ nhật T5 28, 2006 10:43 pm
Viết bởi tieuphu
 Nước ngoài có đi cửa sau không?Quá nhiều là khác,mà trình độ thì cao hơn hẳn VN một bậc.
 Nếu ko,thì làm sao dự án nuôi cá 2 triệu đô ở Ninh Bình,nhập giống từ Trung Quốc,ngày khánh thành chỉ thả toàn là những con cá chỉ bằng ngón tay út.Dễ kiếm tiền quá.Máy móc,dây chuyền thanh lý mà vào VN thì thành hàng công nghệ mới.Khu dầu khí Vietross,nghĩ nước bạn tốt,đầu tư cho mình,xong mới thấy nguyên cả làng dầu khí thành làng chuyên gia của nước bạn,mà không biết có ai tính mình đã được và mất gì từ cái làng này,còn nhập dây chuyền lạc hậu,không đúng thiết kế...
 Những ví dụ kiểu này nhiều vô số.Vấn đề chính ở chỗ người mình tiếp tay cho họ.Thế hệ này,sau,sau nữa phải trả nợ.Người nước ngoài thừa thông minh để hiểu cơ chế làm việc(quá đơn giản) ở VN.Vậy mà,bóc lột kiểu này,người VN,cơ bản chấp nhận-không phản kháng(nếu không muốn nói là "nhiệt tình" giúp đỡ)... [cry]
 Còn đến bao giờ??

Re:Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày

Đã gửi: Ba T5 30, 2006 11:44 am
Viết bởi toimuonbaycungban
den bao gio Viet Nam moi thoat khoi canh nhu vay day?


Re:Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày

Đã gửi: Ba T5 30, 2006 12:47 pm
Viết bởi nhoc

den bao gio Viet Nam moi thoat khoi canh nhu vay day?

Con vua thi lai lam thue,
Con sai o chua thi quet do la($),
bao gio dan noi can qua,
Con vua that the lai ra quet chua,


Re:Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày

Đã gửi: Ba T5 30, 2006 4:50 pm
Viết bởi Ansamurai
Năm căn bệnh của công chức ở VN

Một chuyên gia kinh tế Châu Âu khi làm việc cho dự án ở VN nêu nhận xét như sau: “VN tuy đang phát triển GDP với tốc độ 8,5%/năm, song, tư duy của người VN, nhất là công chức, chưa theo kịp tốc độ phát triển này”.

Theo tác giả, nguyên nhân của tình trạng tư duy của công chức chưa theo kịp tốc độ phát triển là “công chức Việt Nam hiện còn vướng mắc đều nằm ở cơ chế, đó là: động lực, cơ chế ngạch, bậc chuyên viên, và cơ chế lãnh đạo tập thể”.

Theo tôi, nhận xét trên tuy đúng nhưng chưa đủ, nó chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng, mà phần chìm của tảng băng mới là phần quyết định làm “đóng băng” tư duy công chức. Đó là hiện nay trong hệ thống cơ quan Nhà nước đã và đang tồn tại nhiều “căn bệnh nan y”.

Bệnh sợ biết nhiều

Xuất phát từ thực tế do hoàn cảnh chiến tranh, cán bộ lãnh đạo không được đào tạo một cách chính quy nên việc tiếp cận với các phương tiện khoa học kỹ thuật, đặc biệt là tin học rất hạn chế. Từ đó sinh ra quan điểm: Lãnh đạo là không cần biết nhiều, mọi việc đã có cấp dưới làm thay, trình ký. Việc “chuyên môn hóa” hay biết làm nhiều việc sẽ cột chặt người công chức đó vào một vị trí đó, không “lên” được.

Cá nhân tôi được chứng kiến nhiều công chức có bằng cấp vi tính hẳn hoi làm việc rất “thủ công”: thực hiện nghiệp vụ quản lý bằng hàng núi hồ sơ, giấy tờ, soạn thảo văn bản bằng cách viết tay, sau đó đưa cho nhân viên vi tính đánh máy, in ra, sửa chữa, in lại, trình lãnh đạo duyệt (đương nhiên lãnh đạo sẽ có sửa chữa), in lại và phát hành; trải qua nhiều công đoạn lôi thôi và nhiêu khê, mất nhiều thời gian và hao tốn giấy mực. Hỏi tại sao không soạn thảo trực tiếp trên máy, tôi được câu trả lời “té ngửa”: “Làm vậy cho giống lãnh đạo”.

Bạn tôi, tốt nghiệp ĐH chính quy thập niên 90, đang công tác trong ngành pháp luật, nhưng không bao giờ đụng tay đến bàn phím vi tính. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao thì được trả lời: “Không muốn học, cơ quan kêu đi học thì viện đủ lý do để trốn, biết nhiều thì bị sai nhiều, đánh máy đã có nhân viên vi tính lo, làm lãnh đạo cần gì phải biết vi tính.” Thật là tai hại, có quá nhiều người xem máy vi tính chỉ là một công cụ hiện đại hơn thay thế cho máy đánh chữ cơ và công dụng duy nhất của nó là soạn thảo và in ấn văn bản. Tiếc thay, quan điểm này lại là phổ biến.

Bệnh lý lịch

Tuy không nói ra một cách công khai, việc xét tuyển, bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó không phải chỉ đơn giản căn cứ vào năng lực công tác mà còn xoay qua lật lại xem có phải “ lý lịch” hay không, đương nhiên, việc ưu tiên cho “con anh Bảy” hay “cháu chị Ba” luôn được đặt lên hàng đầu. Công chức không có người “đỡ đầu” đừng mơ tưởng tới một vị trí cao hơn cái ghế công chức đơn thuần đang ngồi.

Bệnh “bánh ít đi bánh qui lại”

Đó là tình trạng “gởi gắm” giữa các quan chức với nhau. Ông A nhận vào cơ quan mình con cháu ông B thì ông B cũng nhận lại con cháu ông A. Hoặc là cùng nhau “gởi” xoay vòng, quanh đi quẩn lại, cơ quan nào cũng có công chức học hành lôm côm, làm việc không có chất lượng, yếu kém năng lực nhưng lại là diện 5C (con cháu các cụ cả) nên không thể bỏ đi đâu được cả.

Ví dụ rõ nhất của bệnh này là vụ án tiêu cực ở Bộ Thương mại, vụ PMU18, đùng một cái “cháy nhà” bàn dân thiên hạ mới biết hóa ra một số “cán bộ cấp Bộ” toàn là diện 5C học hành lôm côm, dở dang được “các cụ” ấn vào.

Bệnh bè phái

Thực tế cho thấy, việc xét tuyển, bổ nhiệm cán bộ lâu nay, bên cạnh những mặt tốt, vẫn còn một số tồn tại.


Cụ thể là tình trạng bí mật xây dựng quy hoạch cán bộ nhằm phục vụ cho những ý định không đúng đắn của một cá nhân hay một nhóm nhỏ cá nhân. Số người này họ cũng tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ khá công phu. Nhưng thực chất, đó là quá trình tìm kiếm, lựa chọn những người "ăn cánh" với mình để bố trí nắm giữ các cương vị chủ chốt trong hệ thống tổ chức bộ máy mà họ đang điều hành. Thực chất, đó không phải là xây dựng một ê kíp với đúng nghĩa chân chính của từ này mà là sự tạo dựng một cánh hậu để bảo vệ nhau, cùng nhau thực hiện những mưu đồ xấu.

Quy hoạch cán bộ theo kiểu này đương nhiên là họ phải hết sức bí mật, không dám công khai và thường gây ra những hệ quả xấu. Đó là tình trạng cán bộ không đủ tiêu chuẩn cả về phẩm chất lẫn năng lực, không đồng bộ, không phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, làm cho quần chúng không tin vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bệnh địa phương cục bộ

Thực tế cho thấy, đã và đang có tình trạng “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Thiên hạ nhấp nhổm trong thời gian Đại hội Đảng các cấp diễn ra để đoán già đoán non “cánh” nào “lên”, “cánh” nào “xuống”.

Hễ ông A quê quán làng B đắc cử thì y như là sau đó những cán bộ quê làng B đều được bổ nhiệm vào bộ máy giúp việc ông A. Đại hội kỳ sau, ông C quê quán làng D đắc cử thì những cán bộ làng D được “ưu tiên” “làm tham mưu” cho ông C. Cán bộ địa phương khác khó mà chen chân vào được.

Công chức được xem là thành phần trí thức trong xã hội, đối với giới trí thức điều quan trọng không phải là tiền, là quyền, mà là một môi trường làm việc phù hợp có thể phát huy năng lực của mình và họ đòi hỏi rất cao sự công bằng. Môi trường làm việc luôn bất bình đẳng và triệt tiêu động lực phấn đấu nếu không có “liều thuốc đặc trị” dứt bỏ những “căn bệnh” trầm kha nói trên.

Nếu đơn giản giải quyết bài toán “động lực phấn đấu” của công chức bằng biện pháp thưởng, phạt, sa thải thì công chức cũng chỉ làm việc ở trên mức không bị sa thải nhưng chẳng thèm phấn đấu thêm. Và hình ảnh công chức Nhà nước vẫn luôn luôn ù lì hay chạy theo sau tốc độ phát triển mà thôi.

Làm thế nào để cải thiện hình ảnh công chức trong mắt người dân? Xin mượn lời của ông Đoàn Duy Thành - Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam để kết luận rằng: “Không để những người không phải là nhân tài, mà cứ được cất nhắc lãnh đạo nhân tài, sinh ra nạn chạy chức, chạy quyền, khiến cho nhân tài bị ém lại, làm cho nguyên khí quốc gia tù mù như ánh đèn dầu hoả; mà phải làm cho nhân tài toả sáng như ánh đèn compact, vừa sáng trong, vừa tiết kiệm được”.

Tạ Phong Tần
Sở Thương mại Du lịch Bạc Liêu

theo BBC
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/05/060529_benh_congchuc.shtml