cac bn co the xem them mot so hinh anh ve black hole tai
trang web ket hop giu NASA va DH HarvardTRANH LUẬN QUANH SỰ HIỆN HỮU BLACK HOLE
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học đều thừa nhận, toàn bộ học thuyết liên quan đến Black Hole ở thời đại ngày nay đều được đặt trên nền tảng thuyết tương đối của Albert Einstein, một học thuyết được hình thành vào năm 1916 và trở thành một học thuyết chính thống trong thời gian ngót một thế kỷ qua.
Khác với Pierre Laplace xử dụng thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton làm nền tảng, Albert Einstein đã đặt nền tảng cho học thuyết của ông trên căn bản những khái niệm mới mẻ về thời gian, không gian và vũ trụ. Mặc dù học thuyết của Albert Einstein đã được soạn thảo cách đây gần một thế kỷ, trong những thập niên gần đây, với những phương tiện khoa học hiện đại và đặc biệt là cùng với sự phát minh của máy điện toán, các khoa học gia đã thực hiện những thí nghiệm chứng tỏ những điều tiên đoán của Albert Einstein về vũ trụ là đúng.
Căn cứ vào những luận thuyết của Albert Einstein, các nhà thiên văn học, toán học, các nhà vật lý không gian đã có thể tự tin không những đi tìm sự hiện hữu của những Black Hole trong vũ trụ mà còn có thể tính toán được những biến chuyển bên trong những Black Hole.
Sự thực, ngay sau khi Albert Einstein cho xuất bản cuốn sách nhan đề General Theory of Ralativity vào năm 1916, không đầy mấy tháng sau, một nhà thiên văn học người Đức tên là Karl Schwarzschild đã cho xuất bản một tài liệu trong đó mô tả sự hiện hữu cùng những đặc trưng kỳ bí của Black Hole.
Nhưng ở thời điểm đó, số lượng khoa học gia am tường thuyết tương đối của Albert Einstein có thể nói là rất hiếm hoi nên dư luận thời bấy giờ khó có thể đi đến chấp nhận sự hiện hữu của một sức hút khổng lồ trong những Black Hole do Karl Schwarzschild tiên đoán.
Cho đến năm 1939, một nhà vật lý tài danh người Hoa Kỳ từng được mệnh danh là “cha đẻ của bom khinh khí” tên là J Robert Oppenheimer cùng với một khoa học gia khác tên là H. Snyder nghiên cứu và tính toán trước khi đi đến kết luận, một Black Hole có thể được hình thành ngay tại tâm điểm của một vì sao khi vì sao này bị rơi vào tình trạng bùng nổ nội tại.
Tuy nhiên, trong những năm trước Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều nhà thiên văn học có uy tín trên thế giới vẫn từ chối không chịu nhìn nhận sự hiện hữu của Black Hole. Nhiều nhà thiên văn học thời bấy giờ đã cho rằng, toàn bộ những công trình nghiên cứu về Black Hole chỉ là chuyện “dã tràng xe cát” vì khả năng của con người không thể nào có thể phát hiện và nghiên cứu được sự hiện hữu của Black Hole, một sự hiện hữu có thể nói là bé bỏng, vô hình và cách xa trái đất hàng triệu triệu cây số. Trong những thập niên gần đây, với sự phát triển của một loạt những phương tiện khoa học kỹ thuật tân kỳ, các khoa học gia đã biết được một số những kỳ bí trong vũ trụ và tính được tuổi thọ của mặt trời là bốn tỷ 600 triệu năm.
Qua những công trình nghiên cứu được thực hiện trong thời gian gần đây, các khoa học gia cho rằng, trung tâm điểm của một vì sao có khả năng như mặt trời là một lò phản ứng nguyên tử khổng lồ trong đó khí hydrogen liên tục bị biến hóa trở thành khí helium giống hệt như chu kỳ phản ứng trong một trái bom khinh khí.
Chính năng lượng nguyên tử khổng lồ trong quá trình phản ứng khiến cho một vì sao có khả năng tỏa sáng. Cho đến khi khí hydrogen dần dần cạn và được thay thế bằng helium, tâm điểm của vì sao sẽ càng ngày càng thu nhỏ trong khi khối cầu lửa bên ngoài càng ngày càng lớn khiến cho thể tích của một vì sao to gấp hàng trăm lần thể tích ban đầu.
Một khi trung tâm điểm của mặt trời trong thái dương hệ chúng ta chất đầy khí helium, nó sẽ trở thành một quả cầu lửa khổng lồ nuốt luôn cả Thủy Tinh, Kim Tinh và khi đó, Trái Đất của chúng ta cũng sẽ bước vào ngày tận thế.
Nói tóm lại, cho đến nay những học thuyết chung quanh sự hiện hữu của Black Hole không phải là những chuyện huyền hoặc và các khoa học gia đã nhận thức được, trong vũ trụ đôi khi vật chất có thể trải qua những biến chuyển dữ dội khiến cho chúng vượt qua ranh giới được mô tả là “không mất đi mà chỉ biến đổi từ dạng này qua dạng khác.”
Một khi vật chất vượt qua ranh giới đó, một Black Hole sẽ được tạo thành và qua nó, một cửa ngõ mới tới một vũ trụ mới đầy huyền bí hơn là điều được các khoa học gia thừa nhận. Tuy nhiên, di chuyển trong Black Hole bằng phương tiện gì và di chuyển như thế nào để có thể an toàn khỏi bị nghiền nát, hiện còn là điều nan giải vượt quá sự hiểu biết của khoa học hiện nay, nếu không nói là mãi mãi.
NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ VỀ ALBERT EINSTEIN
Theo lời kể của vị học giả người Đức, Albert Einstein là một người đa quốc tịch. Ông đã tuyên bố từ bỏ quốc tịch Đức vào năm 1894 khi ông mới 15 tuổi, một tuổi còn quá trẻ để có thể đi đến một quyết định trọng đại có tính cách chính trị như vậy. Sau khi tự chọn cho mình tư cách một công dân vô tổ quốc được ba năm, ông gia nhập quốc tịch Thụy Sĩ vào năm 1897. Đến năm 1910 ông trở thành công dân Áo Hung sau khi nhận lời giảng dậy tại một trường đại học ở Prague. Năm 1918, Albert Einstein lại đồng ý trở thành công dân Đức và đến năm 1933, ông quyết định từ bỏ công dân Đức lần thứ hai để phản đối chế độ Đức Quốc Xã. Đến năm 1936, Albert Einstein nhập quốc tịch Mỹ và trở thành công dân Mỹ cho đến khi ông qua đời vào ngày 18 tháng 4 năm 1955.
Theo một số tài liệu ghi lại những chi tiết về đời tư của Albert Einstein, trí thông minh của Albert Einstein phát triển chậm. Bằng chứng cụ thể là cho đến năm lên chín tuổi, Albert Einstein vẫn còn nói năng không rõ ràng. Thậm chí, có một số nhà khoa học còn cho rằng thuở thiếu thời Albert Einstein là người bị chứng bệnh có tên dyslexia, hay còn gọi là “đọc chữ không thông”.
Vào năm 1952, Albert Einstein đã được dân chúng và chính phủ Do Thái đồng ý trao cho ông chức tổng thống nhưng ông nhất mực từ chối với lý do, “Về khoa học tự nhiên, tôi còn biết chút đỉnh chứ về con người thì tôi hoàn toàn mù tịt.” Mặc dù mang trong óc không biết bao nhiêu là tư tưởng tuyệt vời, chắp cánh cho không biết bao nhiêu là khoa học gia trên thế giới bay tới những vùng hoang lạ của kiến thức, Albert Einstein lại là một người được mô tả là hay lú lẫn trong cuộc sống thường nhật. Hàng ngày, Albert Einstein thường để quên chìa khóa, ăn uống quên bữa, ngủ nghê quên cả giờ giấc. Sau khi hay tin trái bom nguyên tử đầu tiên nổ tại Hiroshima vào tháng tám năm 1945, Albert Einstein đã thở dài tuyên bố, “Biết vậy, tôi thà làm một người sửa ống cống còn hơn.”
Trong một dịp viếng thăm Hoa Kỳ, khi nghe có người hỏi về tốc độ chính xác của ánh sáng là bao nhiêu, ông Albert Einstein đã thản nhiên trả lời, “Tôi cũng không nhớ chính xác là bao nhiêu nữa nhưng tôi biết rất nhiều sách vở đã ghi rõ con số chính xác đó. Thường thì lúc nào óc tôi cũng băn khoăn đi tìm những gì chưa được phát hiện hay chưa có trong sách vở chứ không bận tâm để nhớ những gì đã có, đã được phát hiện”.
Sau khi Albert Einstein chết, các khoa học gia đã đồng ý giải phẫu bộ óc của Albert Einstein và cắt thành nhiều miếng gửi đi các trung tâm khoa học nổi tiếng trên toàn thế giới nghiên cứu. Theo lời của khoa học gia Steven Levy, thì trong một chiếc lọ thủy tinh có chứa một vài miếng óc của Albert Einstein hiện đang được viện sinh hóa tại Wichita, Kansas mổ xẻ, nghiên cứu trong suốt thời gian nhiều năm qua. Nhưng cho đến nay, sau nhiều năm nghiên cứu, các khoa học gia vẫn chưa tìm được những yếu tố được coi là đặc biệt giữa bộ óc của Albert Einstein và bộ óc của những người tầm thường khác. Theo sự nhận xét của một số nhà bác học chuyên nghiên cứu về năng lực huyền bí của con người thì sự thông minh xuất chúng của một người không phải nằm trong bộ óc mà chính là linh khí nằm tại huyệt đan điền.(?) Một khi người đó chết, linh khí cũng sẽ tan biến theo trước khi tụ hội ở một thiên tài khác trong thời gian từ vài chục năm cho đến vài thế kỷ sau đó.
Một số khoa học gia chuyên nghiên cứu về Thuyết Tương Đối của Albert Einstein đã lên tiếng báo động về viễn ảnh ngày và năm tháng trên trái đất sẽ càng ngày càng ngắn lại. Các khoa học gia cho biết, trước đây 390 triệu năm, một năm trên trái đất dài 400 ngày chứ không phải 365 ngày như hiện nay. Nói như vậy có nghĩa là mỗi một ngày trôi qua, thời gian trái đất tự quay hết một vòng sẽ chậm lại một chút giống như con quay (con vụ). Mặc dù sự chậm dần này hoàn toàn không đáng kể so với tuổi thọ của một đời người nhưng so với tuổi của vũ trụ tính hàng triệu năm, sự thay đổi đó sẽ tạo nên những hậu quả đáng kể trong thời gian vài trăm triệu năm nữa.
(theo VIETSCIENCES)