Noi gương cụ Nguyễn Ái Quốc ngày xưa cố công qua Liên Xô gặp Lênin để giác ngộ chủ nghĩa cộng sản ,ngày nay anh bạn này cũng lặn lội sang Hoa Kì "yết kiến" Bush hòng giác ngộ tư tưởng "dân chủ".Khác đôi điều là ngày xưa Nguyễn Ái Quốc phải bí mật lên thuyền vượt biển ,khi đến nước Nga thì Lênin đã chết ,còn ngày nay có Nguyễn Tiến Trung đường hoàng ngồi máy lạnh trên boeing 777 vượt đại dương tới nước Mĩ , và Bush ,hiện thân của "lí tưởng dân chủ ",vẫn sống sờ sờ .
Và theo tin mới của BBC
Vào ngày 11-8, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã dự một buổi tiệc gây quỹ của Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng hòa tại trang trại Broken Spoke ở Texas.
Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng hòa (Republican National Committee) chịu trách nhiệm về các chiến dịch vận động và kêu gọi xây dựng quỹ ủng hộ cho đảng.
Sinh viên đang du học ở Pháp, Nguyễn Tiến Trung, người từng có Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Giáo dục đăng trên BBC, đã tham dự buổi tiệc này.
Trong bài viết dưới đây, anh kể lại buổi tiếp xúc với Tổng thống Bush và cho rằng chính phủ Mỹ đã bày tỏ lập trường của mình về chính quyền Việt Nam hiện tại:
“Hoàng Lan và Tiến Trung sẽ được đến gặp tổng thống George W.Bush vào ngày thứ sáu tuần sau (11/8/2006) tại trang trại Broken Spoke! ”. Đó là lời nhắn của một quan chức trong đảng Cộng Hòa vào trưa ngày thứ sáu 4/8/2006.
Suốt tuần lễ sau đó, tôi vừa mừng vừa lo. Một sinh viên du học như tôi làm sao biết được hết các nghi thức ngoại giao quốc tế. Hơn nữa, tôi đang học ở Pháp nên nghe và nói tiếng Anh không giỏi, nếu có điều gì sơ xuất thì rất khó tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế về vấn đề dân chủ cho Việt Nam. Ngoài ra, cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah đang leo thang. Rất có thể tổng thống Bush sẽ hủy bỏ buổi barbecue này để có thời gian giải quyết vấn đề Trung Đông.
Sáng sớm ngày thứ năm 10/8/2006, tôi phải dậy từ 6h sáng để chuẩn bị ra máy bay. Thế nhưng đài truyền hình ABC lại loan báo có âm mưu khủng bố trên máy bay từ Anh qua Mỹ. Toàn bộ chai lọ có chứa chất lỏng đều không được đem lên máy bay. Đài ABC cũng thông tin rằng các sân bay tại Mỹ đều đông nghẹt người do các chuyến bay bị hoãn. Lại thêm một tin xấu có thể ảnh hưởng đến chuyến đi nữa! Nhưng không sao, Hoàng Lan và tôi vẫn quyết tâm khăn gói lên đường, nhằm tìm kiếm hậu thuẫn của quốc tế về vấn đề dân chủ cho Việt Nam.
Sau một chuyến bay dài, chúng tôi đến khách sạn Four Seasons, Austin, Texas lúc 8h30 tối. Lúc đó buổi tiệc của đảng Cộng Hòa đã chấm dứt. Chúng tôi cũng đi ăn tối và ngủ sớm để ngày mai đi đến trang trại Broken Spoke.
Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng xong, các quan chức của đảng Cộng Hòa xếp hàng lần lượt lên xe bus đặc biệt để đến trang trại Broken Spoke. Nhân viên an ninh của tổng thống có mặt để kiểm tra lần cuối trước khi lên xe. Mọi người ai cũng hào hứng vì sắp được gặp tổng thống.
Sau hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe bus, chúng tôi đã đến được trang trại Broken Spoke. Một điều ngạc nhiên với tôi là ngay trước lối vào trang trại, một tốp người đang biểu tình chống chiến tranh ở Iraq. Dòng chữ “For what noble cause?” đập vào mắt tôi, nhắc nhở tôi nhớ về chiến tranh Việt Nam, nhớ về sự phức tạp của chính trị quốc tế, và cũng nhớ rằng dân ta chưa có quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình.
Sau khi nhân viên an ninh kiểm tra một lần nữa, chúng tôi vào được bên trong. Ba ông cao bồi Texas đang chơi nhạc country một cách say mê và hào hứng. Mọi người ai cũng vui và hứng khởi. Không phải ai cũng hân hạnh được tiếp chuyện với tổng thống. Tôi thực sự bất ngờ khi thấy hầu hết ban tham mưu của chính phủ Mỹ đều có mặt, có lẽ chỉ thiếu bà Condoleezza Rice. Chúng tôi liền tranh thủ nói chuyện với các dân biểu liên bang và các quan chức của chính phủ Mỹ về vấn đề Việt Nam.
Thống đốc bang Texas Rick Perry nói ông ủng hộ dân chủ ở Việt Nam
Hầu hết các quan chức của chính phủ Mỹ đều ngạc nhiên khi biết rằng Hoàng Lan và tôi chỉ là sinh viên du học từ trong nước qua Pháp học. Sau khi nghe trình bày về tình hình dân chủ ở Việt Nam, họ hết sức ủng hộ và hứa sẽ giúp đỡ phong trào dân chủ trong nước. Những việc cụ thể họ đang làm là giữ liên lạc thường xuyên với những nhà dân chủ chân chính trong nước, đồng thời họ đang đặt thêm điều kiện để thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Những điều kiện đó sẽ có lợi cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.
Trong số những quan chức đã gặp, tôi đặc biệt ấn tượng với thống đốc bang Texas là ông Rick Perry.
Với trang phục truyền thống cao bồi là quần jean và giày bốt, ông tỏ ra rất hào hiệp theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Ông nói rằng ông hoàn toàn ủng hộ dân chủ cho Việt Nam và ông sẽ hành động thật sự.
Sau khi nói chuyện hết với các quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, Hoàng Lan và tôi vào phòng đặc biệt để gặp gỡ và chụp hình với tổng thống George W.Bush và phu nhân Laura. Máy ảnh cũng như điện thoại di động của tôi đều phải để bên ngoài vì lý do an ninh. Vào trong, tôi hơi xúc động khi được tiếp chuyện với người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ. Ông ăn mặc giản dị theo kiểu cao bồi, còn phu nhân Laura thì rất duyên dáng với trang phục màu trắng. Là tổng thống của một nước lớn nhưng ông rất vui tính và hay đùa. Sau khi nói chuyện, đội chụp hình đặc biệt của tổng thống đã chụp cho Hoàng Lan và tôi với vợ chồng ông.
Lập trường
Sau đó, tổng thống Bush ra đọc diễn văn. Mọi người ngồi xuống và chăm chú lắng nghe.
Dù đã nhìn thấy ông hằng ngày trên truyền hình nhưng hôm nay tôi mới được trực tiếp nhìn thấy ông đọc diễn văn.
"Tôi mới hiểu không phải ngẫu nhiên mà nhân dân Mỹ chọn ông làm tổng thống đến hai nhiệm kỳ."
Ông nói rất say mê và mạnh mẽ mà không cần nhìn giấy. Đến lúc đó tôi mới hiểu không phải ngẫu nhiên mà nhân dân Mỹ chọn ông làm tổng thống đến hai nhiệm kỳ.
Ông nói đủ mọi vấn đề, từ các vấn đề của nước Mỹ như y tế, giáo dục, khủng bố,… đến các vấn đề quốc tế như cuộc chiến tranh Israel – Hezbollah, Afghanistan, Iraq,…
Sau khi kết thúc, mọi người liền chất vấn ông về mọi chuyện, từ chiến lược tranh cử của đảng Cộng Hòa trong mùa bầu cử sắp tới đến các vấn đề quốc tế. Tôi có cảm giác mọi người coi ông là tổng thống của thế giới chứ không phải là tổng thống của riêng nước Mỹ.
Đến khi được hỏi lập trường của chính phủ Mỹ về vấn đề dân chủ cho Việt Nam trước khi ông lên đường sang dự hội nghị APEC, trước mặt toàn bộ quan khách và báo chí, ông đã trả lời một cách rõ ràng như sau:
1. Những chế độ độc tài như Iran, Bắc Hàn,… cần phải chấm dứt (nguyên văn : unseated).
2. Kinh tế thị trường tự do sau khi Việt Nam vào WTO sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị.
3. Chính quyền Việt Nam muốn vào WTO thì cần phải tôn trọng luật chơi (fair-play) và tuân thủ công pháp quốc tế.
Như thế, cùng với nghị quyết 1481 của Hội đồng châu Âu, chính quyền Mỹ đã bày tỏ lập trường của mình về chính quyền Việt Nam hiện tại. Tôi nghĩ rằng công cuộc dân chủ hóa Việt Nam sẽ thuận lợi khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng quốc tế, trong đó có nước ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Việt Nam là Mỹ.
Công cuộc dân chủ hóa Việt Nam sẽ thuận lợi khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng quốc tế.
Nguyễn Tiến Trung
Sau khi kết thúc buổi nói chuyện, tổng thống Bush đã rời khỏi trang trại Broken Spoke và trở về Washington DC để lo công việc. Mọi người bắt đầu thưởng thức những món ăn đặc sản của Texas rồi lên xe trở về khách sạn Four Seasons. Kết thúc một buổi barbecue đáng nhớ.
Sau khi ra khỏi trang trại, trong đầu tôi vẫn miên man suy nghĩ :”Sự giúp đỡ của quốc tế là điều kiện tối cần thiết, nhưng nếu nhân dân Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng không ý thức được vấn đề dân chủ cho Việt Nam và không hành động thì không ai có thể giúp chúng ta cả.”
Những bạn bè của tôi trong Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ mà đa số là thanh niên, sinh viên trong nước và sinh viên du học đều đồng ý.
Chúng ta hãy làm hết sức mình để đất nước chuyển đổi, tiến lên theo thế giới văn minh một cách hòa bình. Tất cả vì sự phát triển của đất nước và dân tộc Việt Nam. Nhất định chúng ta sẽ thành công