Làng quê không còn đồng ruộng
Ngồi trong quán bia hơi giữa làng Lưu Trung, xã Lưu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), ông Hùng nhìn ra cánh đồng bỏ hoang thở dài: "Anh nông dân như tôi bây giờ ngồi nhìn cánh đồng mà thương bà con mình bắt đầu "ly nông", trong khi con em không có việc làm. Lo mai này không biết bấu víu vào đâu khi mấy chục triệu tiền đền bù ruộng đất sắp hết". Quán bia lâu lâu lại đón thêm những lão nông tri điền đến ngồi kèm theo tiếng thở dài như vậy.
Làng Lưu Trung mất cho dự án khu đô thị của Công ty Thăng Long hơn 200 hécta. Cả cái cánh đồng màu mỡ hôm nào giờ vắng tanh vắng ngắt. Người làng sau khi giao xong ruộng cho chủ dự án đã rút vào làng, người thì bươn trải tha phương kiếm sống, người lên thành phố chạy chợ "nằm vùng", lại đôi quang gánh lang thang khắp phố phường bán dạo...
Nhà ông Nguyễn Văn Phú có 3 sào ruộng được nhận bồi thường 57 triệu đồng, đem trả nợ cũ vay nuôi lợn bị lỗ mất hơn 40 triệu, số còn lại ông bảo chỉ đủ mua gạo cầm cự nửa năm là hết... Ông Hiển còn kể chuyện bà Cờ ở xóm Bắc vì nhà quá nghèo, có được mấy chục triệu không gửi ngân hàng mà định để sửa cái nhà. Ngặt nỗi nhà không tủ hòm gì, đem tiền giấu đống rơm đề phòng kẻ trộm. Ai ngờ, kẻ trộm cao tay rình cuỗm sạch, bây giờ thành ra trắng tay.
Anh Hưng - chủ quán bia hơi giữa làng - khẳng định rằng, 90% số nhà đem tiền xây nhà, mua xe cho con cái đi chơi. "Anh xem nhà nhà xây dựng, cát sỏi đổ đầy đường. Rồi thì nhà nhà tậu xe. Chiều chiều, đường vào làng cứ tắc nghẽn vì xe máy. Chuyện chưa bao giờ có ở làng quê này...".
Chủ một quầy hàng xén làng Lưu Trung tâm sự: Người nông dân ở nông thôn mà không ruộng đất, không nghề phụ thì hụt hẫng như người vừa đánh mất cơ nghiệp. Lại để con cháu lang bạt kỳ hồ với đủ nghề kiếm sống. Người có sức dạt lên Hà Nội bươn trải bằng nghề phụ hồ, thợ xây dựng. Hưng Yên bây giờ nhiều người ra tận vùng Quảng Ninh đào than, hết việc về Hòn Gai chạy xe ôm kiếm sống...
Cũng đồng đất Hưng Yên, nhưng người làng Phụng Công ở huyện Văn Giang bên cạnh thì đang cố cầm cự với Dự án khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang. Cái làng Phụng Công bao đời có nghề trồng cây cảnh đem về sự trù phú, giàu có cho làng, thế mà bây giờ, nông dân đành phải giao gần hết ruộng đất cho dự án đô thị của một công ty của Hà Nội. Trước mắt, người dân phải đối mặt với cảnh mất đất, thất nghiệp, còn chính quyền địa phương đứng trước bao nhiêu áp lực cả từ phía nhà đầu tư lẫn nông dân.
Trong chuyến rong ruổi mấy tỉnh đồng bằng, tôi ghé về Thái Bình - quê hương của những cánh đồng năm tấn, mười tấn khi xưa. Còn bây giờ, Thái Bình đang có những câu chuyện không vui về những cánh đồng không vụ, những khu ruộng không mùa.
Chưa bao giờ người Thái Bình lại quay lưng với đồng đất quê mình. Thế mà bây giờ họ vì phát triển công nghiệp đô thị, đã nhường hết những "bờ xôi ruộng mật" cho tỉnh làm công nghiệp. Công nghiệp đâu chưa thấy, nhưng đã thấy hàng trăm hécta cỏ mọc hoang hoá. Nhiều nơi thu hồi đất xong lại cho thuê trồng cây nuôi cá.
Cụm công nghiệp Đông La, huyện Đông Hưng lập ra mấy năm rồi, thu hồi bao nhiêu đất ruộng, nhưng rồi tại đây chỉ là những tổ hợp cỏn con đang tồn tại. Những tổ hợp đúc xoong nồi Bắc Dâu, hay Công ty xe máy Quý Đãn thực tế chỉ là một cửa hiệu mua bán sửa chữa xe máy tầm tầm... bởi mặt bằng họ thuê chỉ có... 0,1ha.
Còn cái công ty nọ tên thì nghe kêu ngất trời, nhưng thực tế thì chỉ là một... cây xăng. Cụm công nghiệp Đông La đã triển khai được vài năm nay, bây giờ, cát đã được đổ san lấp, nhưng rồi người ta phát hiện ra công ty thương mại nọ đứng ra thuê đất để... trồng cây ăn quả.
Còn Công ty Á Đông thì thuê đất rồi... đào ao nuôi cá. Lợi dụng thế đất nằm bên quốc lộ, nhà "đầu tư" đang định thuê đất để mở hàng ăn, hàng giải khát... Ruộng đất thu hồi để hoang cỏ mọc không chỉ có ở Đông La, mà cả Cụm công nghiệp Gia Lễ - Đông Năm. Sau mấy năm quy hoạch đổ cát lấp đầy, nay để cả trăm hécta cỏ lên xanh tốt. Khu công nghiệp Phúc Khánh và Nguyễn Đức Cảnh lúc quy hoạch đầy khí thế, nhưng đến nay mới chỉ thấy phủ được ít diện tích, còn lại vẫn là cảnh cỏ mọc đồng hoang...
Tại Khu công nghiệp Phúc Khánh, hơn một nửa diện tích giao cho Tập đoàn Đài Tín, nhưng đến hôm nay mới chỉ có vài doanh nghiệp vào đây, còn lại gần trăm hécta đất bỏ hoang không ai thương xót.
Cần những "dự án xã hội"
Lưu Xá (Hưng Yên) khi ruộng không
mùa.
Theo tài liệu của Hội Nông dân VN, mỗi năm có khoảng 200.000ha đất đai bị thu hồi, kéo theo 1,5 triệu nông dân mất đất, mất việc làm, thu nhập. Riêng khu vực Hà Nội, mỗi năm có từ 12.000 đến 15.000 lao động không có việc làm, mà phần đông trong số đó là người chưa qua đào tạo. Ở các thành phố lớn, nông dân vẫn còn có lối ra bằng các hoạt động dịch vụ, buôn bán nhỏ... Nhưng đối với khu vực nông thôn mà mất hết đất, thì nhiều vấn đề xã hội đặt ra, bức xúc và lâu dài...
Thiếu việc làm, thừa lao động dẫn đến nghèo đói, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, và dòng chảy dân cư đổ về các đô thị lớn sẽ làm cho các vấn đề xã hội càng trở nên nghiêm trọng. Chúng tôi có mặt ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang (Hưng Yên) khi nông dân ở đây đang lo lắng cho tương lai của mình, khi dự án khu đô thị du lịch Văn Giang lấy của dân ở đây gần hết đất canh tác với 220ha.
Đem câu chuyện hỏi ông Chủ tịch xã, được biết khu đô thị mới sẽ nhận con em Phụng Công và các xã vào làm. Nhưng khi trao đổi với người có trách nhiệm của Công ty Việt Hưng - chủ dự án - thì ông này nói rằng: "Chúng tôi sẽ tuyển người được đào tạo, theo tiêu chuẩn của công ty". Ơ dự án Việt Hưng, dân phản ứng thu hồi đất hàng loạt thì công ty này có "chiếu cố" cho cái "dự án liền kề", mỗi sào ruộng bị lấy sẽ được cấp mấy chục mét vuông đất cạnh khu đô thị để tương lai dân có đất làm dịch vụ.
Ông Chủ tịch xã Liêu Xá, Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cho biết: Chúng tôi hoàn thành việc thu hồi đất giao xong cho dự án. Riêng nông dân mất việc thì hiện chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo gì từ cấp trên. Nông dân sẽ tự lo liệu bằng nghề khác như dịch vụ, cho thuê nhà, hay đi làm công nhân... Đã từng có mấy dự án ở đây, nhưng con em người làng chưa mấy người lọt vào được. Mà có vào làm thì không tay nghề, lương rẻ mạt cuối cùng bỏ việc mà về. Tệ nạn xã hội bắt đầu tăng lên do thất nghiệp, thiếu việc làm.
Việc nông dân mất đất, bức xúc việc làm đã là vấn đề của nhiều tỉnh, thành. Hải Dương đi đầu trong đào tạo nghề cho lao động mất việc làm, nhưng chưa thể giải quyết đủ nhu cầu khi mà hàng vạn nông dân lớn tuổi không thể chuyển đổi nghề.
Tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành (Hải Dương), có một công ty hứa sẽ tuyển trên 1.000 lao động, nhưng cả xã mới chỉ có chưa đầy 50 người có trình độ văn hoá THPT đáp ứng yêu cầu. Xã Anh Dũng, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng giao 90% đất nông nghiệp cho dự án, dẫn đến số người mất việc làm lên tới trên 1.400 người. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã nêu thực trạng nóng bỏng ở địa phương và đề xuất những giải pháp cần thiết.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH từng phát biểu: Về vĩ mô, Chính phủ chưa có chính sách cụ thể về đào tạo, chuyển nghề cho nông dân bị mất đất sản xuất. Bộ trưởng cho rằng, hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề bằng cách đưa tiền cho họ tự lo là không ổn. Trong Nghị định 22 của Chính phủ có quy định, nếu mỗi nông dân mất hết đất thì phải hỗ trợ tạo việc làm với số tiền 3,6 triệu đồng. Làm gì với số tiền ấy khi đa số nông dân có tuổi, ít học, khó tạo việc làm?
Tình hình ngày một căng thẳng thêm, khi hàng loạt dự án thu hồi đất được thực hiện mỗi năm, mà chưa có địa phương nào mạnh dạn lập các "dự án xã hội" buộc các nhà đầu tư gánh bớt hệ quả xã hội để cân bằng với phát triển. Nên chăng có quy chế đi liền với các dự án phát triển kinh tế, rằng nơi nào chưa sẵn sàng chuyển đổi nghề cho nông dân thì chưa được thu hồi đất cho dự án. Phía các nhà đầu tư, cần đầu tư cho các "dự án xã hội" trước, thay vì lo thu hồi đất nhanh rồi có khi để... cỏ mọc.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường từng bức xúc: "Việc sử dụng đất hiện nay còn quá lãng phí. Chúng ta thu hồi đất làm các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, nhưng rồi bỏ đó. Thu hồi đất đai rồi để đó, cần chỉ ra trách nhiệm của ai? Dù quy hoạch sử dụng đất địa phương đã được duyệt, nhưng kiểm tra thấy "treo" thì có thể kiến nghị Chính phủ tạm dừng quy hoạch sử dụng đất của địa phương đó để điều chỉnh...".
Nguyên nhân cơ bản của nạn thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn là do họ chưa được đào tạo cơ bản, chưa tạo nghề để họ có cơ hội tìm việc làm tại các cơ sở công nghiệp, dịch vụ... Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu đô thị dàn trải, xây dựng kéo dài, đầu tư kém hiệu quả cùng với nạn tham nhũng, lãng phí phổ biến... đã ảnh hưởng tới vấn đề lao động việc làm cho nông dân.
Tại sao không giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân? Không nên thu hồi hết đất của một làng, một xã. Hãy để cho nông dân có cơ hội chuyển đổi dần cơ cấu kinh tế, ngành nghề, để họ có thể làm giàu tại quê hương mình. Đó cũng là cách góp phần hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Cần những dự án xã hội cho nông dân mất đất. Các nhà đầu tư không thể đứng ngoài cuộc. Hãy đặt thêm điều kiện cho các nhà đầu tư trước khi tiến hành thu hồi đất và giao đất...
Bài viết này nói hộ một phần cảm nhận của mình khi về Việt Nam đợt vừa rồi. Có vô số việc có thể làm và phải làm, Việt Nam chưa thể là môi trường để sản sinh ra những Bill Gate, hãy nhìn vào đa số người dân còn chưa biết làm gì, hãy dẫn họ đi. Phải có một đội ngũ những người dấn thân quyết đoán nhưng không nóng vội... Hãy cho họ cái cần câu chứ đừng cho cá .
Người nước ngoài đang khai thác những nguồn nhân lực ngon lành nhất hiện có bằng cách trả lương cao, và cũng đang khai thác nguồn lao động trẻ với giá cả rất thấp...Đừng làm thuê cho công ty nước ngoài nếu chỉ nghĩ đến đồng lương mà họ trả cho mình. Không có gì quý hơn độc lập tự do... Học của họ kinh nghiệm vài năm rồi độc lập, hoặc lăn lộn về VN để độc lập