Anh em đăng bài viết tuyên truyền tư tưởng Đông Du của Thầy nhé.
Huân
----------------------------
SUY NGHĨ VỀ NGƯỜI ĐÔNG DU
Thầy hiệu trưởng gửi đến Tập thể Sinh Viên Đông Du tại Nhật bài viết về mục đích, ý nghĩa của con đường Đông Du và những tiêu chuẩn, tư cách của một ngườiĐông Du. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu hơn về tâm nguyện của Thầy, tư tưởng Đông Du, cũng như mục đích của việc cải tổ Đông Du trong thời gian tới.
Đông Du nói ở đây, trước hết là chính Trường Nhật ngữ Đông Du, chính các Thầy Cô Nhân viên của Trường, chính bộ máy Quản lý Điêu hành Trường, tiếp đến là những gì liên hệ tới Chương trình Du học Đông Du, là các Sinh viên đang du học tại Nhật dưới danh nghĩa Sinh viên Đông Du, là Tổ chức đại diện, điều hành tập thể Du học sinh Đông Du, và cả với các bạn sinh viên đã du học, đã thực tập xong, đã về nước, nếu hãnh diện giới thiệu với người khác rằng mình xuất thân từ Đông Du.
Bài này viết cho tập thể Sinh viên Đông Du đang du học tại Nhật, nội dung sẽ tập trung quanh những đối tượng này. Trước tiên, Đông Du là gì ?
Đông Du là một danh từ lịch sử, mang ý nghĩa yêu nước, du học để về xây dựng quê hương. Trường Nhật ngữ Đông Du vì lý tưởng đào tạo nhân tài xây dụng Đất Nước qua việc gửi sinh viên đi Nhật du học, đã sử dụng tên gọi Đông Du để nêu rõ mục đích, lý tưởng của mình, đồng thời cũng để các thành viên, nhất là các bạn sinh viên đang hay đã trưởng thành từ Chương trình Du học Đông Du đừng quên trách nhiệm của mình: học tập và trở về phục vụ Đất Nước.
Sinh viên Đông Du đang học tập, hay đã hoàn tất công việc học tập tại Nhật, đã đến với Trường vì lý tưởng Đông Du, hay ít nhất cũng đã chấp nhận lý tưởng này, và hứa với Trường là sẽ sống theo lý tưởng học tập để xây dựng Đất Nước. Đó là tại khởi điểm xuất phát, khi vào Đông Du, khi nhận sự đào tạo của Đông Du, và khi lên đường du học.
Nhưng nay thời gian đã trôi qua, mọi người đã thấy rõ nội dung, bản chất các hoạt động của Trường, đã nhận định một cách tương đối rõ ràng về Trường, có quyền đưa ra những quyết định của riêng mình. Hoặc là, vẫn giữ vững niềm tin ở lý tưởng Đông Du, muốn tiếp tục sống theo lý tưởng mình chọn, muốn tự hào rằng mình là một thành viên của Đông Du, hiện tại tuy chưa đóng góp được gì cho quê hương, nhưng lòng luôn luôn nhớ trọng trách này và nguyện sẽ thực hiện. Hoặc là, thấy lý tưởng Đông Du không thực tế, không hiện thực, và không hợp với mình, với nhân sinh quan mới của mình, gò bó không cho mình tiến bước theo những gì mình đang toan tính , thấy rằng mình có thể bị lợi dụng trong tương lai ( cũng có thể đang bị lợi dụng không chừng) nhân dịp này muốn cắt dứt những gì dính líu tới quá khứ, khi mình còn yếu ớt cần có sự giúp đỡ nhưng nay thì chẳng còn thua ai . . .) hãy can đảm nói ra quyết định của mình để thoải mái, khỏi băn khoăn thắc mắc, mình là người độc lập, tất cả vinh quang đang có là do tài ba, sự khổ cực của mình tạo ra. . . Hãy nói rõ quyết định của mình, vì mình và vì người khác nữa. Quyết định của mình có thể làm người khác không vui, nhất là những người đã tin và giúp đỡ mình, nhưng những người này rồi cũng phải chấp nhận những thực tế phũ phàng này thôi, họ cũng sẽ quên đi, để lòng họ thanh thản hơn, để khỏi phải chờ đợi, để có thể dồn tâm trí vào những đối tượng mới . . . Quyết định của mình cũng giúp người khác phân định rõ ràng đâu là những người cùng tâm huyết lý tưởng để cùng nhau tiến bước trong tương lai.
Đã đến lúc chín mùi, chúng ta nên đưa ra quyết định: MÌNH CÓ LÀ NGƯỜI ĐÔNG DU HAY KHÔNG ?
Là người Đông Du thì phải sống hướng tới lý tưởng của Đông Du, chứ không phải chỉ vì đi du học qua con đường Đông Du.
Các em sinh viên mới tới Nhật, đã có thể sống tự lập, hãy tự xét lại lý tưởng Đông Du rồi quyết định. Các em đã vào Đại học rồi, cũng nên dành ít phút suy nghĩ xem ly tưởng Đông Du tốt hay xấu, đối với mình còn thích hợp nữa hay không, có phải là một lý tưởng đàng hoàng để tin theo, để phấn đấu, hay gò bó, ràng buộc mình, cũng nên quyết định rõ.
Chắc chắn không phải 100% anh em đi du học Đông Du sẽ đồng ý nhận mình là người Đông Du đâu. Nhưng ít nhất chúng ta nên biết ai là người đồng tâm huyết với mình, để cùng nhau bàn bạc tương lai, để thay Thầy dẫn dắt các đàn em, để tiếp nối công việc Thầy đang làm , vạch ra những kế hoạch tương lai để cùng nhau thực hiện lý tưởng.
TIÊU CHUẨN, TƯ CÁCH SINH VIÊN ĐÔNG DU
Sau đây là tiêu chuẩn của sinh viên Đông Du. Mọi người hãy so sánh với bản thân mình, để khẳng định mình có phải là sinh viên Đông Du hay không. Đây cũng là tư cách của con người Đông Du mà xã hội đánh giá: “ Người Đông Du là những con người như vậy đó”, hay nói rõ hơn, đây là những đặc điểm của những người Đông Du. Ngoài xã hội, người Đông Du hãnh diện được xã hội hiểu như vậy, là những người đáng tin cậy, những người có tư cách, những người yêu nước. Người Đông Du không cần dài dòng giải thích về cá nhân mình, về trí tuệ, kiến thức, về nhân cách , về tác phong phương châm sống, . . . mọi người thầm hiểu. Tên gọi Người Đông Du khiến chúng ta an tâm giao tiếp, gần gũi ngay từ lần gặp đầu tiên.
Người tự nguyện, thành tâm sống theo lý tưởng Đông Du là Người Đông Du , bất kể họ có đi du học qua Chương trình Du học Đông Du hay không. Tuy nhiên vì bài này viết cho đối tượng là các sinh viên đang du học tại Nhật của Trường Nhật ngữ Đông Du, nên sẽ đề cập cụ thể tới những thành phần hiện hữu.
Thành phần của Tập thể Đông Du hiện có là sinh viên đang học Nhật ngữ, sinh viên đang học tại các đại học, trường Chuyên môn của Nhật (gồm cả SV cao học), những người đã học xong đang thực tập, làm việc trong các xí nghiệp tại Nhật.. Sau đây là chuẩn mực để mọi thành phần tự đánh giá mình.
1/-CHUẨN MỰC ĐẦU TIÊN : Có chấp nhận và tự nguyện sống theo lý tưởng Đông Du hay không ?
2/-CHUẨN MỰC VỀ HỌC TẬP : Có ý thức và đang thực hiện trọng trách đi du học để học tập hay không? Hàng ngày đã nỗ lực hết mình để học tập chưa? Hằng ngày có đi học Nhật ngữ đều đặn hay không, có chuẩn bị luyện thi vào đại học chưa? Tại Đại học, nhiều người gặp khó khăn về tài chánh, về thời gian học, nhất là những năm đầu chưa có học bổng , nhưng ta vẫn chăm chỉ đi học đều , về nhà có đọc thêm sách , và có hiểu rõ nội dung các bài giảng hay không, . . . Có tự tín rằng mình thực sự đang học hay không? Cũng nên nhắc nhở đừng quá chủ quan, nghĩ rằng học tại đại học Nhật quá dễ dàng , nếu không phải là mình ngộ nhận , hay quá ngây thơ không hiểu nội nội dung kiến thức mới của các bài giảng, để rồi khi nhận biết được thì đã quá muộn màng.
3/-CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC : Tới nay chúng ta chuyên tâm học hành để lên lớp, để thi đậu, để được đi du học, để vào đại học, để có học bổng, chưa để ý tới việc rèn luyện đạo dức, nhân cách. Chung quanh ta có nhiều người khiến ta yêu quý mến phục, ta nên cố gắng học hỏi, bắt chước họ, để ta cũng được người khác quý mến, kính trọng, và thành công ở đời. Ta có ý thức chuyện rèn luyện đạo đức , nhân cách hay chưa ?
4/- CHUẨN MỰC YÊU NƯỚC : Chúng ta có tự hào là người Việt nam kiêu hãnh về lịch sử, về cha ông , về Đất Nước mình hay không ? Chúng ta đã làm gì cho Dân tộc và Đất Nước mình ? Chúng ta có biết rằng đồng bào chúng ta đang phải sống cơ cực không đủ ăn, đủ mặc, không được học hành tử tế, kinh tế Việt nam đang lạc hậu ? Chúng ta có ý thức được việc các cường quốc kinh tế đang nhòm ngó, chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên giầu có của Việt nam để làm giàu cho họ, để lại những ô nhiễm lâu dài cho nhân dân chúng ta phải gánh chịu hay không ? Ban được ưu đãi, sống sung sướng, trong khi đống bào của bạn đang cơ cực, trong khi dân tộc , đất nước bạn đang sống không có tương lai ? Bạn có nghĩ tới trách nhiệm của người dân Việt hay không ? Nghĩ rồi bạn sẽ làm gì ? Bạn có nghĩ vì sao bạn được mọi người giúp đỡ đi du học để có được trí thức, quyền lợi như hiện nay, đó là vì hy vọng rằng bạn học cao, nhìn rộng, biết được bổn phận của một người công dân sẽ trở về xây dựng cho quê hương đất nước, chứ không phải vì hạnh phúc ích kỷ của bạn. Vậy bạn có luôn luôn nghĩ tới đồng bào, đất nước mình không ? Tương lai bạn có muốn đóng góp gì cho quê hương bạn giàu đẹp, hạnh phúc hơn không? Thấp thỏm thấy mình còn nợ quê hương quá nhiều, và nhủ lòng sẽ phải đóng góp những ngày sắp tới. Nghĩ thế là đủ, bạn vẫn là người yêu quê hương, là người Đông Du. Cụôc đời còn dài để chứng tỏ lòng mình.
5/- CHUẨN MỰC VỀ LỐI SỐNG : Chúng ta là thanh niên, tràn đầy nhiệt huyết, nên luôn luôn làm việc hăng say, sống hết mình. Kỳ vọng xã hội Việt nam sẽ tốt hơn, người người trung thực ngay thẳng, chúng ta phải là những gương mẫu cho người khác noi theo. Chúng ta dẫu có học cao, giàu có quyền lực đến đâu đi nữa vẫn phải khiêm tốn, đối xử bình đẳng dân chủ với mọi người. Đó là cách sống của con người Đông Du
6/-CHUẨN MỰC ĐỐI VỚI NỘI BỘ : chính là đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta đã làm gì để giúp các em học tập, sinh hoạt , tiếp sức cùng Thầy dẫn dắt đàn em chưa ?
7/- CHUẨN MỰC TIẾT KIỆM BIẾT LO XA : Con đường trước mắt còn nhiều chông gai không lường hết trước được. Có tiền (do làm thêm như đi phát báo), chúng ta còn nhớ cảnh khó khăn của gia đình mình, của quê hương mình mỗi lần chi tiêu hay không. Có biết chuyện mình sẽ cần một số tiền không nhỏ khi vào đại học hay không ? Là người con hiếu thảo, nhớ thương bố mẹ, gia đình, biết lo cho tương lai, hãy cố gắng tiết kiệm trong tiêu pha, để có khoảng 70 tới 100 vạn yên sau hai năm học Nhật ngữ.
Trên đây là 7 tiêu chuẩn để từng người tự xét xem mình có xứng đáng là Sinh viên hay không.
Viết ngày 13 tháng 5 năm 2009
Thầy
Nguyễn Đức Hòe