Chợ Viềng năm có một phiên
Em đi trẩy hội chợ Viềng vui Xuân
Chợ Viềng đã đi vào ca dao, thơ ca của vùng đồng quê Vụ Bản. Điều khá độc đáo, dân Vụ Bản thích thú được đi chơi chợ ngày xuân, trong đó có chợ Viềng:
Mồng một ăn Tết ở nhà
Mồng hai chơi điếm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mồng sáu chợ Gôi
Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi
Đến ngày mồng tám đi chơi chợ Viềng.
Chợ Viềng chính thức mở ngày mồng tám tháng giêng, mở đầu cho mùa sản xuất mới. Xưa kia Tết Nguyên Đán thường kéo dài đến mồng bảy mọi nhà mới làm lễ hạ nêu. Bước sang ngày mồng tám, bắt đầu ngày lao động của một năm mới, mọi người đều đi chợ Viềng để “cầu may” trong sản xuất, làm ăn buôn bán quanh năm. Mặt khác đây cũng là một thú vui của dân Vụ Bản, nhất là thanh niên nam nữ:
Tháng giêng là tháng giêng xanh
Hội hè hò hẹn làm thành tháng giêng
Mỗi giêng chỉ có một Viềng
Của làng hay chỉ của giêng chúng mình
Để cầu may đầu năm, nhiều người muốn được mua hàng ngay từ những giờ phút đầu tiên của ngày mồng tám nên tối ngày mồng bảy rạng ngày mồng tám rất đông người đã đi chơi chợ Viềng, nhất là dân chúng vùng Thanh Hoá. Họ gọi là đi chợ “âm phủ”, mua hàng vào lúc nửa đêm rạng ngày mồng tám để mong các Mẫu và các vị thần linh phù trợ. Do đó chợ Viềng thực ra đã bắt đều từ đêm mùng bảy Tết. Gần đây, Ban tổ chức Hội cho tổ chức chợ Viềng từ ngày mồng bảy, nhưng hội vẫn chỉ đông nhất vào ngày mồng tám mà thôi.
Chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên, mang tính chất “hội chợ” truyền thống, đậm đà tính chất vui xuân mang sắc thái văn hoá dân gian, nhưng cũng mang sắc thái tín ngưỡng dân gian của dân cư nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ. Do đó chợ Viềng có ý nghĩa như chợ thần tiên trên trời nên chữ nôm tên chợ Viềng viết chữ Thiên trên, chữ Thượng dưới. Chợ Viềng có từ bao giờ? Điều đó chưa ai khẳng định, nhưng theo các cụ phụ lão, chợ Viềng trước đây chỉ diễn ra ở khoảng đất trống trước cổng đình ông Khổng đến cửa Phủ Giày Tiên Hương mà thôi. Tương truyền có gắn liền với việc thờ ông Khổng Lồ Nguyễn Minh Không, ông tổ đúc đồng, nên trước đình ông Khổng thường bày đồ đồng, đồ sắt để bán. Đồng thời cũng phát triển mạnh các giống cây trồng vào dịp mùa xuân được bày bán la liệt tại chợ. Chợ Viềng họp đông vui tấp nập trước cửa phủ Tiên Hương nên cũng còn hay gọi là chợ Phủ hay chợ Viềng Phủ. Chợ chia thành khu vực bán các sản phẩm. Đây thực sự là một hội chợ phong phú của một miền quê nông nghiệp giàu sản vật, một loại hội chợ “đấu xảo” sinh động ngoài trời trưng bày, giới thiệu, trao đổi những sản phẩm nông nghiệp do bàn tay nông dân làm ra, cũng như những sản phẩm thủ công tinh xảo, từ đồ dùng sinh hoạt đến công cụ lao động bằng đồng bằng sắt, từ đồ tế lễ thờ tự đến đồ trang trí, trang sức, mỹ nghệ đồ chơi cho trẻ nhỏ v.v…
Trước cửa đình ông Khổng đồ đồng Tống Xá nổi tiếng của đất Ý Yên bày cạnh các đồ đồng cổ xưa. Khách tha hồ ngắm chọn đỉnh, lư, trầm, lộc bình, cây nến, bình hương, con hạc, cồng chiêng, mâm, thau, nồi đồng… Bên cạnh là một dãy hàng sắt đầy ắp cào, cuốc, dao, kéo của làng rèn Bảo Ngũ (Quang Trung) xen lẫn lưỡi cày Tống Xá nổi tiếng sắc bền, gần đây lại thêm các đồ gia dụng bằng sắt, tôn, nhôm, v.v.. sáng cả một góc chợ.
Tiếp đến là dãy đồ mộc, đồ mây tre đủ loại. Đồ mộc La Xuyên từ ỷ ngai , mâm bồng, cây nến, đồ thờ tự đến giường tủ , bàn ghế đủ kiểu. Đồ sơn mài ngai, ỷ, khám thờ, tứ bình cho đến cơi trầu, giỏ ấm v.v… của làng Hổ Sơn, Cát Đằng bày la liệt. Đồ tre Từ Vinh (Ý Yên) với đủ loại sạp, giường, chõng, bàn ghế bằng tre hun vừa đẹp, vừa chắc lại vừa rẻ tiền bày bên cạnh hàng lồng bàn, đòn gánh Thanh Hoá, rổ giá nong nia làng Hồ Sen chiếm gần góc chợ.
Sặc sỡ nhất thu hút nhiều khách hàng nhất là bãi đất và sân phủ bày cây giống hoa quả, từ cây cảnh, hoa chậu đến cành cây chiết, gốc cây ghép, nhiều nhất là cây tùng cây bách, phong lan, linh tiêu, thuỷ tiên, đỗ quyên, hải đường, rồi đến các loại cây ăn quả như cam, chanh, hồng, táo, cau dừa, các giống hoa quý hiếm.
Thanh niên nam nữ và nhất là trẻ nhỏ quây quần bên các quầy bán đồ trang sức vòng cổ, vòng tay bằng bạc, các chuỗi hạt thuỷ tinh, hoa tai, nụ gấm, xà tích, ống vôi… Các cháu nhỏ thích sà vào các hàng bán các giỏ đan nan xanh đỏ để bỏ hoa quả, những chiếc cũi lợn đan bằng nan trong đó nhốt chú lợn bằng bột bánh nướng vàng ươm. Các cháu đòi bà, đòi mẹ mua cho bằng được. Lại còn hàng bày la liệt dưới đất các con tò he bằng đất ngậm kèn, đưa lên miệng thôi “toe toe”, rồi đến tượng ông phỗng, lợn đất sau lưng có rạch khía để bỏ tiền tiết kiệm, ai trông thấy cũng thích.
Chợ Viềng có một quang cảnh độc đáo nữa là một dãy quán bán thịt bê thui, một đặc sản khó quên của chợ Viềng. Các cụ già lâu ngày gặp nhau, cũng như khách hàng tỉnh quần áo sang trọng đều kéo vào quán nhắm tái bê chấm tương gừng vừa thơm vừa ngọt, đưa cay với rượi làng Hầu nổi tiếng của đất Vụ Bản. Mọi người chuyện trò râm ran, khi ra về không quên mua thêm một miếng thịt bê thui treo lủng lẳng trên đòn gánh sứ Thanh cong cong bền dẻo, đem về làm quà cho cả nhà. Bánh dầy Gôi, xôi nén làng Báng cũng được bán khắp nơi, làm quà lót dạ cho khách trẩy hội. Một sản vật quý nữa của chợ Viềng là nhiều hàng bán mía “đường trèo”, loại mía vỏ vàng xanh, cây cao, cứng mà lại ngọt. Khách trẩy hội thường mua để chống khi lên các đền phủ trên núi cao dốc cho đỡ mệt và khi khát thì ăn mía. Loại mía này thường được đem ở sứ Thanh ra. Còn tại sao gọi là mía “đường trèo” thì ít người biết, có người gọi lện là mía “phường chèo”. Nhưng hầu như ai trẩy hội cũng mua mía “đường trèo” về làm quà.
Chợ Viềng đông vui tấp nập suốt cả ngày. Người dân náo mức đi chơi chợ Viềng, dạo xem phong cảnh, mang theo tâm thức trở về với thiên nhiên, với các Mẫu các mẹ của núi non, của trời mây non nước, của đất đai màu mỡ, người tứ xứ trẩy hội chợ Viềng không phải chỉ mua vật dùng, cây giống mà họ muốn cầu xin được các Thánh Mẫu của mọi miền vũ trụ phù trợ cho họ khoẻ mạnh, hạnh phúc, họ mua họ bán đều để cầu được may mắn trong cuộc sống. Trai gái thanh lịch thích hội hè để giao lưu tình cảm nhất là trong dịp đầu xuân. Họ mong sao:
Giá năm có mấy tháng giêng
Mỗi giêng năm bảy lần Viềng em ơi!