...9 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi đại đội xe tăng chúng tôi bắn cháy chiếc xe M48 của địch trên cầu Sài Gòn, toàn đơn vị quyết định vượt cầu nhằm hướng Dinh Ðộc Lập lao tới.
Thú thật lúc này tôi cũng chưa biết Dinh Ðộc Lập nằm ở đâu. Tôi nhớ lại trước đó, tại khu tập kết chiến dịch trong rừng cao-su miền Ðông, Chính ủy Lữ đoàn Bùi Văn Tùng giao nhiệm vụ cho chúng tôi trên bản đồ du lịch Sài Gòn, và dặn thêm: "Qua cầu Thị Nghè, đến ngã tư thứ tư thì rẽ trái chạy thẳng sẽ tới Dinh Ðộc Lập".
Suốt chặng đường tiến vào Dinh Ðộc Lập, xe tăng 843 do tôi trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu, tiếp sau là xe 390 của Chính trị viên đại đội Vũ Ðăng Toàn. Xe tăng 843 tiến đến trước hàng rào Dinh Ðộc Lập húc thẳng vào cổng phụ ngay bên cạnh cổng chính, xe dừng lại. Ngay sau đó xe 390 xông lên húc đổ cổng chính Dinh Ðộc Lập. Cánh cổng sắt bung ra, xe tôi cũng lao vào bên trong sân trước. Trong Dinh Ðộc Lập vẫn không thấy có sự phản ứng gì.
Nhớ đến nhiệm vụ mà Chính ủy Lữ đoàn đã giao là đơn vị nào vào trước có quyền cắm cờ và bắt nội các Dương Văn Minh, tôi liền giao lại quyền chỉ huy xe cho đồng chí Thái Bá Minh (là pháo thủ). Tôi rút cần ăng-ten của xe, trên có lá cờ giải phóng, lá cờ đã theo xe tôi trong suốt chiến dịch, lập nên bao chiến công oanh liệt. Tôi chỉ kịp nói với các đồng đội trên xe: "Nếu 10 phút nữa không thấy tôi ở cột cờ thì còn một viên đạn nữa bắn nốt vào Dinh". Tay phải tôi cầm lá cờ quấn vào cần ăng-ten chạy thẳng vào Dinh Ðộc Lập. Lên đến cầu thang, tôi mới cảm thấy lạnh sườn, đi có một mình, trong tay không có vũ khí. Lúc này, lựu đạn, súng ngắn, AK tôi đều để lại trên xe. Nhưng để chớp thời cơ, tôi lao thẳng lên tầng 2. Một nhân viên của ngụy quyền Sài Gòn ra mở cửa, tôi nắm chắc lấy tay y, nói gấp:
- Cho gặp Dương Văn Minh ngay.
- Vâng, vâng... để tôi vào báo Tổng thống - giọng y run run.
Một lát sau, Dương Văn Minh ra, tôi nghĩ, túm lấy tay này là chắc nhất. Tôi dùng sức mạnh bình sinh nắm lấy cổ tay ông ta, quát to "Dẫn lên cột cờ ngay", vừa để trấn áp viên Tổng thống vừa để trấn an mình, bởi lúc đó, tôi chỉ là một thanh niên, một Ðại đội trưởng xe tăng, tay không lọt vào sào huyệt của kẻ thù. Tôi nghe Dương Văn Minh nói tiếng được tiếng không về bàn giao chính phủ gì gì đấy. Tôi không quan tâm mà tiếp tục đề nghị dẫn tôi lên cột cờ ngay. Dương Văn Minh gọi người nhân viên gặp tôi lúc trước dẫn tôi lên cột cờ.
Cánh cửa thang máy vừa mở ra, tôi lao thẳng đến cột cờ, kéo dây hạ cờ ba xọc xuống. Do buộc quá chặt, cứ khoảng 20 cm lại có một móc sắt, tôi lần gỡ được hai móc, sốt ruột quá liền đưa răng vào cắn mép trên xé rách lá cờ. Tôi rút cờ Giải phóng ở cần ăng-ten ra buộc vào, kéo lên. Lá cờ giải phóng bay phần phật trên nóc Dinh Ðộc Lập trong bầu trời ngập nắng của thành phố Sài Gòn. Tôi hạ cờ xuống, lấy bút máy Trường Sơn mang theo ghi vào góc dưới lá cờ dòng chữ: "11h30' ngày 30/4/75", bên dưới ghi thêm chữ Thận rồi lại kéo lá cờ lên. Tôi vo tròn lá cờ ngụy lại, đem xuống nhét vào hòm kính xe tăng. Sau này giao lại cho cán bộ bảo tàng nhà nước.Trong giờ phút linh thiêng này, tôi lại nhớ về quê hương nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, đó là mảnh đất vùng duyên hải Thái Bình ngày đêm ì ầm tiếng sóng biển xô bờ.
Vâng ,thưa các bạn,người SG vẫn tự hào về dinh Độc Lập thì cũng nên biết về người lính đã cắm lá cò VN lên nóc dinh chứ!!!!!!!Ông chính là Bùi Quang Thận
Người được chọn cắm cờ cũng là người có đầy những kỳ tích, cũng như người bay vào vũ trụ sau này phải là anh hùng Phạm Tuân, người đã bắn cháy B52, và cái máy bay Mỹ thứ 4.000 cũng phải rơi ngay trên đất tổ 4.000 năm lịch sử của Vua Hùng. Nhưng rồi chiếc xe tăng chở lá cờ lớn được chuẩn bị rất kỹ ấy lại đi lạc, rồi lại phải đánh nhau rất dữ dội ở mãi ngoài Dinh. Và rồi Giời đã thay người cắm cờ ấy bằng anh lính nông dân Thái Bình Bùi Quang Thận. Mọi việc anh Thận làm đều rất giản dị. Khi dứt lá cờ nguỵ, thoạt đầu anh định ném xuống sân. Nhưng nhìn lại, thấy vứt đi phí quá. Cái cờ chẳng ra quái gì, nhưng vải rất tốt, dày đến mức có thế làm chăn đắp được. Thế là anh cuộn lại, định bụng mang về quê, dùng để lót ổ thay cho rơm rạ hay lá tre khô. Sau này lịch sử cần biết đích xác người cắm cờ. Lúc ấy mới hay là có quá nhiều người cắm cờ. Sự thật thì họ đều cắm cờ cả. Nhưng cắm ở tiền sảnh, ở góc nhà, ở rất nhiều nơi xung quanh Dinh Độc Lập và ở ngay cả chính Dinh Độc Lập. Nhưng ai là người cắm lá cờ trận mạc, lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc Dinh kia. Thì tôi cắm đấy mà. - Bùi Quang Thận trả lời thật giản dị. Vậy thì bằng chứng đâu? Phải có gì làm bằng chứng chứ. Lịch sử vốn cần chính xác và cụ thể. Ai bắt Dương Văn Minh? Ai thảo thư đầu hàng cho Tổng thống nguỵ? Sau này cũng phải xác định mãi. Có đến cả mấy cuộc hội thảo khoa học rồi mà vẫn chưa kết luận được đích xác sự việc ấy. Bùi Quang Thận chợt nhớ đến cái lá cờ của địch mà anh cuộn lại, định mang về quê Thái Bình trải ổ. Người ta khớp vết xé với những nút sắt buộc trên cột cờ mới nhận ra anh. Còn anh thì cười hiền lành: ối dào, có gì đâu. Tôi chẳng nghĩ gì khi làm điều đó. Đấy là một việc rất đỗi bình thường của một người lính trận. Anh nào trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như tôi. Đơn giản thế thôi. Có gì mà các bố cứ lằng nhằng rắc rối cho nó hoá to chuyện?.