Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam Người ta quen gọi bà là “ma dam Bình”. Một nữ chính khách đẹp người, đẹp cả phẩm cách. Trong sự hiện diện không nhiều những gương mặt của các nữ chính khách việt Nam thế kỷ 20, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN, Bộ trưởng Giáo dục, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng ban Đối ngoại T.W Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam là một gương mặt đặc sắc gây ấn tượng, một nhà hoạt động chính trị - xã hói lớn. Bà chính là hậu duệ của nhà chí sĩ yêu nước nối tiếng Phan Chu Trinh.
Bà sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Quảng Nam. Ông nội là nghĩa binh trong phong trào Cần Vương, ông ngoại là nhà chí sĩ nổi tiếng Phan Chu Trinh. Từ nhỏ, bà đi học ở Trường Lycée Sisowath, được học tiếng Pháp và học rất khá. Nhưng bà mẹ, thân sinh ra bà mất quá sớm, lúc 40 tuổi, khi bà mới 16, chị cả của 5 đứa em. Hoàn cảnh đó sớm tạo nên tính cách nổi bật, quán xuyến, một điểm nhấn sâu sắc, giúp bà trưởng thành và thành đạt
Nền tảng văn hoá, chí khí và truyền thống yêu nước của gia đình dường như đã ngấm vào máu thịt bà từ rất sớm. Năm 1945, vừa hết tú tài phần I bà đã bắt đầu các hoạt động yêu nước: Cứu tế nạn đói, tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn, chuyển vũ khí ra chiếnkhu năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, bà bị bắt, bị tù tại khám Chí Hoà.
Năm 1954 vừa ra tù, bà tham gia vào phong trào hoà bình đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, cuối năm 1955, tổ chức điều bà ra Bắc. Có vốn ngoại ngữ (tiếng Pháp) tốt, có trình độ và thực tiễn hoạt động chính trị, có kinh nghiệm vận động, tuyên truyền nhân dân, truyền thống gia đình yêu nước, năm 1962, tổ chức quyết định cử bà trở lại miền Nam làm Uỷ viên TƯ MTDTGPMN, hoạt động mảng đối ngoại. Cuộc đời chính khách của bà bắt đầu thật sự từ đây. Lúc đó, bà không nghĩ rằng đó chính là giai đoạn tập sự hữu ích cho những hoạt động ngoại giao sau này - khi năm 1968, bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời CHMNVN, Trưởng đoàn đàm phán của MTDTGPMN tại Hội nghị Pari về Việt Nam.
Những năm tháng đàm phán, hình ảnh “ma dam Bình” thật sự gây ấn tượng khi xuất hiện trên các trang báo phương Tây, bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi dí dỏm ví von, làm thế giới nể trọng, nhân dân ta nức lòng. Cùng với chiến trường, bà góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi của cuộc "đấu trí" lớn chống kẻ thù xâm lược và bán nước.
Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết. Bà trở về, tiếp tục công việc Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ CM lâm thời CHMNVN. Năm 1976, bà được giao trọng trách Bộ trưởng GD. 11 năm điều hành cả bộ máy GD chuyển động đi lên cùng kinh tế - xã hội đất nước, con người vẫn luôn là mối quan tâm đặc biệt của bà. Chính trong giai đoạn này, với sự tham mưu của bà và các đồng sự, Nhà nước đã có nhiều chính sách ghi nhận và khẳng định vị thế nhà giáo. Đó là cải tiến thang lương, tính thâm niên cho giáo viên, thực hiện chính sách đề bạt cán bộ nữ, tôn vinh Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, tôn vinh các danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, ghi nhận sự cống hiến thầm lặng của hàng vạn, hàng nghìn nhà giáo có danh và vô danh.
Lo cái lo chung của giáo dục. Nếu như ngoại giao, chính trị, là trí tuệ sắc bén của bà, thì giáo dục là con tim, là tấm lòng của bà. Đó cũng là lý do vì sao giáo dục để lại nơi bà một dấu ấn sâu đậm. Ai cũng cảm nhận được điều đó, kể cả khi bà trở về với trọng trách ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng ban Đối ngoại Tư Đảng (1987), và khi bà giữ trọng trách lớn hơn, Phó Chủ tịch nước (1992)
Giờ đây, mặc dù bà đã ở tuổi 80, nhưng trí tuệ vẫn mẫn tiệp, phong thái lanh lẹ, lịch duyệt, nụ cười với hàm răng đều đặn luôn nở trên môi, vẫn sang sảng phát biểu trên các diễn đàn quốc tế về hoà bình và phát triển, về toàn cầu hoá, về trẻ thơ.
Tuy tuổi đã cao, bà vẫn được tín nhiệm bầu Chủ tịch của ba tổ chức: Quỹ Hoà bình và phát triển VN; Quỹ Bảo trợ trẻ em VN; và Chủ tịch danh dư của Hội nạn nhân chất độc màu da cam. Bà còn xuất hiện trên các diễn đàn hội thảo quốc tế phát biểu sôi nổi về hoà bình, phát triển, về giáo dục, vì những bé thơ bất hạnh, vẫn viết báo, và góp ý cho Chính phủ về tình hình mục tiêu đào tạo.