Đồng quê luôn chứa đựng bao điều kỳ diệu, không phải ai cũng có được tuổi thơ gắn liền với vẻ đẹp thi vị, những thú vui dân dã và những món ăn quê mùa nhưng rất khó quên.
Gió mùa đông bắc với mưa phùn mang không khí tết làm ai cũng nhớ, cũng nôn nao như chờ đợi một điều gì rất quen. Cái gió làm cho kẻ xa quê phải nhớ nhà da diết, nhớ mùa nước lên ngập trắng đồng và nhớ những chén nước mắm rươi đậm đà hương vị .
Rươi xuất hiện nhiều vào những hôm nước lớn. Rằm hay ba mươi của tháng mười một và tháng Chạp âm lịch. Gió chướng càng mạnh, nước càng lên cao thì rươi ra càng nhiều. Khắp đồng, khắp sông rạch trong những ngày này nhuộm một màu đỏ hồng đẹp mắt của hàng tỉ con rươi. Dân thành phố về trong những ngày vào mùa rươi chắc trăm phần trăm là... xỉu tại chỗ. Con rươi có thể trông còn dễ sợ hơn cả con đỉa hay con vắt.
Rươi dài khoảng nửa gang tay, màu đỏ hồng, thân chỉ to bằng cọng chân nhang với hàng trăm cái chân bé xíu bơi vù vù trên mặt nước. Bắt rươi rất dễ dàng nên người lớn hay trẻ con gì cũng có thế làm được. Chỉ cần một cái vợt lưới mùng vành to bằng vành thúng và một đôi thùng gánh nước là đủ để vớt rươi. Rươi bơi nối trên mặt nước nên chỉ cần dùng vợt vớt theo chiều ngược hướng bơi của rươi và đổ vào thùng, quơ một lượt là đã nặng vợt rồi.
Rươi còn sống đã có thể là món ăn ngon nhưng hơi lạnh người một tí đối với ai hơi "yếu bóng vía". Cho một nắm rươi vào tô, tìm hai hột vịt đẻ rơi nào đó đập vào đánh đều lên, thêm tí muối, đường, bột ngọt... Chờ chảo mỡ sôi, phi hành thật vàng và cho vào chiên. Món này được các bợm nhậu rất khoái. Nhấp một ly rượu gốc, bốc một miếng rươi chiên kẹp với những loại rau lá đồng nội cho vào miệng mới thấy cuộc đời đáng sống làm sao!
Rươi nhiều vô kể, ăn làm sao hết (vì thường những người mạnh miệng mới dám ăn). Chủ yếu là làm nước mắm. Cách làm nước mắm rươi cũng tương đối đơn giản. Sau khi đổ gần đầy rươi vào khạp mái dầm, cho một ít muối vào và quậy đều, rươi ngấm muối và chết dần. Đem khạp ra ngoài sân, mỗi sáng khi nắng lên thì mở khạp ra phơi nắng, chiều đậy cẩn thận tránh không cho nước mưa hay muỗi vào đẻ trứng. Sau vài ngày xác rươi nối lên thành một lớp dày. Khoảng nửa tháng hay hai mươi ngày là có thể dùng được. Người nào "mạnh dạn" cứ để nguyên trong khạp, chỉ vẹt lớp xác rươi ra và thò chén vào múc nước mắm bên dưới lên, bỏ thêm trái ớt vào, dằm ra là dùng ngay. Kỹ hơn thì lấy nước mắm ra cho vào nồi và nấu lại. Khi nước sôi, vớt bọt nổi lên, nước mắm có một màu vàng đỏ trông rất bắt mắt.
Nước mắm rươi ăn ngon hơn các loại nước mắm làm bằng cá, dùng làm nước chấm hoặc để kho đều ngon tuyệt. Đặc biệt khi kho khô cá rất mềm, vàng và thơm. Kho thịt cũng mau mềm và ngon hơn các loại nước mắm khác.
Ở thành phố, chúng ta chỉ quen những loại nước mắm với những nhãn hiệu nổi tiếng. Nếu ai đó có về những vùng quê ven biển đồng bằng, thưởng thức một lần nước mắm rươi chắc sẽ không bao giờ quên. Một nồi canh chua một dĩa cá kho và một chén nước mắm rươi, chỉ có vậy thôi nhưng sẽ là kỷ niệm khó quên, một dấu ấn rất riêng trong ẩm thực