Nhiều anh rất chịu khó sưu tầm thông tin trên net , nhất là của các chú Việt kiều , nhưng lại "quên" bén đi việc tìm hiểu thông tin trong nước .
Vậy ,tớ post 1 bài về quan điểm chính thức của ta về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa đăng trên báo năm 2005 nhé.
Hy vọng qua bài này , anh em sẽ có cách nhìn khác đối với lãnh đạo ta hiện nay.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ BIỂN ĐẢO
Việt Nam nằm ở bờ tây Biển Đông, có bờ biển dài khoảng 3260 km; có vùng biển rộng với diện tích khoảng 1 triệu km2, lớn gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển, đảo là một phần lãnh thổ của đất nước ta, có vai trò quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay và mai sau.
Biển Đông có tiềm năng lớn về dầu khí, thuỷ sản, có lưu lượng giao thông hàng hải thứ 2 thế giới. Biển Đông và 2 quần đảo: Hoàng sa, Trường Sa có vị trí kinh tế, chính trị, quân sự đặc biệt quan trọng và luôn gắn liền với quyền lợi, sự ổn định và phát triển của các nước trong khu vực. Đây chính là mục tiêu tranh giành ảnh hưởng, là tâm điểm cạnh tranh, tranh giành lợi ích giữa các nước lớn.
Trong những năm qua, chúng ta đã kiên trì thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông bằng phương pháp hoà bình, thông qua đàm phán, thương lượng.
Tuy nhiên, về quốc phòng-an ninh trên biển, điều quan tâm hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định trên biển vẫn còn tiềm ẩn, nguy cơ xung đột vũ trang trên biển vẫn chưa được loại trừ; do đang tồn tại tranh chấp về chủ quyền đối với 2 quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa và những lợi ích ở Biển Đông. Những tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn ra có lúc công khai, lúc ngấm ngầm, nhưng ngày càng gay gắt, quyết liệt với sự xuất hiện một số động thái và xu hướng mới.
Một số nước lớn và trong khu vực đã điều chỉnh chiến lược Biển Đông từ “duy trì quyền lợi tự do đi lại của tàu thuỷ và các nước bè bạn trên biển Đông” sang “thực hiện quyền kiểm soát Biển Đông”; tiếp tục theo đuổi mục tiêu chiến lược đối với khu vực Đông Nam Á, ở Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Độc chiếm biển Đông là chiến lược lâu dài, nhất quán của các nước lớn để hoàn thành chiến lược hướng ra Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu trong tương lai; vì thế họ đẩy mạnh các hoạt động và tiến hành hàng loạt các biện pháp, thủ đoạn để từng bước độc chiếm Biển Đông.
Trước các động thái đó, các nước ASEAN tuy có cùng quan điểm, chủ trương hợp tác, phát triển và tăng cường đối thoại để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ngăn ngừa xung đột, nhưng vì quyền độc lập dân tộc mà mỗi nước đều tranh thủ tìm kiếm các giải pháp, thoả hiệp có lợi cho mình. Một số nước trong khu vực đã đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá quân đội, nhất là hải quân, không quân để bảo vệ lợi ích ở vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông.
Đối với Việt Nam, việc quản lý, tuần tra, kiểm soát còn nhiều sơ hở, chưa thực sự làm chủ vùng biển. Phương tiện, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý, tuần tra, kiểm soát vùng biển ven bờ, đảo gần và một số vùng biển trọng điểm; còn nhiều vùng biển bỏ trống, nhất là vùng biển xa bờ. Chúng ta chưa có những tàu chiến lớn, phương tiện hiện đại ngăn chặn, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, lợi ích trên biển của ta một cách hiệu quả, nhất là trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ở vùng biển xa bờ.
Mặt khác, công tác quản lý bảo đảm trật tự an ninh xã hội trên biển và vùng ven biển còn sơ hở, hạn chế. Tệ nạn buôn lậu trên biển với những thủ đoạn ngày càng tinh vi vẫn tiếp diễn chưa kiểm soát, ngăn chặn được. Những hành vi trái pháp luật trên biển vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương ven biển, dẫn tới cạn kiệt tài nguyên, huỷ hoại môi trường sinh thái, làm giảm khả năng chống lụt, bão, chống sóng gió cho địa phương ven biển, không bảo đảm sự phát triển bền vững cho vùng biển.
Tiềm lực kinh tế, quân sự của ta còn yếu, chưa đủ sức để tăng cường sự có mặt trên các vùng biển; trang bị lạc hậu, nắm tình hình hoạt động của đối phương còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là ngư dân về chủ quyền biển, đảo còn hạn chế, bất cập.
Từ thực trạng biển, đảo của ta hiện nay đang đặt ra những vấn đề cấp bách về tăng cường khả năng quản lý, bảo vệ trong tình hình mới. Để quản lý, bảo vệ biển, đảo có hiệu quả, cần xây dựng sức mạnh tổng hợp, bằng cách thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh và hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế có tầm vĩ mô và vi mô, đó là:
1. Có đường lối, chủ trương đúng, đi đôi với tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, tăng cường tiềm lực bảo vệ biển, đảo trên các lĩnh vực. Đây là giải pháp quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần, thống nhất nhận thức để tạo thành sức mạnh vật chất, tăng cường tiềm lực bảo vệ biển, đảo. Cần đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch và chính sách nói chung và về biển, đảo nói riêng. Kinh tế phát triển, xã hội ổn định thì sức mạnh quốc phòng-an ninh được tăng cường. Cần làm cho mọi người nhận rõ tình hình phức tạp hiện nay và sự cần thiết tăng cường quốc phòng-an ninh, nhất là thế hệ trẻ cần thấu hiểu nội dung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo; phải thức tỉnh ý thức về biển đảo của cả dân tộc.
2. Có các biện pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên biển, đảo. Những năm trước mắt cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về khai thác, quản lý biển, đảo phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần, ngành nghề, qui mô, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với đặc điểm của biển và vùng ven biển, là một “cửa lớn” để giao lưu với thế giới, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng-an ninh.
Cần có lực lượng chuyên trách, có các phương tiện và trang bị hiện đại đủ sức đảm bảo thi hành pháp luật trên biển, tuần tra, giám sát việc thi hành pháp luật về biển đã được ban hành. Hiện nay, ta có nhiều lực lượng bảo đảm thi hành pháp luật trên biển (Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan…) nhưng hiệu quả quản lý biển chưa cao; có tình trạng chồng chéo vừa sơ hở, vừa đầu tư phân tán, tốn kém, hoạt động thiếu thống nhất, không đồng bộ… Tình trạng này cần sớm được khắc phục mới tăng cường được hiệu quả quản lý, bảo vệ biển, đảo.
3. Xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng trên hướng biển, đảo để tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh bảo vệ biển, đảo. Tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên đất liền, ven biển phải gắn chặt với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, đảo.
Ở trên biển, cần xác định vùng biển trọng điểm về quốc phòng-an ninh để kết hợp với các vùng kinh tế biển, như ven biển vịnh Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; vùng biển Trường Sa với duyên hải Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung v.v.
Ở những vùng trọng điểm cần xác định rõ mục tiêu quốc phòng-an ninh (trước mắt và lâu dài), đối tượng đấu tranh, thành phần lực lượng nòng cốt, dự kiến các tình huống xảy ra…
Hệ thống đảo cần được xây dựng thành những căn cứ chiến đấu vững chắc để tiến ra khai thác và hoạt động ở biển xa, đồng thời là tuyến bảo vệ đất nước. Đầu tư thích đáng cho xây dựng hạ tầng trên đảo phục vụ kinh tế, quốc phòng-an ninh. Thực hiện tốt việc đưa dân từ đất liền ra đảo để phát triển xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ.
4. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước và tăng cường hoạt động pháp lý, tạo cơ sở bảo vệ biển, đảo bền vững.
Chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế về vấn đề khu vực, cũng như Biển Đông để tranh thủ dư luận và ngăn chặn nguy cơ xung đột. Đảng và Nhà nước tích cực chủ động, đàm phán để đi đến ký kết các hiệp định nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc trên biển với các nước, tạo môi trường thuận lợi, cơ sở pháp lý bảo vệ biển, đảo bền vững.
5. Có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực quần đảo Trường Sa như: đánh bắt xa bờ, du lịch, thành lập các thị trấn, thị tứ ở các đảo lớn, cụm đảo, quần đảo Trường Sa để mang tính pháp lý dân sự đối với quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía nam.
6. Có chiến lược đầu tư cho lực lượng vũ trang, trong đó có Hải quân để nâng cao khả năng nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát vùng biển và sức mạnh răn đe, trước mắt tập trung và trang bị thiết bị quan sát, thông tin liên lạc, phương tiện, vũ khí tiến công hiện đại. Xây dựng Hải quân phải được thực hiện theo chiến lược (15-20 năm), có phân chia các bước đi bằng những kế hoạch (5-10 năm) phù hợp với nền kinh tế của đất nước. Tập trung xây dựng Hải quân nhân dân có đủ sức mạnh làm nòng cốt để cùng toàn quân, toàn dân làm thất bại mọi hành động khiêu khích, lấn chiếm… đến gây xung đột vũ trang trên biển, đảo.
Biển Đông hiện nay, là nơi đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định do những tranh chấp về chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Trong những năm tới, tình hình biển, đảo, thềm lục địa nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi ta phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. Để củng cố tăng cường sức mạnh tổng hợp bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại; giải pháp tổng thể và giải pháp tình thế. Do vậy, phải có sự tham gia, đóng góp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của nhiều lực lượng, nhất là các bộ, ban, ngành, các địa phương liên quan trực tiếp đến biển, đảo, thềm lục địa dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành thống nhất của Nhà nước.
Theo thiển ý của anh thì nhà nước ta tuy còn "ngu" trong quản lý kinh tế , xã hội nhưng trong quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia thì không "ngu" tí nào cả, ngược lại là khác.
Ngay cả vấn đề thác Bản Giốc , thật ra nhiều người ngộ nhận lắm. Khu vực đó (tuy không phải 100%) vẫn thuộc nằm trong lãnh thổ của ta. Ai cũng cho rằng Hiệp ước Biên Giới làm ta mất Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, nhưng thực tế không phải 100% là như thế. Bằng hiệp ước này , TQ cũng buộc phải trả lại 1 số khu vực có vị trí chiến lược về quân sự khác (mà họ đã lấn chiếm qua cuộc xung đột biên giới 1976~1988 ,ví dụ ,có ai nghe tới địa danh Vị Xuyên, Lão Sơn chưa??? ) cho ta. Tóm lại, ta mất 1 ít nhưng cũng đòi lại 2 ít .
Đời là vậy, thằng nào mạnh thằng đó lời. Cụm đảo Phú Quốc , Thổ Chu ở vung biển phía Nam đấy, cóc có bằng chứng chủ quyền từ thế kỷ xxx gì mà thằng chó nào làm gì được ta nào.(Bảo thế sao thằng Campuchia không hận ta tới xương ???)
Nếu các anh có tư liệu liên quan tới quá trình đàm phán,mà thực ra là ta ép Quốc vương Shihanuc ký hiệp ước về đường biên giới Lãnh thổ phía Nam , các anh sẽ thấy ta cũng " trắng trợn" ,"láo" ra phết đấy .
Vài lời chia xẻ .Ngủ đây, mai đi cày ,kiếm tiền gởi về VN mua cổ phiếu , góp phần vào công cuộc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.Đây cũng là hành động thiết thực góp phần xây dựng nước VN giàu mạnh ,hỉ !!!
Do your best!
TB: Đừng ảo tưởng việc ta thay đổi chế độ là Mỹ sẽ nhào vào thuê Cam Ranh , sẵn sàng dốc túi tối đa cho ta , bảo kê cho ta trong việc bảo vệ Trường Sa.Xin khẳng định rằng quan điểm chiến lược của Mỹ là không can thiệp vào việc tranh chấp biển Đông ( mịa nó, chỉ có ta gọi là biển Đông , cả thế giới gọi là vùng biển Nam Trung Hoa kìa) .
Trước mắt , làm thế nào để thế giới thay đổi cách gọi này hỉ?