"Kế hoạch tấn công" Việt Nam là một quả bóng thăm dò ?
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 05/09/2008, thì Hà Nội đã hai lần phản đối Bắc Kinh trong tháng 8 về việc có ít nhất là 4 website Trung Quốc công bố những bài gọi là ''kế hoạch xâm lăng'' Việt Nam, trong đó có cổng sina.com được rất nhiều người truy cập. Các bài viết vẫn được duy trì cả tháng, bất chấp phản ứng từ phiá Việt Nam. Nhiều nhà quan sát cho đây là một hành động cố ý.
Chính quyền Bắc Kinh lẽ dĩ nhiên đã cải chính, cho rằng các bài viết nói trên không phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên vấn đề là các bài nói trên vẫn tiếp tục hiện diện trên mạng sau khi có lời phản đối của Việt Nam, mặc dù mọi người đều biết rõ là chính quyền Bắc Kinh luôn luôn kiểm soát gắt gao những gì lưu hành trên Internet, và hoàn toàn có khả năng buộc các trang web tại Trung Quốc rút lại những bài gây tranh cãi.
Trong bối cảnh đó một số quan sát viên đã tự hỏi là phải chăng những ''kế hoạch xâm lăng'' lưu hành trên Internet là những quả bóng thăm dò, được Bắc Kinh tung ra nhằm đo lường phản ứng của Việt Nam, vào lúc mà vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai bên tại vùng Biển Đông đang nổi cộm trở lại.
Kế hoạch rất dữ dội nhưng vô giá trị về mặt quân sự
Phải nói là những « kế hoach » tấn công Việt Nam nói trên thoạt nhìn rất hung tợn. Theo South China Morning Post, chiến dịch của Trung Quốc dự trù kéo dài 31 ngày, theo kịch bản tiền pháo hậu xung, huy động hàng trăm ngàn binh lính.
Đợt đầu sẽ là năm ngày pháo kích bằng tên lửa, bắn đi từ đất liền, phi cơ và chiến hạm ngoài khơi. Sau đó, 310.000 lính sẽ tiến vào Việt Nam theo hai gọng kềm / từ Vân Nam, Quảng Tây đổ xuống và từ Biển Đông tạt vào.
Để hoàn toàn khống chế đối phương, Trung Quốc sẽ sử dụng các phương tiện điện tử làm nhiễu các hệ thống thông tin và chỉ huy của Việt Nam, cũng như phong toả các tuyến hàng hải ngoài Biển Đông.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích được báo South China Morning Poest trích dẫn, thì các kế hoạch nói trên hoàn toàn vô giá trị. Khi nhận xét về một trong những kế hoạch mang tựa đề ''Một trận chiến để xác định trật tự khu vực'', một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, đã cho rằng đó chỉ là một trò đùa hay là một trò chơi của một nhúm người thích quân sự, nhưng hoàn toàn không có một chút giá trị quân sự nào.
Đây cũng là ý kiến của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Học Viện Quốc Phòng Úc. Trả lời câu hỏi của RFI ông phân tích :
''Kế hoạch đó rất có thể chỉ là sản phẩm của một nhóm trí thức say sưa với những mơ mộng hão huyền măng tính chất dân tộc chủ nghĩa. Bài trên các trang blog đó không phản ánh quan điểm hay những kế hoạch của chính quyền hay là giới chức quân sự Trung Quốc. Nước này hiện nay chưa có năng lực quân sự cũng như ý định vạch ra một chiến dịch xâm lăng, đó là chưa nói đến khả năng tiến hành một chiến dịch đổ bộ từ ngoài khơi như nêu lên trong các bài viết. Thậm chí các tác giả còn không đề cập gì đến ''bước tiếp theo'' của chiến dịch khi phải đối phó với sức kháng cự của Việt Nam mà theo tôi sẽ không chịu bó tay''.
Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, cho dù những bài viết đó chỉ phản ánh một xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, không phải là quan điểm chính thống, chính quyền Trung Quốc không nên xem nhẹ thực tế đó.
''Các trang blog đó phản ánh một loại áp lực khá đặc biệt trên chính quyền Trung Quốc. Đó là tiếng nói của các thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan từng được thấy trước đây, chẳng hạn nhân sự cố chiếc phi cơ do thám của Mỹ vào năm 2001. Tâm lý của quần chúng có thể khiến ta phán đoán sai lầm, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng hay quan hệ căng thẳng hẳn lên. Điều này rất đúng trong trường hợp Đài Loan, nhưng cũng có thể áp dụng trong trường hợp Việt Nam''.
Đối với giáo sư Thayer, vào lúc này, khả năng Trung Quốc tấn công Việt Nam là điều khó có thể xẩy ra vì Bắc Kinh đang muốn yên ổn thực hiện việc hiện đại hoá quân đội của mình, tránh không gây lo ngại nơi các nước khác. Nếu tấn công Việt Nam, Trung Quốc sẽ tạo ra lo lắng và thúc đẩy các đối thủ tìm cách chống lại.
'Việc Trung Quốc nâng cao ngân sách quốc phòng, tăng cường kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn, hiện đại hoá binh chủng Hải quân đang khiến cho các nước trong vùng rất lo ngại. Một trong những thí dụ phản ánh nỗi quan ngại đó là việc thủ tướng Úc Kevin Rudd vào tuần trước, vừa loan báo kế hoạch tăng cường năng lực ngành hải quân sau khi ghi nhận tình hình chạy đua võ trang trong khu vực.
Về lâu về dài, tiến trình hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe doạ đối với khu vực Châu Á, cũng như đối với uy lực hàng đầu hiện nay của Hoa Kỳ. Trước mắt, một cuộc tấn công Việt Nam sẽ tác hại đến Trung Quốc trên hai điểm : một là họ sẽ phải bị tổn thất, không chỉ trong lúc tấn công, mà còn trong giai đoạn bình định Việt Nam. Điểm thứ hai là chiến dịch tấn công Việt Nam sẽ làm cho Trung Quốc bị chia trí trong việc cố gắng hiện đại hoá quân đội với mục tiêu nâng cao vị thế của Trung Quốc so với Hoa Kỳ tại vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Cố tình dung túng các bài viết trên mạng để hù doạ Việt Nam
Về phần giáo sư Ngô Vĩnh Long tại trường Đại Học Maine Hoa Kỳ, tác giả nhiều bài nghiên cứu về tiềm năng quân sự của Trung Quốc, thì chính quyền Bắc Kinh đã cố ý để cho các kế hoạch xâm lăng Việt Nam được công bố trong một thời gian dài trên mạng Internet ở Trung Quốc. Khi làm việc này, Trung Quốc nhắm tới hai mục tiêu, một là hù dọa và thăm dò phản ứng của Việt Nam, và hai là nâng cao tinh thần dân tộc của người Trung Quốc, qua đó làm cho họ quên đi các khó khăn kinh tế gặp phải trong thời kỳ hậu Thế Vận Hội. Việt Nam, theo ông, cần phải có phản ứng, không nên lặng thinh trước sự kiện này.
Sau đây là toàn văn bài giáo sư Ngô Vĩnh Long trả lời phỏng vấn của RFI
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/105/article_1012.asp
Dẫu sao thì việc các kế hoạch gọi là xâm lăng Việt Nam được công bố trên Internet đã thú hút sự chú ý về tham vọng chiến lược của Trung Quốc. Theo giáo sư Carl Thayer, nếu các bài viết vừa qua là quả bóng thăm dò, thì điều đó đã phản tác dụng vì đã khiến cho khu vực lo ngại thêm về đà vươn lên của Bắc Kinh hiện nay và khuyến khích Hoa Kỳ trong việc tìm cách chống lại các kế hoạch quân sự của Trung Quốc.
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/105/article_1012.asp