Vấn đề em nêu có đề cập ở bài viết dưới đây.
Các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đang cận kề và cộng đồng mobile có thể lại chứng kiến tình trạng nghẽn mạch của các mạng di động tái diễn. Trong phạm vi bài viết này, e-CHIP Mobile sẽ giúp bạn hiểu thế nào là nghẽn mạch và cách sử dụng dịch vụ vào thời điểm đó.
Vì sao nghẽn mạch?
Nghẽn mạch được hiểu là hiện tượng yêu cầu thực hiện cuộc gọi, hay tin nhắn vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống. Nghẽn mạch thường chia làm các loại sau:
Nghẽn mạch vô tuyến:
Cấu trúc địa lý của mạng điện thoại di động (ĐTDĐ) gồm rất nhiều các BTS (trạm thu phát sóng). Các trạm này có bán kính phủ sóng từ 1 đến 15km và tuỳ theo địa hình, mỗi tỉnh, thành có thể có một hoặc nhiều các BTS. Ví dụ: Hà Nội hoặc TP.HCM có thể tập trung tới hàng trăm BTS, nhưng đối với các tỉnh, thành nhỏ thì các mạng di động thường tập trung phủ sóng ở trung tâm tỉnh, thành hoặc huyện lỵ. Mỗi BTS thường phục vụ được khoảng 8 thuê bao (cấu hình nhỏ nhất) cho đến hàng chục. Bởi vậy, khi thuê bao tập trung đông ở một địa điểm vào một thời điểm nhất định sẽ gây ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ. Trong trường hợp này, các BTS không gây mất liên lạc cho toàn bộ hệ thống và hiện tượng nghẽn mạch chỉ có tính chất cục bộ.
Nghẽn mạch tổng đài, nghẽn mạch liên mạng:
Hiện tượng nghẽn mạch xảy ra khi khả năng xử lý của tổng đài vượt quá mức cho phép. Trường hợp khác có thể do đường kết nối liên mạng bị nghẽn. VD đường nối giữa các nhà khai thác như VinaPhone với MobiFone, Viettel hay giữa các nhà khai thác mạng ĐTDĐ với mạng điện thoại cố định. Nghẽn mạch tổng đài hoặc liên mạng có ảnh hưởng lớn tới nhiều thuê bao do mỗi tổng đài thường quản lý tới vài trăm BTS. Kiểu nghẽn mạch này chúng ta có thể liên tưởng tới hiện tượng nghẽn giữa VinaPhone và Viettel xảy ra trong thời gian qua.
Hệ thống ĐTDĐ có nhiều sự khác biệt so với điện thoại cố định, đặc biệt là tính di động của các thuê bao. Do đó, sự phân bố mật độ thuê bao cũng thường xuyên thay đổi, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết... dễ gây nên hiện tượng nghẽn mạch ở một số khu vực nhất định hoặc cả hệ thống. Thời điểm hiện tại, khi mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang đến gần, lưu lượng thường tăng đột biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt, đỉnh điểm của tình trạng nghẽn mạch thường đến trong khoảng 3 ngày trước Tết Nguyên đán và sau đó bắt đầu giảm dần bởi có một số lượng lớn các thuê bao đang sinh sống ở Hà Nội, TP.HCM đổ dồn về quê ăn Tết hoặc tham dự các lễ, hội. Bởi vậy, trong dịp Tết Nguyên đán, nghẽn mạch thường xảy ra ở các tỉnh, thành nhỏ trong khi ít có tình trạng tương tự ở khu vực Hà Nội hay TP.HCM. Nghẽn mạch còn tiếp tục tái diễn sau Tết Âm lịch đối với các khu vực lễ hội như: hội Chùa Hương, hội Đền Trần, Phủ Giầy,...
Tuy nhiên, dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS) thường bị ảnh hưởng chung do toàn bộ hệ thống SMS của các mạng di động đều tập trung thành một hoặc vài máy chủ nhất định với dung lượng có hạn. Nghẽn mạch tin nhắn đặc biệt nghiêm trọng vào dịp Giáng sinh hay Giao thừa khi các thuê bao gửi cho nhau những lời chúc qua SMS. Vào dịp này, lượng tin nhắn thường tăng gấp 4 đến 5 lần so với mức thông thường.
Sử dụng dịch vụ thế nào khi mạng bị nghẽn?
Trong trường hợp nghẽn mạch, bạn không thể sử dụng hộp thư thoại hay dịch vụ chuyển cuộc gọi. Vào lúc này, tốt nhất bạn không nên thực hiện lại ngay cuộc gọi mà nên đợi khoảng 10 giây sau đó hãy thử lại. Nếu bạn gọi lại liên tục sẽ càng khiến cho tình trạng nghẽn mạch thêm trầm trọng, gây quá tải cho hệ thống.
Đối với dịch vụ SMS, bạn hãy cân nhắc những tin nhắn cần gửi. Bởi khi đó, nếu tin nhắn của bạn được chuyển đi cũng sẽ đến người nhận rất trễ. Thậm chí, có thể tin không gửi đi được vì tổng đài sẽ tự động "gạt" bớt tin nhắn khi đang quá tải.
Trong thời gian nghẽn mạch, nếu muốn biết thông tin về các cuộc gọi đến số máy của mình, bạn có thể đăng ký dịch vụ Cảnh báo cuộc gọi lỡ với các nhà cung cấp dịch vụ. Khi đó, bạn có thể theo dõi chi tiết các thuê bao gọi đến, số lần gọi nhỡ cũng như thời gian gọi tới.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phân biệt, trong những trường hợp xảy ra hiện tượng mất sóng thì nguyên nhân không phải do nghẽn mạch mà do máy của thuê bao bị mất liên lạc.
(theo echip mobile)