Chào mọi người!
Thông tin mà Nikkei vừa đưa lên thực ra cũng không mới mẻ gì đối với những người trong ngành, thông tin ở báo Nikkei này theo mình được biết dựa trên cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Nikkei với Mr Bằng - CEO của Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhân chuyến công tác của ông Bằng sang Nhật. Không dựa trên văn bản chính thức nào cả.
Đề tài Shinkansen gần đây được bàn bạc và thảo luận rất nhiều trong giới Xây dựng ở Việt Nam cũng như trong giới đầu tư người Nhật. Ban đầu, chính phủ Việt Nam muốn làm toàn tuyến Shinkansen nối từ TPHCM-Hà Nội. Sau đó phía Nhật đề xuất sẽ làm thí điểm từng đoạn: TPHCM - Nha Trang, Hà Nội-Vinh. Và thông tin gần đây nhất mà mình nắm được là JICA chuẩn bị đề xuất với Việt Nam về phương án đầu tiên sẽ chỉ làm làm thí điểm tuyến Đà Nẵng - Huế. Vì sao lại như vậy?
Mình xin phân tích trên cơ sở hiểu biết của bản thân như sau:
1. Việc đi lại bằng Shinkansen chỉ thực sự hiệu quả khi chiều dài quãng đường đi dưới khoảng 700km. Nếu lớn hơn, máy bay sẽ là giải pháp nhanh và rẻ tiền hơn.
2. Ở các nước như Nhật, Hàn Quốc. Hành khách sử dụng Shinkansen đa số là thương nhân. Tuyến Shinkansen đầu tiên được xây dựng ở Nhật là Tokaido Shinkansen, nối Tokyo và Osaka, 2 trung tâm kinh tế của Nhật, còn ở Hàn Quốc là tuyến nối 2 trung tâm kinh tế Seoul và Busan.
Nếu Việt Nam dự định vay 30-50 tỷ USD để làm Shinkansen đi du lịch thì không biết bao giờ mới thu lại được vốn, đó là chưa kể việc vận hành và bảo dưỡng Shinkansen cũng cực kì tốn kém, thu chưa chắc đã bù nổi chi phí bảo dưỡng, vận hành chứ chưa nói đến việc hoàn vốn. Ở Nhật, một số tuyến Shinkansen vẫn đang phải bù lỗ do thu không bù nổi chi.
3. Việt Nam dự định đến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành tuyến Shinkansen đầu tiên. Đến lúc đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cao lắm chắc chỉ cũng được khoảng 4000-5000 USD (ước chừng đại khái), trong khi đó, năm 1964, khi người Nhật đưa tuyến Shinkansen đầu tiên vào sử dụng, thu nhập của người ta đã là hơn 10000 USD/người.
5. Hiện nay, có nhiều ý kiến trong giới chuyên môn ở Việt Nam cũng như ở Nhật cho rằng Việt Nam chưa nên làm Shinkan sen. Thay vào đó là thay thế hệ thống đường sắt đã quá lỗi thời với 1 làn ray, khổ 1.1m bằng hệ thống đường sắt 2 làn ray, khổ 1m45 và đưa hệ thống tàu điện vào sử dụng.
Mình thấy những đề xuất này là hợp lí vì chi phí làm tàu điện ít hơn nhiều so với làm Shinkansen và sẽ phục vụ được nhiều tầng lớp người dân hơn là hệ thống Shinkansen phục vụ những người có tiền. Hơn nữa với hệ thống tàu điện mới, tốc độ chạy tàu tối đa sẽ được nâng lên thành 150-200km/h chứ không phải là 80km/h như hiện nay. Việc chạy tàu cũng an toàn hơn, các tàu không phải dừng để tránh nhau như bây giờ.
6. Việt Nam dự định làm Shinkansen hoàn toàn bằng vốn vay, nếu tính toán không kỹ sau này con cháu sẽ trả nợ mệt nghỉ. Trong khi đó rất nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng khác đang rất cần vốn để được chỉnh trang hơn như hê thống đê điều, cấp thoát nước, xử lý nước thải, giao thông công cộng...
Kết luận: Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần đến Shinkansen, nhưng nên cân nhắc kỹ việc đầu tư như thế nào, vào thời điểm nào để đảm bảo hiệu quả kinh tế và không trở thành gánh nặng cho thế hệ tương lai. Ngoài ra, việc giáo dục thói quen sử dụng một cách văn minh các hệ thống giao thông công cộng cũng rất cần thiết. Hy vọng là sau này sẽ không có chuyện tháo ray Shinkansen hay ném đá tàu điện. (just a joke)
Việc JICA đề xuất chỉ làm thí điểm tuyến Đà Nẵng-Huế (tổng chiều dài khoảng 80km, bằng 1/4-1/5 chiều dài đoạn Hà Nội - Vinh, hay TPHCM - Nha Trang) theo mình là nhằm giảm rủi ro đầu tư cho phía Việt Nam là chính - và cũng hợp lí nếu nhìn vào tiềm lực tài chính của ta trong khi nhất thiết vẫn cứ muốn làm Shinkansen.