Gửi cả nhà bài viết này, "Các em miền núi cần áo ấm". Mình đọc bài viết này trong lúc cái lạnh đầu Đông đang tràn về vùng Đông Bắc Bộ, chuyện làm mình ray rức mãi. Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày của chúng ta, quả thật có rất nhiều vấn đề bận tâm và lo nghĩ. Xong ngoài những điều đó, có lúc nào chúng ta đang lãng quên rằng ở một nơi nào đó trên đất nước chúng ta, vẫn còn có rất nhiều em bé đang mỗi ngày đối mặt với những cái lạnh buốt giá của mùa Đông không nhỉ !
@ Cứ vào dịp cuối năm, anh em Đông Du có phát động đợt khuyên góp " Áo ấm mùa đông" , không biết năm này chúng ta có tiến hành việc này không nhỉ ??
AT - Với độ cao hơn 700m so với mực nước biển, A Lưới trở thành nơi lạnh nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế vào mùa đông. Có áo ấm mặc còn lạnh, không có áo cái rét như nhân lên gấp bội. Từ nhiều năm qua, mỗi khi mùa đông đến lại kéo theo nỗi lo thiếu áo ấm của những trẻ em nghèo khó nơi vùng cao này.
Bé Hồ Văn Ưa (phải) mặc áo ấm mà thiếu quần dài
Mặc áo ấm của anh chị
Tìm về nơi "đỉnh trời" đầu đông, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều trẻ em co ro trong chiếc áo ấm của anh chị mình. Em Hồ Văn Lâu, ở xã A Ngo, em cho biết: "Mẹ nói em mặc tạm áo của anh, chị đã. Ít bữa có tiền mẹ mua áo ấm cho. Năm trước mẹ cũng nói rứa, em chờ mãi mà không có”.
Thấy con mình tím tái vì rét, cha mẹ nào chẳng thương con, nhưng cái nghèo buộc họ phải... thất hứa với con. Chị Hồ Thị Đố, 25 tuổi, người Pakô, rớm nước mắt kể: "Nhà mình đông con, mua áo cho đứa anh thì đứa em lại không có nên mình lấy áo của đứa lớn hơn cho đứa nhỏ mặc".
Theo chị thì năm nào cũng vậy, cứ sắp đến mùa đông chị lại quần quật làm việc, những mong có tấm áo ấm cho con. Sáng lên rẫy kiếm pếh (chuối), chiều lại đi tìm đốk (củ sắn), "người mẹ địu con" lại lên nương rẫy khi mọi người còn trong chăn ấm. Mắt mẹ lại bừng sáng khi xẩm tối trở về mà nông sản đầy gùi. Nhưng mùa đông đến, "Giàng (trời) lại không cho được mùa", chị Đố buồn.
Nhìn những đứa trẻ nhỏ thó trong bộ áo cũ mèm, chúng tôi biết bộ trang phục quá cỡ đó không đủ giữ ấm cho các em. Về mùa đông nhiều em chỉ có một cái áo ấm để đến trường, cái áo sờn cũ lại theo các em lên nương và cả khi đi ngủ. Em Hồ Văn Liêu, 4 tuổi, nói: "Buổi tối là lạnh nhất, có đêm em không dám đi ngủ, chỉ thích ngồi bên bếp sưởi ấm thôi". Do không có áo ấm, nhiều học sinh lại sinh tật lười học, chỉ muốn ngồi bên bếp lửa để sưởi.
Mưu sinh... chống rét
Đi vào những bản xa của xã Nhâm, xã Hồng Quảng, mới thấy mùa lạnh miền núi thật khốn khổ. Trên những rẫy cà phê còn ướt sương, nhiều em 10-15 tuổi đang cặm cụi hái cà phê từ sớm. Em Nhiết môi tím vì lạnh, nói: "Ở nhà ngồi không lạnh lắm, lên rẫy hái cà phê hay nhổ cỏ mồ hôi ra nhiều sẽ ấm hơn".
Ở A Lưới mùa thu hoạch cà phê thu hút đông đảo trẻ em tham gia lao động. Sau khi bán cà phê cho nông trường, các em lại mong chờ mẹ mua cho chiếc áo ấm mới.
Dậy sớm hòa mình vào dòng người đi phiên chợ của các dân tộc thiểu số, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy hầu hết người đến phiên chợ là trẻ em. Mang trên gùi củ sắn, bó rau, con chim, con cá kiếm được, các em ra chợ bán để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trên người các em mặc không đủ ấm, nhưng vẫn tươi cười bán hàng. Em Hồ Thị Nhi, 10 tuổi, cho biết: "Mẹ nói tiền kiếm được sẽ cho em một nửa, để dồn tiền mua áo ấm. Em đi chợ mấy bữa rồi, bữa nhiều nhất cũng được 10.000 đồng, có bữa được 4.000-5.000 thôi. Chắc vài bữa nữa mới có đủ tiền mua áo ấm".
Trẻ em miền núi các dân tộc thiểu số huyện A Lưới vốn sống trong nghèo khó. Ngoài buổi học ở lớp, các em còn bận giúp bố mẹ mưu sinh bằng mọi cách. Cái rét khắc nghiệt làm con người có khả năng chống chọi tốt hơn thì phải!
Xã Hồng Thủy - nơi chịu nhiều thiệt hại nhất của cơn bão số 9, những ngày đầu đông vẫn có nhiều em tham gia mót vàng sa khoáng. "Nhà em bị tốc mái, rẫy bị đất đá lấp hết. Em phải đi tìm vàng giúp bố mẹ”, Hồ Thị Quỳnh, 6 tuổi, cho biết. Bàn tay em chai lên vì đào đất. Trong chiếc áo len ố vàng, em run lên từng cơn vì rét. Còn em Hồ Văn Thê tìm vàng chỉ mong đủ mua áo ấm rồi không đào nữa. Em cười: "Nếu đủ tiền mua áo ấm, em sẽ trở lại trường đi học".
Rời A Lưới vào một buổi chiều khi sương mờ giăng khắp nơi. Hình ảnh cậu bé Hồ Văn Ưa mặc áo choàng sờn cũ trong khi đôi chân lạnh ngắt vì mặc quần cụt làm chúng tôi không thể quên được... Một mùa đông thiếu áo ấm nữa lại về với "đỉnh trời"!
TRIỆU PHONG
(BCK31, ĐHKH Huế)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=354062&ChannelID=414