ĐôngDu mình có rất nhiều người đã từng thi Quốc Gia. Mọi người đọc thử bài dưới này xem là có cảm giác"Hình như nó nói mình" không nhé!
---------------------------------------
Bạn đọc VietNamNet góp ý về Giáo dục:
Học sinh thi Olympic quốc tế được ưu đãi quá nhiều!
Xem xét việc bồi dưỡng HS giỏi ở Việt Nam, qua góc nhìn của bạn đọc Nguyễn Lê Quang (29 tuổi, trợ giảng tại Khoa vật lý, ĐH Illinois, Mỹ) từng luyện và thi HS giỏi, được học tại một số trường ĐH có tiếng ở nước ngoài:
Tham dự các cuộc thi Olympic quốc tế và luôn đứng ở thứ hạng "top", học sinh Trung Quốc vẫn phải thi tốt nghiệp THPT.
Đừng đánh mất những giá trị lâu dài chỉ vì... ăn xổi!
Những ý kiến đánh giá, phân tích của các nhà giáo và bạn đọc về thực trạng giáo dục nhân cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với các nhà giáo đã có một nhận định chung là: "Ở bậc phổ thông, học sinh Việt Nam có thể học giỏi hơn học sinh nước ngoài. Thế nhưng, lên tới bậc học cao hơn như ĐH, sau ĐH thì tụt lại quá xa".
Tôi xin có một số ý kiến xoay quanh vấn đề đào tạo học sinh giỏi (HSG) ở nước ta hiện nay, vấn đề biểu hiện rõ nét đặc điểm trên của học sinh Việt Nam.
Tổ chức các cuộc thi HSG nhằm khuyến khích, bồi dưỡng và phát hiện nhân tài. Mục đích lâu dài là đào tạo một đội ngũ khoa học - kỹ thuật có trình độ cao, ứng dụng những thành tựu khoa học vào sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy vậy, việc đào tạo HSG ở ta thường nhắm tới những thành tích trước mắt. Do chú trọng tới việc đoạt giải cao nên việc đào tạo thiên về nhồi nhét kiến thức để các em nắm rõ phương thức làm bài, ra đề trong các kỳ thi. Trong quá trình ôn luyện HSG ở phổ thông, các em ít khi để ý đến ý nghĩa, ứng dụng thực tế của bài toán. Ít cảm nhận và rút ra trực giác khi giải xong mà gấp rút tìm sách, tìm tài liệu để giải tiếp những kiểu bài khác cho đủ. Vì vậy, có em sau kỳ thi HSG Toán quốc tế mới đây đã nhận xét khá khôi hài: "Bài số 3 đều là bài hóc với tất cả các đội tuyển và chỉ có ít người làm được. Kiểu bài này lại chưa được ôn luyện nhiều ở Việt Nam" (!).
Mặt tích cực dễ thấy là Việt Nam luôn đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế về Toán, Vật lý,... đứng vào hạng "cường quốc" thế giới về đào tạo phổ thông. Tuy nhiên, đáng buồn là với hàng chục năm có thành tích như vậy, nền khoa học Việt Nam vẫn chưa phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng chất xám vốn có.
Là một người từng trải qua việc luyện và thi HSG, cũng may mắn được học tại một số trường ĐH có tiếng trên thế giới, tôi thấy học sinh Việt Nam thông minh nhưng không hề vượt trội. Những thành tích, thứ hạng trong các kỳ thi HSG quốc tế không phản ánh đúng thứ hạng thực sự của chúng ta. Việc đào tạo HSG và giành được các giải quốc tế không phải là một điều sai nhưng việc ít đào tạo tư duy sáng tạo, khả năng tìm tòi giải pháp mới, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn đối với những học sinh này là một nhược điểm lớn của giáo dục hiện nay.
Hơn nữa, việc quá chú trọng đến giải thưởng còn kéo theo nhiều bất cập, tiêu cực mà báo chí đã nhiều lần đề cập đến. Đã có những lần lộ đề với cả đội tuyển, rồi còn những chuyện rò rỉ cho từng cá nhân thì khó mà phát hiện được. Các tỉnh, thành đua nhau tìm học các thầy chuyên ra đề bằng mọi giá, vô hình chung đã tạo ra một sự thiếu công bằng. Nội dung đề thi đã vượt quá SGK, khiến cho mỗi ai muốn đạt giải cũng đều phải tìm sách tham khảo, tìm tài liệu "độc" chứ không thể chỉ dựa vào tư duy sáng tạo đơn thuần. Do vậy, một học sinh nhà nghèo, ở tỉnh nghèo, không có điều kiện học trường chuyên lớp chọn, không được luyện đúng kiểu thì dù tư chất thông minh cũng rất khó đoạt giải cao!
Một hạn chế nữa là cuộc chay đua cho các kỳ thi đã khiến nhiều trường "miễn" học, miễn thi cho các em. Thậm chí, còn miễn cả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trên phạm vi toàn quốc, đây là điều hiếm thấy trên thế giới!
Một học sinh, một công dân bước vào xã hội thì ngoài kiến thức chuyên môn còn rất cần những kiến thức khác ở mức độ tối thiểu. Học Toán, Lý giỏi không có nghĩa là không cần biết Lịch sử, Địa lý, Văn học,… Không thi nhưng vẫn có… bằng tốt nghiệp phổ thông loại giỏi là điều rất vô lý bởi vì không ai đảm bảo học sinh đó có đủ những kiến thức phổ thông. Những kiến thức này còn rất cần cho đoạn đường dài sau này, kể cả trong công tác chuyên môn. Vì vậy, chúng ta không thể vì lợi ích trước mắt để ăn xổi mà đánh mất những giá trị lâu dài.
Cấm triệt để miễn học, miễn thi
Trước những hạn chế như vậy, tôi thấy có những giải pháp khả thi sau, ít nhất có thể tác động đến việc đào tạo HSG, những nhà khoa học giỏi cho đất nước:
Những kỳ thi HSG vẫn cần thiết nhưng phải có mức độ, tránh bệnh thành tích. Muốn như vậy thì phải giảm tính cạnh tranh bằng cách giảm những quyền lợi của các giải thưởng.
Xem xét lại việc có nên đưa học sinh đi thi HSG quốc tế hay không, nếu cần thì đưa ra thảo luận rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Chúng ta có thể học tập các cường quốc khoa học mà không có học sinh đoạt giải quốc tế như Đức, Nhật, Pháp hay thấp hơn là Hàn Quốc,…
Nếu có đi thi thì cũng nên hạn chế, chọn lọc, tránh tham gia ào ạt từ quốc tế đến châu Á, Đông Nam Á nhằm mang về nhiều giải thưởng nhất. Không nên cử học sinh đi thi từ lớp 11 để tránh tình trạng ôn luyện quá sớm, bỏ hoàn toàn những môn học khác ngay từ… cuối lớp 10.
Một khi đã chọn được HSG thì chỉ nên ôn luyện có mức độ, không được để ảnh hưởng đến việc học và thi các môn văn hoá khác. Đặc biệt, các thầy giáo nên luyện cho các em kỹ năng sáng tạo, suy nghĩ bằng trực giác để học sinh có thể vượt qua được cả những tình huống chưa gặp bao giờ.
Nên đào tạo các em với đinh hướng lâu dài là để trở thành một nhà khoa học xuất sắc chứ không phải chỉ để giành giải trong kỳ thi sắp tới. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách ra đề các bài thi HSG trong nước. Đề thi phải nằm hoàn toàn trong SGK toàn quốc, nên có những câu dẫn giải từ dễ đến khó để học sinh dù chưa được luyện qua cũng có thể dựa vào hướng đó cũng với khả năng sáng tạo của mình làm nốt những câu khó hơn. Đặc biệt tránh những bài đánh đố, đề bài ngắn mà… chỉ có biết kiểu mới làm được, không thì chịu.
Cấm triệt để việc miễn học, miễn thi để học sinh không bị học lệch, hơn nữa tránh sự bất công bằng với những học sinh khác.
Những ý kiến trên có thể có thiếu sót, mong rằng qua thảo luận chúng ta có thể có được nhiều đóng góp có ích cho nền giáo dục nước nhà.
( Bài viết được lấy từ www.vnn.vn )