Ở thế hệ của chúng tôi, những phim hoạt hình của Liên Xô cũ như “Này thỏ, Hãy đợi đấy!” và các bộ phim hoạt hình của Walt Disney hoàn toàn thống lĩnh những chương trình dành cho thiếu nhi trên truyền hình. Tôi vẫn nhớ mỗi khi đến chương trình “Những bông hoa nhỏ” trên đài truyền hình vào lúc 19h, tôi có thể bỏ mọi thứ để đến ngồi trước màn hình tivi, say mê với những chuột Mickey và vịt Donald. Đó là thế giới của phim hoạt hình, thế giới truyện tranh thì không được phong phú như thế. Những tác phẩm truyện tranh đầu tiên mà tôi được đọc là những tác phẩm truyện tranh về lịch sử Việt nam, về các vị anh hùng dân tộc như Trần Quốc Tuấn trong “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” , Phạm Ngũ Lão trong “Sát Thát”, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong “Hội nghị Diên Hồng”. Tôi không nhớ mình đã đọc quyển Lá cờ thêu sáu chữ vàng bao nhiêu lần, đến nỗi bìa sách và các trang sách mỗi thứ đi một nơi. Thế hệ bây giờ đã khác rất nhiều, chỉ cần ra hiệu sách là có thể tìm thấy đủ loại truyện tranh của Việt nam cũng có, Nhật Bản, Châu Âu cũng nhiều. Còn phim hoạt hình thì hằng hà sa số cùng với sự phổ cập của video gia đình.
Đặc biệt trong những năm gần đây, cùng với những tác phẩm truyện tranh nổi tiếng của Nhật như Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Conan,...nền văn hoá Manga của Nhật đang dần dần thâm nhập vào Việt nam và tạo ra những hiệu ứng thật đáng ngạc nhiên.
Vậy thì tại sao Manga Nhật lại có được sức thu hút mạnh mẽ như thế với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Sống và làm việc trong một xã hội tràn ngập Manga và phim hoạt hình (Anime), những hình ảnh liên quan đến Manga và Anime vẫn thường ngày đập vào mắt tôi và để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Và dần dần tôi đã hiểu tại sao Manga của Nhật lại cuốn hút người ta đến thế.
Xã hội của Manga và Anime Tại Nhật, bạn có thể tìm thấy truyện tranh và nhìn thấy người ta đọc truyện tranh ở mọi nơi, mọi lúc. Trong các cửa hiệu 24h (convenience store) những tạp chí truyện tranh dày từ 400 đến 700 trang với đủ loại truyện nhiều kỳ được bày bán với giá rất rẻ. Có những góc dành riêng cho Manga tại các hiệu sách, và những hiệu sách lớn chuyên bán Manga cũ và mới. Từ con nít đến người lớn đều đọc truyện tranh. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một viên chức Nhật mặc áo vest rất lịch sự đứng đọc truyện tranh trên xe điện giờ đi làm về. Cũng hình ảnh đó trong một quán ăn lúc chờ thức ăn được mang đến, trong hiệu cắt tóc lúc chờ đến lượt , trong giờ nghỉ trưa, trong trường đại học và ngay cả trong các phòng nghiên cứu. Người Nhật tận dụng mọi khoảng thời gian chờ, thời gian trống để đọc sách, và truyện tranh là thứ người ta có thể dùng để giết thời gian hay nhất.
Tôi và nhiều người Việt nam khác có lẽ vẫn luôn quan niệm truyện tranh là thứ dành cho con nít. Đơn giản vì truyện tranh là cách chuyển tải câu chuyện bằng hình ảnh và những từ ngữ đơn giản. Vì thế lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh một người lớn ăn mặc rất lịch sự cầm một quyển tạp chí truyện tranh đọc trên xe điện tôi rất ngạc nhiên. “Anh chàng đó đọc cái gì thế nhỉ, lớn đầu rồi mà còn đi đọc truyện tranh !”, tôi đã tự nhủ thầm như thế. Và thêm một điều ngạc nhiên nữa là sau khi xuống xe điện, anh chàng đó thản nhiên quăng quyển truyện tranh dày vài trăm trang vào ..thùng rác.
Tạp chí ShonenJump Sau này có dịp, tôi đã vào một tiệm 24h để xem ké một trong những quyển tạp chí truyện tranh như thế. Quyển tạp chí dày khủng khiếp nếu so với một quyển truyện tranh mà tôi đã từng đọc ở Việt nam. Quyển mỏng nhất cũng khoảng 400 trang, quyển dày nhất có khi lên đến cả 1000 trang. Tạp chí tập hợp đủ loại truyện tranh, truyện nhiều kỳ cũng có, truyện một kỳ cũng có. Và dành cho đủ mọi đối tượng, từ những câu chuyện trong trường học dành cho thiếu nhi theo kiểu Doraemon đến những truyện mang hơi hướng tình dục dành cho người lớn. Từ những truyện thần thoại giả tưởng đến những truyện lấy bối cảnh là các công ty Nhật với những viên chức rất bình thường và những lời thoại cũng rất bình thường. Giá một quyển như thế chỉ khoảng 400yên (65000 VND), bằng giá của 4 lon nước ngọt mua từ máy bán hàng tự động. Một giá rất rẻ nếu đem chia cho số lượng trang như thế.
Một trang của tạp chí ShonenJump Sở dĩ các nhà xuất bản có thể bán với giá như thế vì số lượng in nhiều, giấy in là loại giấy tái sử dụng và truyện tranh không được in màu, trừ một số trang quảng cáo. Theo thống kê gần đây, ngành công nghiệp truyện tranh của Nhật mỗi năm đem đến doanh thu hàng tỷ USD, trung bình mỗi người dân đọc khoảng 15 quyển truyện tranh/ năm.
Manga của Nhật không bó hẹp trong những câu chuyện thần thoại, giả tưởng như truyện tranh của Mỹ và châu Âu. Manga Nhật là một dạng tiểu thuyết bằng tranh. Nó đề cập đến mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Đó là những câu chuyện gần gũi xung quanh chúng ta, vì thế nó rất dễ đọc và đọc rất nhanh. Sau khi đọc xong, những câu chuyện như thế có thể dễ dàng quăng đi làm giấy lộn.
Astroboy & Pokemon Tuy thế vẫn có không ít những tác phẩm rất nổi tiếng, những tác phẩm với những nhân vật sống mãi theo thời gian như quái vật Gozzila, chú bé có cánh tay thép Astro boy, quái vật dễ thương Pokemon, mèo máy Doraemon,...Và đây mới chính là những nhân vật làm cho Manga của Nhật trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Tại sao người Nhật lại thích đọc Manga Có lẽ đây là câu hỏi của bất cứ ai đã từng ở Nhật hoặc biết về Manga của Nhật. Vậy thì những lý do gì khiến người Nhật đọc Manga nhiều đến như vậy. Lý do đơn giản nhất là Manga rất hấp dẫn và thú vị. Nó hấp dẫn mọi lứa tuổi với nội dung vô cùng phong phú và gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Ngôn từ được dùng trong Manga của Nhật luôn là những từ ngữ mới nhất, cách nói mới nhất của người Nhật hiện đại. Chính vì thế mà người ta nói rằng muốn hiểu tiếng Nhật trong đời sống hằng ngày và hiểu người Nhật hiện đại nghĩ gì thì hãy đọc Manga. Manga tập hợp đủ thể loại truyện, từ những câu chuyện mang tính giả tưởng, thần thoại thề hiện những ước mơ của trẻ em đến những truyện mang tính thời sự nóng hổi, giúp người đọc quên đi những mệt nhọc hằng ngày, giải toả những cơn stress ở công ty. Đó có thể là câu chuyện về một học sinh trung học trở về thời xa xưa cùng với phép thuật và võ nghệ tuyệt luân để trừ ác, diệt ma. Đó cũng có thể chỉ đơn giản là câu chuyện về một salaryman ( công chức đi làm nhận lương) được cách điệu và phá cách một chút, khác với một viên chức thực sự ở ngoài đời. Truyện tranh giúp người ta làm được những điều mà hằng ngày họ không dám làm hoặc không thể làm được.
Nếu bạn đã từng đọc truyện tranh của các nước Âu, Mỹ và so sánh với truyện tranh Nhật bạn sẽ thấy có khá nhiều điểm khác biệt thú vị. Truyện tranh Âu, Mỹ có lời thoại khá dài dòng tính trên đơn vị một trang sách. Hình ảnh được vẽ rất chi tiết và cẩn thận. Người đọc truyện tranh bỏ ra thời gian khá dài để xem hết một trang sách. Họ vừa đọc lời thoại, xem kỹ từng chi tiết của bức tranh và tưởng tượng. Trong khi đó, cũng miêu tả một cảnh tương tự, truyện tranh Nhật có thể dùng đến 10 trang sách và chỉ một vài dòng thoại. Các trang sách được vẽ rất khoáng đạt, đơn giản và kèm theo đó là rất nhiều những từ tượng thanh, tượng hình nhằm tạo hiệu ứng cho câu chuyện.
Chính nhờ sự phát triển của Manga mà lượng từ tượng thanh trong tiếng Nhật tăng lên đáng kể. Nhờ những hiệu ứng hình vẽ và từ ngữ mà người đọc gần như hoà nhập hoàn toàn vào câu chuyện, cùng khóc, cùng chạy, cùng la hét với nhân vật trong truyện. Thật đáng ngạc nhiên khi bạn biết rằng người ta chỉ cần 20 phút để đọc hết một quyển truyện tranh dày 320 trang. Tính trung bình chỉ cần 3.75 giây/trang. Một tốc độ đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu bạn thử xem truyện tranh Nhật thì bạn sẽ thấy đúng như thế. Bản thân những trang hình vẽ cũng là một loại ngôn ngữ. Người đọc xem và đọc hình vẽ như đọc chữ vậy. Mỗi trang tương ứng với một vài từ đơn giản nên nó được đọc lướt qua rất nhanh. Bản thân chữ Hán cũng là một loại chữ tượng hình, một loại tranh vẽ. Hay nói ngược lại, hình vẽ với các nét gạnh, nét chấm phá cũng là một loại chữ viết.
Tezuka Osamu-Metropolice Hashimoto Tetsuzi–いつも君がいた Bên cạnh đó, truyện tranh Nhật sử dụng những hiệu ứng tương tự như phim hoạt hình. Đó là một loạt những hình ảnh liên tiếp nhau thể hiện một pha hành động hoặc sự thay đổi cảm xúc của nhân vật.
Truyện tranh của Mỹ thường hướng đến độc giả là các chàng thiếu niên mới lớn nên nhân vật trong truyện tranh thường là những super hero kiểu như siêu nhân(superman) hay người dơi (batman). Nhưng truyện tranh của Nhật thì có hàng ngàn nhân vật khác nhau với hàng ngàn cốt truyện và bối cảnh câu chuyện khác nhau. Tất cả những gì mà đầu óc con người có thể nghĩ ra được đều được Manga Nhật thể hiện thành hình vẽ. Chính vì thế Manga Nhật là một đối thủ đáng gờm của tiểu thuyết và có một lượng độc giả đông đảo không phân biệt giới tính và tuổi tác.
Tác động của Manga đến xã hội NhậtTác gia NagaiGo Hầu hết những người nước ngoài khi lần đầu đến Nhật và tiếp xúc với Manga của Nhật đều có chung một nhận xét là Manga của Nhật có quá nhiều yếu tố bạo lực và sex. Trong khi đó hầu hết độc giả của Manga là thanh thiếu niên. Vì thế Manga sẽ có tác động rất xấu đến những độc giả trong lứa tuổi này. Vậy trên thực tế Manga, hay Anime của Nhật có tác động như thế nào đến độc giả.
NagaiGo - DevilMan Lady Trên thực tế, nếu tiếp xúc nhiều với Manga của Nhật ta sẽ thấy không phải tác phẩm Manga nào của Nhật cũng khai thác các yếu tố sex và bạo lực để thu hút độc giả. Những tác phẩm khai thác sex và bạo lực chỉ là một phần nhỏ, phần lớn các tác phẩm Manga đều vô thưởng, vô phạt, chỉ đơn thuần là một tác phẩm giải trí đem lại sự sảng khoái và vui vẻ cho người đọc. Hơn nữa khác với cách nhìn nhận của một người nước ngoài, những yếu tố bạo lực hoặc tính dục được lồng trong các tác phẩm Manga đối với người Nhật lại rất bình thường. Tiêu biểu cho trường phái vẽ truyện tranh có hình ảnh của quỷ dữ và sex là tác gia Nagai Go, một trong 10 Mangaka tiêu biểu cho Manga hiện đại Nhật Bản. Trên thực tế, những hình ảnh tính dục và quỷ dữ có thể được tìm thấy trong các văn kiện xưa của Nhật có liên quan đến vũ trụ luận của Phật giáo từ thế kỷ thứ 10. Vào thế kỷ thứ 16, 17 xu hướng hình vẽ có liên quan đến bạo lực và sex được tiếp nối trên các bản vẽ trên gỗ. Tiêu biểu cho giai đoạn này có thể nhắc đến Hokusai, người được xem là ông tổ của Manga Nhật. Hokusai cũng đồng thời là người phổ biến từ “Manga” từ năm 1815, thường được dịch là “Những hình vẽ vô trách nhiệm”.
Nếu chỉ nhìn vào những gì thể hiện trong Manga của Nhật để đánh giá xã hội Nhật toàn bạo lực và sex là hoàn toàn sai lầm. Tuy ngành công nghiệp liên quan đến sex tại Nhật khá phát triển và tình trạng phạm tội tại Nhật trong những năm gần đây có tăng lên nhưng Nhật vẫn là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Nếu so sánh giữa Mỹ và Nhật về tỉ lệ phát hành Manga và tỉ lệ phạm tội thì mặc dù số lượng Manga phát hành của Nhật gấp hàng ngàn lần lượng truyện tranh phát hành tại Mỹ nhưng ngược lại lượng tội phạm hiếp dâm và giết người tại Mỹ lại hơn Nhật vài chục lần.
Trong một truyện tranh của Nhật ta có thể dễ dàng thấy một cảnh các học sinh đánh nhau sứt đầu, mẻ trán hoặc chỉ cần tức giận hoặc xích mích nhỏ cũng có thể dẫn đến ẩu đả, đâm chém. Ta có thể thấy các hình ảnh này trong một truyện tranh khá nổi tiếng của Nhật tại Việt nam là Teppi. Nhưng chuyện đó lại gần như không thể xảy ra trong thực tế. Cùng với nội dung như vậy nếu một học sinh tại Los Angeles của Mỹ đọc sẽ liên tưởng ngay đến những bản tin vẫn chiếu hằng ngày trên truyền hình. Vai trò của gia đình, nền giáo dục và môi trường sống rất quan trọng trong việc phân biệt những yếu tố hư cấu trong Manga và đời thường. Người Nhật và học sinh Nhật biết rất rõ truyện tranh chỉ là hư cấu, đơn thuần mang tính giải trí. Họ tiếp nhận những yếu tố sex và bạo lực trong truyện tranh như một loại hình giải trí đơn thuần, để cười và để quên đi.
Minh Việt