Thử thách đầu tiên của dân phát báo: Thi bằng lái xe/ Tiễn bạn lên đường và bài phỏng vấn anh Tất Hoàn/ Du học thời suy thoái kinh tế/ GS Yumio Sakurai: Tôi yêu Việt Nam / là những tin chính trong tuần. Xin mời các bạn theo dõi.
Thử thách đầu tiên của dân phát báo: Thi bằng lái xe
Không là dân phát báo đi chăng nữa, chắc hẳn ai cũng có thể hiểu được việc có được cái bằng xe máy để không phải phát báo bằng xe đạp đáng quý biết chừng nào! Là người trong cuộc thì đương nhiên là không cần nói nhiều rồi nhỉ![wink] Từ khoá 2006 trở về trước, mọi người tự học, tự đi thi, tự đỗ, tự... sướng! Nhưng do nhiều lý do, vài năm gần đây, việc tổ chức học bằng lái xe và đưa đi thi đã trở thành thường lệ mỗi đợt cohai qua, là một "nhiệm vụ bất khả kháng". Ngày 13/3 vừa rồi, 73 bạn cohai, bao gồm cả Đông Du-Sakura-Sông Đà, tới Nhật và ngay lập tức sau khi hoàn tất các hồ sơ ban đầu, 53 người trong số đó đã tập trung tại 川崎市民プラザ để tham dự lớp luyện thi bằng lái xe.
Học trước hết là để lấy kiến thức! Chủ trương là ai đổi bằng được thi đổi, không đổi được thì thi, nhưng ai cũng phải học. Phát báo bằng xe máy biết có bao nhiêu cái lợi nhưng cái hại cũng chẳng thiếu. Đáng sợ nhất là tai nạn. Tai nạn là đồng nghĩa với đau, mất tiền, mất uy tín với tiệm thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng hoặc bị buộc phải về nước. Và trên thực tế dân phát báo Đông Du hằng năm vẫn xảy ra tai nạn "đều", lớn có , nhỏ có. Để lái xe an toàn, không gặp tai nạn thì phải học luật giao thông Nhật Bản.
Học là để có tấm bằng! Nghe thì có vẻ "bệnh thành tích" nhưng đúng là như vậy. Phần lớn các tiệm báo yêu cầu phải có bằng xe máy thì mới nhận người. Lý do là không thể phát bằng xe đạp được, ở những nơi như là số lượng báo lớn, đường đồi núi, phạm vi phát báo rộng... Bằng lái xe trở thành điều kiện bắt buộc để các tiệm báo tiếp nhận, đồng nghĩa với điều kiện để được tới Nhật. Có một phần có thể đổi bằng xe máy của Việt Nam sang bằng Nhật được nhưng không phải ai cũng đổi được, vậy là phải học, học hết sức, học thực sự, để đi thi, thi cho đỗ bằng được.
Những khó khăn trong việc tổ chức học, thi bằng lần này: Mỗi năm lại bài bản hơn, đàng hoàng hơn, kinh nghiệm hơn nhưng khó khăn thì không bao giờ hết. Năm nay, trong tuần đầu tiên, 53 người có chỗ ngủ khá ổn, có chỗ học đàng hoàng, không phải hành quân 30 phút đi đi lại lại như năm ngoái nhưng ăn uống thì thật... vất vả. Do chỗ trọ không cho ăn cơm trong phòng nên phải ăn cơm nắm bánh mì thay cơm, hành quân đi ăn, đôi khi phải "ăn lén". Đồ ăn thì toàn cơm hộp, đến nỗi mà khi được đi ăn bên ngoài, trông ai cũng... rõ mừng. Thêm nữa, mặc dù có rất nhiều sempai khóa 07, 08 tới giúp đỡ cohai học bài nhưng không đều đặn, có những ngày một mình anh Huynh trông khoảng 40 cohai, 40 cái mồm thắc mắc, hỏi bài, không biết trả lời sao cho xuể! Học hành chăm chỉ, vất vả vậy nhưng được vào phòng thi cũng không phải đơn giản! Lý do là tiếng Nhật. Người ta sẽ hỏi thi bằng tiếng gì, đương nhiên sẽ trả lời là bằng tiếng Nhật rồi. Khổ nỗi mới qua, đâu đã nghe được mấy, người ta hỏi thêm mấy câu nữa là ú a ú ớ. Thế là người ta tuôn ra một tràng dài đại loại là không hiểu tiếng Nhật thì làm sao mà thi bằng tiếng Nhật được, và trả lại hồ sơ, không cho dự thi. Hic hic...
Kết quả: Sau đúng 2 tuần cố gắng, 53 cohai thì đã có 51 cohai đã có bằng lái xe (cả đổi và thi), hiện tại còn 2 người đang cật lực ôn bài để thứ 2 tuần sau đi thi tiếp. Ngoài bằng lái xe không thể không nhắc đến là 53 người tham dự lớp học bằng đã nắm vững những kiến thức cần thiết khi tham gia giao thông.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn các sempai đã đến giúp cohai học, đưa đi thi, đưa về tiệm, dạy phát báo... Có thể kể tên như là: Đức, Truyền, Tùng, Lương, Long, Tuấn, lân, Nghĩa, Nam, Du...
Vài hình ảnh trong những ngày luyện thi
Phú Thắng
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tiễn bạn lên đường và bài phỏng vấn anh Tất Hoàn
Vào ngày 17.03, tại nhà Hoàng Nam ở khu phố 緑ヶ丘, 東京都 đã diễn ra một buổi cơm thân mật của một số anh em Đông du vùng đất Quảng. Là một buổi cơm chia tay hai người anh em Hồng Điền và Tất Hoàn trong thời gian tới trở về Việt Nam sau 6 năm học tập tại Nhật Bản. Anh em đã có khoảng thời gian vừa trò chuyện tâm tình vừa vào bếp làm món "Mì Quảng" cùng món "Bánh tráng cuốn thịt heo" đậm đà bản sắc Quảng Nôm. Trong buổi tiệc, sau khi cạn chén khai vị, chúng tôi đã dịp nghe những dự định tương lai của hai bạn, cũng như nhân dịp đó còn được ôn lại những câu chuyện kỷ niệm thời kì học sinh tại Việt Nam như "Chuyện chuyền sách vở học trong xóm ", "cho bạn xem bài" "lên dò bài thuộc lòng".... Sau buổi cơm là một chầu boling cùng bida vui vẻ.
Ngoài Hoàn và Điền, được biết thời gian tới có một số anh em Đông Du tốt nghiệp về Việt Nam lập nghiệp hoặc chuẩn bị cho những dự định mới. Nhân dịp này Tuần Báo đã có một buổi nói chuyện riêng với anh Tất Hoàn, một trong những người sẽ về Việt Nam sắp đến.
Chào Hoàn
Sau 6 năm học tập tại Nhật, Hoàn đã quyết định về VN, mặc dù có rất nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đại học thường sẽ học lên cao học? Điều gì thúc đẩy Hoàn đến với quyết định này?
Chào anh Ân. Mình cũng giống với các anh em Đông Du khác, đã có những kỉ niệm đẹp ở Nhật. Qua cuộc sống vừa học vừa làm trong môi trường Đông Du, mình đã thấy được một chân trời khác, khác với những gì đã thấy ở Việt Nam. Và mình hy vọng trong khoảng thời gian tuổi trẻ, khi sức khỏe và điều kiện cho phép, mình sẽ được đi nhiều nước khác nữa. Thế nên mình xác định lúc học đại học sẽ học ở Nhật, còn cao học nếu được thì ở một nước khác. Điều đó sẽ giúp cho khả năng ngôn ngữ, sự hiểu biết của mình được mở rộng.
Nghĩa là sau khi về Việt Nam, Hoàn muốn tìm một cơ hội học lên ở một nước khác ngoài Nhật Bản. Vậy trước hết Hoàn có lo lắng gì khi trở lại VN sau 6 năm xa cách, liệu với những thói quen có được khi ở Nhật có làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống ở VN của Hoàn trong thời gian tới không?
Bản thân mình từ nhỏ đã chuyển nhà đến nhiều thành phố như Hà Nội , Đà Nẵng...và nay là TP Hồ Chí Minh nên đã quen với việc tiếp xúc làm quen với những môi trường mới. Hơn nữa, trong khi ở Nhật, mình cũng thường xuyên về Việt Nam để cập nhật tình hình, sinh hoạt với các anh em ở Việt Nam nhiều nên không thấy có gì lo lắng cả.
Ta quay lại quá khứ một lúc nhé, lúc trước tôi có nghe Hoàn cùng với một số anh em khóa 03 đã từng tự mình mở lớp dạy kèm thi đại học giúp các bạn kohai Shizu. Có thể xem đây là tiền thân của lớp dư bị đại học tại Tokoudai hiện nay. Điều gì thúc đẩy Hoàn cùng các anh em làm việc đó?
Điều này có lẽ là một điều rất tự nhiên, xuất phát từ tinh thần anh em Đông Du dùm bọc lẫn nhau. Bản thân anh em khóa 03 nói riêng cũng như các thành viên Đông Du đều đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của các thế hệ sempai đi trước, nên các bạn cũng muốn làm một điều gì đó cho các em Kohai ở Shizu. Riêng các em kohai K04 có những khó khăn riêng, đây là khóa đầu tiên sang Nhật vào tháng 10, đúng vào dịp các bạn khóa mình phải tập trung thi Ryu và đại học nên không giúp đỡ được gì nhiều cho các em cả. Do vậy sau khi vào đại học các bạn đã nảy ra ý định mở lớp dạy học. Cũng xin nói thêm rằng việc về giúp đỡ kohai là công sức của các bạn khoá 2003 như Thanh Hùng, Hữu Việt,... mà mình chỉ là 1 thành viên.
Khi đảm nhiệm người quản lý dongdu.org. Hoàn đã khởi động " Tuần báo Đông Du", lúc đó theo suy nghĩ của Hoàn " TBDD" sẽ là một tuần báo như thế nào?
Trong các hoạt động TBDD nói riêng và dongdu.org nói chung, theo mình nghĩ yếu tố quan trọng nhất là con người. Ở đâu có những con người giỏi thì tự bản thân họ sẽ tìm ra những phương hướng thích hợp với tình hình. Thế nên, TBDD trong thời gian đầu chỉ tập trung vào nhiệm vụ tạo ra môi trường để anh em có thể rèn luyện viết bài, dần dần khi trình độ anh em đã tốt thì mình hoàn toàn tin tưởng rằng tự các anh em đó sẽ tìm cho mình con đường hợp lý phát triển Tuần Báo. Về tương lai xa, mình hy vọng TBDD trở thành đầu mối cung cấp thông tin chính thức, nơi cập nhật thông tin của anh em Đông Du.
Tôi nghe Hoàn lúc học lớp 1, là một cậu học trò thường xuyên đứng ở vị trí cuối cùng trong bản thành tích học tập, điều gì đã xảy ra và bằng động lực như thế nào Hoàn đã có được những kết quả học tập hiện nay?
(smile)Hồi vào lớp 1, trong khi mình còn chưa biết gì cả thì các bạn xung quanh đã học mẫu giáo nến phần lớn đều đã biết đọc, biết viết. Do đó thành tích của mình thường xuyên nằm ở top cuối khoảng 39/41. Nhưng mình có may mắn là trong hoàn cảnh như thế, bố mẹ hoàn toàn không bắt ép, la mắng, hoàn toàn để mình tự do trong việc học tập. Có lẽ việc để tự do phát triển đúng với lứa tuổi đã kiến cho việc học tập của mình tuy chậm nhưng ngày càng tiến bộ. Còn về động lực, việc cô bạn lớp trưởng xinh xắn và học giỏi nhất lớp có lẽ đã góp một phần vào động lực phấn đầu chăng? (smile)
Xin phép được hỏi Hoàn một câu hỏi rất riêng tư, thời gian vừa qua tôi có nhìn thấy những bức tranh được Hoàn 発表 tại Blog. Chuyện này như thế nào? và liệu trở thành một họa sĩ cũng là một trong những dự định trong tương lai chứ?
Từ hồi bé mình đã rất có hứng thú với hội họa, hồi hè lớp 3 đã bỏ cả 3 tháng hè chỉ để ngồi vẽ linh tinh. Tuy nhiên việc học ngày càng bận, hơn nữa điều kiện chưa cho phép nên mình không thể tiếp tục niềm đam mê đó nữa. May mắn là khi sang Nhật, mình tình cờ ở gần nhà một người họa sĩ rất tài hoa, là bạn thân của anh Chiến khóa 01. Nhờ sự giới thiệu của anh Chiến, nên mình đã làm quen và được học lớp học vẽ của người họa sĩ đó, bất đầu từ khoảng năm 4 đại học. Mình chỉ vẽ theo niềm đam mê và để làm đời sống phong phú là chính, chứ không có ý định trở thành họa sĩ.
Đông Du đối với Hoàn là gì?
Đông Du, đối với mình, đó là tuổi trẻ, và là niềm ước mơ biến thành sự thật. Trong quãng thời gian là SV Đông du, có thể nói mình đã sống những năm tháng nhiệt huyết, sôi nổi nhất của tuổi trẻ. Ở đó, mình cùng với anh em, được sang Nhật Bản, cùng tự kiếm sống, giúp đỡ nhau để thực hiện ước mơ vào học trong trường đại học của Nhật Bản.
Trước khi chia tay gia đình Đông du tại Nhật, mong Hoàn có vài lời đến với những kohai và bạn bè ở lại?
Trong suốt 6 năm ở Nhật, mình đã được sống trong đại gia đình Đông Du, cùng anh em sống những năm tháng tuổi trẻ, cùng nhau cố gắng thực hiện ước mơ của mình. Mình rất cảm ơn sự giúp đỡ, tình cảm của mọi người đã dành cho mình trong thời gian qua. Sắp đến mình sẽ về Việt nam, nhưng mình hy vọng theo thời gian, tình cảm anh em chúng ta sẽ không vì thể mà thay đổi. Chúc anh em ngày càng khỏe mạnh, thành công trong học tập và cuộc sống. Chúc cho tập thể Đông Du ngày càng lớn mạnh, bền vững.
Rất cảm ơn Hoàn đã dành thời gian cho buổi nói chuyện này. Thay mặt gia đình Đông du thành thật có lời cảm ơn chân thành nhất đến với sự cống hiến, sự hoạt động giúp đỡ kohai nhiệt tình của Hoàn và các bạn trong những năm qua. Chúc Hoàn cùng các bạn về Việt Nam trong dịp này có được sức khỏe, niềm vui và sự thành công trong thời gian tới. Hi vọng là còn gặp được Hoàn và các bạn tại Việt Nam và trên diễn đàn dongdu.org.
Một vài hình ảnh kỷ niệm
SVVN tốt nghiệp Tokoudai
Hồng Ân
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Du học thời suy thoái kinh tế
Sinh viên du học không phải ai cũng nhàn nhã, được tận hưởng một cuộc sống vật chất đầy đủ. Khá nhiều sinh viên thời nay vẫn phải vật lộn tìm kiếm cách mưu sinh để tồn tại ở nước bạn.
Trong số hơn 50.000 sinh viên Việt Nam (SVVN) du học khắp các nước, số lượng các bạn trẻ du học tự túc cũng chiếm tới 80%. Đối với họ, đặc biệt là đối với các bạn học tập và sinh sống ở phương Tây đắt đỏ, chuyện kiếm thêm việc làm là rất phổ biến. Bạn Hưng đang học tập ở một trường cao đẳng tại Houston (Mỹ) thú thật gia đình bạn chỉ chu cấp tiền học hằng năm (khoảng 4.000 USD/năm), còn lại tiền ăn, ở, chi tiêu cũng tương đương bằng tiền học thì bạn phải tự lo. Dẫu biết SV đang học tập tại Mỹ không được phép đi làm thêm, nhưng để có tiền tồn tại và tiếp tục học hành, bạn cũng như một số SVVN khó khăn khác phải lén đi làm thêm. Do không có bằng cấp, cũng không có chuyên ngành, phần lớn SVVN chỉ biết làm bồi bàn, phụ rửa chén bát, lau chùi quét dọn... tại các tiệm ăn ở Chinatown, tiền được trả theo giờ làm, không được hưởng bất kỳ chế độ bảo hiểm hoặc phúc lợi nào. Mạnh dạn đi từng tiệm ăn để hỏi xin việc và để lại số điện thoại, mạnh dạn tự mặc cả số tiền làm thêm, các bạn đã bắt tay với công việc đầu đời như vậy. Những bỡ ngỡ, gian khó ban đầu như vụng về làm rớt đồ ăn, khách đặt món nhưng nghe lõm bõm, không rõ nên ghi nhầm món, bị khách mắng, bị trừ tiền do làm vỡ chén bát... rồi cũng trôi qua, các bạn dần dần thích nghi với công việc và chợt nhận thấy vốn tiếng Anh của mình đã tốt hẳn sau một thời gian đi làm.
Nhiều bạn đi học ở các nước khác trong thời gian đầu cũng thấy hoang mang và lo ngại không đủ tiền trụ lại khi giá cả leo thang đắt đỏ, nhưng lòng ham học và khát khao được tiếp thu những kiến thức quý giá của những nền văn minh và giáo dục hiện đại lại trỗi dậy, giục giã các bạn vượt qua. Do chính sách du học từng nước, nhiều bạn trẻ VN khác lại khá thuận lợi khi kiếm việc làm thêm như: nhận đi hái táo, thu hoạch rau củ vào các dịp nghỉ hè, nhận trông trẻ theo giờ... Nhiều trường nước ngoài tạo điều kiện cho học sinh khó khăn tăng thêm thu nhập bằng cách cung cấp những dịch vụ việc làm phù hợp như: dạy ngoại ngữ, trông thư viện, phát tờ rơi cho các hoạt động của trường. Nhiều SVVN ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng làm thêm bằng cách tranh thủ làm phiên dịch cho các đoàn du lịch, thương mại, dạy tiếng Việt, tham gia các chương trình truyền hình dành cho người nước ngoài, phụ bán hàng tại các tiệm cà phê, tiệm ăn VN ở đó...
SVVN tại Hiroshima (dongdu.org)
Minh Hoa - một cựu SV tại Bắc Kinh bồi hồi nhớ lại thời đi làm thêm của mình khi còn đi học ở xứ người: “Cứ nhớ cái cảnh đi bộ nửa tiếng từ trường ra bến ô tô buýt trong giá tuyết, rồi ngồi ô tô 2 tiếng nữa chỉ để đi dạy học 1 tiếng ở gần ngoại thành rồi lại mất ngần đấy thời gian đi về, nhiều lúc oải lắm, nhưng vẫn phải cố”. Phần lớn SVVN từng đi làm thêm trong thời gian du học đều vui mừng cho biết ngoài tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, đi làm cũng là một cơ hội để các bạn nâng cao vốn ngoại ngữ, kết giao bạn bè, tìm hiểu sâu hơn về đời sống xã hội, thói quen của người bản xứ. Vì vậy nhiều bạn trẻ VN đã chọn cách này như một phương thức cọ xát cuộc sống một cách hữu hiệu nhất.
Một số bạn trẻ khác tuy không bức thiết về vấn đề kinh tế nhưng muốn tận dụng cơ hội du học để tập sống độc lập, thử kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình và đặc biệt là được sống một cuộc sống mà các bạn cho rằng có ý nghĩa nhất. Mai Hương vốn là con cưng của một giáo sư toán học ở Hà Nội, gia đình khá giả. Trước khi sang Paris du học, cô không hề phải đụng tay vào bất kỳ việc gì trong nhà, nhưng sau một thời gian sinh sống tại Pháp và thấy bạn bè mình đều đi làm thêm, cô cũng mạnh dạn nhận đi xin việc ngoài giờ. Bắt tay bằng việc quấn nem cho một tiệm ăn VN, cô dần cảm thấy say mê với ẩm thực nước nhà. Đối với cô, có điều kiện trau dồi tay nghề nấu nướng và giới thiệu cho bạn bè quốc tế những tinh túy của ẩm thực VN là một điều cực kỳ thú vị. Cũng nhờ kinh nghiệm đi làm, Mai Hương trở nên lanh lẹ và tháo vát việc nhà, tự tin ổn định cuộc sống. Khi cô về nước thăm gia đình, bố mẹ cô phải ngạc nhiên về những thay đổi bất ngờ của con gái.
Đi làm khi đang du học, nếu biết cách điều chỉnh hợp lý cũng là một phương thức tốt để các bạn trẻ tự trưởng thành, biết trân trọng giá trị đồng tiền, khám phá chính mình và học cách sống độc lập, tự chăm sóc.
Ngọc Bi
Nguồn Thanh Nien Online
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
GS Yumio Sakurai: Tôi yêu Việt Nam
TP - “Lần đầu tiên, người Việt Nam vinh danh công trình nghiên cứu về Việt Nam của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Đây không chỉ là vinh dự dành cho tôi, mà cho tất cả những nhà nghiên cứu Việt Nam học người nước ngoài”.
GS người Nhật Yumio Sakurai trả lời Tiền Phong trước lễ trao giải thưởng Việt Nam học.
Cảm giác của giáo sư khi biết tin được trao tặng giải thưởng Việt Nam học?
Tôi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam từ năm 1965. Việt Nam học là công trình nghiên cứu về người Việt Nam mà lại được người Việt đánh giá cao, nên đây là vinh dự không chỉ dành cho tôi, mà cho tất cả những nhà nghiên cứu nước ngoài. Giải thưởng này rất có ý nghĩa đối với việc phát triển ngành Việt Nam học trên thế giới.
Giáo sư có thể cho biết những nghiên cứu tiếp theo sau dự án nổi tiếng về làng cổ Bách Cốc?
Dự án về làng Bách Cốc bắt đầu từ năm 1994 và bây giờ tôi vẫn tiếp tục dự án đó với việc nghiên cứu về quá trình thị trường hóa. Hiện nay tôi đang nghiên cứu về lịch sử Hà Nội 1.000 năm tuổi. Công trình bắt đầu từ năm 2004.
Tôi đã và đang tiến hành phỏng vấn hơn 200 gia đình ở các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng; mục đích chủ yếu là sưu tập các trải nghiệm của các gia đình Hà Nội cho lịch sử hiện đại.
Sau đó phân tích và tổng hợp về lịch sử thị dân Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu về lao động địa phương và chính sách khu công nghiệp mới của Việt Nam.
Chắc hẳn ông sẽ bận rộn mỗi lần trở lại Việt Nam?
Đúng vậy, tôi là một trong những người tổ chức lễ hội hoa anh đào sẽ diễn ra từ 10/4 đến 12/4 tại Sân vận động Quần Ngựa, Hà Nội.
Bên cạnh giới thiệu văn hóa dân gian Nhật Bản thông qua các điệu múa, giới thiệu về các Cty của Nhật đang làm ăn ở Việt Nam, chúng tôi sẽ có một hội thảo khoa học vào ngày 11/4 công bố các công trình nghiên cứu về Việt Nam như nghiên cứu về trục trung tâm thành phố Hà Nội của tôi, về di tích Thăng Long - Hà Nội của GS Veno Kunikazu, bản đồ điện tử lịch sử Hà Nội của GS Mamoru Shibayama…
Từ năm ngoái, tôi nhận lời mời sang giảng dạy về xã hội Việt Nam cho sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là vinh dự lớn nhất đối với người nước ngoài như tôi. Năm nay, thêm một số trường đại học tại Việt Nam mời tôi giảng dạy như Đại học Bình Dương.
Một người nước ngoài giảng dạy về xã hội Việt Nam và giảng dạy bằng tiếng Việt, quả là đặc biệt?
Vâng, mặc dù tôi nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1965, nhưng chủ yếu thông qua các tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Kể từ 1985, khi là tùy viên văn hóa Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, tôi mới có cơ hội tiếp xúc với người Việt và học tiếng Việt.
Tôi hoàn toàn tự học tiếng Việt, chứ không qua trường lớp nào cả. Có thể do tôi phát âm chưa chính xác, nhưng nội dung rất dễ hiểu. Như lúc đầu mới nói chuyện với tôi, chắc bạn chưa hiểu ngay những điều tôi nói, còn bây giờ chắc là hiểu rồi chứ ? (cười)
Giáo sư sẽ dành trọn cuộc đời mình cho các nghiên cứu về Việt Nam?
Kết luận của 44 năm nghiên cứu Việt Nam học là tôi yêu quí đất nước Việt Nam, yêu thích người Việt Nam.
GS.TS Yumio Sakurai là Hội trưởng Hội Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Ông nhận bằng Tiến sĩ sử học tại Đại học Quốc gia Tokyo (1987) với đề tài Tìm hiểu sự thành lập làng xã Việt Nam.
Năm 1992, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Tokyo với đề tài Lịch sử khai thác thủy lợi trên đồng bằng sông Hồng.
Các công trình này tạo nên nền tảng lý thuyết cho dự án làng Việt cổ Bách Cốc được ông và đồng nghiệp triển khai với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam & Giao lưu Văn hóa liên tục 15 năm qua.
Lan Anh
Nguồn Tiền Phong Online
© 2009 Dongdu.org