Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về bản thân và xã hội?
Một nghiên cứu xã hội học của đại học tổng hợp Warszawa, Balan cho thấy những kết quả thú vị về thanh niên Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Adam Jelonek vừa hoàn thành đề tài ‘Hệ giá trị của thanh niên Việt Nam’ (System wartosci mlodych Wietnamczykow).
Đây là một phần của chương trình lớn hơn mang tên ‘Châu Âu trong mắt giới trẻ Việt Nam-những định kiến’.
Giằng co mới và cũ
Theo kết quả sơ bộ BBC có được thì sự chênh lệch giữa ý kiến ủng hộ và không ủng hộ thường chỉ ở mức trên dưới 50%.
Ví dụ như trước câu hỏi về tầm quan trọng của ‘tính lương thiện’ thì 53,9% thanh niên không coi đây là một giá trị quan trọng. Số ủng hộ đức tính này chiếm 46,1%.
Điểm đặc biệt là cách hiểu về tôn giáo. Tới 98% cho rằng việc thực hiện các giáo lý tôn giáo là không quan trọng.
Nhìn chung, kết quả của nghiên cứu cho thấy phần đông thanh niên Việt Nam có cách nhìn bản thân và cuộc sống khác các thế hệ trước và các giá trị truyền thống đang giảm tính hấp dẫn trong giới trẻ.
Số người cho rằng cần nghe lời cha mẹ chỉ chiếm 38% tổng số sinh viên được hỏi. Cũng chỉ có 46,5% nghĩ rằng cần tôn trọng chính quyền và nhà chức trách, còn 53,5% có ý kiến ngược lại.
Tự do cá nhân được tới 65% người ủng hộ, so với 35% cho là không quan trọng. Nhưng số người đồng ý với ‘sự cởi mở trước các ý tưởng mới’ (46,3%) lại ít hơn số không ủng hộ (53,7%.).
Số người coi nhẹ tự do ngôn luận cũng khá cao (71,8%) so với 28,2% ủng hộ giá trị này.
Rất có thể cách cảm nhận và hiểu những giá trị như tự do cá nhân và tự do ngôn luận không đi cùng nhau trong suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam. Tự do cá nhân có thể được họ hiểu như là cách sống thoải mái, ít ràng buộc, ít trách nhiệm chứ không phải là một lý tưởng xã hội.
Thanh niên có vẻ như quan tâm đến bản thân nhiều hơn các vấn đề chung. Chỉ có 32% cho rằng tinh thần trách nhiệm với người khác là quan trọng, còn tới 68% cho đó là chuyện không có ý nghĩa. Cũng chỉ có 46,7% sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Có thể những thay đổi xã hội từ thời Đổi Mới đến nay cho thanh niên Việt Nam thấy họ không thể dựa vào người khác nhiều như trước. Kinh tế thị trường cũng thúc đẩy sự ủng hộ cho tính tự lập (56,7% ủng hộ, 43,3% không).
Nhưng dù không muốn chịu trách nhiệm, thanh niên Việt Nam cũng không quan tâm nhiều đến việc rèn luyện kỷ luật cá nhân. Chỉ có 22,1% coi đây là yếu tố quan trọng, còn tới 77,9% bác bỏ.
‘Thành đạt’ là một giá trị có vẻ như đang lên giá trong giới trẻ Việt Nam (52,7% đồng ý) nhưng thành công và thành đạt lại có vẻ như được hiểu khác với ‘thành tích cá nhân’ vốn chỉ được có 32,6% ủng hộ.
Muốn chính trị công khai hơn
Có thể nói đại đa số thanh niên Việt Nam muốn chính quyền hoạt động công khai trong các vấn đề mang tính tranh cãi về chính trị. Tới 94,2% không chấp nhận cách giải quyết các tranh luận và mâu thuẫn chính trị bằng con đường không chính thức, qua các cuộc gặp và dàn xếp riêng tư. Chỉ có 5,8% thích cách làm này.
Dù không thích kiểu giải quyết các vấn đề chính trị một cách riêng tư, hơn một nửa số người được hỏi vẫn chưa coi trọng thảo luận chính trị công khai.
Tới 52,3% không muốn các mâu thuẫn, tranh cãi chính trị được giải quyết qua các diễn đàn và thảo luận công khai. Số 47,7% còn lại thì ủng hộ tranh luận chính trị công khai.
Đây là một sự thay đổi từ cách nhìn coi chính trị là ‘việc của Đảng, của nhà nước’ sang yêu cầu công khai hóa các vấn đề chung.
Công trình được thực hiện ở ngay tại thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị của Việt Nam và một số tỉnh xung quanh. Số người tham gia là sinh viên các ngành kinh tế, xã hội, tin học, y học, quan hệ quốc tế và kỹ thuật của hơn 10 trường đại học.
Một nhóm sinh viên Balan đã về tận Việt Nam để thực hiện cuộc nghiên cứu. Các câu hỏi và trả lời được ghi nhận công khai, không gượng ép và khá rộng rãi.
Nhóm nghiên cứu Balan đang soạn một cuốn sách về đề tài này. Đây là một công trình được thực hiện song song với việc nghiên cứu thanh niên Balan để có một các nhìn so sánh.
Có thể vì nơi thực hiện điều tra dư luận là Hà Nội và một số tỉnh xung quanh, với số sinh viên tham gia cũng là người của khu vực này nên kết quả có thể chưa phản ánh hết tâm tư của thanh niên toàn quốc.
Nhưng dù sao, đây cũng là một công trình nghiên cứu có giá trị, phản ánh được cảm quan và nhận thức của thanh niên Việt Nam về nhiều vấn đề vào thời điểm này.
theo BBC (08/6/ 2004)