Thật ngạc nhiên, tại một nước có mạng lưới internet rộng khắp cộng thêm tốc độ băng thông rộng cực nhanh, các chính trị gia Nhật lại không được phép tranh cử qua mạng.
Hiện, chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Nhật đã bắt đầu và các quy định chặt chẽ đối với các chính trị gia trong việc thu hút cử tri cũng có hiệu lực.
Theo đó, sẽ là trái luật nếu các ứng viên lập website hoặc cập nhật thông tin trên trang web trong thời điểm hiện nay và vào ngày bầu cử 29/07.
Đi rong trên phố để lôi kéo cử triThay cho các biện pháp trên, những chiếc xe có gắn loa phóng thanh sẽ xuất hiện trên đường phố. Ngồi trong xe là các ứng viên, họ đeo găng trắng, mỉm cười và lịch sự kêu gọi cử tri ủng hộ.
Giáo sư Phil Deans tại trường Đại học Temple, Tokyo mô tả tranh cử ở Nhật lúc này gần giống như sự giật lùi về thập niên 1950. "Những chiếc xe với diễn giả ngồi trên đó, áp phích quảng cáo, tờ rơi và gần như thiếu toàn bộ các phương tiện truyền thông điện tử tới các thông điệp chính trị là một trong những điều gây sửng sốt về cách tiến hành tranh cử ở đây".
Kan Suzuki muốn thay đổi tất cả mọi thứ. Ông là một nghị sĩ muốn hiện đại hóa cách bầu cử và đang đấu tranh vì mục tiêu này. Kan xây một văn phòng ở game Second Life - thế giới ảo nơi bất cứ ai cũng có thể làm việc, chơi và giao tiếp với những người khác.
Tại đây, Kan có thể chuyển thông điệp tới mọi người, những đối tượng thường chẳng mấy khi quan tâm tới chính trị gia nói gì. Tuy nhiên, khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, nghị sĩ này phải tạm đóng cửa văn phòng.
"Về cơ bản, luật bầu cử được soạn thảo từ những năm 1950", Kan Suzuki nói.
Ông Kan cũng là người chỉ trích gay gắt những quy định cổ lỗ sĩ khác như giới hạn số poster và tờ rơi mà một ứng viên được phân phát. "Tại khu vực bầu cử của tôi, tôi chỉ có thể phát được tờ rơi của đảng cho 3% cử tri. Số 97% còn lại thì không được. Làm thế nào tôi tiếp cận được họ đây?".
Tranh cử trên net là không chính thống
Thông thường, Nhật vẫn cho các chính trị gia dùng Internet để giao tiếp với cử tri. Tuy nhiên, khi chiến dịch vận động tranh cử bắt đầu, thời điểm mà các ứng viên thực sự muốn tiếp xúc với người đi bỏ phiếu thì việc dùng các phương tiện thông tin điện tử để tranh cử lại bị cấm.
Giáo sư Yasunori Sone, nhà phân tích chính trị thuộc trường đại học Keio, Tokyo nói, luật bầu cử Nhật rất chặt chẽ. "Có hàng loạt quy định và những điều không được làm. Tuy nhiên, nhiều đảng lại muốn có một bộ luật nghiêm ngặt để kiềm chế hoạt động chính trị của các đảng khác. Một vài người trong chúng tôi muốn sửa đổi luật. Tuy nhiên, số người ủng hộ thay đổi lại rất ít".
Các bạn có thể cho rằng có một nhóm sẽ thích dùng internet để tranh cử, đó chính là những cử tri trẻ. Ở Nhật, 95% số dân ở độ tuổi 20 sử dụng web nhưng chỉ 1/3 trong số này sẵn sàng đi bỏ phiếu. Nhưng, cũng có những người trẻ tuổi không thích các ứng viên dùng internet để lôi kéo cử tri.
"Tôi cho rằng dùng internet để vận động tranh cử không phải là cách chính thống" Kentaro Shimano, sinh viên trường đại học Temple, Tokyo nói. "YouTube quá là thường, bạn có thể xem video ca nhạc hay một đoạn phim hài trên đó, nhưng nếu chính phủ hay các chính trị gia cũng lên đó thì tôi thấy không hợp lý lắm".
Haruka Konishi nhất trí với quan điểm này.
"Hoạt động chính trị ở Nhật là cái gì đó rất nghiêm túc", Haruka nói. "Giới trẻ không nên tham gia, tôi đoán vậy, vì họ không đủ nghiêm túc hoặc không đủ trình độ. Trên thế giới chẳng có mấy nơi mà sinh viên cảm thấy quan điểm của họ được đếm xỉa tới. Có lẽ điều đó phản ánh sự thực.
Ở Nhật, tôn trọng các chính trị gia là một việc rất quan trọng. Nhưng dù được tôn kính thì khó có ai đó sẵn lòng đối mặt với thách thức để thử cái mới và khiến hệ thống chính trị tốt hơn".
(Theo BBC)