Ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam ( Con đường lập nghiệp số 2).
- Xuất phát từ thông tin báo chí :
Ngành công nghiệp phụ trợ của VN chỉ cung cấp được thùng các-tông, thậm chí chưa thể sản xuất vỏ chai rượu đủ chất lượng, tỉ lệ nội địa hóa thực chất rất thấp... khiến Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba phải thốt lên "tôi bị sốc", tại Diễn đàn kinh tế Việt - Nhật lần 3 diễn ra sáng 3/3 ở Hà Nội. Ông cảnh báo: Thời gian để tranh đấu nỗ lực vì sinh mệnh của nền công nghiệp VN không còn nhiều nữa.
Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba:
"Thời gian không còn nhiều để chúng ta
tranh đấu nỗ lực vì sinh mệnh của nền công nghiệp VN".
Mình xin được mời các anh chị cùng các bạn tham gia thảo luận góp phần làm rõ các vấn đề cần lưu tâm đối với ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ ở nước nhà. Mọi quan điểm, góc nhìn của mọi người đều được hoan nghênh, không phân biệt tuổi tác, xuất xứ hay kinh nghiệm. Sau đây mình xin giới thiệu một bài viết để mọi người cùng thảo luận và tham gia đăng tải thêm những góc nhìn khác.
Một góc nhìn về ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam:
[quote="Trần Trọng Hiền"]Trước hết, mình xin mạn phép nêu lên ý kiến cá nhân về ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng và kinh doanh sản phẩm công nghiệp phụ trợ nói chung ở Việt Nam. Đây chỉ là góc nhìn chủ quan của bản thân mình sau một thời gian học và làm việc tại Việt Nam, nên nếu có gì sai xót và không phù hợp mong anh em bỏ qua cho ^^.
* Mình xin đi từ việc kinh doanh các sản phẩm phụ trợ trước. Khi còn học Đại học ở Việt Nam mình đã từng học Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông (xin nói rõ thời đại học là quãng thời gian đáng xấu hổ nhất trong đời mình cho đến giờ, nên chỉ kể ra để đúc kết kinh nghiệm, mong mọi người đừng săm soi thêm, tội mình lắm). Mục đích học như vậy là muốn thành lập một công ty kinh doanh các sản phẩm công nghệ do chính mình sản xuất ra. Nhưng rồi sau 2 năm đầu đại học, những kiến thức mình học được ngoài những môn cơ sở bắt buộc gần như giống nhau ở cả 3 trường, thì mỗi trường chỉ có vài môn chuyên ngành nhưng nhìn chung toàn bộ đều là lý thuyết! Mình cố gắng học thêm 1 học kỳ nữa, nhưng dù đã bước vào giai đoạn phân ngành và học các môn chuyên sâu nhưng lý thuyết vẫn hoàn lý thuyết, mỗi tuần cao nhất là học được 6 tiết thí nghiệm còn được dùng dụng cụ. (Chắc mọi người đang nghĩ mình lạc đề, nhưng xin nhẫn nại thêm một chút)
Bối cảnh xã hội Việt Nam khi ấy (và có lẽ đến giờ vẫn vậy) bằng cấp cử nhân, kỹ sư tràn lan nhưng thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành là chuyện hiển nhiên khi mới ra trường. Thế là mình bắt đầu cúp học thường xuyên để tham gia vào thương trường. Ban đầu là mua đi bán lại các sản phẩm điện tử còn giá trị sử dụng, sau đó lấn dần sang việc thay thế linh kiện, cài đặt linh tinh các thứ....Chuyện này không nói thì ai cũng biết nhưng có tham gia mới nhìn thấy rõ ràng: "VIỆT NAM gần như KHÔNG sản xuất linh kiện điện tử, họa hoằng lắm thì được một vài mặt hàng, nhưng giá cả hoàn toàn không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc và Đài Loan,.." Một góc nhìn hẹp để mọi người nghĩ về các mảng khác trong nền công nghiệp.
Vậy bao nhiêu năm nay, những kỹ sư, cử nhân học trong nước, học ngoài nước...họ đã và đang làm gì? làm cho ai? Đây là câu hỏi mở, chắc mọi người đều tự tìm được câu trả lời cho mình. Riêng mình, trong quá trình làm việc với các đối tác mình đã quen, đã gặp nhiều người, họ rất giỏi, rất có tài nhưng...họ vẫn chỉ là làm công cho người khác. Nguyên nhân?
+Thứ nhất: THIẾU VỐN. Vâng, một vấn đề đau đầu, mà người giỏi đến đâu nếu mắc phải vẫn bế tắc, nhất là trong bối cảnh của Việt Nam, xoay được đồng vốn đã không dễ, xoay đủ vốn để cạnh tranh lại càng khó (vốn không phải không có nhé, nhưng ai học về kinh tế sẽ hiểu, nếu chỉ đủ vốn để sản xuất thì sẽ không tồn tại nổi!)
+Thứ hai: THIẾU LỰC. Lực ở đây bôm gồm năng lực/thực lực/trí lực, nhân lực, trợ lực,... Cái khó thứ hai này góp phần bóp chết những cái khó còn lại. Những người khó toàn diện thì không nói, mình chỉ đề cập đến những người CÓ VÔN, có ý tưởng kinh doanh, có mong muốn kinh doanh nhưng.....hãy nghĩ xem họ kinh doanh cái gì nếu họ không tự sản xuất được, không tìm được 1 sản phẩm nào đóng dấu "Made in Viet Nam" đáng để họ đầu tư? Kết quả là họ tham gia vào thị trường chứng khoán, thị trường địa ốc - bất động sản,...và đau đớn hơn họ tham gia vào nhập khẩu các sản phẩm nước ngoài (cái này có tính là làm công cho nước ngoài không?).Chết chưa!!! =)) Trong một mảng khác, những người có thể sản xuất ra sản phẩm thì đa số đều sử dụng công nghệ hoặc máy móc cũ, hệ quả là giá thành sản xuất cao, không tìm được đầu ra, không tìm được sự hỗ trợ trong mạng lưới phân phối...
+Thứ ba: THIẾU LÒNG TIN. Cái mặt này cũng nhiều dạng, mình chỉ xin đề cập một số dạng cơ bản thôi. 1) Có tài nhưng không có lòng tin ở người khác, không đủ lòng tin ở ban thân...kết quả là họ không dám hợp tác với người khác để phát triển ý tưởng của mình => đi làm cho công ty nước ngoài, lương cao, được hậu đãi. 2) Có tiền nhưng không có lòng tin vào thành công của việc hợp tác....Điều này mình nghĩ mọi người đều hiểu, không dễ dàng gì để Xây dựng lòng tin với người khác và Đặt lòng tin cũng như tài sản của mình vào sản phầm của người khác thì càng khó. Những câu thường nghe là "Chắc gì...", "Nếu mà...",....
+Thứ tư: vấn đề cốt lõi không nối kết được người có vốn và người có sản phẩm là: KHÔNG HIỂU. 1) Người có vốn không hiểu công nghệ, không hiểu lợi ích và công dụng cũng như thị phần của sản phẩm thì làm sao họ dám tin là sản xuất ra sẽ kinh doanh có lời? Ví như bảo sản xuất ra 1 chiếc xe chạy bằng nước thì nhiều người còn hiểu được là cạnh tranh tốt với xe chạy xăng nhưng nếu bảo sản xuất động cơ hay phụ tùng gì đó cho dòng xe Hybird thì được mấy người hiểu hay là sẽ đặt ra một loạt câu hỏi như: "Xe nào chạy bằng cái này? Bán cái này cho ai? .." 2) Người có thể sản xuất ra sản phẩm nhưng thiếu vốn, đa phần đều không hiểu về quy trình kinh doanh (nếu có cũng chỉ nắm đại khái). Vị trí này là của anh em ngành kỹ thuật chúng ta, mỗi người sẽ có một lô các thắc mắc riêng, xin phép không đụng tới ^^.
Đó là góc nhìn hẹp của mình tổng hợp về những quan điểm của những người mình từng tiếp xúc khi còn đi làm. Thật sự thì đến đây mình cũng không biết là có lạc đề hay không nữa, nhưng nếu có phần nào cần đào sâu thì mình sẽ trình bày rõ hơn.
* Giờ thì mình xin được đi sơ lược vào một trong những ngành công nghiệp phụ trợ gần như không có tại Việt Nam: Linh Kiện Ôtô. Sau hơn nửa năm tự bơi trên thị trường điện tử thì mình đã vào làm trong một công ty sửa chữa và kinh doanh oto (doanh nghiệp tư nhân Việt Nam). Định hướng chính của công ty này là tân trang và mua bán xe hơi cũ, kèm theo đó việc sửa chữa xe là để xây dựng các mối quan hệ khách hàng, về quy mô thì đây là một công ty tầm trung trong mảng sửa chữa ôtô, đủ khả năng cạnh tranh với Garage bảo trì-sửa chữa của các hãng xe (thậm chí có thể là hơn vì ở đây không kén bất cứ hãng xe, dòng xe hay đời xe nào). Sở dĩ mình giới thiệu chức năng công ty là để mọi người hiểu rằng họ có rất nhiều đối tác cung cấp linh kiện, phụ tùng ôtô của nhiều hãng xe khác nhau, và nguồn hàng của họ cũng rất đa dạng tùy theo nhu cầu của khách hàng, từ hàng chính hãng, hàng nhái, hàng chợ trời hay hàng nhập lậu ...đều có cả. Nhưng mình xin khẳng định một điều là hơn hai năm làm việc tại công ty này, chưa bao giờ mình nhìn thấy một linh kiện phụ tùng nào có nguồn gốc do Việt Nam sản xuất (mình không nói các loại đồ nhựa, inox để trang trí xe nhé). Là như thế, giờ thì nói về xuất xứ hàng.
+ Hàng chính hãng thì cũng vài loại, có loại do chính hãng xe sản xuất nhập rồi nhập qua, có loại do các xưởng gia công ở các quốc gia khác sản xuất rồi chuyển qua (sở dĩ gia công ở nơi khác là vì các hãng xe như GM của Mỹ, Mercedes của Đức..muốn tấn công thị trường Châu Á, họ cần có những xưởng gia công phụ tùng ngay trên đất Châu Á để giảm giá thành cho những dòng xe phổ thông), hãng nào cũng có chi nhánh tại Việt Nam, nhưng chủ yếu là lắp ráp xe và bán linh kiện thôi chứ còn sản xuất thì không!
+ Hàng nhái: đây là loại hàng phổ biến nhất trên thị trường Việt Nam. Gần như tất cả các loại xe đều có linh kiện nhái trên thị trường (trừ những dòng xe cao cấp ít người dùng). Giá cả thì khỏi bàn, luôn luôn thấp hơn phụ tùng chính hãng từ 30~70% (đối tượng khách hàng hạng trung trở xuống 80% đều chọn loại hàng này). Xuất xứ thì đa dạng lắm (nhưng tuyệt nhiên không có Việt Nam ^^).
+ Hàng chợ trời, hàng nhập lậu: đã có hàng nhái sao lại còn có loại hàng này? Xin thưa rằng, đây là phụ tùng chính hãng, phụ tùng xịn đàng hoàng!!! Xuất xứ là từ chính những chiếc xe chính hãng bị luộc đồ (ở Việt Nam), hoặc bị đào thải (ở nước ngoài)...nhưng số lượng hàng này không nhiều, và người biết đến nó cũng chỉ có người sành chơi xe hoặc những tay buôn xe thôi.
*Kết: Một mặt hàng phụ trợ khi đến đến được với người tiêu dùng thì giá của nó đã bị đội lên vài lần rồi. Nhưng trong mảng sản xuất hàng phụ trợ thì đối tượng khách hàng không phải là người tiêu dùng trực tiếp mà là các cửa hàng và các công ty lắp ráp, chỉ cần cạnh tranh giá cung tại những nơi này với hàng nhái thì không lo thiếu mạng lưới phân phối.
Bonus: nếu anh em nào có ý định tham gia sản xuất trong ngành này thì có thể định hướng chất lượng thì cạnh tranh với hàng chính hãng, còn giá cả thì phải cạnh tranh với hàng nhái :p. Định đào sâu vào mạng lưới phân phối và mua bán của ngành này nữa nhưng mail dài rồi nên hẹn lúc khác vậy. Khái quát là các công ty sản xuất linh kiện nhái đa số là ở Trung Quốc hoặc Đài Loan, rồi sau đó nhập hàng về một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu tại Việt Nam để bán trực tiếp cho các garage sửa chữa hoặc các cửa hàng kinh doanh phụ tùng.
Một góc nhìn mang tính chủ quan, có gì sai xót mong mọi người bỏ qua.