Khoảng năm 1948, khi Nhật Bản còn chưa rũ sạch khói bom cũng như cảm giác bại trận trong Thế chiến 2, khi Mỹ đã tiến những bước dài về kỹ thuật và đã phát minh ra tranzito (transitor) cùng máy vi tính, tại các đường phố gần ga tàu điện Kanda ở Tokyo xuất hiện nhiều cửa hàng nhỏ bán các máy radio mà quân đội Mỹ loại ra sau khi đã sử dụng.
Giờ đây, khu vực này đã phát triển thành “Khu điện tử Akihabara” nổi tiếng, và có lẽ là khu vực bán hàng điện tử lớn nhất trên thế giới. Khu điện tử Akihabara trải trên một vùng rộng, với rất nhiều cửa hàng lớn chiếm cả 5-7 tầng gác của các tòa nhà cao tầng. Cũng không quá nếu nói rằng, tại đây có thể mua bất kỳ đồ dùng điện tử nào, từ những chiếc TV có màn hình lớn, tủ lạnh có dung tích hàng trăm lít, các giàn máy stereo hiện đại cho đến những chiếc máy Walkman, Discman nhỏ gọn.
Ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản là một trong những ngành lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới, phát triển vô cùng nhanh chóng từ sau Thế chiến 2. Vì là một ngành dựa vào việc lắp ráp sản phẩm, ngành điện tử Nhật Bản có thể phục hồi sớm hơn các ngành khác. Bên cạnh đó phải kể đến một động lực chính là nhu cầu của dân chúng về máy thu thanh (radio).
Nhờ một loạt những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản, ví như hạn chế đầu tư vốn nước ngoài, đề ra những biện pháp thuế đặc biệt nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập các dự án nghiên cứu và sản xuất, v.v… ngành công nghiệp điện tử có mức phát triển 20% trong 10 năm liên tục kể từ năm 1955, và rồi đạt tới mức cạnh tranh quốc tế vào năm 1965.
Cuộc cách mạng kỹ thuật trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn vào những năm 80 đã dẫn đến sự cải thiện nhanh chóng về chất lượng cũng như chức năng của các sản phẩm trong ngành điện tử Nhật Bản. Vào giữa thập kỷ 80, các công ty Nhật Bản đã trở thành nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới.
Đứng đầu ngành này là 3 hãng sản xuất điện tử lớn (Hitachi, Toshiba, Mitsubishi Electric), 4 hãng sản xuất đồ điện dân dụng (Matsushita Electric, Sanyo Electric, Sony, Sharp) và 3 hãng sản xuất thiết bị viễn thông (Nec, Fujitsu, Oki Electric) .
Lý do nào giúp Nhật Bản đứng đầu thế giới về ngành sản xuất hàng điện tử? Có thể nói các công ty Nhật có ưu điểm là rất giỏi về ứng dụng kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất đồ điện-điện tử có chất lượng cao và với số lượng lớn. Ví dụ trường hợp Sony du nhập kỹ thuật tranzito, sau đó ứng dụng làm thành sản phẩm độc đáo là radio bỏ túi và bán rất chạy. Đối với máy truyền hình cũng vậy. Và Nhật Bản sản xuất được đồ điện tử với chất lượng cao là vì có nghề truyền thống làm đồ thủ công cực kỳ nhỏ. Ngoài ra có một cơ cấu được áp dụng rộng rãi trong nhiều công ty là các công nhân luôn góp ý kiến để cải thiện chất lượng sản phẩm chứ không chỉ làm theo chỉ thị từ trên cao.
Ngành điện tử - bao gồm 3 lĩnh vực là thiết bị điện tử công nghiệp, linh kiện điện tử và điện tử dân dụng - sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn bất cứ ngành chế tạo nào ở Nhật Bản. Năm 1996, kim ngạch sản xuất của ngành điện tử Nhật Bản là 23.300 tỉ yen. So với kim ngạch 8,9 tỉ yen của năm 1948 sẽ thấy tăng 2.616 lần, và tỉ lệ tăng trung bình mỗi năm là 18%. Các sản phẩm điện tử công nghiệp, thiết bị viễn thông và máy vi tính trở thành những sản phẩm chính, trong khi các thị trường quốc tế về hàng điện tử dân dụng như máy quay video, máy CD cũng bị các công ty Nhật Bản thống trị.
Trong ngành điện tử của Nhật Bản, suốt một thời gian dài, sản xuất đồ điện tử dân dụng chiếm tỉ lệ lớn, đồng thời đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Và ở lĩnh vực này, tên tuổi các hãng Nhật lan ra toàn thế giới cùng những chiếc máy hình thức đẹp, ngày càng trở nên nhỏ gọn, và có mức giá phải chăng.
Đồ điện và điện tử dân dụng được chia thành 2 loại: loại thiết bị nghe/nhìn như TV, đầu máy video, giàn máy stereo, máy cat-xet, máy quay video, v,v… và các đồ điện-điện tử gia dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy hút bụi, lò vi sóng, nồi cơm điện, v,v…
Đồ điện và điện tử gia dụng của Nhật Bản được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Vì thế cũng không lạ khi nhìn vào sản lượng rất lớn của các mặt hàng này. Theo số liệu năm 97, Nhật Bản sản xuất hơn 8,2 triệu máy điều hòa, 5 triệu 400.000 tủ lạnh, gần 5 triệu máy giặt, hơn 10 triệu chiếc quạt, gần 7 triệu máy hút bụi cùng rất nhiều sản phẩm khác, đạt tổng kim ngạch 2.700 tỉ yen. 6 năm trước đó, tức là năm 1991, kim ngạch những mặt hàng này thậm chí lên tới 3.180 tỉ yen, trong đó riêng doanh thu về máy điều hòa đã đạt 1.450 tỉ yen và Nhật Bản được coi là nước sản xuất máy điều hòa nhiều nhất thế giới.
Nhưng chính với loại thiết bị nghe nhìn, Nhật Bản đã khuynh đảo cả thế giới. Trong năm 91, Nhật Bản sản xuất hơn 30 triệu đầu máy video, gần 56 triệu máy cat-xet, hơn 13 triệu TV màu, 11 triệu 770.000 máy quay video. Tổng doanh thu các loại thiết bị nghe nhìn là 4.695 tỉ yen.
Ngành sản xuất đồ điện dân dụng Nhật Bản sau chiến tranh cứ khoảng 10 năm lại tung ra thị trường một sản phẩm rất ăn khách, được phổ biến rộng rãi và trở thành động lực thúc đẩy sản xuất. Nửa cuối những năm 50 là tivi đen trắng, nửa cuối những năm 60 là tivi màu, nửa đầu những năm 80 là đầu máy video. Và trong nửa cuối những năm 80, khi hãng khổng lồ Mitsubishi Electric tung ra thị trường loại tivi 37 inch thì tivi cỡ lớn lại bán chạy. Nhưng bước vào những năm 90, do ảnh hưởng của nền kinh tế thổi phồng bị sụp đổ, ngành sản xuất đồ điện dân dụng rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài, tới năm 1994 mới bắt đầu phục hồi.
Giữa thập kỷ 90 đã xuất hiện những sản phẩm mới, hy vọng sẽ trở thành những mặt hàng rất ăn khách trong thế hệ tiếp theo. Một trong những sản phẩm đó là tivi màn ảnh rộng. Tivi kiểu mới này có đặc điểm là màn ảnh cỡ lớn kéo dài theo chiều ngang với tỉ lệ 16/9 so với tỉ lệ 4/3 của tivi thông thường. Vốn dĩ đây là loại tivi được phát triển trong quá trình nghiên cứu tivi có độ nét cao do Nhật Bản khởi xướng. Đến nay tivi độ nét cao chưa được phổ cập nhưng tivi màn ảnh rộng là một trong những thành quả nổi bật. Kỹ thuật mới nhất đối với TV là loại màn hình tinh thể plasma, tức là loại TV treo tường, có độ dày chỉ vài cm. Một mặt hàng khác hy vọng sẽ tạo ra nhu cầu lớn là đĩa video kỹ thuật số (DVD) và máy đọc đĩa loại này. Đĩa DVD có đường kính 12cm, giống như đĩa nghe nhạc CD bình thường nhưng chứa được lượng thông tin lớn, ghi được một chương trình trên 2 tiếng đồng hồ, ví như một bộ phim, với chất lượng âm thanh và hình ảnh rất cao.
Nhằm đối phó với chính sách hạn chế nhập khẩu của các nước đang phát triển kể từ thập niên 60 và việc chi phí lao động trong nước tăng lên trong những năm 70, các nhà máy bắt đầu được chuyển sang khu vực Đông Nam Á nhằm tìm kiếm nguồn nhân công tốt và rẻ. Tốc độ mở rộng sản xuất ra nước ngoài càng tăng mạnh vào những năm 80 và 90. Các cơ sở sản xuất tủ lạnh cỡ nhỏ được chuyển sang Thái Lan, còn sản xuất đầu máy video thông thường được đưa sang Malaixia. Tại Việt Nam, các hãng lớn như Sony, JVC, Toshiba, Sharp, Fujitsu đã lập liên doanh riêng.
Thực tế, vị trí của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử không phải không bị lung lay. Một đối thủ lâu đời là Mỹ đã có nhiều nỗ lực hòng đối phó với sự bánh trướng của hàng điện tử Nhật. Một loạt các biện pháp được thực thi, chẳng hạn như hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ với khu vực tư nhân, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển kỹ thuật quân sự thành kỹ thuật dân sự, và tập trung vào ngành thông tin điện tử. Nhờ đó, đến nay Mỹ dẫn đầu về mạng vi tính Internet, thậm chí làm cho các tiêu chuẩn của Mỹ trở thành tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, sau khi thị trường TV và đầu máy video bão hòa, các công ty Nhật không tìm ra mặt hàng chiến lược mới. Khó khăn càng tăng khi nền kinh tế thổi phồng bị sụp đổ và những máy móc đầu tư ồ ạt trong thời kỳ đó trở nên dư thừa.
Một yếu tố đe dọa khác là sự nổi lên của các trung tâm sản xuất hàng điện tử mới tại châu Á. Hàn Quốc và Đài Loan hiện vượt Nhật Bản về một số lĩnh vực. Ví dụ về mặt hàng linh kiện bán dẫn DRAM, Hàn Quốc đã hơn Nhật. Ban đầu, Nhật thua trong cuộc cạnh tranh giá cả, sau đó thua cả về kỹ thuật và kết quả là Hàn Quốc chiếm nhiều thị phần hơn. Còn Đài Loan vượt qua Nhật về sản xuất bo mạch chính (mother board) của máy vi tính. Bây giờ Đài Loan là nước sản xuất lớn nhất trên thế giới về bo mạch chính của máy vi tính. Nhìn toàn diện, các nước này không sánh kịp Nhật nhưng trong một số lĩnh vực kể trên, họ đã vượt hẳn Nhật.
Tỉ lệ các loại sản phẩm của ngành điện tử Nhật Bản ngày nay đã có thay đổi lớn so với nửa thế kỷ trước. Chẳng hạn trong năm 96, đồ điện tử nghe/nhìn chỉ chiếm 9% tổng giá trị sản xuất so với hơn 33% vào năm 1948. Ngược lại, thiết bị điện tử công nghiệp chiếm tới 51% vào năm 96 so với tỉ lệ ít ỏi 4% của năm 48.
Do chuyển sản xuất ra nước ngoài và cạnh tranh của các nước khác, nhất là các nước châu Á, sản lượng hàng điện tử dân dụng của Nhật Bản, trong đó có thiết bị nghe/nhìn, đã giảm đi. So với năm 91, số TV màu sản xuất trong năm 97 giảm 50,3%, số đầu máy video giảm 59%, máy cat-xet giảm 55,1%, máy quay video giảm 24,5%. Tổng kim ngạch thiết bị nghe/nhìn điện tử giảm 52,5%.
Số lượng các cửa hàng bán máy vi tính tại Akihabara ngày càng nhiều, cho thấy sự thay đổi về khái niệm “hàng điện tử dân dụng”. Máy tính vốn là một sản phẩm công nghiệp nhưng dần dần được sử dụng rộng rãi tại các gia đình. Thực tế, ngành điện tử đang đặt tương lai của mình trong thế kỷ 21 vào việc kết hợp các thiết bị thông tin-viễn thông với các đồ dùng điện tử dân dụng để tạo thành cái gọi là “các trạm thông tin gia đình”. Số lượng máy tính mà Nhật Bản sản xuất trong năm 95 đạt mức kỷ lục là 6 triệu 340.000 chiếc, tăng 71,5% so với năm trước đó. Do nhu cầu tăng về máy vi tính và thông tin di động, sản xuất linh kiện bán dẫn của các công ty Nhật cũng tăng vọt, nhất là các vi mạch IC - tức là linh kiện điện tử rất nhỏ, chi phối hầu hết các chức năng của thiết bị điện tử. Theo số liệu của Viện thống kê máy thuộc Bộ Công nghiệp-Ngoại thương, kim ngạch sản xuất IC trong năm 1996 vào khoảng 4.000 tỉ yen, chiếm tỉ lệ lớn trong ngành sản xuất linh kiện bán dẫn.
Trong khi đó, có những hãng chuyên về thiết bị nghe/nhìn, ví dụ như Sony, cũng quay sang cả lĩnh vực phần mềm và sản xuất máy vi tính để tranh thủ những kỹ thuật hiện đại của họ trong thời đại thông tin. Tuy đi sau các đối thủ khác về lĩnh vực này, Sony lại có thế mạnh về công nghệ âm thanh và hình ảnh, đồng thời có nhiều loại sản phẩm dân dụng có thể kết hợp với máy vi tính, tạo thành một mạng khép kín, rất hấp dẫn giới trẻ. Bên cạnh DVD, một sản phẩm do chính các công ty Nhật sáng tạo ra, các sản phẩm có nhiều triển vọng trong tương lai còn có các MD, tức mini disk, hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống giao thông thông minh (ITS), v,v…
Môi trường sẽ là một trong những vấn đề quan tâm nhất của nhân loại trong thế kỷ tới. Vì vậy cũng như các ngành chế tạo khác, ngành điện tử của Nhật Bản cũng phải tìm ra biện pháp khắc phục vấn đề này. Những công ty muốn tồn tại và tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai, ngoài việc tìm kiếm những sản phẩm với chức năng mới, phải đáp ứng những đòi hỏi như: giảm nhu cầu về năng lượng của sản phẩm, tăng tỉ lệ có thể tái sinh trong sản phẩm, sử dụng bao bì tái sinh, và giảm mức độ sử dụng những nguyên liệu có hại cho môi trường. Luật tái sử dụng đồ điện tử dân dụng của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực vào năm 2001, theo đó, đối với 4 mặt hàng là TV, máy điều hòa, tủ lạnh và máy giặt, các công ty đồ điện tử dân dụng phải tự thu thập đồ cũ để tái sử dụng. Đây là luật đầu tiên trên thế giới quy định như vậy.
Cách đây hơn 50 năm, ngành điện tử Nhật Bản hồi phục từ đổ nát của chiến tranh chủ yếu là nhờ radio. Sau đó ngành này chuyển sang TV đen-trắng, TV màu, đầu máy video và các đồ điện tử dân dụng khác. Đồng thời, tiến bộ về đồ điện tử dân dụng liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của thiết bị điện tử công nghiệp và linh kiện bán dẫn.
Trong khi đó, cách đây hơn 5 thập kỷ, máy tính chỉ là một dụng cụ tính toán, nhưng nay được gắn với thông tin và trở thành một phương tiện truyền thông mới. Chắc chắn trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng cho tất cả các phương tiện truyền thông sẽ là mạng vi tính. Truyền hình, điện thoại cũng như bất kỳ dịch vụ truyền thông nào trong tương lai cũng đều được cung cấp thông qua các mạng vi tính. Vì thế, ngành điện tử sẽ tiếp tục là một ngành cơ bản trong thế kỷ 21 nhưng ngành sản xuất điện tử Nhật Bản vẫn phải có những thay đổi cần thiết để thích ứng với xu hướng mới của thời đại./.
Công nghiệp Máy chính xác của Nhật Bản
Ngành công nghiệp máy chính xác của Nhật Bản nổi tiếng về đồng hồ và máy ảnh, nhưng ngoài ra còn sản xuất các thiết bị chính xác, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, máy khâu và thiết bị quang học.
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc sản xuất wadokei - tức là loại đồng hồ cổ của Nhật Bản có từ thế kỷ 17 - là cơ sở cho sự phát triển của ngành sản xuất đồng hồ hiện đại. Nhật Bản bắt đầu sản xuất đồng hồ kiểu dáng phương Tây từ đầu thời kỳ Minh Trị (1868-1912), và trong thập niên 20, xuất khẩu đã vượt nhập khẩu.
Trước Thế chiến 2, chất lượng máy ảnh của Nhật rất kém. Tuy nhiên, vào thập niên 50, các nhà sản xuất đã nâng chất lượng sản phẩm của họ lên tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng sản xuất và chiếm lĩnh một thị phần đáng kể trên thị trường thế giới. Hiện nay Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới về sản xuất máy ảnh và thứ 2 thế giới về sản xuất đồng hồ, sau Hong Kong. Năm 1991 là năm Nhật Bản sản xuất nhiều máy ảnh nhất với 17 triệu 660 nghìn chiếc.
Vì hai ngành sản xuất đồng hồ và máy ảnh phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nên Nhật Bản đang vấp phải sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các nước đang công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhiều khi Nhật Bản xuất khẩu các phụ tùng công nghệ cao quan trọng cho các hãng sản xuất tại những nước kể trên để lắp ráp cùng với những bộ phận sản xuất sở tại. Vì sản xuất máy ảnh của Nhật Bản không thể tăng thêm nữa trong tương lai, các hãng sản xuất máy ảnh đang cố gắng đa dạng hóa và sản xuất cả thiết bị văn phòng như máy photocopy, máy fax, cũng như thiết bị y tế.
Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị chế tạo linh kiện bán dẫn, Nhật Bản đã xác lập được vị trí hàng đầu, không một nước nào đuổi kịp. Đây cũng là lý do tại sao các hãng sản xuất Nhật Bản dẫn đầu về lĩnh vực linh kiện bán dẫn trên thị trường thế giới trong suốt thời gian dài. Có người nói rằng, bí quyết của sức mạnh Nhật Bản, một nước tiên tiến về linh kiện bán dẫn, là ở sức mạnh của thiết bị chế tạo linh kiện bán dẫn phát triển từ công nghệ máy ảnh./.
Nguồn http://niemtin.free.fr/dientunhat.htm