Nhật Bản là một đất nước có khoa học công nghệ phát triển, và có rất nhiều học sinh các nước mong muốn được đến Nhật Bản để học tập. Và trong đó có cả những học sinh Việt Nam.
Qua bài viết này, tôi xin được giới thiệu một chút kinh nghiệm của tôi trước khi qua học tại Nhật Bản.
Trước hết, phải nói rằng, một điều quan trọng là bạn nên biết tiếng Nhật. Vì số người Nhật có thể giao tiếp bằng tiếng Anh hiện tại có tăng lên, nhưng, số đó vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ dân số. Vậy, học tiếng Nhật như thế nào ?
1. Về tiếng Nhật:
Về bảng chữ cái: Tiếng Nhật có Hiragana, Katakana và bảng Hán tự chừng 2000 chữ thường dùng. Và chức năng của chúng rất khác nhau. Hiragana giống như bảng chữ cái Alphabet vậy. Trong văn viết, chúng thường đóng vai trò trong việc miêu tả ngữ pháp. Katakana được dùng để thay cho những chữ ngoại lai như những từ xuất phát từ tiếng Anh... và còn một vai trò nữa là thay cho dạng viết hoa. Tất nhiên, bạn phải "master" 2 bảng chữ cái này (nhận mặt chữ và có thể viết thành thạo). Còn bảng Hán tự thì bạn chỉ có thể học để nhớ dần dần.
Về văn nói: Lúc đầu mới học, bạn cần học thể lễ phép (kết thúc câu bằng masu, desu) thật chắc. Và sau khi quen với dạng này bạn mới nên tập dần chuyển sang dạng nguyên thể (dạng từ điển hay dạng thông thường), và một dạng rất quan trọng nữa là dạng trang trọng (giống như việc xưng hô Ngài, quý bà, quý ông...).
Một sai lầm của những học sinh học tiếng Nhật đó là họ muốn đốt cháy giai đoạn, cố chuyển sang dùng thể tự điển sớm. Điều này là không nên, nó sẽ khiến bạn dễ lẫn lộn trong việc sử dụng chúng sau này. Và có một số bạn thường nhanh chóng bỏ qua các giới từ, điều này cũng không nên, vì giới từ rất quan trọng.
Tiếng Nhật cần sự cố gắng, bạn không nên gặp khó là bỏ chạy giữa chừng.
Về ngữ pháp: Ngữ pháp tiếng Nhật sử dụng hàng ngày rất đơn giản, bạn chỉ cần học đến mức N3 là có thể nói tàm tạm, học hết N2 là có thể đọc tàm tạm. Bạn cần cố gắng nhớ kỹ ngữ pháp N2, vì chúng được sử dụng thường xuyên nhất.
Một lời khuyên đối với những du học sinh học theo chương trình trường Đông Du: Trường dạy gì bạn học nấy, nên theo sát chương trình của trường.
2. Về học Toán Lý Hóa:
Về Toán: Bộ sách "理解しやすい" hay một số bạn có bộ sách giáo khoa khác của Nhật bản cũng có thể theo học. Tuy nhiên, theo mình, bộ sách "理解しやすい" đã bao quát toàn bộ chương trình học của Nhật Bản rồi, từ Toán I, II, III tới A, B, C và cả Lý Hóa nữa. Trong sách Toán, Toán I, A là toán cơ sở, bạn chỉ cần một thời gian ngắn là có thể nắm được, nhưng cần nắm chắc, vì chúng là nền tảng cho Toán II và III. Đề thi EJU (Examination for Japan University) phần lớn sẽ ra đề trong Toán II và III. Và nội dung đại học Nhật Bản cũng sử dụng rất nhiều kiến thức của toán II và III. Bạn cần ôn kĩ toán II và III (và B, C) để chuẩn bị cho kỳ thi EJU.
Trong bộ sách này, phần bài tập có 2 phần, một phần cơ bản và một phần nâng cao. Theo mình biết, mới chỉ có trường Đông Du đưa vào giảng dạy bộ sách này tại Việt nam cho du học sinh nên mình muốn đưa ra lời khuyên cho các em du học sinh: Nếu em sang tháng 4, em có thể học được 2 lượt bộ sách này. Còn các em sang tháng 10, phần lớn chỉ có thể học 1 lượt. Nhưng dù em sang đợt nào đi nữa, các em cũng cần phải học và làm cẩn thận phần cơ bản. Cơ bản mới là quan trọng.