Cải cách Minh Trị
Minh Trị duy tân (明治維新, Meiji-ishin?) hay Cải cách Minh Trị hay Cách mạng Minh Trị là một chuỗi các sự kiện dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Cuộc cách mạng Minh Trị diễn ra từ năm 1866-1869, một thời kỳ 3 năm chuyển đổi thời kỳ hậu Edo (thường gọi là Hậu Tokugawa shogunate) và bắt đầu kỷ nguyên Minh Trị.
Diễn biến : Ngày 3-1-1868, Chính phủ mới do Thiên hoàng bổ nhiệm được thành lập. Giai cấp tư sản chưa được tham gia chính quyền, nhưng chế độ mới tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển, nên họ ủng hộ chính quyền mới. Thời kì Minh Trị (trị vì của một nhà vua sáng suốt) bắt đầu. Để xoa dịu làn sóng đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, Chính phủ Thiên hoàng vừa đàn áp vừa thi hành những cải cách. Từ 1868 đến 1873, Thiên hoàng thực hiện một số cải cách có tính chất tư sản (lịch sử gọi là "Cải cách Minh Trị"). Chính phủ bãi bỏ chế độ đẳng cấp, thủ tiêu chế độ phường hội và hàng rào thuế quan trong nước, thực hiện "quyền bình đẳng giữa các công dân", ban bố quyền tự do buôn bán và đi lại, thiết lập chế độ tiền tệ thống nhất (đồng Yên). Toà án mới (kiểu tư sản) được thành lập; nhiều cải cách quan trọng về giáo dục được thi hành. Chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến bị xóa bỏ; chính phủ cho phép mua bán ruộng đất. Những sự kiện xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 60-70 thế kỉ XIX là một cuộc cách mạng tư sản không triệt để và "thời kì Minh Trị" là thời kì quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản. Sau năm 1868, chính quyền không ở trong tay giai cấp tư sản mà là nền chuyên chế của Thiên hoàng, ra đời trên cơ sở liên minh quý tộc - tư sản để lật đổ Shogun. Nhưng cuộc cách mạng 1868 cũng mở đường cho việc biến nước Nhật Bản phong kiến thành một nước tư bản chủ nghĩa, thoát khỏi số phận một nước thuộc địa hay nửa thuộc địa .