Nhiều người cho rằng, sau khi về nước, nhiều cựu du học sinh chê lương, kén việc, lại chỉ thích làm việc cho các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Thực hư ra sao? Anh Phạm Hào Quang, từng du học bằng thạc sĩ ngành đầu tư phát triển bất động sản ở Anh năm 1999-2000, khi về nước đã làm việc cho một Công ty TNHH trong nước. Sau đó, Quang dạy bất động sản ở một trường Đại học và bây giờ anh làm Phó Phòng Quản lý bất động sản tại Công ty Prudential hiện nay. Hào Quang cho biết: ''Phải thẳng thắn nhận xét việc quản lý nhân sự ở không ít đơn vị, doanh nghiệp nước ta lâu nay vẫn theo hình tháp: Bạn phải mất nhiều thời gian mới được thăng tiến, cất nhắc kiểu sống lâu lên lão làng. Chưa kể một số công ty tuyển người và phân việc không hẳn dựa trên năng lực, trình độ của ứng viên mà còn dựa vào tiêu chuẩn tế nhị khác. Tại sao chúng tôi phải chấp nhận sự lãng phí thời gian, chất xám để an phận chờ lên lão làng (mà chưa chắc có được) trong khi lương bổng không thoả đáng?!''. Chị V. (Công ty BP), từng du học bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật ở Anh cũng từng nộp đơn xin việc ở các công ty trong nước. Tuy nhiên, vì không quen làm việc kiểu rề rà, ăn bớt thời giờ hành chính để làm việc riêng còn tồn tại ở một số đơn vị quốc doanh nên chị đã xin vào BP và được nhận ngay. V. bộc bạch: ''Trước đây, tôi từng ôm ấp nhiều hoài bão. Nhưng giờ nghĩ mình sống lương thiện và lương cao là đủ''. Đỗ Huy Định từng du học thạc sĩ kinh doanh quốc tế ở Úc, hiện là trợ lý trưởng nhãn hàng OMO cho biết: Định muốn vào làm việc ở các cơ quan, trung tâm xúc tiến thương mại của nhà nước nhưng ''có xin mà không có cửa''. Định đã phân tích một loạt nguyên nhân tình trạng đa số du học sinh về nước đầu quân cho công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh: Cơ chế, môi trường và tác phong làm việc trong các công ty trong nước chưa thật sự hiện đại và mang tính công nghiệp hóa, trong khi trí thức trẻ muốn chứng tỏ khả năng của mình và đòi hỏi sự trọng dụng khả năng đó; những tập đoàn, công ty nước ngoài có văn phòng đại diện đặt tại Việt Nam thường săn lùng chất xám của du học sinh thông qua hiệp hội, câu lạc bộ như hội cựu du học sinh; công ty trong nước ít tuyển các vị trí cho những trí thức có trình độ cao như thạc sĩ trở lên; một số người muốn có thu nhập cao để bù lại chi phí khi du học, nhất là những người học tự túc... Tất cả vì cỗ xe chung Tâm tư chung của các du học sinh và những người làm việc cho công ty nước ngoài đều mong thiên hạ đừng nghĩ oan về mình như: Họ chỉ thích lương cao, điều kiện làm việc tốt, không nghĩ gì tới đất nước. Chị Trương Thị Hương sinh 1979, du học ở Anh 5 năm để lấy bằng Đại học và Cao học ngành kế toán tài chính mới về nước. Luận văn tốt nghiệp của Hương bên Anh là đề tài: ''Chiến lược kinh doanh của các công ty lớn tại Việt Nam và ASIA''. Làm đề tài này, nhiều lần Hương phải về nước lấy số liệu, thông tin từ ngân hàng quốc tế tại Việt Nam. Trước khi về nước, một số ngân hàng đã đề nghị chị làm việc. Hiện Hương là một cán bộ quản lý ở Ngân hàng HSBC, chi nhánh tại TP.HCM. ''Tụi mình làm công ty nước ngoài nhưng những dự án của công ty thực hiện trên đất Việt và phần nào vì nước Việt thì sao nói là không phục vụ đất nước? Suy cho cùng, mọi cách làm việc đều vì cỗ xe phát triển chung của đất nước. Nếu nói chỉ vì vật chất, lương thì có lẽ tụi mình đã không về nước...''. Đây cũng là tâm tư chung của nhiều du học sinh. Thực tế, vẫn có một số bạn trẻ du học đã về công tác tại đơn vị trong nước. Một số trí thức trẻ đang du học ở nước ngoài cũng ấp ủ nguyện vọng được phục vụ tại các công ty, đơn vị trong nước. Gần đây, TS. Phan Hữu Duy Quốc, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam tại Nhật khẳng định sắp tới sẽ về Đại học Bách khoa TP.HCM dạy. Một số cựu du học sinh khác cho biết, thời gian các bạn làm việc ở công ty nước ngoài là để học hỏi kinh nghiệm. Họ cũng thiết tha mong mỏi một ngày nào đó được phục vụ cho những đơn vị quốc doanh, công ty trong nước. Để hạn chế tình trạng ''chảy máu chất xám'' như hiện nay, cần cải tiến chính sách, cơ chế và môi trường làm việc của các công ty, đơn vị trong nước. (Theo Thanh Niên)
Trời ơi Việt Nam có mấy sinh viên du học giỏi mà bảo không được dùng....Chẳng qua là mấy thằng bảo gì,dạy gì biết đấy. Học được cái ngọn của người ta mà không biết cái gốc nó thế nào. Thế thì chỉ có đi làm thuê cho người ta thôi chứ còn làm được cái gì khác, mà bảo là chất xám bị thất thoát.
Mình đọc được bài viết này, và cũng có đôi điều muốn đóng góp ý kiến! Bài viết đề cập đến vấn nạn chất xám của DHS bị thất thoát, mình xin thêm vào một ý nữa " đó là không chỉ chất xám của DHS bị thất thoát mà ngay cả chất xám của " những sản phẩm nội địa chất lượng cao"-những sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi của những trường đại học trong nước cũng bị " thất thoát" luôn! Một thực tế cần nhìn nhận, cho dù là "sản phẩm trong nước" hay " sản phẩm ngoại nhập" thì những người trẻ tuổi có chí hướng, ai cũng mang trong mình tham vọng và một bầu nhiệt huyết làm việc. Tốt nghiệp DH, hành trang của chúng ta là một mớ kiến thức chưa được thử nghiệm, chúng ta cần một môi trường làm việc năng động, biết chấp nhận cái mới, và cho chúng ta cơ hội đề xuất những giải pháp mà chúng ta nghĩ ra. Những điều đó tìm kiếm ở những DN quốc doanh có khác gì việc hái sao trên trời! Hơn nữa, nếu bạn mang bầu nhiệt huyết đó dâng tặng cho các công ty quốc doanh ( mà không cần đề cập đến chế độ lương bổng và đãi ngộ) thì cũng chẳng ai welcome bạn cả! ( Bạn hoài nghi ư, hãy về VN thử rồi sẽ biết!!!) Cửa vào của các công ty quốc doanh là sự quen biết, là các mối quan hệ, là 1000USD, hay 2000USD lót đường mua chỗ ( Sự thật này thật đáng buồn, nhưng rất tiếc là cũng phải nói đến, vì đó là sự thật) Trong khi đó, các công ty nước ngoài thì lại luôn giang tay, mở rộng cửa đối với những sinh viên qualified, chế độ lương bổng không cần phải discuss, một môi trường làm việc thông thoáng, năng động, và xin tiết lộ thêm một điều nữa là đường tương lai rộng thênh thang chỉ cần bạn chứng tỏ được bạn có năng lực và bạn có thể làm tốt hơn người khác. Tuổi đời của giám đốc kinh doanh trong các công ty nước ngoài thường là rất trẻ, độ khoảng từ 33-35 tuổi, mà ở tuổi đó, nếu ở các công ty quốc doanh thì việc bạn mơ đến chức danh trưởng phòng thôi cũng đã là khó rồi. Người ta thường phàn nàn " làm việc cho mấy thằng nước ngoài đúng là bị bóc lột", nhưng đứng ở quan điểm của riêng mình, thì mình lại thấy có khối người đứng ngoài mong muốn và thèm khát được "bị bốt lột" như mình. Tuổi trẻ của chúng ta là tuổi cần phải được lăn xả và cọ xát, và không trường học nào sau trường đại học lại cho bạn cơ hội lăn xả và cọ xát tốt bằng môi trường làm việc trong các công ty nước ngoài. Từ những công ty nước ngoài đi ra, bạn hãy tự tin vì sẽ chẳng thể bị thất nghiệp, bởi lúc đó competence của bạn đã được xã hội công nhận, và bạn hãy mỉm cười biết ơn những ông chủ nước ngoài vì điều đó! Nói đến lòng yêu nước, thì theo quan điểm cá nhân, mình nghĩ có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước chứ không nhất thiết là làm việc cho các ông chủ nước ngoài là không yêu nước! Bạn vẫn có thể làm việc trong các công ty nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, cách thức làm ăn và nuôi hy vọng ngày nào đó bạn thành lập doanh nghiệp của riêng mình, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho bà con ta,đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước, thì thiết nghĩ cách đóng góp như thế quả là rất rất yêu nước đâu có thua kém gì làm việc và cống hiến cho các công ty nhà nước. Trên đây là những suy nghĩ của riêng mình, và có thể sẽ gặp phải sự không đồng tình từ phía các bạn, nhưng nếu bạn nào theo đuổi chuyên nghành là BUSINESS ADMINISTRATION, thì hẳn sẽ thấy những điều mình nói rất có tính thuyết phục. Thân ái chào mọi người BinhDuong
Đúng là có những chuyện đau lòng như vậy,thật đáng tiếc và đau đớn lắm.
Mình cũng vẫn là một du học sinh quèn thôi,vì vẫn chưa làm được cái trò gì cả. Nhưng ý mình,mình nghĩ là ở trường học không có môi trường đào tạo bạn thành ông chủ,nhưng ở công ty cũng khó có điều kiện để bạn có thể phát triển niềm đam mê và những dự định nghiên cứu bạn đang ấp ủ.Cả hai thì tốt nhất. Nên Phương nghĩ những người giỏi thì sẽ tự làm được cả hai bằng một cách nào đó... Thử lấy một ví dụ thế này: Ngày xưa ở nhà tranh,tường đất,ăn cơm rau muống,đậu rán,cà dầm tương...trong một không khí trong sạch.Và Bây giờ ở nhà mái bằng,ăn cơm thịt,cá,rau muống,đậu rán,cà dầm tương...trong một không khí ô nhiễm. Nếu xét về chất lượng cuộc sống thì bạn bảo cái nào cao hơn?
Từ trước đến nay,thường người làm ông chủ kinh doanh chỉ nghĩ đến lơị ích và cụ thể làm thế nào để kiếm được nhiều tiền chứ không quan tâm đến các vấn đề khác,như phúc lợi xã hội,vấn đề cộng đồng...có cũng chỉ qua là cho có. Ngày này người ta quan tâm nhiều đến cái vi mô,và có vẻ bỏ qua cái vĩ mô.Phương có đọc ở đâu đó rằng nhiều cái vi mô hợp lại không phải là vĩ mô.(các nghiên cứu về kinh tế vi mô hợp lại không phải là kinh tế vĩ mô) Tại sao chúng ta cứ đâm đầu vào những lãnh vực nhỏ li ti,trong khi tự mình không biết cái mình đang làm sẽ đi về đâu,sẽ được dùng thế nào....Nên Phương lạm nghĩ rằng nhiều du học sinh VN đang học và nghiên cứu...nhưng chỉ theo những cái người ta đã đặt sẵn cho mình rồi,cứ thế đâm đầu vào những cái li ti,là một mắt xích nhỏ trong một công đoạn(sản xuất ra một sản phẩm) của người ta...thì sau khi tốt nghiệp chỉ làm những cái li ti đấy thôi(chỉ biết cái ngọn của người ta),khó mà thoát ra được....Chi bằng sao ta không bắt đầu những suy nghĩ vĩ mô và những nghiên cứu khoa học vĩ mô hơn...chưa biết thành công hay thất bại thế nào...nhưng ở đó bạn có thể quán xuyến từ a-z cho đến khi thành một sản phẩm mơí tối ưu khác sản phẩm kia...nó sẽ là của bạn hoặc một nhóm các bạn chứ không phải là một hệ thống cồng kềnh và đồ sộ.... Rất muốn được học hỏi và biết thêm ý kiến của các anh chị em và các bạn.