Tiến sĩ “chép”... sách của tiến sĩ!
TT - Một tiến sĩ (TS) của ta chép gần như nguyên văn cuốn sách về xã hội học của một TS người nước ngoài. Sau đó, có TS và thạc sĩ khác lại chép một phần sách của ông TS này và lấy một ít của ông TS khác để làm... “giáo trình” cho sinh viên học tập (!?).
“Ta” chép sách của “tây”!
Trong hai năm 2001-2002, Nhà xuất bản (NXB) Đại Học Quốc Gia Hà Nội cho in cuốn Các lý thuyết xã hội học của TS Vũ Quang Hà. Sách chia làm hai tập ngót nghét 1.000 trang.
Nhìn hai tập sách đồ sộ, người đọc trong giới nghiên cứu, giảng dạy vui mừng chào đón một công trình nghiên cứu khoa học có tầm cỡ quốc tế vì “với một phạm vi trải rộng và bao quát toàn bộ lịch sử phát triển xã hội học” (lời NXB).
Tuy nhiên, ngay sau khi ra đời đã có dư luận cho rằng cuốn sách gồm hai tập của TS Vũ Quang Hà được chép gần như toàn bộ nội dung cuốn Sociological theory (Các lý thuyết xã hội học) của TS George Ritzer (đại học bang Maryland, Mỹ). Sự thật ra sao?
Sau nhiều lần liên hệ với các nhà nghiên cứu ở Hà Nội để tìm cuốn sách của G. Ritzer song không được, thật may mắn chúng tôi đã được thạc sĩ Trần Thanh Lê cư ngụ ở tận... Gò Vấp, TP.HCM cho mượn cuốn sách này để đối chứng (thạc sĩ Trần Thanh Lê đã có bài viết về cuốn sách này trên tạp chí Thế Giới Mới ngày 6-10-2003).
Theo thạc sĩ Lê, ngay chương 1 với các tiểu mục như: Các cuộc cách mạng chính trị; Cách mạng công nghiệp và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản; Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội; Các thay đổi về tôn giáo; Sự phát triển của khoa học... là sao y nguyên tác phẩm Sociological theory của G.Ritzer. Tiếp theo, chương 2: “Các trào lưu tư tưởng và sự nảy sinh lý thuyết xã hội học” với sáu tiểu mục cũng... y chang nguyên tác của G.Ritzer.
Còn ở chương 12, chương cuối của cuốn sách đứng tên TS Vũ Quang Hà chính là tiểu mục 17 trang 587 trong sách của G.Ritzer gồm các nội dung: Lý thuyết cấu trúc; Lý thuyết hậu cấu trúc và sự nảy sinh của lý thuyết xã hội hậu hiện đại...
Không chỉ giống nhau về mục lục, từng câu văn cũng giống nhau. Bởi thế, khi thấy phóng viên loay hoay ghi chép, thạc sĩ Trần Thanh Lê cười bảo: “Chép làm chi cho mệt. Trong gần 1.000 trang sách của TS Vũ Quang Hà, trừ lời NXB, lời nói đầu của tác giả, còn lại là chép nguyên văn sách của G.Ritzer”.
Đến lượt “ta” chép của “ta”!
Cuốn Nhập môn xã hội học do TS Trần Thị Kim Xuyến và thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Xoan “biên soạn”, cũng do NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội in vào đầu năm 2002. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy từ trang 14 - 22 (bài 1, TS Trần Thị Kim Xuyến biên soạn) giống hoàn toàn nội dung từ trang 23 - 30 chương 1, cuốn 1 sách Các lý thuyết xã hội học. Tương tự, từ trang 25 - 67 (bài 2 và bài 3, thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Xoan biên soạn) cũng giống y chang nội dung các trang 31- 69 trong cuốn sách nói trên của TS Vũ Quang Hà.
Không chỉ có 53 trang sách (bài 1, 2, 3) giống nội dung chương I sách Các lý thuyết xã hội học của TS Vũ Quang Hà, cuốn Nhập môn xã hội học còn có chín trang giống nội dung một cuốn sách khác. Cụ thể: từ trang 262 - 270 (bài 15, thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Xoan biên soạn) trùng nội dung các trang 89 - 98 trong cuốn Xã hội học nhập môn (dịch) của TS Nguyễn Minh Hòa.
Tóm lại, cuốn Nhập môn xã hội học gồm 346 trang nội dung thì có 61 trang chép nguyên văn từ sách của TS Vũ Quang Hà và TS Nguyễn Minh Hòa, chỉ thay đổi tít tựa chút ít.
Các nhà khoa học nói gì?
TS Vũ Quang Hà, TS Trần Thị Kim Xuyến và thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Xoan hiện đang giảng dạy ở khoa xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM). Ngày 13-10-2003, PV Tuổi Trẻ đã được hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - phó giáo sư, TS Ngô Văn Lệ - tiếp và trao đổi về hai cuốn sách nêu trên.
Về cuốn sách Các lý thuyết xã hội học của TS Vũ Quang Hà, phó giáo sư Ngô Văn Lệ nhận xét thẳng: “Đây là sách dịch từ một cuốn sách khác, không phải do tác giả viết!”. Còn cuốn Nhập môn xã hội học của TS Trần Thị Kim Xuyến và thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Xoan, theo phó giáo sư Ngô Văn Lệ: “Có chỗ là của hai tác giả, có chỗ chép của người khác”.
Tuy nhiên, phó giáo sư Ngô Văn Lệ cho biết: “Các tác giả tự liên hệ NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội để in. Do đó, nếu có sai sót, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM không chịu trách nhiệm”. Thế nhưng trong lời nói đầu của cuốn Nhập môn xã hội học, TS Trần Thị Kim Xuyến đã viết: “Giáo trình này là tài liệu học tập cho sinh viên...”, chẳng lẽ nhà trường không có trách nhiệm gì? Phó giáo sư Ngô Văn Lệ trả lời: “Đây không phải là giáo trình bắt buộc. Về danh chính, với tư cách công dân, tư cách nhà khoa học, các tác giả phải chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của mình”.
( Theo báo Tuổi Trẻ Thứ Năm, 16/10/2003 )