Hiện nay ở nước ta có khoảng 8 vạn giáo viên không đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu là các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa - những vùng đang thiếu giáo viên trầm trọng. Năm 2005, Bộ GD&ĐT chính thức thực hiện chương trình quốc gia về "chuẩn hoá giáo viên", vậy 8 vạn thầy cô chưa đạt chuẩn sẽ làm gì?
Không thể đẩy số giáo viên này ra đường. Trong khi đó phần lớn đây lại là những người lớn tuổi, trình độ chuyên môn thấp, rất khó khăn trong việc chuyển sang làm nghề khác. Giải quyết vấn đề này như thế nào sẽ là một việc rất lớn của ngành giáo dục trong một vài năm tới, hiện đang được dư luận giáo giới rất quan tâm.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, đáp ứng việc mở rộng quy mô giáo dục (GD) và yêu cầu phổ cập, ngành GD đã mở nhiều lớp đào tạo GV cấp tốc để đảm bảo có đủ GV đứng lớp. Đây chính là nguồn gốc sự ra đời của thế hệ các GV trình độ 7 + 3 (tháng), 7+6, 9+3. Số này tuy trình độ, năng lực còn yếu nhưng có nhiều yếu tố phù hợp để giải quyết việc quản lý và dạy học sinh dân tộc. Ngoài ra không ít thầy cô vì thương học sinh, nghe theo tiếng gọi của ngành GD đã để lại sau lưng thành phố quê hương lên với vùng cao.
Trong lúc GV ở đồng bằng có nhiều điều kiện để nâng cao trình độ thì GV vùng núi, vùng sâu, vùng xa không có tài liệu nghiên cứu, điều kiện học tập ít. Thêm vào đó, nhu cầu học sinh ở địa bàn này còn hạn chế do văn hoá, kinh tế kém phát triển nên dẫn đến tình trạng thầy cô không cần học hỏi thêm vẫn đáp ứng yêu cầu của học sinh. Đáng chú ý, sau một thời gian chuẩn hoá, đến nay riêng bậc tiểu học vẫn còn trên 42.000 người chưa đạt chuẩn, trong đó nhiều người có trình độ đào tạo rất thấp như 5+3, 7+1...
Ngành GD đang xây dựng đề án sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo trình Chính phủ, đồng thời cũng đang xây dựng chương trình đào tạo chuẩn để GV tự nâng cao trình độ của mình. Kế hoạch của bộ là sẽ đưa chương trình này về các địa phương để GV tự học tập, nâng cao trình độ. Sau đó, nếu ai vẫn chưa đạt chuẩn có thể chuyển sang làm công việc gián tiếp khác trong trường học.
Song một mấu chốt của 8 vạn GV là họ chưa tới tuổi về hưu nhưng cũng không còn đủ khả năng tiếp thu trình độ cao hơn. Chính vì thế, chương trình quốc gia về GV đang gây tâm lý hoang mang cho không ít thầy cô - những người từng cùng sát cánh với ngành GD xoá mù chữ, phổ cập các cấp học.
Theo PGS-TS Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục VN - định hướng giải quyết đối với 8 vạn GV trên của Công đoàn ngành bao gồm:
1/ Đối với những GV còn ở tuổi đứng lớp lâu dài và có năng lực, phẩm chất tốt sẽ cho đào tạo lại để có thể tiếp tục giảng dạy.
2/ Đối với những GV lớn tuổi, chuyên môn hạn chế nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, có phẩm chất tốt sẽ chuyển sang công việc phục vụ giảng dạy như phụ trách phòng thí nghiệm, trông coi thư viện...Trước khi chuyển sang công việc gì đều phải được bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn.
3/ Đối với những GV đã đủ năm đóng BHXH sẽ được khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi, vẫn hưởng đủ chế độ, chính sách của đối tượng nghỉ hưu đúng tuổi.
4/ Đối với những GV không đủ số năm đóng BHXH, gần đến tuổi nghỉ hưu, năng lực hạn chế sẽ động viên nghỉ theo chế độ 1 lần, được hỗ trợ những khoản kinh phí để làm kinh tế hoặc học tập tiếp theo.
Nguồn: http://www5.tintucvietnam.com/Sukien/2004/12/82483.ttvn