Hàng năm cứ tới Tháng hai Sinh viên Đông Du lại xôn xao bàn tán về chuyện đi trường, học ngành gì, chọn trường nào, hay về chuyện ra trường, học tiếp lên Thạc sĩ, Tiến sĩ hay đi thực tập và tính chuyện về nước. Sempai còn ít, nhất là những người hiểu rõ về giáo dục Nhật, về xã hội, kinh tế Nhật, cũng như về nhu cầu thực sự của Việt nam. Thật là khó khăn phải lựa chọn trong một bối cảnh khác lạ và cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi những tư duy méo mó của quốc nội, của các Thầy, của bố mẹ, của xã hội Việt nam. Nhưng chọn rồi, đâu có dễ thay đổi. Nhiều bạn đã không thành đạt, vì quan niệm sai lầm trong việc học, vì chọn nhầm ngành, có người rùng mình nghĩ lại sau khi đã cố gắng học cho xong mấy năm ở Shushi (Master) rồi chuyển sang đi làm. Cũng có bạn (những người có Master hay Doctor)đã phải cam phận làm công tác nghiên cứu trong xí nghiệp mà kết quả nghiên cứu tuy có ích cho xí nghiệp, nhưng chẳng ích lợi gì cho tương lai khi về nước vì trình độ quá cao xa, kinh tế của Viêt nam không thể với tới. Có bạn cũng được làm việc trong các dây chuyền sản xuất , như chỉ với cương vị của một bánh xe răng trong một cỗ máy, học tập không được bao nhiêu. . . .
Trước hết về việc chọn ngành học. Điều đầu tiên phải nghĩ tới là xã hội Việt nam tương lai sẽ phát triển theo hướng kinh tế thị trường tự do, trong đó kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ lớn. Nghĩa là, trừ những trường hợp đặc biệt, hay tính chuyện giảng dạy nghiên cứu tại đại học, không nên nghĩ tới chuyện tiến thân bằng con đường công nhân viên chức. Con ta sẽ đi là tự mình, hay cùng bạn bè, gia đình kinh doanh, hay chấp nhận đi làm một thời gian để lấy kinh nghiệm rồi độc lập kinh doanh, hoặc chấp nhận cuộc sống đi làm thuê ăn lương. Bất cứ chọn đường nào, cũng cần có thực lực. Thực lực là kiến thức chuyên môn, khả năng tổ chức thực hiện, và các yếu tố khác như: kiến thức về kinh tế, xã hội, kiến thức về quản lý hành chánh, quản lý tài chánh, và cả khả năng giao tiếp, đối nhân xử thế.
Nhật bản có đủ mọi ngành học mình thích, không phải gượng ép lựa chọn như ở Việt nam. Vấn đề là có quá nhiều, không biết chọn ngành nào. Nhưng tuyệt đối không nên chọn những ngành có tên kêu, nhưng không phù hợp với xã hội Việt nam Trước hết mỗi người phải định hướng cho cuộc đời mình, chuyện mà đáng lẽ ra phải có phương hướng ngay từ Cấp 2, cấp 3, tuy muộn vẫn hơn không. Chọn ngành, chọn trường, chỉ là một bước chuẩn bị cho cuộc đời ta muốn có, và không thể học để học, tương lai sẽ quyết định sau, chờ đợi cơ hội này nọ. Ít nhất là những người thành công ngoài đời đều đã làm như vậy. Người học mà không biết đời sẽ trôi về đâu, thường chỉ có những cuộc sống bình thường (tuy có hơn người vì có học mà thôi, nhưng nếu định hướng trước chắc chắn sẽ thành công nhiều hơn). Hãy ngồi tĩnh tâm một mình, nhắm mắt lại, tạm quên những chuyện trước mắt, hướng mọi suy nghĩ về tương lai. Ta thích sống như thế nào nhất.? Ta thích dạy học, thích nghiên cứu, hay thích kinh doanh, sản xuất, hay buôn bán ? Hay mình thích sống nhàn hạ, không thích bon chen ? Ta có sở trường ở đâu, và đâu là sở đoản? Ta thích gì, ta ghét gì ?
Và cũng phải nghĩ tới cả Người yêu nữa. Người yêu của ta là người như thế nào, mình ước ao họ sẽ sẽ sống hạnh phúc bên mình như thế nào, gia đình mình sẽ ra sao ,sẽ có mấy con, cách sẽ dậy dỗ con ?
Và dần dần từ đó, ta sẽ thấy mình nên chọn ngành học gì, làm nghề gì . Đó là định hướng đầu tiên.
Ở đây cần nhấn mạnh là , trong xã hội tiên tiến, thực lực quan trọng hơn bằng cấp. Hãy nhìn quanh mình xem, những lãnh đạo của thế giới, những vị giám đốc các công ty ,.. .Bạn sẽ thấy, để ra đời thì bậc học cao nhất là cử nhân, tiến sĩ. Các bậc học cao hơn chỉ tốt cho chuyện đi dạy học, hay làm công việc nghiên cứu mà thôi. Hiểu chuyện này cũng giúp chúng ta định hướng được khá nhiều.
Có định hướng chocuộc đời rồi, tiếp theo sẽ là kế hoạch để thực hiện từng buớc. Ta sẽ học ở đâu, học thế nào, sống thế nào ? Trong khi học ta phải đặc biệt để ý tới chuyện gì, chuyện kỹ thuật chuyên môn, cũng như phải học hỏi những kiến thức cần thiết khác khi ra đời. Thí dụ, để trở thành người nghiên cứu phải học thật cơ bản, kiến thức phải thật rộng, phải luyện tập tư duy sáng tạo ngay từ bây giờ , phải giỏi sinh ngữ, nhất là Anh ngữ để đọc hiểu, để hấp thụ các thành quả nghiên cứu của những nguời khác, mà từ đó mới có được những sáng kiến mới. Người muốn theo hướng sản xuất, thì sẽ chọn lãnh vực chuyên môn nào, sản xuất máy móc, máy móc thuộc lãnh vực gì, công nghiệp, nông nghiệp hay y khoa, liệu có phù hợp với sự phát triển kinh tế của Việt nam hay không?
Và ngoài kiến thức chuyên môn cũng cần các kiến thức khác như kiến thức về kinh tế, vế kinh doanh, về xã hội cùng một số tư cách đòi hỏi khác. Các kiến thức này có thứ được dạy trong Trường, có thứ phải đọc thêm , có thứ phải để ý học ở ngoài xã hội, từ bạn bè, từ những khung cảnh tình cờ ta bắt gặp Tất nhiên mọi chuyện không diễn tiến đúng như ta nghĩ, cuộc đời có nhiều biến đổi, có nhiều khúc rẽ, người có chuẩn bị trước, chắc chắn sẽ nắm bắt dễ dàng các biến đổi, các diễn biến, và sẽ điều chỉnh tốt con đường tiến tới của mình.
Chọn ngành cũng cần quan tâm tới chuyện, tương lai ta sẽ sống ở đâu, ở ngoại quốc, ở Việt nam, ở thành thị, ở nơi có nhiều thắng cảnh, hay ở nông thôn, miền núi. Hãy chọn ngành học, và cuộc đới mình theo với ý đồ sống.
Người có chí hướng, không những định hướng cho cuộc đời cá nhân mình, cho gia đình mình, mà còn nghĩ tới vai trò của mình trong xã hội rộng lớn hơn, với đầy đủ trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc, làm sao cho điều hoà, cân đối, hay cũng phải giác ngộ một chút hy sinh .
Sinh viên Đông Du là những người yêu nước, không quên bổn phận đối với Đất Nước, và có thể có những lựa chọn thích hợp. Hãy nghĩ xa, trông rộng. Hãy nghĩ tới đồng bào nghèo khổ, tới quốc gia lạc hậu đang bị tư bản ngoại quốc cấu xé, trước khi nghĩ tới cả thế giới, nghĩ tới cả nhân loại. Việt nam tuy cần hãnh diện có được những con người ưu tú thế giới khâm phục, nhưng còn cần hơn những người làm việc trực tiếp để mang lại no ấm hạnh phúc và tương lai Đất Nước.
Đây là vài suy nghĩ tản mạn gửi tới các người học trò của Thầy trong dịp đầu xuân.
Trường Nhật Ngữ Đông Du