Số phận của Kimono trong cuộc sống hiện đại Nhật Bản
Đẹp nhưng đắt, hấp dẫn nhưng không tiện lợi. Áo kimono có thể là một biểu tượng của nền văn hóa Nhật, nhưng nó không hề là nền tảng trang phục của quốc gia này. Số người có một chiếc kimono ngày càng giảm. Số người biết mặc kimono đúng cách lại càng ít.
Việc mặc kimono là một kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo của cơ thể và hàng giờ luyện tập. Ngày nay, phần lớn phụ nữ Nhật đến mặc thử kimono cũng không. Người ta ít có dịp để mặc kimono. Giới trẻ Nhật hướng về các bài học tiếng Anh hoặc điệu nhảy hip hop hơn là những kiến thức về kimono, loại kiến thức có thời được xem là bắt buộc.
Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Nhật Bản cho rằng ngành kinh doanh kimono đang “bị sụt giảm nghiêm trọng”. Từ năm 2001 đến nay, doanh số của loại trang phục này giảm gần 60%. Các nhà sản xuất đang đau đầu với những kế hoạch khác nhau: các bữa tiệc kimono, những chuyến đi nghỉ kimono, các lớp học kimono. Các nhà bán lẻ đang phái các chuyên gia đến tận nhà để giúp khách hàng mặc thứ y phục mà họ vừa mua. Những mẫu thiết kế mới đưa vào những cách tân như dây kéo, khóa dán và vải polyester giặt xong mặc liền, không cần là. “Chúng tôi phải làm cho kimono phù hợp với lối sống ngày nay” – Eiji Ohashi nói. Ohashi đang quản lý Shinso Ohashi, một công ty chuyên về kimono dễ mặc, hợp túi tiền. Theo bà, “người ta cần phải phá vỡ một số quy tắc cũ kỹ”.
Những quy tắc này thì khá nhiều mà các học viên về áo kimono buộc phải biết. Chẳng hạn, mùa nào đòi hỏi màu sắc nào và những dịp nào đòi hỏi những loại vải nào. Có những cách đi, ngồi, cúi chào để một chiếc kimono mặc đúng cách sẽ không có nếp nhăn, những đường may hoàn toàn thẳng thớm và một khăn quấn thắt nút tỉ mỉ với những hình dáng phù hợp với lứa tuổi.
Hiện số người Nhật sở hữu một chiếc kimono ngày càng giảm. Số người biết mặc nó đúng cách lại càng ít
Giá của một chiếc kimono lụa (đặt may) gần bằng giá của một chiếc ôtô nhỏ: hàng ngàn USD. Một khăn quấn đẹp (obi) có giá bằng như thế hoặc hơn. Trước Thế chiến thứ hai, kimono là một phần không thể thiếu trong trang phục hàng ngày của một người Nhật thuộc tầng lớp trung lưu. Người ta mặc nó, mà không cần lo về việc mình phải là một “chuyên gia”. Nhưng khi trang phục phương Tây trở thành chuẩn mực thời hậu chiến, kimono trở thành một thứ lễ phục, chủ yếu sử dụng trong các đám cưới, lễ tốt nghiệp và các dịp đặc biệt khác.
“Số người mặc kimono đang giảm sút do họ chẳng biết mặc nó để đi đâu” – Fumikazu Monimoto thừa nhận. Monimoto là người phát ngôn cho công ty đặt hàng bằng thư Nissea, nơi đã mở một phòng khách kiểu Nhật để khách hàng mặc kimono có thể học các nghệ thuật truyền thống và nhâm nhi trà đạo. Một vấn đề khác là kimono vẫn phải được đặt may ở tiệm cho đúng điệu, trong khi phần lớn người Nhật đang quen với việc mua quần áo may sẵn.
Để thu hút các khách hàng trẻ, các nhà sản xuất bắt đầu bán loại kimono may sẵn và họ đang sử dụng các loại vải đi kèm làm cho những người theo chủ nghĩa chính thống phải kinh ngạc. Chẳng hạn Shinso Ohashi, đã làm một chiếc obi bằng loại vải giống như parke (vải làm áo của người Eskimo) phủ lông với một cái túi có dây kéo. Công ty của bà cũng làm một khăn quấn đóng mở dễ dàng quanh thắt lưng và một chiếc kimono bằng vải polyester theo các kiểu mẫu truyền thống.
Olive – một tạp chí thời trang dành cho tuổi mới lớn gần đây đưa ra các mẫu kimono theo kiểu “yucate” – một biến tấu bằng cotton rẻ tiền của chiếc kimono lụa truyền thống, phổ biến với giới trẻ – được trang trí với những vật đi kèm không chính thống như những cái trâm gắn đá chạm, thắt lưng nạm và giày cao gót.
Vào ngày lễ “tuổi trưởng thành” hàng năm – lễ dành cho những người Nhật đến tuổi 20 và là một trong những cơ hội để các sinh viên mặc kimono, các phụ nữ “chơi trội” đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông bằng cách cắt ngắn chiếc váy dài hoặc mặc váy với những đôi ủng đế cao!
Takashi Kotooka, một trong nhiều nhà thiết kế thời trang Nhật làm những bộ trang phục có cảm hứng từ kimono, đã trình làng một bộ sưu tập bao gồm những chiếc váy được làm từ vải kimono và những bộ váy áo được cột với một khăn quấn giống như obi. “Quần áo đang trở nên rất hiện đại – Ông nói – Tôi muốn mang lại một cảm giác về sự ấm áp kiểu cũ”.
Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa chính thống khăng khăng rằng không nên thay thế y phục truyền thống. Đối với họ, mỗi cái áo là một tác phẩm nghệ thuật, một niềm tự hào dân tộc.
Theo Petrotimes