Tùy quãng đường chạy dài hay ngắn mà số lượng vận động viên mỗi đội khác nhau, có thể từ 5 đến 10 người. Nội dung chạy ngắn nhất trong Ekiden là 12 km dành cho các đội nữ sinh trung học, mỗi đội 5 người và nội dung chạy dài nhất lên đến hàng trăm km.
Ekiden là môn thể thao mùa đông, ra đời tại Nhật Bản cách đây khoảng 100 năm. Theo thông lệ, mùa đông là thời điểm các giải thi đấu Ekiden diễn ra trên khắp các địa phương của nước Nhật. Một số giải quan trọng được truyền hình trực tiếp và là chương trình thể thao mùa đông thu hút lượng lớn khán giả theo dõi. Nổi tiếng nhất trong số đó là cuộc thi Hakone Ekiden.
Đối tượng tham dự là nam sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Hakone Ekiden được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 hàng năm, sự kiện kéo dài trong 2 ngày, mỗi đội gồm 10 vận động viên, họ phải hoàn tất chặng đường đua dài gần 220 km. Trong Ekiden, các chặng đường đua thường dài, tính bằng km, nhưng vận động viên không cảm thấy đơn độc bởi họ có đồng đội và luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả 2 bên đường.
Grand Tour Kyushu là giải Ekiden nổi tiếng về độ dài của đường đua, có thời gian chạy tiếp sức kéo dài đến 10 ngày, điểm xuất phát là Công viên Hòa bình Nagasaki. Với chặng đường đua dài 739 km, các vận động viên phải vượt qua 9 tỉnh trên đảo Kyushu. Grand Tour Kyushu là cuộc thi chạy tiếp sức Ekiden có đường đua dài nhất tại Nhật Bản hiện nay.
du hoc nhat ban, du học nhật bản, du hoc nhat, du học nhật
Ekiden là môn chạy tiếp sức đặc trưng của đất nước Mặt Trời mọc, mỗi năm, nước này tổ chức vô số giải thi đấu từ giải của các trường trung học đến giải chuyên nghiệp cấp quốc gia. Gian khổ nhất là cuộc thi chạy tiếp sức lên đỉnh núi Phú Sĩ mà người Nhật gọi là Phú Sĩ Ekiden. Mỗi đội gồm 6 vận động viên nam, họ phải luân phiên nhau chạy lên đến độ cao 3.199m của ngọn núi và sau đó quay trở về chân núi trên quãng đường đua dài tổng cộng 47 km. Điểm đến trên đỉnh núi là một ngôi đền Thần Đạo, sau khi ban tổ chức đóng dấu trên chiếc khăn tiếp sức tasuki, các vận động viên tiếp tục cuộc hành trình chạy xuống núi.
Thời gian để các đội hoàn tất cuộc thi đầy thử thách này là trong vòng 4 giờ đồng hồ.
Nếu như chạy vượt dốc lên đỉnh núi khiến vận động viên mau đuối sức thì quãng đường xuống núi cũng không dễ dàng. Họ thường phải đối mặt với những cú ngã nguy hiểm.
Ekiden đã góp phần đào tạo cho ngành thể thao Nhật Bản những vận động viên marathon đẳng cấp quốc tế. Người được ghi nhận có công phát triển môn thể thao này lớn mạnh là vận động viên marathon nổi tiếng của Nhật Bản Kanaguri Shizo.
Việc sử dụng khăn tiếp sức tasuki thay gậy trong Ekiden có ý nghĩa đặc biệt. Không chỉ là biểu tượng cho sự bền bỉ và trách nhiệm, khăn tasuki còn là sợi dây gắn kết không thể tách rời giữa các thành viên trong cùng một đội.
Đối với người Nhật, Ekiden vượt qua khuôn khổ của một môn thể thao rèn luyện thể lực đơn thuần mà ở đó, nó ẩn chứa giá trị tinh thần về tình đồng đội, về sức mạnh của sự đoàn kết.
Vận tốc và sức bền của những con ngựa truyền tin đường dài đã tạo cảm hứng cho sự ra đời của môn chạy tiếp sức Ekiden. Cuộc thi Ekiden đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản vào năm 1917, trên quãng đường dài 508 km nối giữa Kyoto và Tokyo.
3 năm sau, lịch sử Ekiden chứng kiến sự ra đời của Hakone Ekiden – một trong những nội dung chạy tiếp sức nổi tiếng nhất tại Nhật Bản hiện nay. Cha đẻ của Hakone Ekiden là vận động viên marathon Kanaguri Shizo.
Kanaguri Shizo – cha đẻ của bộ môn Hakone Ekiden
Sau khi lập kỷ lục tại một cuộc thi marathon trong nước, Kanaguri được chọn tham dự Olympic Mùa hè 1912 tại Stockholm, Thụy Điển. Ông cũng là vận động viên marathon đầu tiên đại diện cho Nhật Bản tham dự Olympic. Tuy nhiên, tại đấu trường quốc tế này, Kanaguri đã không thành công vì bị ngất xỉu trên đường đua trước khi về đến đích. Nhưng chính sự thất bại đó đã trở thành động lực để Kanaguri dốc sức phát triển môn chạy tiếp sức rèn luyện thể lực Hakone Ekiden. Với tư cách là một vận động viên marathon có sức ảnh hưởng, Kanaguri đã thuyết phục các trường đại học cùng ông tổ chức một cuộc thi chạy tiếp sức có tên Hakone Ekiden và đã nhận được sự đồng tình.
Năm 1920, cuộc thi Hakone Ekiden đầu tiên được tổ chức. Chặng đường đua nối giữa nhà ga Otemachi ở thủ đô Tokyo đến thị trấn Hakone ở tỉnh Kanagawa. Các vận động viên phải chạy trên quãng đường dài 217,9 km trong thời gian 2 ngày và chỉ có vận động viên nam mới được phép tham gia cuộc thi. Sự nhiệt thành và quyết tâm về đích của các vận động viên trong cuộc thi này đã tạo tiếng vang lớn cho Hakone Ekiden. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng lúc bấy giờ.
Sau ngày đầu tiên, các vận động viên vượt qua chặng đường đua thứ nhất dài 108 km thành công vang dội, các phương tiện truyền thông trên cả nước đồng loạt đưa tin về sự kiện này. Cuộc thi hoàn tất cũng là lúc Hakone Ekiden được ca ngợi là môn thể thao thể hiện ý chí kiên cường của con người.
Từ cái nôi Hakone Ekiden mà nhiều vận động viên marathon của Nhật Bản đã gặt hái thành công trên các đường đua quốc tế. Đó là trường hợp của vận động viên Usami Akio. Năm 1964, Usami đại diện cho trường Đại học Nihon giành chiến thắng trong cuộc thi Hakone Ekiden trong nước. Thành tích này giúp anh tiếp tục phát huy năng lực của mình tại Olympic Mùa hè năm 1968 ở Mexico City của Mexico.
Trường hợp thứ 2 là vận động viên Seko Toshihiko của trường Đại học Waseda. Seko được đánh giá là vận động viên marathon đẳng cấp quốc tế của Nhật Bản trong thập niên 1980. Anh đã đại diện cho quốc gia mình tham dự nhiều cuộc thi marathon danh tiếng trên thế giới và cả Olympic Mùa hè năm 1988 tại Seoul, Hàn Quốc. Thành tích nổi bật nhất của anh là lập kỷ lục thế giới trong nội dung chạy 25.000 mét vào năm 1981, 30 năm sau kỷ lục này mới được phá vỡ.
Người thứ 3 là vận động viên Taniguchi Hiromi thuộc trường Đại học Nippon Taiku. Taniguchi là vận động viên chạy tiếp sức và marathon nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Thành công trong sự nghiệp của Taniguchi là tấm gương để các vận động viên trẻ nước này noi theo. Taniguchi Hiromi đã mang về cho môn điền kinh Nhật Bản chiếc huy chương vàng quý giá tại giải Vô địch Điền kinh Thế giới năm 1991 diễn ra tại Tokyo. Taniguchi là vận động viên nam duy nhất của Nhật đoạt huy chương vàng tại giải này.
Taniguchi Hiromi – vận động viên chạy tiếp sức và marathon nổi tiếng nhất của Nhật
Tinh thần vượt qua thử thách để về đích của Hakone Ekiden hiện nay đã lan rộng ra mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản, đặc biệt là trong giới thanh niên và học sinh sinh viên. Mỗi năm, có hàng chục cuộc thi chạy tiếp sức Ekiden được tổ chức tại nhiều tỉnh thành của Nhật, nhưng đối với các bạn trẻ Hakone Ekiden vẫn là thách thức đáng nhớ nhất của họ.
Bên cạnh tính chất thể thao, Ekiden còn là hoạt động xã hội. Vào năm 2000, ngọn núi lửa Miyake-jima trên đảo Miyake, cách thủ đô Tokyo 180 km về hướng nam, bất ngờ thức giấc sau 17 năm ngủ yên. Hoạt động dữ dội của núi lửa khiến chính quyền địa phương phải ra lệnh di tản toàn bộ 3.800 cư dân trên đảo. Núi lửa phun tro bụi và khí oxit lưu huỳnh kéo dài từ năm 2000 đến năm 2006 đã khiến hòn đảo gần như hoang tàn, người dân quay trở về nhà sau nhiều năm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống.
Nhằm hỗ trợ cư dân trên đảo Miyake, một cuộc chạy tiếp sức Ekiden với mục đích quyên góp tiền và vật dụng đã được tổ chức. Sự kiện ý nghĩa này đã được nhiều thành phần trong xã hội hưởng ứng. Không chỉ có cá nhân mà các tập đoàn, công ty sản xuất trang phục thể thao và các doanh nghiệp khác của Nhật Bản cũng tham gia tích cực cuộc vận động trên.
Gần đây nhất, Nhật Bản lại hứng chịu thảm họa tự nhiên khác – trận động đất, sóng thần ở vùng Đông Bắc xảy ra ngày 11/03/2011. Cho đến nay, hơn 1 năm trôi qua, vẫn còn nhiều nạn nhân phải cư trú tại các trung tâm lánh nạn. Và để cổ vũ tinh thần của người dân bị ảnh hưởng cũng như trợ giúp vật chất cho họ, các cuộc vận động từ thiện Ekiden một lần nữa được tổ chức trên khắp Nhật Bản.
Theo thvl.vn
http://www.nhatban.edu.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa-nhat-ban/602-ekiden-mon-chay-tiep-suc-pho-bien-o-nhat-ban-phan-1.html
http://www.nhatban.edu.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa-nhat-ban/603-ekiden-mon-chay-tiep-suc-pho-bien-o-nhat-ban-phan-cuoi.html