Nhiều công ty điện tử quy mô trung bình của Nhật đã chiếm được vị thế độc tôn trong rất nhiều mảng công nghệ. Liệu họ có thể duy trì được vị thế này hay không?
Thế giới đang có khoảng 40 lò phản ứng hạt nhân. Phân nửa trong số này đều là sản phẩm trí tuệ của các tập đoàn đến từ Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và Nga. Ấy vậy mà, toàn bộ những lò phản ứng này muốn vận hành suôn sẻ đều phải trông chờ vào sự trợ giúp của một nhà cung cấp duy nhất đóng tại phía bắc hòn đảo Hokkaido, Nhật Bản - công ty Japan Steel Works.
Mặc dù người ta không thiếu các lò phản ứng ghép từ các mối hàn với kích cỡ nhỏ hơn, nhưng chỉ duy nhất công ty này của Nhật có trong tay công nghệ ráp nối các tấm ghép trị giá tới 150 triệu đôla từ một thỏi kim loại duy nhất nặng 600 tấn.
Trên thế giới, rất ít công ty tạo dựng được cho mình vị trí độc tôn đến vậy. Japan Steel Works không phải là công ty duy nhất của Nhật làm được điều này. Nhật Bản hiện có nhiều doanh nghiệp đã tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh nổi trội trên quy mô toàn cầu trong một số lĩnh vực chuyên biệt. Đó có thể là những doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo giản đơn như Shimano (chiếm tới 60 – 70% thị phần bánh răng và ghi đông xe đạp thế giới, doanh thu hàng năm của Shimano ước chừng lên tới 1,5 tỷ đôla) hay YKK (phéc-mơ-tuya của hãng chiếm tới ½ giá trị giao dịch mặt hàng này của thế giới). Còn trong lĩnh vực điện tử, cơ khí và khoa học vật liệu, các công ty của Nhật chiếm lĩnh toàn thị trường. Người tiêu dùng có thể chưa từng nghe đến tên tuổi của những công ty như thế nhưng chúng vẫn từng ngày khẳng định vị thế độc tôn của mình trong từng lĩnh vực cụ thể, bởi những mặt hàng mà chúng tạo ra đã trở thành một phần thiết yếu với quy trình sản xuất của rất nhiều sản phẩm.
Tại nhà máy sản xuất ô tô của Toyota. Nguồn ảnh: Corbis
Chẳng hạn, gần 75% mô tơ ổ đĩa cứng máy tính đều là sản phẩm của công ty Nidec; 90% mô tơ siêu vi dùng trong kính chiếu hậu của các xe ô tô nhất thiết phải là sản phẩm của Mabuchi. Đa phần các công ty này cung cấp các thành phần, vật liệu hoặc công cụ sản xuất (lấy ví dụ: TEL cung cấp 80% vật liệu khắc axit dùng trong quy trình sản xuất màn hình LCD).
Cạnh tranh nội bộ
Đôi khi, các công ty này đụng phải đối thủ “đồng hương”. Chính điều này giúp Nhật Bản dành được toàn bộ các đơn hàng của thế giới cho dù trong cuộc đua giành được đơn hàng có tới hơn một nhà cung ứng sản phẩm. Shin-Etsu chiếm 50% thị phần chất tạo nền ảnh (một tạo chất dùng để cố định các đầu bán dẫn). Ngoài Shin-Etsu, thế giới còn một số nhà sản xuất khác như Covalent, NSG, AGC hay Tosoh và tất cả chúng đều là các công ty của Nhật. Tuy nhiên, bất chấp vị thế độc tôn hiện có, các công ty này chưa bao giờ bị dính vào bất cứ vụ kiện chống độc quyền nào.
Trong lúc các tập đoàn khổng lồ như Panasonic, Sharp, hay Sony đang dần để mất thị phần vào tay các nhà sản xuất Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan thì những công ty có quy mô nhỏ hơn và ít có tiếng tăm hơn vẫn vững vàng ở ngôi cao của thị trường nhánh – sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu cho ngành công nghệ toàn cầu. Thậm chí, tiếng Nhật đã có riêng một cụm từ dành cho những doanh nghiệp như thế; người ta gọi họ là chuken kigyo (nghĩa là: "những công ty bé hạt tiêu"). Cho dù sản phẩm đến tay người tiêu dùng là của Apple, Nokia, hay Samsung thì chúng cũng đều được ráp nối từ vô số linh kiện xuất xứ từ Nhật. Đại diện của Apple thẳng thắn phát biểu rằng họ chỉ tin tưởng vào các đối tác Nhật Bản vì ít có nhà sản xuất nào khác đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của tập đoàn.
Ông Alberto Moel – một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất cồng nghệ cao của công ty tư vấn Monitor Group, Tokyo phát biểu rằng: “Đó không phải là những sản phẩm thời thượng nhưng bạn chẳng thể chế tạo chip bán dẫn hay màn hình LCD mà không có chúng”. Theo số liệu công bố từ Bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Nhật Bản, các công ty của Nhật đáp ứng tới hơn 70% thị trường toàn cầu trong ít nhất 30 lĩnh vực công nghệ: từ giấy tráng ảnh cho tới bóng phát sáng dùng cho màn hình LCD (toàn bộ thị phần chiếm lĩnh ước chừng $3 tỷ đôla) cho tới tụ điện sứ nhiều tầng dùng để điều chỉnh dòng điện cho các thiết bị điện (77% thị phần tương ứng 540 tỷ Yên về giá trị).
Chính sự vượt trội về công nghệ của Nhật đã giải toả những nghi ngờ bấy lâu rằng Nhật đang phải vật lộn với nền kinh tế đình đốn suốt gần hai thập niên qua và đồ rằng Nhật đang dần để mất ngôi nhì vào tay Trung Quốc. Đây cũng là câu trả lời cho những ầm xì bấy lâu của các chuyên gia quản lý phương Tây rằng chính lối văn hoá kinh doanh đặc trưng bởi thị trường lao động cứng nhắc và giới cổ đông thấp cổ bé họng đã kìm hãm sự phát triển của các công ty trong nước. Như vậy, chắc hẳn người Nhật đã phải làm được kỳ tích sau những sóng gió đã qua.
Đương nhiên, đâu chỉ có người Nhật mới có quyền vỗ ngực tự hào; thế giới vẫn còn vô số các công ty có sức ảnh hưởng sâu rộng trong những lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như Microsoft, với hệ điều hành Windows, từ lâu đã trở thành thương hiệu thân thuộc với hơn 90% người dùng máy tính trên toàn thế giới. Trong khi đó, con chip của Intel lại được tin dùng cài trong hơn 80% máy tính cá nhân toàn cầu. Nếu tiếng Nhật có cụm từ chuken kigyo để chỉ những công ty có sức mạnh toàn cầu thì tiếng Đức cũng có cụm từ Mittelstand với ý nghĩa tương đương. Thẳng thắn mà nói, đã có lúc người ta hoài nghi về khả năng Nhật có thể tiếp tục duy trì thế thượng phong trong lĩnh vực công nghệ. Thế nhưng, giờ đây, người Nhật đã chứng minh mình đứng ở vị trí nào.
Sức mạnh đến từ những thứ nhỏ bé
Câu chuyện sinh động nhất về sức mạnh công nghệ của Nhật là: sản phẩm tụ điện. Tuy chỉ nhỏ bằng hạt muối nhưng vật dụng này có sức mạnh thật đáng nể. Nó lưu trữ điện năng trong một bó dây và là một khối kết hợp từ rất nhiều các thiết bị điện. Giá thành của chúng cũng không lớn; chỉ dao động đâu đó chừng hơn 20 xu nhưng mỗi chiếc điện thoại di động cần ít nhất 100 hạt như vậy và một máy tính cá nhân thì cần đến 1000 hạt. Murata - nhà sản xuất tạo ra sản phẩm tuyệt hảo này là một công ty của Nhật, hiện đang chiếm lĩnh 40% thị trường toàn cầu.
Người ta khó lòng ước tính được mức lợi nhuận của Murata từ những chiếc tụ điện nhưng tổng lợi nhuận của công ty này có thể ngang bằng với 50% tổng trị giá của một ngân hàng đầu tư. Tổng thị phần của Nhật với mặt hàng này lên tới 80% thị trường toàn cầu (hai nhà sản xuất mặt hàng này của Nhật là TDK và Taiyo Yuden). Nếu trở lại đầu thập niên này thì thị phần của Nhật còn lên tới 90%. Nhật đã dần phải san sẻ cho các nhà sản xuất ngoại quốc như Samsung Electro - Mechanics – Hàn Quốc và Yageo – Đài Loan.
Ngoài ra, Nhật còn có nhiều sản phẩm nổi tiếng khác. Chẳng hạn, Nitto Denko hiện đang sở hữu tới hơn 20 sản phẩm hàng đầu và nổi bật hơn cả trong việc sản xuất màn hình LCD. Trong khi đó, Mitsubishi Chemical gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường vật liệu phốt pho dùng để tạo màu trắng tự nhiên trong các bóng đèn LED. Và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Các công ty của Nhật đặc biệt nổi bật hơn cả trong quá trình sản xuất con chip máy tính. Trong nhiều khâu của quá trình sản xuất, các sản phẩm của Nhật đóng vai trò then chốt tại bốn bước: xử lý lớp tráng, dựng phim mỏng, điện than và khắc hình, tiếp xúc và đóng gói. Các công ty của Nhật cung cấp những thành phần thiết yếu tại bốn công đoạn và thiết bị chế tạo ở tại ba công đoạn sản xuất sản phẩm.
Nói như cách nói của chuyên gia bán dẫn thuộc ban quan trị tập đoàn NEC Electronics thì các nhà sản xuất điện tử trên toàn thế giới đều tín nhiệm các nhà cung cấp linh kiện của Nhật bởi những công ty này luôn tạo ra các sản phẩm có chất lượng và độ tin cậy cao. Chẳng ai muốn mua một chiếc xe thời thượng nhưng lại không thể vận hành trơn tru chỉ vì thiếu đi một chi tiết nội thất đáng giá có vài xu. Nói như vậy để thấy rằng, các sản phẩm do người Nhật sản xuất dù nhỏ bé nhưng lại trở thành một phần thiết yếu với rất nhiều sản phẩm khác.
Trong khi, một số sản phẩm công nghệ đã phố biến như các vật phẩm thông thường thì một số sản phẩm khác thì chưa bởi nó vẫn cần có sự cải tiến và sáng tạo không ngừng. Chính rào cản này đã khiến giá thành của chúng còn ở mức cắt cổ mặc dù giá của sản phẩm cuối cùng đến tay người dùng đã giảm.
Ta nhận thấy ở các tập đoàn hàng đầu này một số điểm tương đồng nhất định. Thứ nhất, họ đầu tư nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Thứ hai, dù đã mở rộng các nhà máy sản xuất ở nước ngoài nhưng các công ty này luôn tự mình thực hiện những công đoạn then chốt tạo nên phần cốt lõi của sản phẩm ở trong nước. Thứ ba, họ tự xây dựng các chuỗi cung ứng của riêng mình: các công ty sản xuất chip điện tử sẽ sử dụng linh kiện pha lê do chính mình sản xuất. Một số công ty còn tự tạo ra các máy công cụ phục vụ cho quá trình sản xuất. Tất cả đều nhằm mục đích giảm chi phí, và tránh bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài và có thể nắm sâu xa về toàn bộ công nghệ mình sản xuất ra.
Khi được hỏi về lý do chính nào tạo nên thành công của các công ty công nghệ Nhật Bản, đa phần các nhà quản lý đều nhất trí đó là nhờ vào đẳng cấp của khách hàng mà họ phục vụ. Thoạt đầu mới nghe tưởng chừng không đúng. Thế nhưng, điều này cũng có lý của nó. Chỉ những khách hàng có đẳng cấp mới đưa ra các đòi hỏi khắt khe và nhà cung cấp vì thế cũng phải tự nâng tầm cho tương xứng. Tuy nhiên, đó chưa phải là lý do duy nhất. Chủ tịch của Covalent – ông Susumu Kohyama cho rằng các công ty Nhật thành công bởi họ đã cá biệt hoá cao các sản phẩm mình tạo ra. Và những thành phần, công cụ và chất liệu như vậy chỉ có thể được tạo ra khi nhà sản xuất biết cộng tác chặt chẽ với khách hàng trong nhiều năm tới mức nhà sản xuất thông suốt về các kế hoạch công nghệ trong tương lai của khách hàng và dành được sự tín nhiệm để cùng tham gia đưa ra lời giải cho những vấn đề hóc búa mà chỉ một nhà sản xuất thực sự có tầm mới giải quyết được. Một khi họ đã dành được sự tin cậy trọn vẹn của đối tác thì các đối thủ mới khó lòng chen chân vào nổi.
Hơn thế, kiến thức về công nghệ nhiều khi thật khó diễn giải và truyền đạt thành sách hướng dẫn hay ghi chép vào tài liệu ứng dụng. Những kinh nghiệm này được tích luỹ từ quá trình cộng tác với nhiều cộng sự trong nhiều năm liền. Điều đó tạo rào cản quá lớn cho bất kỳ đối thủ nào muốn nhảy vào cuộc chơi. Điều đó cũng giải thích vì sao ở một số lĩnh vực công nghệ chuyên biệt cao, các công ty luôn muốn nhân viên của mình gắn bó trọn đời với công ty bởi họ sợ những bí quyết công nghệ sẽ bị rò rỉ ra bên ngoài
Họ tin rằng tiềm lực của một tổ chức nằm trong tay đội ngũ trí thức mà mình đang có chứ không phải giá cổ phiếu tại một thời điểm nào đó. Cũng chính vì thế, người Nhật gần như dị ứng với mọi thương vụ mua lại và sáp nhập. Các công ty thường cố hết sức để không bị các công ty khác thâu tóm bởi họ hoàn toàn không nghĩ việc sáp nhập có thể đem lại những lợi thế nhất định trong kinh doanh như suy nghĩ của phương Tây.
Chỉ có điều, trong khi những thay đổi trong ngành tạo thành công vang dội cho những “nhà vô địch thầm lặng” thì lại cản trở sự bành chướng của những tập đoàn điện tử lớn. Bởi các công ty nước ngoài tìm kiếm được các linh kiện chất lượng cao của các nhà sản xuất uy tín của Nhật nên vô hình chung các công ty này lại đứng ve phía các nhà sản xuất nước ngoài trong cuộc chiến giành giật thị trường với chính các nhà sản xuất trong nước. Mỗi khi các nhà khổng lồ điêu đứng thì lớp các công ty bé hạt tiêu này lại tiếp tục lao nhanh về phía trước.
Người ta bắt đầu tự hỏi liệu Nhật Bản có còn mãi giữ được vị trí hàng đầu về công nghệ hay không khi mà các công ty của Nhật đã không phát huy toàn bộ giá trị công nghệ trong tay mình.
Những thế lực ngoại quốc đang trỗi dậy
Họ giành được thị trường chủ yếu nhờ tiếp thu và cải tiến các công nghệ nước ngoài (chủ yếu là của Mỹ). Ban đầu, họ khuyến khích khách hàng dùng thử bằng việc cung cấp sản phẩm ở mức giá thấp. Sau đó, họ thuyết phục khách hàng bằng chất lượng tốt và cuối cùng là nhờ vào sự vượt trội về công nghệ. Trong suốt quá trình cộng tác, họ luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với khách hàng, để thu lượm được kiến thức của đối tác và sau đó tìm mọi cách thoả mãn trúng những gì khách hàng mong mỏi.
Chính sự vượt trội về công nghệ và sự tín nhiệm nơi khách hàng khiến khó có đối thủ nào có thể xen vào mối quan hệ mà họ đã xây dựng với đối tác. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà sản xuất Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan có thể tiếp cận các đối tác Nhật Bản theo đúng cách Nhật Bản tiếp cận đối tác Hoa Kỳ hay không?
Hàng loạt các ô tô của Nhật Bản đang chờ xuất cảng tại Tokyo. Nguồn ảnh: Corbis
Người ta bắt đầu tự hỏi liệu Nhật Bản có còn mãi giữ được vị trí hàng đầu về công nghệ hay không khi mà các công ty của Nhật đã không phát huy toàn bộ giá trị công nghệ trong tay mình. Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Shin-Etsu-ông Hiroaki Okamoto thậm chí còn tin rằng nền công nghiệp của đất nước mình đang trong cơn khủng hoảng: “Chúng tôi biết rằng các công ty Hàn Quốc và Đài Loan rất có khả năng bắt kịp mình. Ngay trong chính nước Nhật chúng tôi đã vấp phải cuộc cạnh tranh quá khốc liệu vì thế chẳng công ty nào trong số chúng tôi thực sự kiếm được nhiều tiền từ những sản phẩm làm ra. Khi lợi nhuận thấp đồng nghĩa với việc chúng tôi không có nhiều kinh phí để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Các công ty của Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc có thể nhân cơ hội này để vươn lên”.
Sự thống lĩnh về thị trường là một đảm bảo vô cùng chắc chắn để tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp trong nước mạnh. Các nhà quản lý đều nhất trí rằng một khi miếng bánh thị trường quá nhỏ hẹp thì các công ty cần phải hợp nhất thành một. Nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo – ông Jun Saito nhận định luật pháp hiện giờ của Nhật thực sự không khuyến khích việc thành lập các liên minh. Trong lúc đó, một số nhà lãnh đạo khác thậm chí đã nhìn ra cơ hội phát triển và tăng doanh thu khi họ biết mở rộng tầm nhìn và quản lý công nghệ mình làm ra hiệu quả hơn.
Chính những đặc điểm cố hữu trong lối kinh doanh của người Nhật cũng là một trong những yếu tố đe doạ vị thế của họ trên trường quốc tế. Vai trò của cổ đông trong các công ty Nhật vô cùng mờ nhạt bởi vậy họ không thể góp bất kỳ một tiếng nói đáng kể nào buộc công ty phải tập trung vào các dự án dài hạn và bỏ qua những lề lối quá cứng nhắc để bứt phá trong kinh doanh và gạt bỏ được những dự án có hiệu quả thấp. Sự tập trung theo chiều dọc có thể đảm bảo nguồn cung và chất lượng nhưng lại khiến công ty này sa vào những lĩnh vực không có cốt lõi. Việc duy trì đội ngũ nhân viên cống hiến trọn đời giúp họ giữ lại các bí quyết công nghệ mãi là của mình nhưng cái họ đánh mất chính là sự linh hoạt. Đội ngũ nhân viên không thường xuyên luân chuyển vị trí công tác sẽ trở nên ì trệ và đánh mất dần sức sáng tạo.
Quản lý của Taiyo Yuden tâm sự: “Thành thật mà nói, công cuộc thay đổi đang bắt đầu. Khi chúng tôi nhận thấy mình đang dần bị các đối thủ bám sát. Nếu chúng tôi không làm bất kỳ điều gì thì một ngày kia họ sẽ bắt kịp chúng tôi. Và như thế, chúng tôi lại phải mày mò tìm con đường mới”.
Nhật Bản làm gì để ứng phó trước sự vươn lên của các nhà sản xuất trong khu vực? Chỉ có một cách duy nhất là phải sáng tạo hơn nữa. Với sản phẩm chất tạo nền cho mạch gắn kết – thành phần căn bản để tạo ra con chip cùng các linh kiện khác, những nỗ lực của người Nhật đã phát huy tác dụng. Trong khoảng 2002 đến 2007, khi nhận thấy thị phần của mình sụt giảm trầm trọng xuống còn 34% từ mức 75% trong khi thị phần của các công ty Đài Loan tăng gấp đôi còn Hàn Quốc tăng tới bốn lần, các công ty của Nhật chuyển sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao như sản xuất chất tạo nền cho các bộ vi xử lý (MPUs). Trong năm 2007, chỉ với 3% chất tạo nền dùng cho các bộ vi xử lý được xuất ra thị trường thế giới, Nhật thu về tới 30% tổng giá trị thị trường.
Tuy nhiên, chỉ sáng tạo không thôi là chưa đủ. Muốn đạt được doanh thu cao các nhà sản xuất Nhật còn phải xuất ra với khối lượng lớn. Trong vòng bốn năm qua, thị phần của Nhật với mặt hàng tấm năng lượng mặt trời thu hẹp mất 20%. Mặc dù các sản phẩm của Nhật luôn là số một nhưng các đơn hàng dần bị người Trung Quốc lấy mất. Hơn thế, ở những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhưng còn nghèo như Trung Quốc hay Ấn Độ, đỉnh cao về công nghệ chỉ được đưa xuống hàng thứ yếu. Nhật Bản tạo ra các dòng điện thoại đỉnh cao bậc nhất thế giới nhưng thị phần của họ gần như bằng không.
Canon và Nikkon chắc hẳn vẫn chưa quên bài học xương máu trong cuộc cạnh tranh với ASML của Hà Lan trong lĩnh vực sản xuất máy tạo bước sóng – một công cụ dùng để sản xuất con chip máy tính. Năm 1990, ASML chỉ chiếm chưa đến 10% thị phần thế giới trong khi thị trường hoàn toàn do hai gã khổng lồ người Nhật thao túng. Ấy vậy mà giờ đây ASML bành trướng tới 65% thị trường. Các nhà phân tích viện dẫn sự việc này để cảnh tỉnh các công ty Nhật trước sự tự mãn. Vậy thành công của ASML bắt nguồn từ đâu ?
Chủ tịch của ASML trong giai đoạn 1990 – 2000 – ông Willem Maris diễn giải: “Khi đó trước Nikon và Canon, chúng tôi quá sức nhỏ bé và khó lòng cạnh tranh trực tiếp. Người Nhật có trong tay quá nhiều nguồn lực và họ đảm trách mọi khâu của quá trình sản xuất. Chính vì vậy, ASML đã tái thiết kế sản phẩm theo dạng mô đun gồm các bộ phận được tiêu chuẩn hoá để thuận tiện cho quá trình tháo lắp sản phẩm. Cũng vì thế, thành phẩm là kết tinh của nhiều chuyên gia trong từng bộ phận của máy. Nhờ thế, ASML tiến xa hơn trong công tác sáng tạo và dần qua mặt người Nhật".
Sự cởi mở của ASML còn kể về một câu chuyện khác “đó là khi một cỗ máy của Samsung bị hỏng hóc, 20 công ty của Nhật có thể ào ạt đổ đến và kín đáo giải quyết mọi vấn đề liên quan. Không ai hay biết họ đã thực sự làm gì? Trong khi đó, ASML lại cho khách hàng thấy được vấn đề và cách giải quyết chúng. Ngày này, Nikon và Canon vẫn là các đối thủ cân tài cân sức và không bên nào chịu bắt tay hợp tác với bên kia mặc dù việc sáp nhập nhánh sản xuất máy tạo bước sóng có thể đem lại những thay đổi đáng kể".
Hình minh họa. Nguồn: Economist
Kỹ năng cũ trong thời đại mới
Mọi thành công ngày này của Nhật trong lĩnh vực công nghệ đều có xuất phát điểm từ những tinh hoa quá khứ. Chất lượng tuyệt hảo của sản phẩm đồ gốm mỹ nghệ ngày nay bắt nguồn từ tay nghề của người Nhật trong tạo hình gốm xưa kia. Kỹ thuật gia cố thép đỉnh cao ngày nay có sự thừa kế của nghề mài kiếm xa xưa. Người Nhật nói rằng điều này phản ánh nền văn hoá “sáng tạo” (tiếng Nhật: monozukuri) và "không ngừng cải tiến" (tiếng Nhật: kaizen). Nhưng không phải tập quán nào của người Nhật cũng tích cực. Sự dè chừng của họ với “người ngoài” bao gồm cả các công ty trong và ngoài nước gây nhiều cản trở cho công việc kinh doanh.
Để vượt qua sự rụt rè và nghi ngại mỗi khi phải chia sẻ với người ngoài về công nghệ hoặc hợp tác kinh doanh, trong tháng Bảy vừa qua, METI đã thành lập tập đoàn mạng lưới sáng kiến Nhật Bản. Thu hút nhiều doanh nhân, tập đoàn này hoạt động như một quỹ tạo nguồn vốn tư nhân có quy mô quốc gia với tổng giá trị tài sản và các khoản đảm bảo lên đến 9 tỷ đôla Mỹ. Tập đoàn này ra đời với mục đích đầu tư vào các tài sản trí tuệ có tiềm năng với mục đích tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp cởi mở và khuyến khích sự hợp nhất giữa các doanh nghiệp.
Một đại diện của METI thừa nhận: “Họ sẽ không đời nào chịu sáp nhập. Nếu cứ tiếp tục đà này, tôi e rằng nhiều công ty khác sẽ tiếp tục đi vao vết xe đổ của Canon và Nikon. Chúng ta không thể mất vị thế của Nhật trong lĩnh vực công nghệ. Trong thế giới, lối tư duy khép kín của chúng ta có thể đúng đắn nhưng tình hình mới buộc chúng ta phải suy nghĩ cởi mở, thoáng đạt hơn.”
Những tập đoàn hàng đầu của Nhật có thể sẽ phải liên kết theo một hình thức nhất định để đảm bảo yêu cầu về tiềm lực tài chính và công nghệ để duy trì vị trí số một của mình. Họ cũng cần phải dè chừng các uỷ ban giám sát chống độc quyền cho dù trước nay họ chưa hề bị soi tới. Chính quyền Mỹ đang hết sức quan tâm tới ổ đĩa bằng thấu kính (dùng trong máy tính và đầu DVD). Người Nhật đôi khi rụt rè với các mô hình sáp nhập trong việc tạo ra một tổ chức độc quyền trong nước mà bỏ qua khả năng rằng liên minh này có thể trở thành một thế lực hùng mạnh trên toàn cầu.
Với công ty Japan Steel Works, cho dù thành tựu vượt trội của họ trong công nghệ của họ là một huyền thoại nhưng thế thượng phong của họ trong sản xuất ra các lò phản ứng hạt nhân đang dần mất vào tay các đối thủ đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, v.v...
Xin kết thúc bài viết này bằng lời của chủ tịch tập đoàn tập đoàn Westinghouse - một công ty chuyên xây dựng các lò phản ứng hạt nhân – ông Aris Candris. Ông đã từng cay đắng nhận xét rằng: “Trong tương lai không còn quá xa, mỗi khi có nhu cầu, chúng ta có thể có đến năm sự lựa chọn. Nhưng không may là sẽ chẳng có ứng viên nào của vùng Pittburgh - trụ sở của Westinghouse và cũng là trung tâm của ngành thép của Mỹ. Bài học rút ra là: một khi bí quyết chuyên môn bị mất thì không dễ gì lấy lại được”.
Tác giả: Như Nguyệt (dịch từ Economist)
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2009-12-14-nganh-cong-nghe-nhat-ban-con-giu-duoc-ngoi-ba-chu-phan-1-
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2009-12-14-nganh-cong-nghe-nhat-ban-con-giu-duoc-ngoi-ba-chu-phan-2-