Mọi người cho biết ý kiến nha.
Phác thảo về Hội thảo Đông Du(ドンズー勉強会)
1. Đối tượng:
Chủ yếu là các sinh viên cấp Đại học trở lên và sinh viên đã tốt nghiệp và đi làm. Không phân biệt có phải là sinh viên Đông Du hay không nhưng sinh viên Đông Du sẽ tạm thời với tư cách là chủ nhà.
2. Mục đích:
Nhằm tạo một môi trường giao lưu cho các sinh viên từ bậc đại học trở lên và người đã đi làm, trong đó có 2 việc chính:
-Các sinh viên thuộc các trường, các ngành khác nhau nói ra đề tài nghiên cứu mình đang làm và ngược lại biết được việc người khác đang làm.
-Kết hợp với đó là mời các vị khách có tên tuổi đến nói chuyện về một vấn đề nào đó về xã hội, kinh tế, khoa học... của Việt Nam, Nhật Bản và thế giới.
3. Các tác dụng có thể thu được là:
-Với việc hiểu sâu hơn công việc bạn mình làm, có thể thắt chặt thêm tình đoàn kết và nâng nó lên ở mức “công việc” (chứ không phải chỉ là tán gẫu, nhậu nhẹt...).
-Giúp mở rộng quan hệ của mỗi sinh viên, rất có thể quan hệ đó sẽ giúp ích cho công việc của mỗi người sau này.
-Nâng cao kiến thức và sự quan tâm của người tham dự tới các vấn đề xã hội, kinh tế... của đất nước và thế giới thông qua các bài phát biểu và thảo luận, các bài nói chuyện của các vị khách.
-Về mặt học thuật có 2 tác dụng: giúp sinh viên đang nghiên cứu chú trọng hơn tính thiết thực của đề tài đó trong xã hội, đặc biệt là xã hội Việt Nam; và với việc biết thêm một chút về vấn đề, kiến thức khác, thậm chí hoàn toàn không liên quan tới đề tài mình nghiên cứu rất có thể giúp nảy sinh những sáng tạo mới lạ trong nghiên cứu thậm chí là tới những phát minh, phát kiến.
-Nếu phát triển tốt có thể nâng cao cấp độ, cường độ cũng như phạm vi để phát triển hướng tới một hội thảo đẳng cấp cao cho sinh viên nói riêng và trí thức Việt Nam tại Nhật nói chung, và có thể làm mô hình mẫu cho sinh viên, trí thức Việt Nam trong nước cũng như trên thế gới (Cái này mới chỉ là nếu như...)
4. Cách tổ chức cụ thể:
-Thời gian: tổ chức định kỳ, hiện tại đang dự tính là 3 tháng 1 lần.
-Quy mô: Các trường đại học lân cận Tokyo, có thể cụ thể là các trường trong các tỉnh: Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Ibaraki, Yamanashi, Tochigi, Gunma, Niigata. Người từ vùng khác nếu đến được, đều có thể tham dự. Tạm thời ước tính mỗi lần có khoảng 1 vị khách mời với 1 bài nói chuyện tầm khoảng 30 phút tới một tiếng, cộng thêm khoảng 4-5 bài phát biểu của các sinh viên mỗi bài tầm 20-30 phút thì là 2-3 tiếng, cộng thêm hoạt động phụ khác tức là mất khoảng nửa ngày, và có tầm 15 tới 30 người tới nghe tức là cỡ khoảng 1 phòng học.
-Địa điểm: Luân phiên các trường đại học qua mỗi kỳ hội thảo. (Như vậy mỗi lần như một lần đi chơi vậy!!)
-Người, đơn vị tổ chức: Việc lên chương trình, chuẩn bị phòng họp, hướng dẫn người về tham gia... sẽ là trường đăng cai của mỗi lần. Bên cạnh đó, nội dung chính (khách mời, các bài phát biểu) thì cần có một nhóm chuyên trách để đảm nhiệm. Nhóm chuyên trách sẽ liên kết với trường đăng cai để tổ chức.
-Phác thảo tổng thể buổi hội thảo: Nội dung chính là buổi nói chuyện của khách mời và phát biểu của các sinh viên trong đó có thời gian vấn đáp - thảo luận. Bên cạnh nội dung chính đó có thể là các hoạt động phụ như là tham quan cái gì đó, hay là tiệc thân mật tùy thuộc vào kế hoạch của trường đăng cai. Một ví dụ: giả sử làm tại Utsunomiya-dai, 9h~ thủ tục tiếp tân, 10h~ 2 sinh viên phát biểu, 11h~ bài nói chuyện đặc biệt, 12~ 2 sinh viên nữa phát biểu, 13h~ tổng kết và ăn cơm, chiều ai có thời gian thì đi ngắm cảnh Nikko.
-Phác thảo về buổi nói chuyện đặc biệt: Có lẽ sinh viên mình chú yếu là ngồi nghe rồi đặt câu hỏi.
-Về vị khách mời: sẽ nhờ các đại sempai mời, có thể là chính các đại đại sempai, giáo sư, người của đại sứ quán, một người Nhật đáng kính nào đó... Việc mời khách có lẽ không quá đáng ngại, thậm chí mình không có khách mời cũng có thể tổ chức được một hội thảo của các sinh viên.
-Phác thảo về phát biểu của người tham dự: Chủ yếu là nói về đề tài nghiên cứu của mình cho mọi người biết, nhưng cũng có thể là về một vấn đề xã hội nào đó mình quan tâm, muốn chia sẻ... Nhưng vì người tham dự chủ yếu là người khác chuyên môn nên yêu cầu nội dung, từ ngữ dùng trong phát biểu phải dễ hiểu. Cái chính là nói được đang nghiên cứu đề tài gì, tại sao lại nghiên cứu, vấn đề ở chỗ nào, cách nghiên cứu ra sao, kết quả và hướng đi trong tương lai thế nào (cái này thì không cần quá nhiều, đơn giản thôi là ok), và thêm vào đó cần xoáy thêm một ý: đề tài đó có tác dụng gì khi đem về Việt Nam. Về thời gian, phát biểu tầm 15 phút, rồi ta sẽ “chém gió” rôm rả khoảng 15 phút nữa chăng. Để dễ dàng cho người phát biểu, phát biểu và slide bằng tiếng Việt, Anh, Nhật đều được.
-Về người phát biểu, đăng ký và chuẩn bị phát biểu: Người phát biểu là sinh viên đangban tổ chức sẽ làm một cái form để mời đăng ký phát biểu, gồm các nội dung là thông tin về người phát biểu và tóm tắt nội dung phát biểu trong 100 tới 200 chữ. Nội dung này phải nộp sớm để ban tổ chức còn thông báo, quảng cáo... Yêu cầu bắt buộc của bài phát biểu chỉ là: đúng thời gian phát biểu, dễ hiểu, hướng tới Việt Nam. Về nội dung thì nếu không liên quan tới các vấn đề nhạy cảm, gây tranh cãi là được.
-Về người tham dự bình thường (không phát biểu): Tổ chức hội thảo này cần nắm rõ số lượng người tham dự. Ban tổ chức sẽ làm form đăng ký tham dự, người tham dự phải đăng ký trước, khai báo một số thông tin cá nhân và khi đăng ký thì phải tham dự đúng giờ, quy tắc của ban tổ chức.
-Phần thưởng và quà: Nếu được, ban tổ chức sẽ chuẩn bị quà cho khách mời và phần thưởng nho nhỏ cho người phát biểu hay. (Có nên chăng khi thu phí người tham dự mỗi người tầm 500 yên!?)
Ngày 30 tháng 8 năm 2012
Nguyễn Phú Thắng