“Thằng Trung Quốc láo! Thằng Việt Nam hèn. Đúng thật , đúng thật. Hèn thật ,hèn thật . Đau thật , đau thật .
Xuy Vi
Con ruồi Trung Quốc
“Thằng Trung Quốc láo! Thằng Việt Nam hèn!”, trong ba ngày 14.1, 15.1, 16.1 bố vợ tôi đã gõ đầu ba-toong xuống sàn phòng khách nhà tôi khoảng 50 lần để đệm cho lời tuyên bố ấy. “Đánh chứ! Sợ cái gì mà sợ!”
Con trai tôi đang làm cho một văn phòng môi giới lao động của Đài Loan, từng qua Bắc Kinh, Thượng Hải vài lần, có ý kiến khác. Nó thuật lại là con ruồi Trung Quốc cũng cực kỷ “hoành tráng”, vậy bên ấy chỉ cần xua hết ruồi qua biên giới Việt-Trung thì sau một ngày là Nam quốc sơn hà để cho vua ruồi cư cả. Sợ quá đi chứ. Đánh thế nào được mà đánh. Mà nước mình bây giờ đánh nhau dễ thua lắm. Súng ống, đạn dược của quân đội bị bán trộm ra chợ đen; tướng lãnh mải đi làm kinh tế, có người đi buôn; lính tráng chẳng tập tành gì; dân chúng bắt đầu biết mùi “phú quý” thì dĩ nhiên ham sống sợ chết… Thế nên thỉnh thoảng thằng Tầu ngứa tay, thịt vài ba mạng dân mình thì cũng phải nhịn đi thôi, coi như tổn thất phụ phải chấp nhận. Một điều nhịn là chín điều lành. Ai mà chả có lúc ngứa tay. “Ông không biết, chứ sếp Đài Loan của cháu chẳng may ngứa tay xài tạm vợ chưa cưới của cháu vài phút thì cháu cũng phải nhịn, cùng lắm là đi yêu cô khác, chuyện có thế mà sửng cồ lên, công ăn việc làm đang thơm tho cho ra bùn hết à!”
Bố vợ tôi nghẹn ngào: “Anh dạy con cái thế nào mà nó đem mạng mấy chục người vô tội ra so với cái màng trinh của vợ nó. Thời buổi thế này thì mất nước không oan. Hèn quá! Nhục quá!”
Con trai tôi thủng thẳng: Vâng thì nó vô liêm sỉ, nhưng nó không đạo đức giả. Cái màng trinh của vợ chưa cưới của nó là vấn đề danh dự thiết thân với nó, phải từ mất mát liên quan trực tiếp đến bản thân thì mới suy ra được. Chứ miệng ra rả thương xót, nhưng giả sử có bà con Thanh Hoá đói kém mò ra Hà Nội nhờ vả thì xua như xua hủi. Nhà này đã ai giúp gì cho họ hàng ở quê chưa? Hay chỉ ngày giỗ ngày Tết thuê xe hơi cưỡi về, mở bia lon lốp bốp, sợ món ăn nhà quê không chuẩn lại khuân theo cả giò chả Hà Nội, đánh chén xong vác mặt lên xe chuồn mất? Thế là xong phận sự họ hàng? Tất nhiên nhìn người ta khổ thì cũng mủi lòng đấy, ai cũng là người chứ có phải chó má đâu, nhưng mủi lòng được đúng 5 phút là chấm hết. Nếu không thì đã chẳng có cảnh thành phố ăn chơi thừa mứa trong khi nông thôn ngắc ngoải. Cái chuyện Trung Quốc láo này cũng thế thôi. Mủi lòng 5 phút, phẫn nộ 5 phút, rồi cuối cùng cũng êm hết. Chết dân Thanh Hoá chứ có chết ngay trong nhà mình đâu! Có thấy ai ra đường biểu tình chống Trung Quốc không? Có thấy ai rủ nhau đi quyên góp giúp gia đình nạn nhân không? Thương xót nói mồm thì không tính! “Cháu đề nghị ông rủ các cụ trong tổ hưu ra biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc”, nó kết luận. “Cháu sẵn cờ Trung Quốc đây này. Ông thích đốt thì cháu biếu.”
Đến đây, tôi gợi ý với hai bên ông cháu là muốn biểu tình thì phải có tổ chức. Tổ hưu phải làm đơn xin đi biểu tình, nhưng làm đơn gửi cấp nào thì tôi chịu. Cả đời tôi chưa đi biểu tình bao giờ, thời học sinh có đi mít-tinh chống Mỹ leo thang chiến tranh, nhưng là do nhà trường bảo đi thì đi thôi, không nghĩ ngợi gì.
Con trai tôi lại đề nghị: “Thế thì thôi biểu tình, nhưng tổ hưu rủ nhau xuống Thanh Hoá thăm hỏi gia đình nạn nhân là được.”
Tôi tỏ ý lo ngại rằng cách đó cũng không nên. Mình từ Hà Nội về, lại khổ người ta phải lo đón tiếp cho chu đáo. Chuyện đi lại, ăn uống của các cụ rất rắc rối, đa số đều bị bệnh tiểu đường, con cái còn chả chiều được, lại bắt người ta khó khăn như thế đi hầu mình à. Thăm hỏi suông chắc không có ích gì mấy, nhưng muốn giúp đỡ thì lương hưu của các cụ còn chả đủ mua thuốc men cho các cụ, chủ yếu do con cái chu cấp thêm, muốn giúp người ta mà phải ngửa tay xin con cái thì cũng mệt. Mà giả sử có được một hai triệu thì cũng phải đăng ký với lãnh đạo địa phương để địa phương cho cán bộ đi kèm, không phải cứ tự tiện đến nhà người ta mà móc túi ra được. Nhỡ lại bị nghi là tiền của tổ chức nào mờ ám thì sao.
Con trai tôi đắc thắng: “Muốn làm cái gì cũng bó tay, thế thì thay đổi được cái gì mà ông phải xúc động vô ích lên thế. Ông bây giờ chỉ tĩnh dưỡng, an hưởng tuổi già là con cháu được nhờ rồi. Chuyện đâu bỏ đó.”
Bố vợ tôi rưng rưng: “Tôi già chứ đã chết đâu! Ngày xưa làm gì có chuyện sỉ nhục thế này!”
Con trai tôi cười hì hì. Nó bảo, Quang Trung đánh quân Thanh xong lại sang xin cưới công chúa Thanh, có xấu hổ gì đâu. Mình làm chiến dịch bài Hoa năm 80, cả triệu người Việt gốc Hoa vô tội không đâu mất hết công ăn việc làm, tài sản sự nghiệp, chẳng biết bao nhiêu bị thủ tiêu, bao nhiêu tự tử hay bỏ mạng trên đường chạy khỏi Việt Nam, thế họ có bị sỉ nhục không? Làm gì có thứ danh dự một phía. Hai bên đều giả tạo với nhau thì đòi đâu ra danh dự. Mình mà là nó, nó mà là mình thì mình đã nuốt nó lâu rồi. Nuốt tươi là đằng khác.
“Thằng này láo!”, bố vợ tôi quát. “Anh dạy con bất nhân bất nghĩa thế hử!”
(Nào tôi có dạy được nó. Văn phòng nó, tiếng là môi giới lao động nhưng nhận toàn hồ sơ phụ nữ. Có lần tôi hỏi, nó bảo: “Thế bố tưởng đàn bà Việt Nam ở Việt Nam sướng hơn à? Con có dụ dỗ người ta đâu! Ai có nguyện vọng thì con giúp.”)
Cho nên tôi can hai ông cháu: Thôi, trong nhà không bàn chuyện chính trị! Việc lân bang quốc tế là việc của nhà nước. Chính phủ mình chắc cũng bối rối lắm chứ. Nhưng cái thế nó không cho phép làm to chuyện thì phải nhân lúc người ta vui tính, lựa lời thưa thốt thế nào cho việc đáng tiếc như vậy không xảy ra nữa. Giả sử bên ấy có đến bù cho gia đình nạn nhân thì mình cũng phải nhận kin kín, đừng để báo chí làm ầm lên mà bên ấy cảm thấy mất mặt…
Bố vợ tôi đứng lên, giậm ba-toong lần cuối: “Cả nước Việt Nam chừng này người, nó muốn làm gì mình thì làm à! Không biết nhục à!»
Cụ đi rồi, con trai tôi nháy mắt: “Để con xoay cái giấy mời ông đi dự buổi giao lưu hữu nghị ở Đại sứ quán Trung Quốc tuần tới. Hè này mình lo cho ông đi tour Quảng Đông một chuyến, cho biết thế nào là con ruồi nước lớn.»
*
Bẵng đi nhiều hôm, bố vợ tôi mới lại đến. Cụ hồ hởi cho biết, chính phủ mình đã có công hàm gửi thằng Trung Quốc rồi. Có thế chứ.
Hôm đó là hơn một tuần sau ngày xảy ra sự cố. Thấy tôi tư lự, cụ an ủi: Thì cũng phải đợi mấy ngày lễ lạt, kỉ niệm kỉ niếc qua đi đã chứ. Việc lân bang làm sao mà sồn sồn lên giải quyết được.
Vâng, việc lân bang là chuyện của hai bên chính phủ, miễn là sóng gió trong gia đình tôi đã lặng. Con trai tôi nói đúng, rồi cũng êm hết.
© 2005 talawas