(Dân trí) - Đoàn nghiên cứu cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) khẳng định, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam ngốn chi phí 38 tỷ USD nhưng không có tính khả thi nếu vận hành từ năm 2026. Tuy nhiên, đại diện phía Việt Nam lại đưa ra cái nhìn khác.
“Phương án nào cũng thiếu khả thi”
Theo báo cáo mới nhất của Đoàn nghiên cứu cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA), dự án toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam dài 1.570km, ga đầu mối là Hà Nội và TPHCM. Tốc độ khai thác dự kiến là 300km/h. Chi phí xây dựng là 38 tỷ USD (không tính đầu máy toa xe, chi phí dự phòng và thuế). Như vậy, tổng vốn đầu tư theo con số tính toán mới nhất của JICA cao hơn 5 tỷ USD so với con số đưa ra vào năm 2008 là 33 tỷ USD.
Theo dự kiến, hành trình giữa Hà Nội và TPHCM của đoàn tàu sẽ được rút ngắn xuống còn 5h30’ (hiện tại mất khoảng 30 giờ bằng đường sắt thường).
Một trong những tính toán của JICA liên quan đến đường sắt cao tốc Bắc Nam
Vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt chính là tính khả thi của dự án tỷ đô này.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản khẳng định, theo “Kịch bản phát triển toàn tuyến”, nếu tuyến đường sắt cao tốc được đưa vào khai thác từ năm 2026 như dự kiến sẽ không đảm bảo lợi ích kinh tế vì khả năng thu hồi vốn thấp. Chẳng hạn, vào năm 2030 nếu giá vé cao nhất bằng giá vé máy bay, lượng hành khách đi tàu cao tốc Bắc Nam là 146 nghìn người/ngày. Nếu giá vé thấp nhất còn bằng 1/4 giá vé máy bay, lượng hành khách đạt 248 nghìn người/ngày.
Các phương án này đều không có tính khả thi, nghĩa là doanh thu từ vé khả năng “sáng sủa” nhất cũng chỉ đủ bù đắp chi phí khai thác, không tính chi phí xây dựng. “Kể cả trong trường hợp giảm giá vé tàu bằng một nửa giá vé máy bay tuyến Hà Nội - TPHCM; tăng tối đa số ghế thương gia có giá vé cao thì việc thu hồi vốn thông qua bán vé vẫn không khả thi”, ông Iwata Shizuo, trưởng JICA cho biết.
Phương án khác được đề cập tới là “Kịch bản phát triển từng đoạn” gồm các đoạn Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang và Hà Nội - Thanh Hóa. Theo tính toán của JICA, có thể gần hoặc trên mức khả thi về kinh tế vào năm 2020 với điều kiện phải thức đẩy phát triển đô thị dọc đường sắt cao tốc. Điều này cho thấy đường sắt cao tốc có thể cạnh tranh trong cự ly trung bình, còn cự ly toàn tuyến Hà Nội - TPHCM thì hàng không chiếm ưu thế hơn.
Đoạn tuyến Huế - Đà Nẵng cũng không mang nhiều tính khả thi.
Phải tính đến lợi ích xã hội lâu dài
Trong khuôn khổ Hội thảo về đường sắt cao tốc Bắc Nam được tổ chức vào ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Đức Thịnh khẳng định, đây là một trong những dự án lớn, được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Chính phủ đã bố trí vốn ngân sách để lập và thẩm tra báo cáo đầu tư cho dự án và xem xét để trình Quốc hội vào tháng 5/2010. Ngoài ra, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
(Ảnh minh hoạ)
Một cán bộ lãnh đạo của Bộ GTVT cũng cho biết, Việt Nam hoàn toàn đủ cơ sở để tin vào tiến độ dự án này bởi có được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Phía Việt Nam cũng đã thống nhất áp dụng công nghệ Shinkansen của Nhật Bản cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ký hợp đồng nghiên cứu đầu tư liên doanh giữa Việt Nam và ba đối tác Nhật Bản. “Rõ ràng, ngoài tính toán về kinh tế, Việt Nam phải tính đến những lợi ích xã hội mang tính lâu dài”, vị lãnh đạo này khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Bằng - TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, theo tính toán, đường sắt cao tốc sẽ giảm tai nạn giao thông đường bộ đến 26%, tiết kiệm được chi phí khai thác phương thức vận tải 57%, tiết kiệm chi phí thời gian đi lại là 17%. “Với lợi ích xã hội như vậy, tôi đề nghị JICA sửa lại kết luận của báo cáo”, ông Bằng nói.
Tuy nhiên, trao đổi bên lề hội thảo, ông Bằng cũng nghiêng về phương án có thể triển khai từng đoạn tuyến thay vì triển khai toàn tuyến như ý kiến ông đưa ra trước đây.
trích :dân trí
[confused][frown].No comment