Khi du lịch ở Cairo tôi gặp một thanh niên người Ðức ở cùng một khách sạn, cùng ngồi uống cà phê trong một quán vắng vẻ. Vì lý do xã giao bắt buộc, hai người phải chào hỏi nhau, và sau vài câu chuyện vãn, một câu hỏi tự nhiên là: “Anh ở nước nào tới đây?”
Khi biết quê quán anh ta ở thành phố Hannover, Ðức quốc tới, tôi hỏi thăm anh có biết về ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng tại đó không? Anh biết tiếng, nhưng anh chưa có dịp thăm chùa vì đã đi làm việc ở Berlin từ lâu. Khi nghe tôi từ California sang đây và là người Việt Nam, anh thú nhận chưa đi thăm Việt Nam bao giờ. Nhưng anh lại hỏi tôi ngay một câu: “Tại sao nước lụt lớn đến chết người như vậy? Chỉ mưa thôi mà?”
Tôi phải nghĩ mấy giây mới hiểu câu hỏi của anh. Có một bản tin cũ mấy tuần trước về cảnh lụt lội ở Hà Nội, đã đăng trên báo Người Việt trước khi tôi rời California! Nhưng không thể ngờ người nước khác họ cũng chú ý đến tin đó; đến nỗi một người Ðức trẻ tuổi, đang đi công tác ở Ai Cập, mà lại quan tâm đến tin mưa và lụt ở Hà Nội như vậy! Quả thật là bất ngờ! Chắc lâu lắm báo chí nước họ mới có một tin quan trọng về nước Việt Nam đáng đọc, và anh ta muốn tỏ ra có chú ý đến nước Việt Nam nên mới hỏi thăm về chuyện này.
Là người Việt Nam thì vốn tính sĩ diện. Tôi cố giải thích cho anh hiểu rằng thành phố Hà Nội được thiết kế từ hơn thế kỷ trước, khi người ta ước tính dân số lên cao nhất chỉ tới mấy trăm ngàn. Mấy năm gần đây dân số mới tăng, giờ lên tới bốn triệu người, thành ra hạ tầng cơ sở không đủ đáp ứng!
“Nhưng chết đến 55 người thì nhiều thật!” Anh bạn trẻ vẫn tỏ ý thương xót. Tôi công nhận chuyện ấy thật khó hiểu! Không thể nào tự bào chữa cho nước mình được, tôi đánh trống lảng, quay sang hỏi anh ta tới Ai Cập dự hội nghị về cái gì, chỉ cốt bỏ qua chuyện Hà Nội Lụt.
Làm người Việt Nam, dù ở đâu, đi đâu, mình cũng chia sẻ tiếng tốt hay tiếng xấu của nước Việt Nam. Mình chưa kịp khoe khoang bốn ngàn năm văn hiến mà người ta đã hỏi thăm chuyện lụt lội chết người ngay ở thủ đô (sắp kỷ niệm 1000 năm lịch sử), thì mình cũng chia sẻ nỗi xấu hổ với đồng bào mình vậy. Là đồng bào thì phải chịu trách nhiệm chung với nhau cả. Cũng may trong mấy ngày sắp tới đây tôi sẽ không gặp người Nhật Bản nào cả. Tội nghiệp cho mấy người bạn tôi ở Nhật Bản, chắc họ vẫn bị những người chung quanh hỏi thăm về vụ công ty PCI hối lộ ở Việt Nam! Không ai nỡ chối rằng mình không chịu trách nhiệm nào về những chuyện đó!
Tôi cảm thấy nhục khi nghe tin hôm qua chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông báo cúp bớt viện trợ phát triển ODA theo lối tín dụng lãi suất nhẹ cho Việt Nam. Họ nói rõ, tạm ngưng cho đến khi nào đảng Cộng Sản Việt Nam chứng tỏ họ có thể trừ nạn tham nhũng, hối lộ. Nghe tin đó, người Việt Nam ở bất cứ phương trời nào cũng cảm thấy nhục nhã. Không biết báo chí bên Ðức có loan báo tin này như tin mưa lụt ở Hà Nội hay không. Người Việt Nam ở khắp thế giới có thể được người ngoại quốc hỏi thăm về câu chuyện này. Một anh bạn tôi ở Zurich, Thụy Sĩ nhưng hay làm việc và tiếp xúc với người Nhật ở đó, không biết có người nào hỏi thăm anh chuyện này chưa? Anh giải thích ra sao?
Quý vị độc giả đã biết rồi, chuyện các viên chức của công ty PCI bị đưa ra tòa án ở Tokyo và họ khai đã nộp tiền hối lộ cho mấy quan chức cộng sản ở Sài Gòn trong vụ Dự án Xa lộ Ðông Tây. Dân chúng Nhật Bản đều đọc tin đó trên báo chí. Vụ PMU 18 ở Hà Nội hơn hai năm trước, tiền bị ăn cắp cũng có tiền viện trợ ODA của Nhật Bản nữa.
Dân Nhật được biết chuyện PCI hối lộ từ gần một năm nay rồi, ai đọc báo cũng biết tên ông Huỳnh Ngọc Sĩ, người đã đòi PCI đút lót 2 triệu 6 đô la. Nhưng “Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Tham nhũng” của đảng cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố trong vụ này họ chưa thấy có gì cụ thể cả! Cái cụ thể sờ sờ trước mắt bây giờ là cả nước chịu nhục nhã. Họ có thấy hay không?
Một điều nhục là ông đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba đã công bố tin cúp viện trợ trong một cuộc họp báo, ngay trong ngày họp đầu tiên của hội nghị các nguồn cấp viện cho nước ta. Tiếng Anh gọi họ là các “đô no” (donors), gồm các quốc gia và các định chế quốc tế, mỗi năm họp một lần như lần này. Các quan chức cộng sản Việt Nam có vẻ ngớ ra, không ngờ cái tin bị cúp hàng tỷ đô la viện trợ được tung ra giữa công chúng! Thật là nhục nhã!
Nếu khéo “ngoại giao” hơn, nghĩa là nếu muốn tỏ vẻ kính trọng chủ nhà một chút thôi, chính phủ Nhật có thể cho tin xấu này được tiết lộ ra theo cách khác, nhè nhẹ và chầm chậm.
Tại sao chính phủ Nhật không thông báo cho chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biết trước một ngày, rồi chính họ loan báo tin buồn này trước khi họp hội nghị? Sau đó, khi báo chí hỏi, ông đại sứ Nhật chỉ gật đầu xác nhận là đủ rồi. Làm như vậy sẽ giữ được thể diện, không phải riêng thể diện của đám lãnh tụ cộng sản tham nhũng mà cũng nên bảo vệ mặt mũi cho cả dân tộc Việt Nam 84 triệu người nữa chứ!
Công bố việc cắt viện trợ trước công chúng đã là một tin làm mất mặt nước chủ nhà rồi, nhưng ông Ðại sứ Mitsuo Sakaba còn nặng tay hơn nữa. Ông nói thẳng lý do cúp tiền là vì chính quyền cộng sản Việt Nam tham nhũng quá. Ông nói viện trợ Nhật sẽ được tiếp tục trở lại khi nào đảng Cộng Sản Việt Nam cộng tác với chính phủ Nhật thiết lập một hệ thống bài trừ tham nhũng có hiệu quả.
Nói cách khác, Ðại sứ Mitsuo Sakaba tố cáo thẳng trước một hội nghị quốc tế rằng những món viện trợ cho nước Việt Nam chỉ nuôi một bọn tham nhũng. Dù thương yêu muốn giúp 84 triệu người dân Việt Nam đến mấy, chính phủ Nhật cũng không thể chấp nhận cảnh tiền bạc do dân Nhật đóng thuế bị bọn ăn cướp cộng sản Việt Nam lấy bỏ túi như vậy! Có thể coi đây là một cái tát vào mặt nhóm người cầm quyền ở nước ta.
Nhật Bản là quốc gia viện trợ cho Việt Nam nhiều nhất, số tiền Nhật cho bằng một phần ba tổng số các nước. Các nước khác sẽ lấy đó làm gương. Tất cả các nước cấp viện sẽ phải đặt câu hỏi này: Tại sao chính phủ Nhật Bản có can đảm công khai buộc tội đám người gian tham này, và Nhật Bản đã đưa ra biện pháp trừng phạt, còn chính phủ nước mình vẫn ngậm miệng, lại còn bỏ tiền ra nuôi tiếp cho chúng béo phì ra? Tại sao chính phủ Nhật Bản có tinh thần trách nhiệm đối với dân chúng họ, còn chính phủ các nước khác lại không thận trọng hơn trong việc đem tiền nuôi bọn kẻ cắp?
Nếu chính phủ các nước cấp viện không tự đặt câu hỏi đó, thì chính người dân và báo chí các nước đó sẽ có lúc đặt câu hỏi. Và kết quả sẽ không phải chỉ có số tiền viện trợ cho 84 triệu người Việt Nam sẽ bị giảm bớt. Hậu quả đau đớn nhất là nỗi nhục nhã cả một nước phải chịu, do một bọn cầm quyền thối nát gây ra!
Một nước phải ngửa tay xin tiền đã là nhục rồi. Nhưng trong thế giới bây giờ có bao nhiêu nước nghèo vẫn được các nước giầu viện trợ, nước mình cũng ngang hàng với nhiều nước Á Châu, Phi Châu khác, cho nên nỗi nhục này còn nhịn được.
Nhưng đã đi xin tiền rồi, đem tiền bố thí về nhà rồi, trong nhà còn ăn cắp của nhau nữa, nhục nhã làm sao đây! Ăn cắp trâng tráo như thế mà bọn họ cứ tiếp tục bao che tội cho nhau mấy chục năm nay, cả nước không ai dám nói gì, không dám làm gì cả, không thấy là nhục hay sao?
Ăn cắp những số tiền lớn một cách vô liêm sỉ đến nỗi chính phủ nước ngoài họ phải ngưng cho tiền vì sợ dân của họ phản đối! Ðại sứ Nhật Bản đã nói rằng dân chúng nước ông không cho phép chính phủ đem tiền cho những nước nghèo để lọt vào tay bọn căn cắp. Người Nhật đang tự hỏi nhau tại sao nước Việt Nam nhiều kẻ cắp thế! Niềm tủi nhục đó cả nước phải chịu đựng cho đến bao giờ?
Sáu tháng nay dân Nhật Bản ai cũng biết sự tích ông Huỳnh Ngọc Sĩ được lì xì hàng triệu đô la Mỹ bằng tiền mặt, còn báo chí Việt Nam thì không ai dám đi tìm hiểu xem ông ta sống thế nào, nhà cửa, gia đình ra sao, con cái học hành ở đâu. Không phóng viên nào dám đi tìm phỏng vấn các người cộng sự hay cấp chỉ huy của ông ta cả. Phải cắn răng ngậm miệng, không dám hỏi, không dám nói như vậy cho đến bao giờ?
Chúc các bạn may mắn, khi ra ngoài đường, đi du lịch, không gặp người Nhật Bản nào cả. Giống như ông bạn trẻ người Ðức gặp tôi ở Cairo, tự nhiên tò mò hỏi tại sao thành phố Hà Nội bị lụt khiến mình lúng túng. Làm người Việt Nam lúc nào mình cũng muốn bảo vệ thể diện cho đất nước. Nhưng làm sao bảo vệ được thể diện của ông Huỳnh Ngọc Sĩ và các đồng chí của ông ta bây giờ!
(Nguồn: Người Việt, ngày 4.12.2008 )
Ngô Nhân Dụng