Bắc Kinh – Tokyo khai hỏa “cuộc chiến tàu hải giám”
Với tỷ lệ đa số tuyệt đối 328 phiếu thuận, Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) Shinzo Abe đã được Quốc hội bầu làm thủ tướng thứ 96 của Nhật Bản tại phiên họp toàn thể đặc biệt ngày 26/12 và việc này báo hiệu một cuộc khẩu chiến mới giữa Tokyo và Bắc Kinh xung quanh tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Để thể hiện quyết tâm của mình trong vấn đề này, tân Thủ tướng Shinzo Abe đã bổ nhiệm Hạ nghị sĩ Itsunori Onodera làm Bộ trưởng Quốc phòng, người từng là thư ký Quốc hội về các vấn đề đối ngoại dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi, Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Yasuo Fukuda trước đây.
Ngoài ra, Chủ tịch LDP còn bổ nhiệm cựu Thủ tướng Taro Aso làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, ông Fumio Kishida, cựu Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Okinawa là Ngoại trưởng, Hạ nghị sĩ Toshimitsu Motegi làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Hạ nghị sĩ Akira Amari làm Bộ trưởng phục hồi kinh tế, Hạ nghị sĩ Takami Nemoto làm Bộ trưởng phụ trách tái thiết…
Nhật – Trung sẽ cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng?
Ngày 26/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) đã kêu gọi tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đáp lại sự thỏa hiệp của Bắc Kinh nhằm tìm cách cải thiện mối quan hệ vốn bị phương hại bởi vụ tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên.
Theo bà Hoa Xuân Oánh (Doanh), Trung – Nhật cần có những nỗ lực cụ thể nhằm vượt qua khó khăn trong quan hệ song phương và điều này là cần thiết để đưa quan hệ Trung – Nhật trở về lộ trình phát triển bình thường.
Tuy nhiên, bà Hoa Xuân Oánh (Doanh) cũng tái khẳng định lập trường của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông: Đây là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và Bắc Kinh mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, thương lượng và nhiệm vụ cấp bách đối với Nhật Bản hiện nay là tỏ rõ sự chân thành cũng như có những hành động cụ thể nhằm vượt qua tình hình hiện nay và cải thiện quan hệ song phương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh)
Trước đó (25/12), bà Hoa Xuân Oánh (Doanh) cũng hoan nghênh tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc, ông Kitera Masato – Bắc Kinh hy vọng, Đại sứ mới của Nhật Bản tại Trung Quốc có thể giúp cải thiện mối quan hệ Trung – Nhật, cũng như tăng cường đối thoại nhằm giúp giải quyết những bất đồng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực.
Ngày 24/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay thông qua thương lượng, đàm phán với Chính phủ Nhật Bản, song Bắc Kinh “quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là không thay đổi”.
Giới truyền thông đưa tin, ngày 25/12, tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Kitera Masato chính thức nhậm chức, thay thế người tiền nhiệm Uichiro Niwa hết nhiệm kỳ về nước.
Ông Kitera Masato được đánh giá là nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm của Nhật Bản và nhận nhiệm vụ này trong bối cảnh quan hệ Nhật – Trung đang tiếp tục căng thẳng do tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Trước đó (20/12), Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã tổ chức gặp mặt để chia tay Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa và chào mừng Đại sứ mới Kitera Masato.
Cách đây hơn 10 ngày (15/12), ông Kitera Masato từng bày tỏ tin tưởng mối quan hệ thân thiện giữa Tokyo và Bắc Kinh sẽ được khôi phục và phát triển hơn nữa trong tương lai, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh, vấn đề tranh chấp lãnh thổ rất khó nhượng bộ và Tokyo hy vọng giải quyết một cách hòa bình, cũng như cần đối thoại dựa trên tình hình chung để tăng cường mối quan hệ.
Cũng trong ngày 25/12, bà Hoa Xuân Oánh (Doanh) cũng cho biết: Bắc Kinh luôn cảnh giác sau khi Nhật Bản triển khai máy bay tiêm kích đến không phận trên biển Hoa Đông. Giới truyền thông và quân sự Nhật Bản cho biết, máy bay cánh quạt Y-12 của Cục quản lý Hải dương Quốc gia Trung Quốc bị phát hiện ở địa điểm cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 100km về phía bắc và đã bị máy bay chiến đấu nước này xua đuổi.
Được biết, ngày 24/12, Tokyo phải triển khai chiến đấu cơ để sẵn sàng đối phó sau khi một máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong mấy ngày qua, phi cơ chiến đấu của Nhật Bản và máy bay Trung Quốc “đối đầu” nguy hiểm ở khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Trước đó (22/12), Nhật Bản từng điều máy bay chiến đấu để ngăn chặn một máy bay thuộc Cục quản lý Hải dương Quốc gia Trung Quốc sau khi máy bay này đi vào không phận phía trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngày 13/12, Tokyo đã điều 8 chiến đấu cơ F-15 để chặn máy bay Trung Quốc khi xâm phạm không phận trên quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Tân Thủ tướng Shinzo Abe vừa quyết định sẽ tạm không điều động quan chức ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ít nhất là trong thời điểm này, để tránh làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tân Thủ tướng Nhật Bản cũng nhấn mạnh: Đó không phải là sự thay đổi trong quan điểm của Tokyo bởi trước đó Chủ tịch (LDP) Shinzo Abe từng tuyên bố, Nhật Bản sẽ tái bố trí tàu khu trục và tàu tuần tra để đối phó với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vì Tokyo cảm thấy mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc lớn hơn bao giờ hết.
Lời nói không đi đôi với việc làm
Ngày 26/12, tờ Manila Standard Today dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, cơ quan này đang xác minh việc Trung Quốc đầu tư 1,6 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay, cầu cảng, đóng thuyền cho cái gọi là “thành phố Tam Sa” (vi phạm nghiêm trọng chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) trước khi quyết định đưa ra phản ứng chính thức.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, đã chỉ đạo Đại sứ quán Philippines tại Trung Quốc xác minh thông tin này. Việc này diễn ra sau khi Hãng tin Bloomberg ngày 25/12 dẫn nguồn tin từ Chủ tịch tỉnh Hải Nam Tưởng Định Chi cho biết, Bắc Kinh đã phê duyệt gói kinh phí trị giá 10 tỉ NDT (1,6 tỉ USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có 1 sân bay, cầu cảng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Tân Thủ tướng Shinzo Abe
Chính phủ Trung Quốc cũng dự định xây dựng một hải cảng mới, một nhà máy khử muối có khả năng xử lý 1.000 tấn nước biển/ngày, một trạm phát điện năng lượng mặt trời có công suất 500KW, các cơ sở xử lý rác và xử lý nước thải thân thiện với môi trường. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario từng nhấn mạnh, việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” là một bước leo thang nhằm tăng cường tính pháp lý của đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các nước hữu quan.
Cũng trong ngày 26/12, tờ Inquirer đưa tin, sau khi xác minh thông tin Trung Quốc quyết định rót 1,6 tỉ USD để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernadez tuyên bố: Đây là hành động nhằm củng cố tuyên bố về đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông, là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Ông Raul Hernandez cho biết thêm, Philippines không thừa nhận cái gọi là “thành phố Tam Sa” và sẽ thúc đẩy các kế hoạch chính trị, pháp lý và ngoại giao để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Theo nhận định của tờ World Politics Review (Mỹ) ngày 22/12, sau hàng loạt cuộc trao đổi ngoại giao căng thẳng nhưng bất thành, Philippines và Trung Quốc đang đứng bên bờ vực của một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp trong cuộc tranh chấp bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông.
Ngày 24/12, Viện Khoa học Xã hội và Nhà xuất bản Văn hiến Khoa học Xã hội Trung Quốc đồng phối hợp tổ chức buổi công bố “Sách Vàng kinh tế thế giới”, “Sách Vàng tình hình quốc tế” và “Báo cáo chính trị và an ninh toàn cầu” năm 2013.
Trong đó, “Sách Vàng tình hình quốc tế” đề cập nhiều đến vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và nhân tố Mỹ tại khu vực. “Sách Vàng tình hình quốc tế” cho rằng, vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku không ngừng leo thang đã khiến quan hệ Trung – Nhật rơi vào tình trạng nghiêm trọng nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao đến nay và không thể loại trừ khả năng bùng phát xung đột.
Giới quân sự cho rằng, việc điều tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất (Ngư chính 206) đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 12/12 là minh chứng rõ nhất cho nhận định “Trung Quốc đang tăng cường sử dụng tàu tuần tra, hải giám, ngư chính để khẳng định chủ quyền ở những khu vực lãnh hải tranh chấp”.
Mỹ đang khiến Trung Quốc khó chịu
Trung Quốc vừa phản đối dự thảo ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2013 bởi Washington thừa nhận quyền kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo đang có tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Điều đáng nói là việc này diễn ra trong bối cảnh Mỹ nhiều lần tuyên bố không đứng về phe nào trong tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư, nhưng động thái kể trên thực sự khiến Bắc Kinh “cay mũi”.
Giới truyền thông cho rằng, việc Thượng nghị sĩ John Kerry vừa được Tổng thống Barack Obama đề cử làm Ngoại trưởng thay thế người tiền nhiệm Hillary Clinton cũng thực sự khiến Trung Quốc quan ngại bởi ông từng nhấn mạnh: Trung Quốc và một số nước khác đang đưa ra những đòi hỏi phi pháp ở Biển Đông, đồng thời cho rằng, việc tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) sẽ giúp nâng cao lập tức uy tín của Mỹ và có thể đẩy lùi những đòi hỏi chủ quyền quá đáng, những lệnh cấm phi pháp đối với các chiến hạm và tàu chở hàng của Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Tàu Trung Quốc đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku
Trong khi đó, Giáo sư danh dự Trường đại học Keio của Nhật Bản Tadao Kuribayashi, một trong những người tham gia soạn thảo UNCLOS để tạo ra một cơ cấu khung chủ yếu cho các luật biển quốc tế sau khi được thông qua cách đây 30 năm cho rằng, UNCLOS đã tạo ra động lực cho sự hợp tác về biển giữa các nước và UNCLOS cũng đã được thể hiện để nâng cao tiếng nói và hình ảnh của các nước đang phát triển trong cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, ông Tadao Kuribayashi cũng khuyến cáo: Tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không thể giải quyết qua cơ cấu UNCLOS.
Theo nhận định trong “Báo cáo An ninh Trung Quốc 2012” của Viện Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản (đăng trên trang tin Wantchinatimes.com ngày 24/12), Cục quản lý Hải dương Quốc gia Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động 36 tàu hải giám cỡ lớn trước năm 2014 nhằm tăng cường hoạt động ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Trước tình hình này, cảnh sát biển Nhật Bản quyết định điều 40 tàu tuần tra cỡ lớn tới giám sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời lập đơn vị bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Giới quân sự cho rằng, việc Trung Quốc đóng thêm tàu hải giám nhằm tăng cường hoạt động ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và có thể Bắc Kinh còn triển khai tàu hải giám hoạt động trong phạm vi rộng hơn, chẳng hạn ở Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Masayuki Masuda cho rằng, tăng cường tuần tra là một phần trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm thách thức và chấm dứt sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng trong ngày 24/12, giới truyền thông Đài Loan cho biết, Trung Quốc đã phát triển được chiến đấu cơ tàng hình thứ ba J-18 với khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng và cộng đồng quân sự thế giới đang đặc biệt quan tâm tới đến bước tiến này. Tầm bay của J-18 được ước tính khoảng 2.200km với vận tốc tối đa 2,5 Mach (gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh), có khả năng tàng hình rất cao và được trang bị một hệ thống radar APAR. Đây là điều khiến giới quân sự quan tâm bởi đây là một động thái đáng quan tâm trong khu vực.
(NLM)